Tôi nghĩ nhiều về những người dân yếu thế, họ có những đặc điểm như thế nào? Điều gì tạo nên nhóm đối tượng yếu thế? Ở trong bài viết này tôi sẽ dùng từ yếu thế, nó có thể tương đồng cụm từ dân nghèo, tuy nhiên riêng tôi thì chữ nghèo không thể nói lên bản chất của người dân yếu thế vì nó quá đơn giản, đến mức buồn cười, trong việc gọi tên con người.
Hình ảnh chợ Tân Định mùa dịch năm 2020
Hình ảnh chợ Tân Định mùa dịch năm 2020
Những đặc điểm của nhóm người yếu thế tôi đã quan sát được gồm có: (1) Tài chính yếu, (2) Điều kiện sống tệ, (3) Tình trạng sức khoẻ không tốt, (4) Thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với tệ nạn xã hội, (5) Hạn chế về mặt nhận thức, (6) Hạn chế về việc tiếp cận thông tin, chính sách, phúc lợi xã hội và (7) Hạn chế về khả năng tự biện minh cho chính mình.
Chỉ mới liệt kê số ít thôi nhưng có thể thấy nhóm yếu thế gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở trong cuộc sống hằng ngày. Quá đơn giản để nói rằng vì họ yếu thế (hoặc nghèo) và phải ưu tiên cái ăn, cái mặc nên ý thức kém hoặc tệ hơn là phán xét họ không có ý thức. Tôi cho rằng với một nhóm người tìm kiếm sự dễ chịu về mặt đạo đức, lòng tự tôn qua việc phán xét những người làm sai quy ước xã hội trong công cuộc chống dịch và tự nhận rằng mình là người có ý thức. Tôi tự hỏi việc phán xét, chỉ trích và vội vã quy kết trách nhiệm cùng với những lời khuyên hời hợt như: hy sinh vài tháng, ngày hai chén cơm thì giờ chỉ ăn một chén,... liệu điều đó có thật sự làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn?
Người phụ nữ đạp xe trên cầu Ông Lãnh
Người phụ nữ đạp xe trên cầu Ông Lãnh
Ta có thể giả định rằng trong xã hội có một nhóm người được xem là vô ý thức, (và nên nhìn nhận nó như một giả định chứ không phải sự thật). Nhưng khi đi về bản chất thì liệu nhóm người vô ý thức đó có thật sự tồn tại? Mục tiêu tồn tại của nhóm đó là gì? Điều gì định nghĩa sự tồn tại của nhóm người vô ý thức? Tôi nghĩ rằng sự tồn tại của nhóm người vô ý thức liên hệ đến bối cảnh xã hội, được thể hiện qua mục đích Bảo vệ đạo đức và lòng tự tôn của cá nhân
Những người vô ý thức có những đặc điểm gắn liền với bối cảnh xã hội, họ được đặt ở phía bên kia chiến tuyến vì hành vi của mình đi ngược với xu hướng của đám đông và luật pháp hiện hành. Thông qua việc định danh những người vô ý thức, ta tự định danh chính mình bằng ngôn từ tốt đẹp: người chấp nhận hy sinh vì lợi ích ở cộng đồng, tuyệt đối tin tưởng chính quyền, tuân thủ quy tắc chống dịch. Những tình huống như vậy vô tình tạo thành hai phe phái là "Chúng ta và Chúng nó" trong cuộc chiến vô hình mang tên Hy sinh chống dịch.
Nhưng hỡi ôi các bạn ơi, cuộc chiến này làm sao mà cân sức được với phe "chúng nó". Tôi cực lực chỉ trích sự ngu ngốc của "chúng ta" khi vội vã đơn giản hoá, quy kết bản chất của "Chúng nó". Như tôi đã liệt kê ở trên, "Chúng nó" thiếu nhiều thứ trong cuộc sống này và vì sống trong thiếu thốn nên cuộc sống rất bấp bênh. Bao trùm lên cuộc sống hằng ngày của "chúng nó" là sự bất an, lo lắng và sợ hãi. "Chúng nó" cũng sợ chết vì COVID19 chứ, nhưng đến trước cả cái chết vì COVID19 là sợ cả nhà chết vì đói, sợ phải ra đường ở vì tháng này chưa đóng trọ, sợ con mình thất học vì chưa có tiền trường. Tổng thể chung là nỗi sợ, bất an không biết khi nào cuộc sống quay trở lại bình thường.
Con người ta sợ những gì họ không biết và không kiểm soát được, đó là chuyện bình thường và là quyền của con người.
Tuy nhiên, tôi thắc mắc rằng tại sao "chúng ta" lại phán xét chúng nó" khi ở trong tình thế ngặt nghèo, việc hành xử như vậy là dễ hiểu? Tôi nghi vấn rằng "chúng ta" đã suy nghĩ thấu đáo tới đâu trước khi buông câu chỉ trích "chúng nó"? "Chúng ta" có hiểu rõ những gì thúc đẩy hành vi "chúng nó" hay không?
Những người yếu thế họ gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống này. Tôi muốn nhấn mạnh trắc trở lớn nhất họ gặp là quyền tự biện hộ, lên tiếng cho hoàn cảnh của chính mình. Không phải người yếu thế cũng có khả năng kêu gọi một chiến dịch truyền thông, truyền tải thông điệp, hình ảnh về cuộc sống của mình trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng để tìm kiếm sự đồng cảm, hỗ trợ. Rất ít người yếu thế có thể lên mạng xã hội biện minh cho hành vi của mình và nói rằng nỗi lo của bản thân như vậy là vì sự thay đổi liên tục, thiếu định hướng, thiếu nhất quán trong chiến lược chống dịch. Liệu bao nhiêu người trong số đó có thể tham gia các trang mạng xã hội và trần tình về hoàn cảnh của mình cơ chứ?
Tôi tin rằng những người yếu thế cũng biết tủi hổ, buồn rầu vì vi phạm quy tắc chống dịch chứ. Nhưng mà họ không có nhiều đặc quyền lựa chọn trong cuộc sống của mình. Họ đối diện với câu hỏi hằng ngày "Chết vì đói hay chết vì dịch?". Họ lao ra đường kiếm cơm với với vô vàn nguy cơ như: bị phạt tiền vì làm trái luật, bị nhiễm COVID19, bị cộng đồng chỉ trích,...
Có rất nhiều nguy cơ treo trên đầu họ, nhưng về cuối ngày thì đâu là nơi họ bày tỏ gánh nặng trên vai, tâm tư trong lòng ngoài gia đình và người thân?
Tôi không có lời giải cho bài toán chống dịch hiện tại cũng như làm thế nào để vẹn toàn đôi đường. Cái tôi thấy được bằng mắt là những mảnh đời chịu nhiều đắng cay xung quanh và sự mặc cảm, tội lỗi của họ vì đã làm sai quy tắc của cộng đồng, chính phủ. Tôi kêu gọi sự thương cảm của tất cả chúng ta, tôi kêu gọi sự cảm thông, san sẻ với nhau để có thể cùng bước qua đại dịch. Tôi kêu gọi chúng ta hãy dừng chỉ trích và phán xét lại vì điều đó không thể làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngay cả trong bài viết này, những người yếu thế cũng chỉ là những từ ngữ vô cùng hạn hẹp để nói về con người. Đằng sau mỗi con người là cả một câu chuyện, là máu thịt, là đồng bào, là ước mơ vì một cuộc sống tốt đẹp và ngày mai tươi sáng. Dù rằng chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ để hiểu được cái trắc trở, bấp bênh trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng tôi tin rằng ta vẫn có thể bày tỏ sự cảm thương và hành động phù hợp để cùng nhau làm cho xã hội tốt đẹp hơn.