Lại một mùa thi đại học tới gần, đồng nghĩa là sắp vào năm học mới. Đối với sĩ tử khối 12 đang háo hức chọn lựa, cân nhắc điền nguyện vọng, thì đàn anh đàn chị như mình lại bắt đầu căng não cho việc bấm tích trước các ô chọn học phần - điều sẽ quyết định tương lai gần trong 5 tháng tới và xa hơn là những năm tháng còn lại ở trường.
Việc chuyển đổi từ đào tạo niên khóa sang tín chỉ được cho là tăng tính chủ động của người học, tăng hiệu quả, tiết kiệm thời gian,..
Những điều đó tích cực được đề cập rất nhiều. Vậy hạn chế đâu cả rồi? Không thể nào có thứ quá sức ưu việt như thế, nhất là trong một lĩnh vực phức tạp như giảng dạy đại học. Chia sẻ những suy nghĩ của mình sau ngày đăng kí tín chỉ đầy mệt nhọc vừa qua.
___
Trang chủ của trường nóng rực những ngày đầu hè. 
Đúng 7h30 nhà trường mở chức năng đăng kí tín cho khoá mình vào. Nhưng phải với sự căn giờ vô cùng chuẩn xác, hoặc may mắn lắm mới vào được trang chủ, chưa nói cơ hội đến đăng nhập. Mình gặp phải Server is too busy tới hàng nhiều giờ sau mới load được. Trâu chậm uống nước đục. Tình trạng phân biệt đối xử giữa mạng nội bộ với bên ngoài là vấn đề kĩ thuật, khó xử lí. Nhưng rõ ràng nhà trường chịu phần nào trách nhiệm cho việc này. Tại sao không công bố đầy đủ thông tin về số lớp mở, lịch học, giảng viên dạy, để sinh viên nghiên cứu trước giờ hành sự? Điều này hiển nhiên sẽ tránh được hoang mang, căng thẳng, mất thời gian cân nhắc, thay đổi nhiều lằm gây nghẽn mạng trường. Mình thấy một chị khoá trên đã phải đăng status van nài ai đó rủ lòng nhả môn mà chị đang bị thiếu để chị còn có cơ hội tốt nghiệp đúng hạn. May mắn hơn chị, mình chưa từng vã đến mức ấy, cầu mong sẽ mãi không. Một vấn đề khác, là nếu tất cả các lớp có môn mình muốn học đã đầy, buộc phải học những môn ko nằm trong kế hoạch, cốt sao cho đủ số lượng tín yêu cầu. Bên cạnh lựa chọn đánh nốt tất cả các lớp còn sót lại cho xong, có một lựa chọn khác mang tính may rủi nhiều hơn. Đó là bỏ qua luôn đợt đăng kí chính, chờ đợt bổ sung sau đó. Đơn giản sau khi đóng đợt đăng kí chính, nhà trường tổng hợp tất cả các lớp chưa đầy, sau đó mở lại cho sinh viên đăng kí thêm. Ví dụ lớp x đã có 99/100 sinh viên, thiếu 1 thì lớp x có thể mở và nhận thêm 1 sv nữa vào đợt bổ sung. Ưu điểm là nó phá bỏ quy định giới hạn sinh viên khoa/khoá nào phải học lớp ở khoa và khoá đó, tức sẽ có được nhiều lựa chọn lớp hơn, gồm cả lớp do khoa khác mở, lớp cho khoá trên, khoá dưới, đi học có cơ hội gặp gỡ làm quen các bạn mới...Nhược điểm là ngoài mình ra, cơ hội trên cũng dành cho toàn bộ sinh viên trong trường (ngoại trừ tụi năm nhất học lịch do trường xếp). Hơn nữa số lượng lớp mở cũng như số lượng sinh viên nhận thêm trong đợt bổ sung thì hên xui, các môn chuyên ngành càng ít hơn nữa, không ai dám đảm bảo rằng sẽ đăng kí thành công, hay đạt đủ số tín mà mình mong muốn. Nên đợt bổ sung chỉ là chọn lựa xếp sau đợt chính, để học lại, học cải thiện, còn đăng kí tín theo tiến độ chuẩn vẫn sẽ được ưu tiên bởi phần đông. Lựa chọn sáng suốt nhất là kết hợp cả hai đợt lại. Đợt chính cố chọn một vài môn, khoảng số tín đạt 80% dự tính, 20% còn lại cho đợt bổ sung.

Tự chọn chương trình?
Hình thức học theo tín chỉ, đúng là giúp người học chủ động. Chủ động thời điểm học, song không được tự ý thiết kế nội dung. Mình có thể học môn x kì này, môn y vào kì sau, nhưng trước sau vẫn phải học cả x lẫn y cho đủ (trường mình là 120 tín) nếu muốn ra trường. Số lượng môn tự chọn (gọi là tự chọn, thực chất là kiểu cho 2 môn rồi chọn lấy 1) chiếm chưa quá 20%, còn lại là bắt buộc. Thiết nghĩ chỉ nên bắt buộc đối với các môn chính trị, quân sự theo yêu cầu của nhà nước, còn lại cần cho phép sinh viên tham gia thiết kế chương trình theo nguyện vọng từ phía cá nhân nhiều hơn.

Tự chọn giảng viên?
Đúng 50%. Môn x đủ đông sinh viên học (như đại cương, toán, xác suất) sẽ mở nhiều lớp, không áp dụng cho môn chuyên ngành với độc một nhúm.
Sinh viên, nếu đặt nặng vấn đề ai dạy, ngay sau khi có được bản kế hoạch mở lớp vào kì tới từ trường thường lập tức thận trọng dò xét, xin tư vấn từ khoá trên để biết được đâu là người "dạy có tâm, cho điểm dễ", sau đó canh me để học lớp cô A dạy môn x. Tới ngày đăng kí, không may lớp cô A đầy rồi, vẫn muốn học môn x thì phải vào lớp thầy B. Thầy B sau nghe phong thanh biết mình đang nằm chiếu dưới, thấy bị động chạm, quyết tâm nâng tầm vị thế cho mình, tạo "lợi thế cạnh tranh" bằng cách cho điểm dễ, lên lớp thì chỉ chém gió, thay vì đào sâu kiến thức lại rút bớt chương trình để sv học "nhàn", đến kì thi bảo các em đi ra quán photo mua đề cương về tự học. Hoặc tệ hơn, cực đoan tới mức chuyển cách tiếp cận từ dạy kiến thức môn học sang dạy làm bài kiểm tra!!? Cạnh tranh không được đảm bảo bằng sự minh bạch rất dễ dẫn đến thủ đoạn lách luật. Giảng viên, học hàm tiến sĩ, thạc sĩ cũng vẫn là con người, trách nhiệm đào tạo tri thức cho đất nước dù nghe có cao cả vẫn phải xếp sau việc giữ yên cái ghế của mình, phải không?
Ngoài nhận sự tư vấn các tiền bối trên fb, mạng lưới quan hệ cá nhân, vốn cảm tính và nặng tính chủ quan, sinh viên bọn mình sẽ không có kênh thông tin nào để tham khảo trước khi đưa ra quyết định chọn môn hay người dạy. Sẽ không tồn tại nơi nào "review" chúng một cách nghiêm túc và công tâm được, do chúng hiển nhiên phức tạp hơn là việc cho sao anh Grab, hay review điện thoại. Và như đã nói trong quá trình đăng kí lớp bên trên. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Có một tình huống khá buồn cười, dù hiếm gặp là khi đăng kí học tên giảng viên ghi Thỉnh giảng. Đó là trường hợp nhà trường sử dụng giảng viên bên ngoài, không phải cán bộ biên chế trong trường. Nói dại, cần tìm người đứng lớp chỉ cần kiếm tay nào đó ăn mặc lịch sự, cắp cặp da, nói năng lưu loát và biết dùng PowerPoint, hễ cứ bước vào giảng đường là trở thành giảng viên đại học. Mình chỉ đùa thôi nha, mình đã gặp thầy tên là Thỉnh giảng rồi, không giống vậy đâu. Chỉ có vài thứ đặc trưng
(1) ít trách nhiệm với sinh viên, có lẽ do thầy làm chuyên môn, không phải sư phạm
2) có kiến thức mở rộng hoặc thậm chí mâu thuẫn với giáo trình, thường dạy một số công cụ làm việc mới
3) cho điểm khó và có những yêu cầu tỉ mỉ một cách rất khó hiểu như chữ tiêu đề trên slide phải có màu xanh nước biển đậm. 
...
Rõ ràng học theo tín có nhiều ưu điểm, nhưng nó đang được đặt trong nhiều giới hạn về chất lượng nhân lực giảng viên, cơ sở vật chất, phương pháp quản lí. Cần nhiều thời gian hơn nữa để thử nghiệm hoàn thiện nó trước khi tung hô đó là giải pháp sáng suốt nhất. 

(Giả thuyết time cho ai thích nghe âm mưu)
Hình thức tín chỉ thay vì để người học tập trung vào các bước logic phía sau kiến thức, lại gây áp lực vào tiến độ hoàn thành, khiến cho chương trình học rộng mà không sâu, phân tán. Môn X, Y chia sẻ một phần nội dung, người học sau khi đã học nó ở môn X, khi đến môn Y dù vẫn là nội dung ấy sẽ mất công tìm hiểu lại nếu nó chỉ cần thay đổi một chút trong góc nhìn. Một điều nữa, ai cũng biết chương trình đại học đang lệch xa lệch nhiều thực tế. Thật ra điều đó không đáng bận tâm bằng việc nó đang dần uốn mình để đào tạo nhân lực phục vụ thị trường  lao động (sát thực tế). Mình đã được học một môn nội dung thì tiếp cận theo hướng nhìn của nhà nghiên cứu, tuy nhiên trong quá trình dạy, giảng viên lấy ví dụ thực tiễn hơi kiểu ngây ngô để cho sv dễ hiểu. Kết quả là không đào tới gốc rễ bản chất gọi là hàn lâm được, cắt ngọn để áp dụng vào thực tiễn thì nó  lại đặt trong môi trường lý tưởng hóa kiểu tháp ngà. Mình cho rằng đào tạo theo tín chỉ là kết quả của xu hướng trường đại học chuyển dịch từ nhà nghiên cứu sang nhà kinh doanh. Áp lực về tài chính, do bị mất ngân sách tài trợ, được đẩy về phía sinh viên. Học phí tăng thì dễ bị phản đối nhưng tăng số lượng tuyển sinh thì phần đông đều vui, cánh cửa đại học rộng mở hơn tới nhiều người. Sau khi nhận được nhiều sinh viên, trình độ  phân hóa mạnh, đại học sinh ra tín chỉ để dễ kiểm soát. Ai học tốt ra sớm, ai bình thường hơn đúng hạn, ai kém thì cứ yên tâm là chỉ cần kiên trì và đóng tiền học lại đủ lần thì thầy cô thương tình cũng sẽ cho ra. Tiền bạc và thời gian bỏ ra để đổi lấy cơ hội cho họ vào đại học với mức điểm thấp, xem như vớt vát tổn hại vị thế học thuật cho trường. Mà trường đại học giờ có còn bận tâm đến uy tín học thuật nữa không? Hay nó chỉ như thứ gì đó để marketing cho đám sĩ tử sắp sửa bước vào?
Mình lại tiêu cực rồi. Tất nhiên đại học có this có that, chỉ là mình không may vào this. Đen thôi, đỏ quên đi nhé. Dù sao cũng chúc cho các sĩ tử 12 sắp sửa bước vào kì thi  vượt qua khó khăn khách quan, lựa chọn sáng suốt, điểm thật cao, đậu trường top đầu trong tư thế cao đầu hãng diện trước bạn bè. Còn sau đó? Ai quan tâm chứ. Niềm hưng phấn của một tân sinh viên tuy ngắn ngủi song rất đáng tận hưởng, vì người ta chỉ có một tuổi trẻ để được quyền hồn nhiên đến vậy.

Nếu may mắn ai đó quan tâm, thì hôm nay mình đăng kí được 50% số tín rồi, chờ đợt bổ sung sẽ thêm. Sắp tới được đi vào học phần chuyên ngành, vừa vui vừa buồn. Vui vì đã qua 1/2 thời gian, buồn vì nhận ra nhiều thứ ở đây không giống hình dung của mình vào cái ngày nhận giấy báo trúng tuyển. Mình đã ước giá như được biết nhiều thông tin thực tế như thế này hơn vào ấy, bên cạnh điểm chuẩn và view trong trường. Hy vọng nó có thể giúp đỡ được ai đó.
Không luyên thuyên nữa, mình phải phải đi làm nốt bài tâp cho kịp deadline đây, không nhóm trưởng thúc mình tới a** rồi!

Truyền cảm hứng từ