Tha thứ không có nghĩa là bạn quên đi, mà là cách bạn chấp nhận rằng có nhiều thứ chúng ta không thể thay đổi được. Tha thứ không chỉ là hành động áp dụng cho người khác, mà còn là tha thứ cho chính bản thân mình.
Năm tôi 23 tuổi, tôi đã nghĩ rằng: cứ làm là được, làm điều mình thấy đúng, thấy có ý nghĩa. Đã làm thì không được sợ hãi, đừng sợ hãi những điều mình chưa biết, chưa thử. Nhưng rồi, tuổi 23 qua đi với nhiều dấu ấn. Có những điều tốt đẹp, những kỷ niệm đáng nhớ và có những điều bản thân muốn quên đi, không bao giờ muốn nghĩ lại. Trong lúc bất chợt nghĩ lại, rõ ràng đôi khi mình có thể tha thứ cho sai phạm của người khác, và rồi ta sẽ quên đi nhanh thôi. Nhưng cũng có những điều rất nhỏ nhưng chúng ta vẫn mãi giữ trong lòng, không hiểu giữ lại để làm gì. Nhưng chính vì vậy, khi đối diện với những người đó, mình luôn nhìn họ với "ánh mắt quá khứ" nghĩa là không chấp nhận những thay đổi, những điều tích cực từ họ mà luốn nghĩ và "thấy" những thứ trong quá khứ. Và không chỉ dùng "ánh nhìn quá khứ" đó để đối xử với người khác mà còn cả đối với chính bản thân mình. Có những điều hối tiếc trong quá khứ, những sai lầm của chính mình dẫn đến những tổn thất nhất định đối với mình và với người khác. Mình tự trách chính mình, và tìm mọi cách để khắc phục những điều đó, níu kéo lại những thứ đã vỡ tan. Nhưng có những lúc mình tự hỏi, liệu việc cố gắng đó có ý nghĩa không, hay bản thân nên chấp nhận rằng điều đó đã xảy ra, không thể thay đổi. Nếu là trước đây, ai bảo với mình quên đi những sai lầm trong quá khứ chắc mình sẽ nghĩ rằng đó là người vô trách nhiệm. Nhưng bây giờ thì mình nghĩ lại, thấy việc đó cũng không dễ dàng gì, và có khi đó là điều tốt nhất dành cho sự việc đó. 

Để có được bản thân hôm nay, đã phải trải qua rất nhiều ngày, rất nhiều sự việc, có những thứ bên ngoài sự mong đợi theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nếu bản thân cứ mãi bám víu với những gì đã qua thì đâu còn chỗ trống cũng như sức lực cho chặng đường phía trước. Thay vì cố gắng khắc phục một điều mà ta thấy rằng ta không thể làm được, thay vì dằn vặt bản thân, thay vì hối tiếc điều ta đánh mất thì hãy nhớ đó như một bài học, hãy nghĩ rằng đó là một trải nghiệm, một kinh nghiệm đáng nhớ. Và tất nhiên, nếu có cơ hội thì hãy khắc phục lỗi lầm đó, nhưng không có nghĩa là luôn luôn nghĩ về điều đó. Khi làm vỡ một chiếc cốc, ai cũng cảm thấy tiếc nuối và giá như mình không đánh rơi nó. Nhưng việc đó đã xảy ra rồi, mình có thể nhặt từng mảnh vỡ và ghép lại bằng một vài loại keo nào đó. Mình cũng có thể đem vứt nó đi vào thùng rác tái chế để từ nó có thể làm nên những món đồ khác hữu dụng. Hoặc mình có thể đứng đó và trách móc bản thân. Tất nhiên là mỗi sự lựa chọn đều sẽ kéo theo nhiều thứ khác.
Nếu trong giới hạn cho phép, hãy rộng lượng hơn với chính bản thân mình, học cách tha thứ cho bản thân vì những điều đã làm. Sẽ mãi nhớ về những điều đã qua nhưng không phải sẽ luôn nghĩ về nó và mãi dằn vặt về nó. 
Cảm ơn những điều tuyệt vời từ những người con người tuyệt vời. Xin lỗi những con người tuyệt vời vì có những việc mình đã sai rất nhiều, dù nói thế nào đi chăng nữa thì thật sự mình rất hối tiếc nhưng mình không thể làm gì để thay đổi. Xin lỗi bản thân vì đôi lúc còn chối bỏ chính mình, chối bỏ sự thật, đôi lúc còn đố kỵ, còn tự ti.