Mình vừa xem Friends phần 7 tập 14, nói về Rachel khi bước sang tuổi 30. Chị ấy đặt ra những mục tiêu trong cái tuổi 30s, bao gồm có bao nhiêu đứa con, sinh thế nào cho giãn cách hợp lý, và phải yêu ai từ bao giờ cho kịp thời gian dự tính ấy. Thế rồi chị chia tay Tag, bạn trai ở thời điểm hiện tại, người vẫn ở tuổi 24, vì đã đến lúc chị cần phải tìm người có thể đi xa hơn cùng nhau chứ không còn là lúc chơi bời nữa. Khi chia tay chị ấy nói, ước gì mình trẻ lại 6 năm tuổi.
6 năm tuổi về trước, tức là mình đang 15. To be honest, mình của tuổi 21 so với mình của tuổi 15 về mặt ngoại hình là không hề có sự thay đổi, trừ kiểu tóc. Cách ăn mặc vẫn như hồi 18 19. Vẫn bị nhầm là nhóc cấp 2. Vào bất cứ đâu mua đồ cũng dễ dàng xưng em với tất cả nhân viên nữ, và được các chị nâng niu như 1 chú gà con. Về cơ bản thì mình vẫn hài lòng với cuộc đời của mình như năm 15 ấy, thậm chí là còn hơn dù không có người yêu nữa nhưng mình lại có một chuyên ngành thú vị để tìm hiểu, những người bạn cùng lớp chung lý tưởng luôn giúp đỡ nhau, vòng tròn bạn bè xung quanh cũng yêu thương mình hết mực. Xíu páo của Lê, áo của Đoàn, cả áo Giang Minh định tặng nữa. Chị Hằng của Chủ Động vẫn gọi mình là em bé rất thân thương. Lên lớp thuyết trình được các bạn cười nói "Cảm ơn Méo" thấy vui như đứa trẻ. Vẫn là một đứa trẻ dù đã lớn lên nhiều. Sâu thẳm vẫn luôn là 1 đứa trẻ còn quá đỗi yêu đời bằng trái tim xanh non.
Nhưng về cơ bản thì ở Việt Nam tuổi để bắt đầu nghĩ đến chuyện settle down là 22 trở đi, 25 còn lông bông là người ta đã xét nét lời nói ra vào, đâu như ở đất Mỹ, đất Hàn, 30 tuổi vẫn còn phơi phới. Vậy nên mình đã ngưỡng mộ Hana thật nhiều, Hana 32 tuổi nhưng vẫn còn trẻ trung quá, tâm hồn chẳng thể già, và có lẽ đã phải chịu nhiều lời ra tiếng vào vì chưa lấy chồng như mong đợi của thiên hạ. Dù Hana rất tuyệt, rất giỏi, nấu ăn ngon đỉnh, khéo tay, nữ tính, đáng yêu, thì có lẽ chỉ đơn giản là chị chưa muốn gả cuộc đời quá đẹp của mình vào tay bất cứ người đàn ông nào không thể đối tốt với chị bằng chị như thế. Mình cũng chùn bước trước cái gọi là settle down, dù mình còn quá quá trẻ. Mình vẫn đang học và muốn học nhiều hơn nữa, còn sợ lắm những ngày chỉ có đi làm nơm nớp lo không còn bạn bè ở bên. Mình vụng nát, đoảng, 10 bữa thì được 1 bữa ưng. Mình không thích trẻ con, không trông được trẻ, bế cũng khó khăn. Mình, sợ phải lấy chồng. Thậm chí ngay lúc này mình sợ cả yêu, khi xung quanh bộn bề quá chưa cả xếp gọn mọi thứ lại, những mối quan hệ vừa muốn nắm vừa muốn buông. Mình sợ cuộc đời mình bị trói buộc vào cuộc đời của người khác, sợ trói buộc với cuộc sống hôn nhân gồng lên để chiều ý tất cả mọi người. Mình sợ sống một đời như mẹ, cô đơn, không có tình yêu từ người đàn ông cả đời nâng khăn sửa túi.
Sẽ ra sao khi mình bước sang tuổi 30? Cuộc đời nom ít ỏi lắm. Đôi khi mình nghĩ tốt hơn là một cuộc đời đi làm đi học điều mình yêu nhất, rồi về nhà cùng những con mèo, và một bác giúp việc chăm nom, nấu cơm cho. Mình chả thích bếp núc, ừ, cứ cãi nhau cho thỏa trên mạng đi, nhưng mình không hề thích vào bếp. Rồi mình lại nghĩ liệu khi ấy có còn bạn bè nào rảnh rỗi ở bên khi tất cả đều có gia đình rồi? Sau đó mình là người cô độc duy nhất. Lúc ấy mới thấy cần một người để tựa vào, chở che. Rồi hối hận, rồi tan nát, rồi đau buồn vì đã quá thời gian để tìm người song hợp. Dù sẽ chẳng quá đáng được đâu, mình còn mấy còn mèo nhất định sẽ nuôi nữa.
Liệu mình sẽ khác thế nào trong 10 năm tới khi 10 năm qua mình vẫn là mình, vẫn nhí nhớn không có nhiều khác biệt. Mình, sẽ hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống mãi không? Ngày đó để mật khẩu là i love my life, hôm nay vẫn tự tiện hét lên được câu ấy. Dù quá nhiều biến cố làm tổn thương mình, nhưng mình học được cách chấp nhận và cho qua rồi. Điều gì sẽ ập đến ở những năm đang đến?
Hôm trước mình vào viện K thăm bác cả. Lúc đến là 1h chiều bác ngủ, ngồi chờ tới hơn 3 rưỡi bác mới dậy. Lúc ấy chỉ nghĩ, gặp được bác cố lên, nhỡ đâu đây là lần cuối, chẳng kịp gặp bác thì buồn biết mấy. Dù kí ức của bác có nhiều nhặn gì, vì mình cũng không chăm chỉ về quê đến thế. Nhớ nhất bức ảnh bác và vợ chụp từ thời trẻ đen trắng trong nhà. Nhớ giọng bác khàn khàn. Thi thoảng về chơi bác lại cho tiền, bác mong học hành nên người lắm. Bác bệnh nặng, không còn có thể nói được gì. Bác tỉnh, vào thăm, bác ngồi trên giường, tươi cười, chỉ vào chân, muốn nói bác đau vì chân không đi được. Bác viết ra giấy, hỏi học hành tốt không, bố mẹ có khỏe không, cảm ơn cháu vì đã đến thăm bác. Mình suýt khóc. Giữa phòng bệnh 8 giường, ai cũng xầm xì ủ dột, mình bác là vẫn tươi roi rói, thương bác nhiều. Mình chỉ hộp lạc hỏi vui vui, bác mang ra mời ăn, còn gói về nửa lọ. Bác lúc nào cũng thương con cháu thế. Bác ốm mà còn hồng hào hơn bố, 2 người chẳng mấy khác nhau. Chỉ mong bác cố lên, bác gần 70 tuổi, không trẻ, nhưng chưa già.
Thế rồi lại nghĩ đến cái ngày ông bà lên nhà chơi, bố kể ông rơm rớm nước mắt sợ cái ngày mình đi lấy chồng ông bà không còn để chứng kiến nữa. Mình buồn nhiều, thương ông bà nữa. Lớn lên nghĩa là phải chứng kiến những người thân yêu dần rời xa dương thế. Từ lúc bước sang tuổi 20, chẳng biết đã chứng kiến bao nhiêu đau thương, người đi bỏ lại người ở. Quy luật tự nhiên, không cưỡng lại được số mệnh cuộc đời. Rồi tự hỏi, mình nên sống nhanh hay sống chậm, nên sống vì họ hay sống vì mình. Sống cho ai, cũng thấy thương quá.
Trước đã viết 1 bức thư cho mình của tuổi 20, nhưng làm mất. Giờ cũng định viết thư cho mình của tương lai, mà chưa muốn đặt bút. Nghĩ thôi đã não nề. Giá cứ 18 rồi lại 19, rồi lại về 18, thì tốt nhỉ?
Mấy hôm nay ngủ chẳng được mấy đi, cũng chẳng ngon nghẻ gì.