Trước khi vào bài, xin được giới thiệu bài viết Bàn về những niềm tin ngây ngô của Tử Vi do dịch giả Phạm Nguyên Trường viết và từng được tôi đăng lại lên Spiderum, sẽ được dẫn xuống cuối bài này. Bài ấy dành cho những ai đã có kiến thức kha khá về tử vi đọc, phản bác hoặc bênh vực. Còn bài viết này sẽ không phản bác theo hướng đó.
Nếu như bài Bàn về những niềm tin ngây ngô của Tử Vi đào sâu phản bác các kiến thức nguỵ khoa học của tử vi phần nào khiến những người chưa có kiến thức về nó khó theo dõi, thì bài này sẽ chỉ dùng lí tính thuần tuý để chỉ ra tử vi vô dụng hoặc lừa mị như thế nào.
Tôi chủ ý đưa xuống cuối vì không muốn làm phân tán sự tập trung của người đọc và sẽ lấy làm biết ơn nếu admin không chen ngang bằng các bài viết khác. Sau một thời gian trải nghiệm chức năng liên kết bài tôi vướng phải mối phiền lòng rằng một mặt muốn đọc nốt bài hiện tại, một mặt tiếc rẻ phải ngó qua bài liên kết một chút, còn mặt còn lại là cuối cùng tôi phát chán mà đọc lướt luôn cả hai bài. Càng nhiều sự lựa chọn càng khiến ta tồi tệ, rõ là vậy.

I. VÔ DỤNG


Chúng ta lấy định nghĩa tử vi ở cuốn Tử vi đẩu số toàn thư của Hi Di Trần Đoàn & Lâm Canh Phàm.
Tử vi nghĩa là hoa tường vi màu đỏ thẫm (tử : màu đỏ tía – vi : tường vi hoa). Từ cổ đại giống người thuộc phía Bắc song Hoàng Hà dùng hoa màu đỏ để chiêm bốc. […] Trải qua nhiều đời, Tử vi chiêm bốc chuyển thành toán mệnh phương pháp.
Toán mệnh chính là tính toán vận mệnh để biết (không phải đoán) cát hung hoạ phúc trong đời người; phương pháp của tử vi dựa trên giờ, ngày, tháng, năm sinh để tính.

Và vấn đề nảy ra ngay khi lời tiên tri được buông, bởi đời người là thứ có khả năng phản ứng lại với lời tiên tri, sau khoảnh khắc biết trước tương lai nó sẽ có thể thay đổi tương lai khác đi, khi ấy tử vi rơi vào mâu thuẫn nội tại của chính mình.
Chúng ta có anh Phúc là người đi coi tử vi, thầy Du tính được rằng tháng Tám âm lịch anh Phúc gặp vận hạn liên quan đến sông nước (có vẻ anh Phúc tên cũng như người). Anh Phúc liền về nhà tích trữ đồ ăn và nhốt mình trên tầng thượng sống đến hết tháng, chẳng có hồ nước hay sông ngòi nào trên tầng thượng cả, thậm chí chẳng cả tắm. Vô sự đến hết tháng Tám anh Phúc xuống mặt đất tố cáo thầy Du là tay bịp bợm.
Thầy Du có thể nói rằng nhờ lời tiên tri mà anh Phúc sống, nhưng chẳng có gì chứng minh lời thầy Du là thật. Thảy điều chúng ta thấy là một lời tiên tri nói về một tương lai hoàn toàn không xảy ra. Nếu thầy tử vi là người tiên tri điều không xảy ra, anh Phúc chỉ cần một lớp mẫu giáo và một túi bim bim là thuê được cả đống, miễn là bim bim đừng hết hạn sử dụng.

Đọc thêm:


Có ý kiến theo thuyết tất định, rằng mệnh người đã được định sẵn, bao gồm cả việc biết trước tương lai, và kết cục là không thể thay đổi, vậy lúc này còn xem tử vi để làm gì?
Có ý kiến khác lại cho rằng nhà tử vi tính vận mệnh cũng như dự đoán thời tiết. Đặc biệt kể từ năm 1946 loài người đã làm được mưa nhân tạo, giới nguỵ khoa học như tử vi thường dùng phép ví von (analogy) để cào bằng việc dự báo thời tiết (DBTT) cũng giống toán mệnh, và nhảy đến kết luận kì cục rằng nếu DBTT là khoa học thì tử vi cũng phải thế.
Hiển nhiên các nhà tử vi đã quên mất tính tái xác nhận trong khoa học, rằng một thí nghiệm đã được xác nhận bởi một người, người khác có thể lặp lại thí nghiệm đó trong cùng điều kiện để cho ra kết quả tương tự. Việc làm mưa hay DBTT là khoa học bởi số liệu chi tiết, thí nghiệm, thử sai, khách quan. Việc đúc kết của 1 hay 1000 người mà không thí nghiệm vẫn chỉ là chủ quan. Nhà khoa học có thể tạo một cơn mưa trong thí nghiệm bất kì khi nào nếu đủ điều kiện. Nhà tử vi thì hoạ may trúng chăng, trúng thì khen mình tài, trượt thì khen khách giỏi “đức năng thắng số”.

Trong khi điều kiện của tử vi khá đơn giản, hãy tìm những bà bầu tình nguyện, lúc họ hạ sinh hãy ghi lại chính xác giờ, ngày, tháng, năm sinh của đứa bé. Rồi lẳng lặng lập lá số và ghi ra vận mệnh của đứa bé trong bí mật, chỉ cần 60-80 năm sau mang ra đối chiếu với cuộc đời đứa bé là rõ ràng. Nhưng hàng nghìn năm nay rồi, chưa một nhà tử vi nào có được tinh thần khoa học như thế. Lưu ý, bói tương lai chứ không bói quá khứ, nhiều ông tử vi lôi toàn người đã chết ra bói rồi tự khen mình, thật kì cục.
Ngoài ra, các nhà tử vi còn nói rằng để bói đúng một người ta cần có lá số người thân họ, thậm chí người thân nhiều đời trước. Nhưng để bói đúng người nhiều đời trước, ta cần lá số người nhiều đời trước nữa v.v… Làm được việc này là không thể, do đó không thể bói đúng một người được.
Vậy thì trở lại câu hỏi bên trên, thế thì xem tử vi để làm gì?

II. LỪA MỊ


Đến đây có lẽ sẽ có người vẫn tin vào tử vi vì “Tôi từng đi xem và thấy nói khá đúng,” hoặc “Tôi và vài người tôi biết đều thấy tử vi khá đúng,” nên họ nhảy đến kết luận là tử vi đúng.
Nhưng họ đã mắc vài nguỵ luận sơ đẳng.

1. Khái quái vội vã
Tôi sẽ không ném ra một cái tên La-tinh của phép nguỵ luận mà các bạn trẻ vẫn văng vào mặt nhau nhan nhản trên Facebook, tôi chỉ yêu cầu mọi người lùi lại một bước trước khi đi đến kết luận. Hãy nghĩ về hai phương pháp nhằm tăng độ chính xác cho phép khái quát.
    a. Kích thước của khảo sát.
    Thế giới hơn 7 tỉ người, để khảo sát tất cả là không thể, nhưng tăng kích thước càng gần con số 7 tỉ nhất thì càng tốt. Sau đó hãy tính phần trăm, bao nhiêu tin và không tin.
    b. Sự đa dạng của khảo sát.
    Nếu bạn vào câu lạc bộ làm giàu nhờ xem tử vi, hiển nhiên đa số sẽ ủng hộ nó. Để khách quan bạn hãy tăng sự đa dạng bằng cách hỏi những người sống trong môi trường khác, kiếm ăn bằng nghề khác. Rồi lại tính phần trăm.

Lờ đi những bằng chứng bất lợi hoặc đặt trong điều kiện thiếu khách quan là lối nguỵ luận dễ mắc phải nhất vì nó mơn trớn đầu óc ta làm ta không bị mệt vì nghĩ ngợi.
Bạn gặp một chàng đẹp giai và nhận ra hai người có cùng sinh nhật, cùng tên, cùng thích dũng sĩ Hesman, cùng là con một, đến bố mẹ chàng cũng bằng tuổi bố mẹ bạn, bạn vội nhảy đến kết luận là hai người là trời sinh.
Nhưng thực chất, 2 người đã ngang tuổi và cùng con một thì bố mẹ cũng ngang tuổi là khá cao vì người ta thường kết hôn và sinh con ở độ tuổi nhất định, cùng tên cũng cao vì có thể đó là cái tên thông dụng của năm đó hoặc tên được đặt theo con giáp, dũng sĩ Hesman thì hầu như đứa trẻ nào tầm 8x cũng thích dù bây giờ ít trẻ em còn biết.
Nhưng bạn đã lờ đi vô số khác biệt: trường cấp 2, trường cấp 3, đại học, gu nhạc, gu ăn mặc, gu sách, nghề nghiệp. Và đặc biệt chàng đẹp giai là gay.

Đọc thêm:

2. Thử sai
Nhưng cho dù tử vi đúng với bạn thật đi chăng nữa, làm cách nào bạn biết liệu đó là ăn may hay thật sự đó là định luật khoa học mang tính phổ quát?
Bói đúng 1 trên 7 tỉ người, chưa đủ. 10 người, chưa đủ. 100 người, vẫn chưa đủ, trong khi mỗi ngày lại có hàng vạn đứa trẻ sinh ra. Đáp án của câu hỏi này là dương vô cùng.
Nhưng khoa học có phương pháp tên là thử sai (falsifiability). Newton quan sát thấy quả táo rơi xuống, và thấy đủ nhiều để khái quát thành định luật, muốn phá huỷ nó hãy cho thế giới thấy thứ gì đó không rơi, dù chỉ một thứ là đủ.
Thay vì mãi tìm cách củng cố bằng coi bói cho nhiều người, chỉ cần một người bị bói sai là đủ để phá vỡ cái thứ bói toán vẫn được các nhà tử vi gọi là khoa học.
Hiển nhiên các nhà nguỵ khoa học tử vi chưa bao giờ dám mở thí nghiệm (nói trên mục I) để làm rõ chuyện này.

3. Lập lờ nước đôi
Ta trở lại với anh Phúc và thầy Du. Có thể trong thời gian nhốt mình trên lầu anh Phúc uống nước và bị sặc, thầy Du vin vào đó và tuyên bố mình bói chuẩn rồi, được chăng?
Và chúng ta gặp mánh lới lập lờ của giới bói toán.
    Trong tử vi có cái gọi là “sao Thuỷ Diệu gây tai nạn liên quan đến nước”, nhưng không nói rõ định nghĩa tai nạn là gì (hậu quả mức nào mới được gọi là tai nạn, sặc nước chỉ ho 15s được gọi là tai nạn không?), nước gì (nước sông, nước trong cơ thể, hay thậm chí là cái bình chứa nước rỗng rơi vào đầu cũng được tính chăng?).
    Trò lập lờ đánh lận con đen này nhan nhản trong các loại bói, chiêm tinh phương Tây có cái gọi là “Sao Thuỷ nghịch hành gây hỏng đồ công nghệ” và cũng chả có định nghĩa rõ ràng gì, muốn hiểu sao thì hiểu.
Định nghĩa khái niệm là rất quan trọng trong mọi thứ, chỉ sau khi khái niệm được xác định ta mới có thể áp dụng các qui tắc lô gích. Một khi có lô gích soi sáng ta mới có thể nhìn nhận vấn đề khách quan.

4. Nguỵ luận nhân quả
    Bạn Mẹc bình thường đi làm bằng xe máy thì vẫn khoẻ mạnh, hôm nay Mẹc đi bằng tắc xi và đến cơ quan thì đau răng. Mẹc kết luận ngồi tắc xi làm người ta đau răng.
    Bạn Xà mua điện thoại ba năm rồi vẫn dùng ổn, tháng này thời kì Sao Thuỷ nghịch hành, đồng thời Xà bị hỏng điện thoại. Xà kết luận Sao Thuỷ nghịch hành làm hỏng điện thoại.
    Bạn Lù có ông mới mất, lại đúng giờ trùng tang, chỉ 3 tháng sau bác con cả của ông cũng mất theo, 3 tháng nữa lại đến chú con thứ mất. Lù kết luận con trùng ở cái chết của ông gây ra tai hoạ này (và chuẩn bị gặp thầy Du xin cách giải trùng).

Bạn nhìn ra được gì trong 3 ví dụ trên? Có phải Mẹc rất ngớ ngẩn, một gã mù các kiến thức thường thức. Xà hẳn là cô gái gà mờ công nghệ. Còn Lù thì cũng... chưa chắc, còn phải xét thêm?
Thật ra cả Mẹc, Xà, Lù đều kết luận vội vã như nhau hết. Sở dĩ bạn thấy chút khác biệt (nếu có) là tuỳ ở kiến thức bạn. Nếu là bác sĩ răng, bạn không nghĩ như Mẹc; nếu giỏi công nghệ, bạn không nghĩ như Xà; và nếu không mê tín, bạn không nghĩ như Lù. 
Tôi nói họ kết luận vội vã, không đồng nghĩa là kết luận sai (Qui tắc 1 của lô gích).
Nếu cả đời chỉ biết cầm búa, ta có xu hướng nhìn mọi thứ như cái đinh. Sự xét đoán của ta bị định hình trong tri thức ta có. Chẳng lạ lẫm khi giống người man di thì nhiều mê tín dị đoan, bởi họ thiếu thốn tri thức lí giải cuộc sống quanh mình.

Đến đây có lẽ các bạn đã biết cách để thoát khỏi những thứ nguỵ khoa học như tử vi.
___
Tham khảo:
___
Tornad
17/6/2018