Từ quét lá đến hiểu con gái
Những bài học về tâm lý con gái nói riêng và con người nói chung mà mình nghiệm ra được từ việc quét lá của mình
Tiêu đề lạ lùng nhỉ? Quét lá thì liên quan gì đến việc hiểu tâm lý của con gái? Nếu bạn tò mò thì hãy đọc bài viết này của mình nhé, mình sẽ giải thích rõ cho bạn lý do tại sao mình lại đặt tiêu đề như thế này, tin mình đi, không phải clickbait đâu.
Bài viết lần này cũng là một trong những điều mình học được từ chuyến đi “quân sự” của mình, phần này chủ yếu nói về tâm lý con người chúng ta là chính, rằng mình đã rút ra được những bài học về cách con gái nói riêng và con người chúng ta nói chung muốn được hiểu, giao tiếp và đối xử như thế nào. Các bạn cũng có thể xem như đây là phần bốn cũng được, còn mình thì lại muốn xem bài viết này như là một phần “ngoại truyện” hơn. Bài viết này sẽ có những phỏng đoán của mình về tâm lý của các bạn nữ (vì mình là nam nên không thể biết chính xác được), vì thế cho nên nếu có gì không chính xác thì các bạn có thể góp ý ở dưới phần bình luận nhé, mình rất mong chờ được nghe ý kiến của các bạn về bài viết này, đặc biệt là của những bạn nữ. Lan man đủ rồi, cùng vào bài viết nhé.
Bố cục của bài viết này cũng sẽ tương tự như phần ba, mình sẽ đưa ra tình huống có thật trước, và sau đó rút ra được những bài học.
TÌNH HUỐNG
Sau khi hoàn thành giờ học chính khóa, mỗi người đều phải tham gia vào “việc công” (ở đây là quét lá) như đã được phân công từ trước. Mình luôn cố gắng hoàn thành tác vụ này như một cách để làm gương cho những thành viên khác trong đại đội, và cũng là cách để mình duy trì sự tôn trọng của mình dành cho chính bản thân. Tình huống ở đây là một vài người bạn thân cận của mình, không rõ là vô tình hay cố ý, khá nhiều lần lảng tránh việc quét lá này. Điều đó làm mình khó chịu, nên mình đã bày tỏ sự khó chịu của mình, các bạn ấy đã xin lỗi và đi quét lá cùng mình.
BÀI HỌC
1. Xin lỗi đúng cách không hề dễ dàng.
Theo mình, lời xin lỗi phải được nói ra với một thái độ nghiêm túc, bạn phải thể hiện RÕ với đối phương rằng mình thật sự hiểu được rằng bản thân đã làm gì sai, sẽ sửa sai một cách triệt để và quyết liệt như thế nào, và quan trọng nhất, là phải THỰC HIỆN LỜI HỨA SỬA SAI. Nếu không làm được những điều trên, lời xin lỗi ấy sẽ phản tác dụng, làm cho tình hình trở nên tệ hơn, và hình ảnh của các bạn trong mắt người kia sẽ dần sụp đổ theo thời gian.
Ở phía trên mình đã đề cập đến chuyện các bạn ấy đã xin lỗi mình, nhưng mình chưa nói chi tiết là xin lỗi như thế nào, giờ mình sẽ nói: các bạn ấy đi theo mình hết lời xin lỗi và nói sẽ đền bù, làm bù, làm cái này cái kia để bù đắp cho mình. Điều đáng nói ở đây là mình biết dù các bạn có ý tốt, nhưng cách các bạn ấy nói ra những điều này không hề có sự nghiêm túc và mang tính cợt nhả là chủ yếu, thậm chí sang hôm sau các bạn còn không làm bù việc của hôm trước như đã hứa. Điều này lại càng làm mình giận hơn, và làm cho mình cảm thấy lời nói của các bạn ấy đều là những lời không đáng tin và không có trọng lượng.
Sự việc này đã giúp mình hiểu hơn về góc nhìn của các bạn nữ khi xảy ra cãi vã trong mối quan hệ với nam giới (tình bạn/tình yêu). Trước đây khi nghe cô bạn của mình nói về việc bạn trai của bạn ấy dù đã xin lỗi nhưng vẫn thấy lấn cấn trong lòng, mình đã không tránh khỏi suy nghĩ rằng: “Phiền thế nhỉ? Người kia dù gì cũng đã xin lỗi rồi mà ta?”. Giờ mình nhận ra rằng khi đó mình không thể hiểu được nỗi lòng của bạn mình chỉ đơn giản là vì mình chưa đủ “lớn”, chưa có độ nhạy cảm, tinh tế nhất định như cậu ấy (hay nói đúng hơn là chưa trưởng thành nhiều về mặt cảm xúc như bây giờ). “Con gái thường hay trưởng thành sớm hơn”, giờ mình thật sự đã hiểu hơn về câu nói ấy. Bạn nam ấy dù đã xin lỗi nhưng chắc gì bạn ấy đã xin lỗi đúng cách, với một thái độ nghiêm chỉnh và tinh thần cầu tiến mà mình dám đổ lỗi cho người bạn nữ của mình như vậy?
Cách để xin lỗi thì mình đã đề cập đến ở trên (cách mình gợi ý chỉ là kinh nghiệm cá nhân mình nghĩ ra và nghĩ nó cũng khá hợp lý, các bạn có thể góp ý thêm), nhưng quan trọng là phải bao gồm cả phần nói và làm. Nếu chỉ nói mà không làm thì không cần phải bàn đến rồi, nhưng đôi lúc mình thấy nhiều bạn lại chọn cách là lẳng lặng sửa sai mà không nói gì. Mình có thể hiểu rằng các bạn không muốn đề cập lại lỗi lầm nữa (vì vừa mệt và vừa xấu hổ) và chỉ muốn hành động để bù đắp, nhưng mình nghĩ rằng việc bày tỏ rõ cho đối phương (đặc biệt khi hẹn hò) rằng mình đã nhận ra mình sai như thế nào, mình sẽ làm gì kèm theo lời xin lỗi, an ủi sẽ giúp cho người kia thêm trân quý và hiểu tấm lòng của bạn hơn, đồng thời cơn giận cũng nguôi ngoai đi gần hết, chẳng phải bạn đều muốn những điều trên sao? Mình không nghĩ hành động tự giác nhận lỗi là yếu đuối, trái lại, mình nghĩ rằng khi thực hiện được những điều ấy, thì bạn sẽ trở nên nổi bật hơn, đáng tin cậy hơn vì không phải ai cũng đủ dũng cảm để thừa nhận lỗi lầm của mình.
2. Mình biết được tại sao các bạn nữ mong chờ việc người khác tự nhận ra lỗi lầm của mình.
Trước đây mình đã rất đau đầu và khó chịu khi không biết lý do vì sao người lớn (đặc biệt là các phái nữ) không nói thẳng ra cho người khác biết họ đã phạm phải lỗi lầm gì và mong đợi rằng họ sẽ tự nhận ra. Giờ mình đã hiểu rằng sở dĩ mọi người thường làm như thế có lẽ là vì chúng ta quan niệm rằng nếu để người kia tự nhìn nhận lại bản thân và suy nghĩ về những hành động trong quá khứ, từ đó rút ra lỗi lầm thì sẽ ý nghĩa hơn so với việc nói “toẹt” ra lỗi lầm của họ. Nếu không biết nói đúng cách thì bản thân sẽ trở nên thiếu tế nhị, để lại ấn tượng xấu trong mắt người kia, hoặc nếu đối phương là người dễ nổi nóng, tự ái thì cũng sẽ rất mệt mỏi. Mình nhận ra rằng các bạn nữ có lẽ vì những lý do ấy, vì không muốn trở thành “vai phản diện” suốt ngày chỉ biết cau có la mắng người khác (đặc biệt là với người yêu) nên các bạn thường hay chọn cách im lặng, thậm chí là có phần cam chịu trong khi chờ người kia tự nhận ra lỗi lầm và tự thay đổi.
Mình cũng đã như thế, mình không muốn suốt ngày phải la mắng quát tháo những người bạn của mình rằng hãy đi quét lá giùm cái đi, mình làm vậy mình cũng mệt, mình cũng không muốn trở thành một người giáo điều, suốt ngày khiển trách chì chiết người khác. Quan trọng hơn hết, nếu các bạn đó nghe theo mình và đi làm việc thì khả năng cao chỉ là làm đối phó để mình không càm ràm nữa, vì việc muốn sửa sai không hề xuất phát từ nội tâm các bạn mà là bị mình - một tác nhân bên ngoài - thúc ép.
3. Nhưng đôi lúc, ta cần phải dũng cảm nói ra
Dù đã thừa nhận rằng ngay cả bản thân nhiều lúc cũng muốn người khác tự nhận ra lỗi lầm của mình, mình tin rằng sẽ có những lúc bạn cần có dũng khí để nói lên cảm xúc của mình, và chỉ ra lỗi lầm của đối phương vì không phải người khác lúc nào cũng biết ta cần, muốn gì.
Vì lớn lên trong môi trường khác nhau, được nuôi dạy bằng những phương pháp khác nhau, mỗi chúng ta đều có cách nhìn nhận sự vật, sự việc và cách hành xử cũng rất khác nhau. Những gì bạn cho là không đúng, không hợp lý thì chưa chắc người khác cũng sẽ thấy như thế. Ví dụ nhé, có lẽ sẽ có vài lần trong đời bạn bắt gặp những người cư xử không đúng đắn và lịch sự cho lắm ở nơi công cộng. Trong khi bạn đang tự hỏi rằng không biết tại sao người ta có thể thản nhiên làm những chuyện thiếu tế nhị như vậy mà không cảm thấy xấu hổ thì dường như họ lại chẳng hề quan tâm đến chuyện đó, đơn giản là vì không giống bạn, những quy tắc hành xử ở nơi công cộng không phải thứ mà họ quan tâm hay xem trọng.
Câu chuyện quét lá của mình cũng thế, việc quét lá ấy tuy quan trọng đối với mình nhưng đối với bạn mình thì đó chỉ là một việc cỏn con, làm cũng được, không làm cũng được, chả bị ai khiển trách hay thúc ép quá đà. Chính vì lẽ ấy, khi mình tỏ thái độ khó chịu với bạn mình thì cùng lắm bạn ấy chỉ có thể đoán được là do bạn ấy không quét lá cùng mình, còn lý do sâu xa tại sao (mình đã nói trong phần TÌNH HUỐNG ở trên) thì có lẽ suy nghĩ cỡ nào thì bạn mình cũng không thể đoán ra được trừ khi mình nói ra, đơn giản là vì mình và bạn mình xem trọng những thứ khác nhau, thì việc có góc nhìn khác nhau dù là về cùng 1 sự việc là điều không thể tránh khỏi.
Khi một ai đó làm điều gì khiến chúng ta khó chịu, đặc biệt khi người mắc lỗi là những người rất thân thiết với chúng ta (người yêu, bạn thân, người nhà), một khi bạn đã cho họ thời gian để suy nghĩ nhưng họ vẫn không tài nào nghĩ ra được rằng họ đã làm gì sai thì đã đến lúc bạn nên biết cách bộc lộ tâm sự, nỗi niềm của mình một cách hợp lý và văn minh (lưu ý nhé, nếu bạn bộc bạch một cách thô lỗ khiến cho người kia nổi giận, tự ái thì đấy lại là lỗi của bạn trong cách biểu đạt ý kiến của bản thân). Mình đã từng thấy có nhiều trường hợp người làm lỗi muốn xin lỗi nhưng người còn lại nhất quyết không chịu nói ra (không biết vì lý do gì) và dẫn đến những cãi vã không đáng có, thậm chí đánh mất đi mối quan hệ quý giá, theo mình là rất đáng tiếc. Theo mình, dù cho đối phương không thể nhận ra là họ đã làm gì có lỗi với bạn nhưng họ đã dũng cảm nhận lỗi, vẫn muốn lắng nghe ý kiến của bạn để bù đắp và thay đổi cho phù hợp thì ít ra bạn cũng hãy dũng cảm “tạm gác” cái tôi lại và cho họ một cơ hội sửa sai, nhé?
4. Người dù thay đổi vì mình (vì nể hay vì thương), cũng không bền bằng người đã sẵn có những thứ hợp với mình
Trước đây mình đã từng nghe được lời khuyên từ những bạn nữ, hay những người từng trải hơn với đại ý là dù một người có chịu chấp nhận thay đổi vì mình như thế nào đi nữa thì cũng không tốt bằng một người khác đã có sẵn những giá trị cốt lõi phù hợp với mình (tốt ở đây là cho cả hai bên). Những lúc nghe lời khuyên kiểu này mình không đồng ý chút nào, vì mình đã nghĩ rằng “Ơ hay, lạ nhỉ? Người kia đồng ý thay đổi bản thân vì mình thì tốt chứ sao lại không?”, nhưng bây giờ mình đã ngộ ra được tính đúng đắn và sâu sắc của câu nói ấy.
Dù cho người ta có thay đổi vì mình, thì những giá trị có được từ những thay đổi ấy cũng sẽ khó mà vững bền, vì đơn giản chúng không xuất phát từ mong muốn nội tại của người kia.
Lấy một ví dụ về tình yêu cho gần gũi nhé, giả sử bạn là một chàng trai hướng ngoại, thích đi đây đi đó, luôn đi ra ngoài đường trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị, bạn thích những cuộc khám phá phiêu lưu; và cô người yêu của bạn là một người hướng nội, thích dành thời gian yên bình ở nhà, trải nghiệm những gì quen thuộc, an toàn và ít có nhu cầu trải nghiệm những thứ mới mẻ, tràn đầy “năng lượng hoạt bát”. Bạn muốn người yêu cũng đi ra ngoài nhiều như mình, để có thể tận hưởng nhiều thời gian bên nhau hơn, bạn thuyết phục cô ấy, cô ấy vì thương và nể bạn và cũng làm theo. Có thể được “đổi gió” như thế cũng làm cô ấy cảm thấy hứng thú, vì cô ấy cũng được trải nghiệm những điều mới mẻ mà, lại là cùng bạn nữa. Thế nhưng, việc thường xuyên đi ra ngoài “phiêu lưu” như thế không nằm trong bản chất, mong muốn nội tại của cô ấy nên chắc chắn sẽ có những lúc cô ấy cảm thấy mệt mỏi, không là chính mình dù cô ấy rất vui khi được ở bên bạn. Nếu bạn là một người yêu cô ấy thật sự, bạn sẽ để tâm quan sát và trông thấy được những khoảnh khắc ấy, và bạn cũng sẽ cảm thấy một phần không thoải mái vì có cảm giác như bạn đang làm người kia không được sống thật với chính mình, rằng bạn đang thao túng, “bẻ cong” người kia làm theo ý muốn của bản thân. Ngoài ra, vì những việc ấy không nằm trong sở thích của bạn gái bạn, mỗi lần muốn làm thì bạn đều là người mở lời trước (sẽ rất hiếm khi người yêu bạn gợi ý việc đi ra ngoài trải nghiệm những thứ mới), làm như vậy thường xuyên bạn cũng sẽ thấy lấn cấn, vì việc ấy diễn ra không tự nhiên (vì đó không phải là ý muốn của cả hai), sẽ làm hai bạn đều cảm thấy ngại. Chính vì lẽ ấy, bạn làm sao chắc được bản thân có thể vững vàng khi gặp một cô gái khác cũng năng động giống như bạn, thích đi đây đi đó như bạn, và cũng thích bạn nữa? Bạn sẽ cảm thấy tội lỗi khi bị cô gái kia thu hút, vì cô người yêu của bạn không làm gì sai, đều hành xử rất đúng mực, thậm chí còn xuống nước chiều theo ý bạn để ra ngoài đi chơi cùng bạn nhiều hơn. Đến lúc này, mình nghĩ rạn nứt trong mối quan hệ của hai người là điều khó mà tránh khỏi.
Câu chuyện quét lá của mình cũng thế, có những người bạn vẫn rất vui vẻ đi quét lá cùng mình mỗi khi mình nhắc, thậm chí vừa quét vừa trò chuyện rất thoải mái. Thế nhưng, sau nhiều lần nhắc như thế, mình cũng cảm thấy ngại khi cứ phải mãi “dí” người ta đi làm việc, và có lẽ bạn ấy cũng sẽ thấy khá “chột dạ”, lấn cấn mỗi khi mình nhắc đi làm việc. Chỉ mới là một việc nhỏ như thế, tiếp xúc trong thời gian ngắn như thế (hai tuần) mà hai bên đã cảm thấy như vậy, thì thử hỏi khi là người yêu của nhau, khi bắt đầu nói đến những chuyện lớn lao hơn, ảnh hưởng đến cuộc đời của cả hai người sau này (quan điểm về tiền bạc, cách nuôi dạy con cái, tôn giáo…) mà hai bên không có sự đồng điệu cần thiết thì cả hai người sẽ khổ sở đến nhường nào? Mình xin mạn phép đoán rằng mối quan hệ ấy sẽ KHÔNG THỂ NÀO có thể tiếp tục trong sự hòa hợp, êm ấm, rồi cả hai sẽ phải buông tay.
5. Mình hiểu được tại sao con gái hay chú ý đến tiểu tiết
Trước đây, mình từng nghĩ thói quen để ý đến những tiểu tiết này của phái nữ thật phiền phức, “Ôi mệt thế nhỉ? Những chuyện linh tinh này thì để ý làm gì, để ý đến những thứ chính, những chi tiết lớn về những gì đối phương làm là được rồi!”. Đến sau này mình mới nhận ra rằng thói quen ấy không hề thừa thãi, không phải là các bạn nữ chấp nhặt, hay để bụng chuyện không đâu, vì chính thói quen đó sẽ giúp chúng ta phỏng đoán được một cái nhìn khá chính xác về đối phương thông qua những hành động “nhỏ mà có võ”.
Về chủ đề này thì mình thấy có một bài viết khá hay của Limitless, mình rất thích bài viết này:
Thói quen này rồi cũng sẽ hình thành ở những bạn nam như mình, nhưng nó đến muộn hơn, chỉ khi bọn mình bắt đầu có những va chạm nhất định chứ không phát triển sớm như những bạn nữ. Nói sâu xa thì có lẽ là vì từ thuở con người chúng mình còn là con đực và con cái, khi con đực đi săn thì con cái ở nhà chăm lo cho lãnh thổ với rất nhiều mối nguy hại rình rập, chính vì thế mà con cái thường có xu hướng cực kỳ nhạy cảm trước những thay đổi dù là nhỏ nhất của môi trường xung quanh (tiếng lá xào xạc, tiếng cành khô gãy, tiếng kêu lạ,...). Nói gần gũi hơn thì có lẽ là do đa số những bạn nữ lớn lên trong những khuôn khổ, giáo điều hà khắc hơn nên thường các bạn sẽ biết nghĩ và trưởng thành sớm hơn so với sự vô lo vô nghĩ của những bạn nam ở cùng độ tuổi.
Một vài ví dụ có thể kể đến như việc phái nữ nói riêng và người lớn nói chung thường hay để ý đến độ tế nhị, tinh tế của đối phương mỗi khi tiếp xúc. Theo mình học được, sự tinh tế chỉ “đơn giản” là bạn đặt được bản thân vào góc nhìn của đối phương, và biết nghĩ cho họ, không làm phiền quá nhiều đến họ. Họ sẽ để ý xem người kia có nói chuyện lịch sự với nhân viên phục vụ không, có biết giữ cửa cho người đi sau không, có nói chuyện nhẹ nhàng hơn trước mặt trẻ con và người già không, có biết thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện khi thấy đối phương khó xử không,... Những việc làm ấy tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng nó sẽ thể hiện được một phần nào đó rằng người kia có phải là một người biết nghĩ cho người khác hay không. Quay trở về ví dụ tình yêu, sẽ có lúc bạn thấy rằng lỗi lầm bạn mắc phải là không có gì to tát nhưng nửa kia vẫn tỏ thái độ rằng họ muốn nói chuyện nghiêm túc và muốn bạn xin lỗi. Mình nghĩ đúng là họ có thể ậm ừ bỏ qua, nhưng việc chính ở đây có lẽ là họ đang muốn thử bạn để xem bạn có khả năng tự suy xét bản thân hay chưa, biết tạm gác lại cái tôi để lắng nghe, đồng cảm với ý kiến, cảm xúc của người đối diện hay chưa, và quan trọng hơn hết, là bạn có dành đủ tình cảm cho nửa kia để lắng nghe nhu cầu, góc nhìn của họ hay không. Hoặc khi hai người đã yêu nhau, dù có thể tiền ăn uống không là bao nhiêu (đặc biệt khi cả hai người đều đã đi làm), bạn nam có thể trả cho cả bạn nữ, nhưng bạn ấy vẫn sẽ quan sát xem bạn nữ có thật sự muốn trả phụ cho bạn nam hay không. Tiền bạc là quan trọng (đặc biệt khi cả hai người đều chưa đi làm, còn đang đi học), đúng, nhưng yếu tố còn quan trọng hơn cả là bạn nữ ấy tôn trọng nửa kia, thật sự nghiêm túc với mối quan hệ, thật sự muốn san sẻ trách nhiệm về tài chính với bạn nam thông qua việc đề nghị trả tiền phụ. Mình tin rằng đã qua rồi cái thời phái nữ phải làm hết việc nhà, và phái nam phải chi trả cho tất cả mọi thứ.
Ví dụ cuối cùng, về câu chuyện quét lá của mình, dù đúng là việc làm đó không tốn quá nhiều công sức, không quá khó nên mình hoàn toàn có thể làm thay những người bạn kia trong thời gian ngắn, nhưng mình vẫn muốn thúc đẩy các bạn ấy làm công việc này chính là vì mình muốn quan sát xem các bạn ấy có khả năng làm những công việc mà mình không thích hay không, có biết san sẻ trách nhiệm với người khác hay không. Mình đặc biệt chú ý đến những tình huống như thế này, vì mình không cần những người bạn lúc vui thì thân thân thiết thiết chúng ta là anh em, lúc khó thì thân ai nấy lo.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết dài khủng bố này:D, lý do lần này mình biến mất tận hai tháng thứ nhất là vì một lần nữa (bài này nằm trong draft, được viết từ từ kể từ đầu tháng tư đến giờ), vì chủ đề này mình cảm thấy khá khó để có thể viết một cách khách quan và rành mạch, thứ hai là do mình bị chìm nghỉm trong cơn bão deadline thi cuối kỳ tại trường.
Bây giờ mình được nghỉ hè rồi nên mình sẽ cố gắng viết ra những bài viết chất lượng hơn, với một tần suất đều đặn hơn. Các bạn hãy đón xem nhé, hẹn gặp lại các bạn vào bài viết tiếp theo.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất