Hôm trước, mình có dịp được xem lại "Toy Story" - phần đầu tiên trong cái franchise phim hoạt hình, với phần 4 đoạt được hẳn một tượng vàng Oscar danh giá. Mặc dù viện hàn lâm ít nhiều cũng đã có sự suy giảm chất lượng và nhận khá nhiều ý kiến đánh giá trái chiều và chỉ trích đến từ mọi người, nhưng hôm nay chúng ta sẽ không bàn đến chuyện đó.
  Hôm nay, ta sẽ nói về "sự trưởng thành"
  Đó là điều dễ thấy nhất trong toàn bộ loạt phim. Và đó cũng là điều ta dễ dàng học được nhất qua từng phần phim.
   Đầu tiên là nhân vật chính của phim - Woody, vị thuyền trưởng và người lãnh đạo của toàn thể các đồ chơi của Andy.
   Hầu như bất kì ai (đặc biệt là mấy thủ lĩnh hướng ngoại) có thể nhìn thấy bản thân mình ở anh chàng cao bồi Woody này: Một kẻ sôi nổi, hòa đồng, có tiếng nói nhất trong cả hội, hay vui vẻ, giỏi nói chuyện, giỏi kiểm soát tình hình xung quanh nhưng cũng rất "người" - có những lúc ganh tị, đố kị với người khác (với Buzz ở phần một khi anh ta được Andy yêu quý hơn), có lúc lại bị choáng ngợp bởi sự nổi tiếng của bản thân, và cũng có những lúc đau đớn nhận ra việc mình bị bỏ rơi, không được yêu thương, cho đến những lúc sẵn sàng hi sinh vì người khác.
  Ở chàng cao bồi ấy, ta thấy một con người hoàn chỉnh, một nhân cách với đủ mặt hỉ, nộ, ái, ố, và một thứ đồ chơi "người" hơn bất cứ món đồ chơi nào, hay bất cứ con người bình thường nào. Anh ta không bị thổi phồng lên, hay thần thánh hóa trở thành một kẻ hoàn hảo, mà được khắc họa như một người anh hùng ta dễ có thể đồng cảm, bởi vì mỗi chúng ta đều có những lúc như vậy. 
   Bộ phim chính là một phép nhân hóa, là chủ nghĩa Anthropomorphism (nhân hóa) toàn diện, mà trong đó Woody chính là trung tâm, là một sự phản ánh phần nhiều những con người ngoài xã hội - những người lãnh đạo với tài hùng biện xuất chúng nhưng vẫn nặng lòng đố kị, những người luôn lao động, cống hiến cho những thứ, những người mình yêu thương mà chẳng hề màng đến bản thân, hay thậm chí là những kẻ thực tế đến tàn nhẫn, sẵn sàng giết chết ước mơ của người khác.
   "Andy là của tôi" - Đó cũng chính là sự tóm tắt đầy đủ nhất cho ước mơ, hi vọng và khát vọng của Woody trong đời, anh ta muốn làm đồ chơi của Andy, muốn Andy mãi ở bên mình, muốn hai người mãi làm bạn - điều mà không ai có thể khẳng định, và anh thậm chí còn gần như bị lãng quên với sự xuất hiện của tay phi hành gia Buzz Lightyear ở ngay phần một. 
  
I don't want to play with you anymore
   Nhưng một lần nữa, anh lại trưởng thành. 
   Ngay khoảnh khắc quyết định, anh sẽ ở cùng với những người bạn đồ chơi, hay theo Andy vào đại học, Woody đã chọn ở lại, sau tất cả những gì mình đã trải qua cùng với những món đồ chơi kia. Anh lại nhận ra thêm một điều quý báu - Andy đã lớn, không còn cần đồ chơi nữa, và anh cần phải ra đi. Woody chọn ở bên những người bạn của mình, nhưng vẫn có chút gì vương vấn khi chiếc xe chở Andy vút đi trước mắt. Khoảnh khắc chuyển giao chủ nhân giữa Andy và cô bé hàng xóm chính là lặp lại của một sự thật tuy đắt giá, mà cũng thật nghiệt ngã: 
  Ai rồi cũng phải trưởng thành 
    Chúng ta trưởng thành theo cách này hay khác. Có người thấy niềm tin của họ bị xé vụn - như Buzz, kẻ từng nghĩ mình là phi hành gia thực thụ, để rồi vỡ nát trong sự thật - anh ta chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém, và phải học cách chấp nhận thực tại đó, sống thực với chính mình và bằng một cách nào đó, thoát ra khỏi sự kìm kẹp, giam cầm của những ảo tưởng mà "bản thể" kia đã xây lên - Buzz Lightyear được tự do để là chính mình, chứ không phải lúc nào cũng đi choảng nhau với Zurg để giải cứu thế giới.
Clearly, i will go sailing, no more
     Cũng có người, vượt qua nỗi sợ của bản thân và nhận ra được mình là ai. Đó là câu chuyện của "món đồ chơi đi lạc" - Woody. Bằng một cách nào đó, mọi phần phim đều cài cắm tình tiết anh chàng cao bồi này rơi vào cảnh thất lạc để hướng tới câu chuyện ở phần 4, cũng là lúc Woody trở thành bản thế hoàn chỉnh nhất - một Woody trưởng thành nhất, tuy chưa phải là hoàn hảo nhất. 
   Từ lâu, Woody đã rất sợ việc mình bị lãng quên, sợ việc mọi người sẽ không nhớ mình là ai, và tất cả những kí ức về mình sẽ dần dần rơi vào quên lãng. 
    Nhưng, chúng ta cũng đều vậy cả mà? Phải chứ?
    Đã bao lần bạn buồn vì một đứa bạn trong lớp quên tên mình, buồn não nề khi thằng bạn không nhớ sinh nhật mình, hay giận dỗi khi mọi người trong lớp rủ nhau đi chơi mà không có mặt mình. Thậm chí, có khi nào bạn tủi thân chỉ vì câu đùa "Tao còn không biết mày ở đấy??!!"
     Đó là một nỗi sợ thường thấy, thậm chí là kinh khủng nhất với hầu hết mọi người. Ta không bao giờ dám tưởng tượng đến một viễn cảnh mình sẽ rời đi lúc nào mà không ai biết, hay đau đớn hơn - không ai quan tâm. Ta sợ bị trở thành một phần nhạt nhòa của lịch sử.
     Trở lại, mặc dù sợ việc trở thành "đồ chơi thất lạc", nhưng anh lại gặp chính Bo - tình cũ??! trong hoàn cảnh như thế, và nhận được lời mời gọi trở thành một món đồ thất lạc, như cô. Để rồi sau cùng, một lần nữa anh lại trưởng thành, Woody chọn ở bên Bo - một nửa của đời mình, và chấp nhận rời xa những người bạn - bởi anh thật lòng yêu cô, và cô cũng vậy. Hành trình tìm kiếm bản thân của Woody trở nên hoàn thiện, đi từ những buổi đầu còn thiếu sót, cho đến dần học cách buông bỏ, và tìm thấy một nửa của đời mình. 
      Điều ấy, chẳng phải rất giống với chúng ta hay sao?
   Ta cũng đi lên từ những thiếu sót, không kể ít nhiều cho đến chỗ nhận ra mình cần phải chấp nhận buông bỏ một số thứ và cuối cùng là tìm thấy một nửa của đời mình, và cả chính bản thân mình nữa.
   Một sự phát triển nhân vật sâu sắc, tinh tế. Một bài học về sự trưởng thành dễ đồng cảm, tuy buồn mà lại đẹp đẽ quý giá đến lạ thường.
     P/S: À còn quả Marie Antoinette nữa, quả joke ngay phần 1 dark thật sự