Hôm nay chúng ta cùng bàn về sự đánh đổi.
Trong kinh tế học có một khái niệm cơ bản được gọi là "chi phí cơ hội". Chi phí cơ hội được định nghĩa là giá trị của lựa chọn tốt nhất bị bỏ qua khi bạn đưa ra một quyết định kinh tế nào đó. Ví dụ đơn giản, khi bạn bỏ ra 2 tiếng đồng hồ để chơi game thì chi phí cơ hội của việc chơi game đó là số tiền lương đáng lẽ bạn có thể nhận nếu bạn quyết định đi làm thêm, hoặc 2 tiếng đồng hồ cho việc nghỉ ngơi thư giãn.. Về căn bản, chi phí cơ hội bàn luận tới khái niệm "đánh đổi". Bất cứ khi nào bạn lựa chọn một điều gì đó thay vì thứ khác, đó là sự đánh đổi.
Khái niệm về sự đánh đổi được định nghĩa trong kinh tế học như sau:
Đánh đổi (trade-off) là sự xung đột giữa các mục tiêu chính sách dẫn tới kết quả là chỉ đạt được một mục tiêu chính sách sau khi đã từ bỏ mục tiêu khác.
Tham khảo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân
Khái niệm này thường được dùng trong bối cảnh lạm phát và thất nghiệp cùng tồn tại: chính phủ chỉ có thể giảm được thất nghiệp khi làm tăng lạm phát, hay nói cách khác là cái giá của việc cắt giảm thất nghiệp là lạm phát và ngược lại. Nếu sự đánh đổi này tồn tại, thì chính phủ không thể đồng thời cắt giảm lạm phát và thất nghiệp, mà chỉ có thể “đổi” một ít lạm phát lấy một ít thất nghiệp
Dựa theo đường cong Phillips về sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, chính phủ phải chấp nhận hi sinh một mức lạm phát cao hơn cho một mức thất nghiệp thấp hơn và ngược lại, một sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao.
Phillips Curve | StreetFins
Phillips Curve | StreetFins
Bản chất của đánh đổi là sự mâu thuẫn, xung đột giữa các mục tiêu, ước muốn của con người dẫn tới kết quả con người buộc phải từ bỏ một hoặc nhiều mục tiêu khác để đạt được mục tiêu mà mình lựa chọn.
The disregard of tradeoffs and opportunity costs play out in the same pattern again and again in our lives. We try to do everything and end up accomplishing nothing.
Chúng ta đối mặt với sự đánh đổi trong cuộc sống này lặp đi lặp lại. Và khi ta cố gắng để đạt được mọi thứ, thì thực chất ta chẳng đạt được gì cả. Vậy tại sao người ta lại phải đánh đổi ? Và việc đánh đổi ảnh hưởng tới quyết định của con người như thế nào ?
Trên phương diện kinh tế đã lý giải trước đó, đánh đổi là một phần tất yếu của cuộc sống mà bất cứ quyết định kinh tế nào được đưa ra cũng phải thông qua. Đánh đổi như một cửa duyệt mà con người phải dừng lại và chấp nhận từ bỏ thứ gì khác để đi tiếp. Khi bạn qua trạm thu phí, bạn đánh đổi tiền để được lưu thông; khi bạn quyết định mua khóa học ngàn đô, bạn đánh đổi hàng chục bộ quần áo hợp mốt để đăng ký; khi bạn đọc bài viết này, bạn đánh đổi 10 phút cho việc lướt web giải trí. Tuy nhiên, tôi tin là những thông tin trong đây sẽ không làm bạn có cảm giác đã bỏ phí 10 phút đó.
Economics teaches you that making a choice means giving up something. Russ Roberts
Sự đánh đổi hiện hữu trên mọi bình diện của đời sống chứ không riêng gì kinh tế học. Đánh đổi là yếu tố cốt lõi giúp cuộc sống này vận hành và nó là một trong những quy tắc cơ bản nhất của đời sống:
“Con người nếu muốn đạt được điều gì trước tiên phải dám đánh đổi cái mình đang có. Để có được một thứ, thì một thứ khác ngang giá phải mất đi. Đó, chính là quy luật đánh đổi."
Tâm lý không ngại đánh đổi định hình nên khí phách và bản lĩnh của một con người. Một cái tôi ngang tàng kiến tạo nên một con người với ý chí sắt đá, dám từ bỏ thứ mình đang có vì mục tiêu bản thân, chấp nhận hi sinh những giây phút của hiện tại vì tương lai. Họ, những người như vậy, hi sinh các lợi ích trước mặt, hi sinh cái ngắn hạn cho cái dài hạn.
Lằn ranh giữa dám đánh đổi với liều lĩnh thực ra rất mong manh. Mọi việc trên đời đều mang tính tương đối, anh nhìn cái ly vơi một nửa nhưng tôi nhìn cái ly đầy một nửa. Kẻ liều lĩnh thường ra quyết định nóng vội, thiếu suy xét và không nhất quán, đôi khi còn không xác định rõ thứ mình đang có và thứ mình cần. Người quyết đoán biết suy nghĩ, biết cân đo đong đếm thiệt hơn để đưa ra các quyết định sáng suốt và họ sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ để đạt được mục tiêu của mình.
Quá trình từ bỏ một thứ để có được thứ khác là một hành trình đau đớn nhưng nó là thứ mà chúng ta phải đối diện và trải qua từng ngày. Những quyết định ta đưa ra đồng nghĩa với việc ta từ bỏ một điều gì đó...
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
Từ bỏ những giờ phút thảnh thơi rong chơi đó đây cùng bạn bè, để học tập thêm trau dồi tri thức.
Từ bỏ công việc ổn định, để theo đuổi đam mê bấy lâu.
Từ bỏ những giấc ngủ ngon, để nâng cao thu nhập.
Từ bỏ tình yêu, vì sự nghiệp...
Những quyết định đó, bây giờ đang làm bạn mỉm cười hay hối tiếc ? Nếu được chọn lại, bạn có giữ nguyên lựa chọn của mình hay không ? Chỉ khi ta ngoảnh mắt lại nhìn những thứ ta đã bỏ lỡ, ta mới thấy ta còn trẻ dại, ngông nghênh tới nhường nào. Nhưng vào thời khắc đó, ta đã chấp nhận đánh đổi, và đó cũng chỉ là nửa kia của ly nước. Đó là sự tiếc nuối..
Ta có thể làm gì để tận dụng cách vận hành của quy luật đánh đổi và khiến nó giúp ích cho cuộc sống của chúng ta ? Hãy cùng đọc tiếp câu chuyện dưới đây:
Tình cờ trong bài viết chia sẻ của chị Chi Nguyễn - chủ nhân của blog The Present Writer về vấn đề quản lý thời gian, mình có đọc được và tìm hiểu thêm về thuyết bốn lò lửa. Đại khái, bốn lò lửa vận hành như một quy tắc trong cuộc sống, với nội dung cốt lõi rằng ta không thể cùng lúc có được tất cả, ta phải chấp nhận hi sinh những yếu tố khác khi muốn tập trung vào một việc. Nội dung mà chị Chi chia sẻ như sau:
Tưởng tượng rằng cuộc sống của bạn như một cái bếp có bốn lò. Mỗi lò biểu tượng cho một mặt của cuộc sống: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bè bạn, lò thứ ba là sức khỏe, lò thứ tư là công việc. Lý thuyết Bốn lò lửa cho rằng: “Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò” Điều này có nghĩa là, cái gọi là "cân bằng cuộc sống" thực ra không bao giờ là hoàn hảo, bạn khó có thể vừa lo cho gia đình chu toàn, lại vừa có thời gian với bạn bè, vừa chăm sóc sức khỏe cá nhân, lại vừa tập trung được cho công việc. Mà có chăng, nếu bạn có làm được tất cả mọi thứ cùng lúc như vậy, thì chất lượng mỗi thứ cũng sẽ khó có thể tốt được vì bạn bị phân tâm, dàn trải quá nhiều. Vì thế, thay vì nghĩ mình phải chia đều sự quan tâm vào tất cả mọi mặt, bạn có thể nghĩ về công việc - cuộc sống theo từng giai đoạn hoặc từng thời điểm trong ngày. Ví dụ, ở giai đoạn này mình phải lo cho gia đình thì mình chấp nhận lò lửa công việc và bạn bè sẽ bị bỏ ngỏ.; sau khi việc gia đình đỡ bận thì mình sẽ quay lại bù đắp cho công việc và bạn bè. Hay như trong một ngày, khi vào giờ làm việc thì mình sẽ bật lò lửa công việc lên cháy rực nhất, khi về nhà thì tắt lò lửa công việc và bật lên lò lửa gia đình, sức khỏe, bạn bè.... Mọi người có thể xem bài viết đầy đủ của chị Chi Nguyễn tại đây
Đúng như chị Chi nói, cái gọi là "cân bằng cuộc sống" thật ra không bao giờ là hoàn hảo. Sự cân bằng ở đây chỉ mang tính chất tương đối, bốn lò lửa được đưa ra tượng trưng cho bốn khía cạnh của đời sống con người. Điều quan trọng là chúng ta biết bật lò lửa này khi nào và tắt nó đi khi nào. Thuyết bốn lò lửa là một ví dụ đặc trưng minh họa cho quy luật về sự đánh đổi trong cuộc sống, hiểu và vận dụng được nó vào trong thực tế là cách để bạn dần dần dung hòa được đời sống cá nhân, gia đình, công việc và xã hội một cách tốt hơn.
Blogger Chi Nguyễn - chủ nhân blog The Present Writer
Blogger Chi Nguyễn - chủ nhân blog The Present Writer
Điều tiếp theo mà tôi muốn chia sẻ, đó là về tư duy "làm ít là làm nhiều". Trong cuộc sống bộn bề lo toan hiện tại, chúng ta có vô vàn công việc phải hoàn thành, các dự án dự định còn dang dở. Ta muốn bắt tay vào làm, nhưng không biết là từ đâu vì sự quá tải thông tin mà não bộ muốn tiếp nhận.
Giải pháp cho vấn đề này thực sự rất đơn giản, đó là làm ít lại. Kỹ năng này còn được biết đến với cái tên Prioritization - Ưu tiên hóa. Làm ít lại không phải là bỏ ngỏ những việc khác, mà nó cần bạn tập trung vào một số đầu việc nhất định. Để thực hiện, bạn cần tạo lập một Master Checklist bao gồm các công việc cần làm. Tiếp đó, sắp xếp đầu việc theo biểu đồ QUAN TRỌNG / GẤP của Eisenhower để biết việc gì vừa gấp vừa quan trọng, việc gì gấp nhưng không quan trọng, việc gì quan trọng như không gấp, việc gì không gấp cũng chẳng quan trọng.
The Eisenhower Decison Matrix
The Eisenhower Decison Matrix
Một số các công việc ít quan trọng và khẩn cấp cần được từ bỏ ở thời khắc hiện tại để bạn có thể tập trung và dồn nguồn lực vào hoàn thành các công việc được ưu tiên. Đây là một trong vô vàn những cách mà quy luật đánh đổi tác động tới cuộc sống của chúng ta, việc tìm hiểu về nó là một điều bạn nên biết để có thể linh hoạt ứng biến, giải quyết các vấn đề gặp phải một cách chuyên nghiệp và khoa học.
It’s not always that we need to do more but rather that we need to focus on less. Nathan W. Morris
Một vài bài viết khác cùng chủ đề của tác giả:
Tài liệu tham khảo: 1. https://fs.blog/tradeoffs-decision-making/ 2. https://thepresentwriter.com/quan-ly-thoi-gian/ 3. https://tacoto.vn/read-blog/462_quy-lu%E1%BA%ADt-%C4%91%C3%A1nh-%C4%91%E1%BB%95i.html 4. https://www.wlin.com.vn/ky-nang/prioritization-ky-nang-sap-xep-cong-viec-theo-thu-tu-uu-tien.html