Suy cho cùng, tranh đấu nội tâm theo một hướng tích cực chính là việc tự nhìn lại và thấu hiểu bản thân. Khoan hãy nói đến việc trưởng thành gian nan thế nào, chỉ cần nghĩ đến việc hiểu bản thân và sống hết mình với một trái tim dũng cảm, đó là khi bạn thật sự trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu.
Ảnh: Unsplash
CON ĐƯỜNG TRƯỞNG THÀNH KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁI TIM YẾU ĐUỐI
grayscale photo of man surrounded by fogs
Ảnh: Unsplash
Có một câu nói trong quyển ”Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” làm tôi nhớ khá lâu, thậm chí là đọc đi rất nhiều lần vì cứ day dứt mãi với ý tứ của người viết: “Không chao đảo thì không phải là người lớn, phải ngàn lần tranh đấu mới có thể trưởng thành. Có đau đớn mới là tuổi trẻ? Nếu vậy thì có chao đảo mới trở thành người lớn. Đúng vậy, có chao đảo một chút cũng không sao, sự dao động của bạn và của tôi là hành trình hết sức tự nhiên mang tên ‘trưởng thành’.”
Quyển sách màu xanh lá với hình ảnh cây mao trúc (cây tre) vươn mình hướng về ánh sáng chính là quà tặng sinh nhật năm 20 tuổi mà tôi nhận được từ một người chị trong Khoa với những lời nhắn gửi đầy yêu thương. Có lẽ không có sự đồng điệu nào lặng im và nhẹ nhàng hơn sách vở, như chính cách chúng ta sống, yêu, cảm nhận và lưu lại những điều kỳ diệu đẹp đẽ mỗi ngày trong tâm trí mình. Rando Kim – tác giả của quyển sách đã vẽ nên một hành trình trưởng thành bằng cách kể lại những câu chuyện có thật trong cuộc sống, về sự đánh đổi, và sự dũng cảm của những con người dám đứng lên đi tìm vùng đất chín – nơi mà sự trưởng thành lớn dần lên bởi suy nghĩ và hành động chứ không phải chỉ ở lời nói. Ông không cố tình viết ra những bài học hay cho những lời khuyên làm sao để trưởng thành. Bởi đâu phải cứ va vấp, cứ biến trải,…thì quá trình lớn lên sẽ dịu dàng hơn với chính ta? Chỉ có sự kiên định, trái tim nóng ấm và một nội tâm mạnh mẽ mới khiến người trẻ bước ra khỏi những thơ ngây, những ngày tháng rong chơi thênh thang, những lối về được dẫn sẵn, những kế hoạch vốn dĩ được làm nên bởi ước mong của kẻ khác, những xung đột về giới tính-sức khỏe-niềm tin và tình yêu thương quẩn quanh chỉ từ bếp nhà đến bậu cửa,…
Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu- Những bài học học làm người ...
Ảnh: Sách “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”
Bước ra để thấy cuộc đời thật chất rộng rãi và thênh thang hơn thế giới nhỏ bé của ta rất nhiều. Bước ra để cảm nhận lồng ngực luôn phập phồng vì yêu thương, sự chân thành và những bài học từ những lần va vấp. Tôi không biết khi những người trẻ tuổi chạm đến ngưỡng đôi mươi – lứa tuổi mộng mơ và đầy hoài bão nhưng đồng thời cũng học cách đối mặt với thực tại ngột ngạt và chân thật đến đáng sợ – sẽ thế nào? Vì trước đó, chính chúng ta cũng từng mơ về những cánh cửa trưởng thành rộng mở và đầy ánh sáng, nơi mà tất cả những người lớn (cứ cho là vậy đi) được quyết định cuộc đời mình và được sống một cuộc đời theo cách mình mong muốn. Nhưng sự thật có phải đơn giản như thế không?
Về cơ bản, mỗi người trong chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nổ lực để sống một thực tại và tương lai mình mong muốn. Ngay từ khi còn nhỏ, khác với những bạn đồng trang lứa, bản thân tôi sớm trải qua những giai đoạn thăng trầm trong cuộc sống mà người ta hay gọi là “đường đời tắc ở nhiều ngã 5 ngã 7, chẳng bao giờ có thể quay đầu hay dừng lại.” Nhưng tôi chưa bao giờ có ý niệm chối bỏ gia đình hay nơi mình sinh sống. Tôi không oán trách, không so sánh cuộc sống của mình với bất kỳ ai. Vì giàu chưa chắc đã vui vẻ, nghèo khó chưa chắc đã khổ đau, công việc đáng mơ ước chưa chắc mang lại trạng thái muốn cống hiến và gắn bó cả đời, tình yêu lứa đôi có hợp mấy mà không xuất phát từ sự vun vén của đôi bên cũng chưa chắc trường trường cửu cửu,…
Không hiện tại nào là mãi mãi, không ngày mai nào sẽ không bao giờ đến, thay vì sống với những ”chao đảo” của hiện tại, sao ta không dũng cảm đứng lên để bước qua nó?

Dù có mất bao lâu để học cách cân bằng lại mọi thứ, tôi vẫn thấy biết ơn khoảng thời gian đã qua với tất cả những đau khổ lẫn hạnh phúc từng vì tôi mà đến rồi đi. Bởi khi trải qua tất thảy những ngày tháng như thế, tôi thấy lòng mình dài rộng ra với trái tim dũng cảm vô cùng. Tôi tự học cách chấp nhận những thứ xảy đến với mình, bình tĩnh đón nhận và tìm cách vượt qua nó. Thậm chí ngay cả khi cuộc đời xô ta ngã khụy, lòng kiên trì và sự dũng cảm sẽ mang ta đi đến tận cùng nỗi đau rồi bùng lên mạnh mẽ. Trưởng thành, với mỗi người sẽ có những nút thắt hoàn toàn khác nhau, những lát cắt thời gian có thể cách nhau nhanh hay chậm, những đoạn đường có thể vì cách sống của mỗi người mà trở nên thênh thang hay nhỏ hẹp hơn,… Nhưng suy cho cùng, tranh đấu nội tâm theo một hướng tích cực chính là việc tự nhìn lại và thấu hiểu bản thân. Khoan hãy nói đến việc trưởng thành gian nan thế nào, chỉ cần nghĩ đến việc hiểu bản thân và sống hết mình với một trái tim dũng cảm, đó là khi bạn thật sự trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu. Trên hành trình học cách lớn lên cùng nhau, tôi thấy chính mình, và những người đang đi cùng mình như đang giao nhau ở nút thắt của sự ”trưởng thành” từ những điều giản đơn nhất.
Tôi có một cô bạn tính tình rất tốt. Cô ấy có biệt danh là cô gái ngây thơ với đôi mắt lúc nào cũng như sắp khóc. Nói như vậy là để mọi người có thể hiểu rằng cô ấy có trái tim trong sáng đến nổi không một ai nỡ lừa gạt cô ấy. Và nếu có, đó chắc chắn là một điều tội lỗi nhất mà họ đã làm vì cô ấy chẳng bao giờ đề phòng hay có ý nghĩ sẽ đối xử tệ với bất cứ một ai (dẫu cho đó có là người cô ấy chỉ mới gặp lần đầu). Nhưng cuộc sống đâu dễ dàng như thế, thời gian trôi qua, cô gái nhận ra mình không thể cứ giữ mãi sự sáng trong ấy với niềm mơ mộng ảo huyền rằng đời và người sẽ vì sự lương thiện đó mà dịu dàng hơn với mình. Những biến cố gia đình không hẹn mà kéo nhau đến cùng lúc, chuyện tình cảm thăng trầm vì lỡ yêu một người có thói trăng hoa, chuyện học hành bế tắc vì đã lỡ bước lên nhầm con thuyền tri thức, từ một người vốn được gia đình chăm lo đầy đủ bỗng phải học cách tự xoay sở cuộc đời mình,…những nhập nhằng tự dưng ngắt nghẻo băng ngang qua cuộc đời khiến con người khó có thể nào thích ứng cùng một lúc. Tâm trạng cô ấy trong chuỗi ngày này khiến tôi thấy lo lắng. Cô ấy không khóc lóc ầm ĩ, không chọn cách hấp tấp để giải quyết mọi thứ, không chọn ý nghĩ tiêu cực, cũng chẳng kể chuyện cho bạn bè nghe quá nhiều như cách cô ấy vẫn thường làm để giải tỏa tâm sự. 
Trái lại, sự im lặng và điềm tĩnh đến lạ của cô ấy làm tôi sợ. Trạng thái tinh thần này tôi là người hiểu rõ nhất, vì chính tôi cũng từng như thế. Khi bạn phải đón nhận quá nhiều chuyện đột ngột xảy đến, trong tâm bạn hình thành một cú sốc âm thầm, từ từ khiến bạn chìm vào trạng thái lặng im đến cực độ và bất lực đến mức chẳng thiết làm gì ngoài tự gặm nhấm nỗi đau một mình. Bạn sẽ ổn thôi, nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Mấy tuần sau đó, cô bạn báo với tôi rằng mình đã ổn định mọi thứ với công việc mới. Sau giai đoạn nghỉ dịch, bạn nói rằng bạn thấy mọi thứ đến với bạn như ‘‘việc đến phải đến” và chính bạn đang học cách sống với sự ”chao đảo” ấy, tìm cách biến thuyền con có thể bình đạm tiến về phía trước. Bằng cách này hay cách khác, bạn, tôi, hay tất cả những đứa trẻ trưởng thành theo cách thức trải qua những nỗi đau như thế, sẽ khiến bản thân rơi vào hai trạng thái cơ bản:
* Một loại sẽ thay đổi và trưởng thành từ trong cốt tủy. Họ vẫn là họ, nhưng là một phiên bản kiên cường và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trưởng thành như thế này thật khó khăn và đau đớn. Thực chất nếu được chọn lựa, chẳng ai mong muốn đánh mất đi bất kỳ thứ gì trên con đường trưởng thành cả. Đó có thể là mất đi một người thân yêu nhất, mất đi thời gian vui vẻ, mất đi sự vô lo vô ưu, mất đi lòng tin vào điều kỳ diệu, thậm chí là mất đi thời gian để chờ đợi bản thân kịp lớn theo tuần tự thời gian.
* Một loại trở nên chai sạn với mọi thứ. Họ tìm cách ẩn mình và muốn tách biệt khỏi những cảm quan thông thường của con người. Họ không nói rõ cảm xúc của mình, cũng không muốn bày tỏ chúng. Họ cho rằng trưởng thành là một bài học đớn đau và đắt giá. Mọi thách thức đến và đi, không hề mang lại bất kỳ bài học hay thông điệp nào, thậm chí còn có nguy cơ đẩy họ xuống sâu hơn sự tuyệt vọng. Không động lực, không niềm tin, không mục tiêu phấn đấu. Và cứ thế, họ chết trước khi tranh đấu để trưởng thành theo cách của những người dũng cảm.
Nếu như bạn đang ở trong hai trạng thái đó, hãy xem trưởng thành như một nhánh hoa hồng. Gai góc làm ta đau nhưng đó cũng là một vỏ bọc cứng cáp và sắc bén nhất, giúp ta tìm thấy vùng sức mạnh ẩn sâu trong tâm hồn. Sự đẹp đẽ của hoa hồng cũng giống như ánh mặt trời vậy, rực rỡ nhưng sẽ tắt đi sau chu trình ánh sáng. Duy chỉ có lòng tin và trái tim dũng cảm mới khiến ta thấy mình thấy mình còn sống, yêu, và trải nghiệm quá trình trưởng thành dài đăng đẳng này. Vì con đường trưởng thành không dành cho những trái tim yếu đuối.

man in white dress shirt holds red flower
Ảnh: Unsplash
TRANH ĐẤU NỘI TÂM LÀ CHUYỆN CẢ ĐỜI NGƯỜI
Bạn có bao giờ để ý những khi bản thân tranh đấu nội tâm hay cứ dằn vặt mình về một chuyện nào đó đã hoặc đang xảy ra chưa? Thật ra đấu tranh nội tâm không giới hạn bởi tính chất của vấn đề hay thời gian xảy ra vấn đề; mà chính bạn, cách bạn quyết định hay chấp nhận một vấn đề mới là chủ thể quan trọng nhất.
Mới hôm kia thôi, trong buổi cafe với những người bạn đã rất rất lâu chưa tái ngộ, có một người đã hỏi mình: “Dạo này cuộc sống mày bình yên theo cách mày nghĩ, mày có đang thật sự ổn không hay mày đang bắt ép bản thân phải ổn? Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau.” Một người nếu đã từng xuất hiện trạng thái tự tranh đấu nội tâm sẽ luôn tuân thủ quy tắc tự mâu thuẫn với chính mình trong mọi trường hợp, ở mọi vấn đề, dù cho đó là việc lớn hay việc nhỏ. Hãy tưởng tượng có 2 con người, 2 tính cách và hai tiếng nói trong con người bạn. Ban ngày trước mặt mọi người, bạn có thể sẽ là cây hài của cơ quan, một người cửa hàng trưởng tích cực và vui tươi trước mặt mọi người, một sinh viên hoạt bát và năng nổ tích cực trong mọi hoạt động, một kẻ lắm lời hay một tay trưởng nhóm quyết đoán thậm chí có phần khá gắt gao gần như bắt ép mọi người sẽ theo ý mình. Tuy nhiên khi đêm đến, bạn lại trằn trọc hồi tưởng lại những chuyện đã qua. Bạn bắt đầu truy cứu sự việc, tự hỏi bản thân rằng đó có phải là con người thật của mình với tiếng nói sâu trong lòng mình? Vẻ đẹp của tâm trí, một trái tim dũng cảm và tâm hồn nhạy cảm, một người sinh ra đã có ý niệm phải trở thành người tử tế, một người lớn lên học được cách trưởng thành và sống một cuộc đời có ý nghĩa,…phải trải qua bao nhiêu tranh đấu nội tâm mới kịp nhận ra chính mình là ai? Bạn có thấy ổn với những gì bạn làm không? Hay đó là cách bạn muốn rạch ròi giữa định nghĩa con người ngoài xã hội và nguyên bản chân thật nhất khi đối diện với chính mình? Bạn muốn giữ lấy phần bản chất nguyên thủy ấy, nhưng cũng không muốn vì điều đó mà sự hòa nhập với mọi người trở nên khó khăn hơn. Thế là bạn tranh đấu với chính mình mỗi ngày, về cách bạn xuất hiện trước đám đông và cách bạn đối diện với chính mình.
Tôi thật sự đã tự hỏi chính mình rất lâu sau đó. Tôi có thật sự ổn như những gì mình cố thể hiện ra bấy lâu nay không? Hay càng ngày tôi càng trở nên mất kiểm soát với trạng thái cảm xúc cá nhân. Tôi không nóng nãy nữa, nhưng lại xây nên sự kiềm nén quá mức, như một quả bóng sợ có lúc sẽ nổ tung. Khi mà bao nhiêu vấn đề vẫn bủa vây, và tôi vẫn phải chiến đấu với chúng mỗi ngày. Tôi cố dung nạp những thông tin về cuộc sống bình thường mới sau dãn cách xã hội. Tôi cố giữ mình dửng dưng trước những áp lực nhưng chỉ tôi mới biết sau vẻ bình thản cố tạo đó, lòng tôi là lửa cháy là mưa giông. Tôi cố gắng thay đổi chính mình, bắt đầu từ cách tiếp nhận những sự việc xảy đến và phân loại chúng theo thứ tự những việc có thể chịu đựng được, việc có thể giải quyết được và việc có thể bỏ qua được. Tuy nhiên, trái với mong muốn kiềm hãm tính nóng vội và dễ nổi cáu của mình, tôi bắt đầu thấy mình nhàm chán và xa rời cảm xúc thật của bản thân. Tôi là người khá thất thường, có thể sống cuộc đời sôi nổi đồng thời tôi cũng thích được cảm giác cô độc để tự nhìn nhận mọi thứ đã qua. Tôi khi đối diện với biến cố là một người mạnh mẽ, gấp rút và thậm chí có phần tự tạo áp lực để đẩy cảm xúc của mình đến độ chín muồi rồi biến áp lực thành động lực tiến về phía trước. Tôi nóng tính, và bản năng, nhiệt thành và trách nhiệm, sống vừa cảm tính vừa lý tính, sống vừa tử tế vừa bất cần. Và tôi muốn mình vẫn luôn là người như thế, sự đấu tranh nội tâm để nghiền ngẫm này không thật sự dành cho tôi. Ý tôi là việc đi ngược lại với con người và cảm xúc thật của mình khiến mọi chuyện đi xa hơn tôi tưởng.
Người ta nói không sai, mọi người chỉ thấy mặt nước phẳng lặng chứ không nhìn thấy lốc xoáy và đá ngầm dưới mặt nước. Mỗi ngày chúng ta đấu tranh với chính mình, về những cái đúng sai và những mâu thuẫn nội tại mà chính ta cũng chẳng hiểu hết. Nhưng chung quy lại, thứ chúng ta cần chính là một sự thừa nhận của bản thân chứ không phải sự chấp nhận của ai khác. Chỉ khi ta đồng tình với thứ ta làm, ta mới thấy mình đang sống một cuộc đời đầy ý nghĩa mà ta muốn. Sự đấu tranh nội tâm đôi khi cũng là một biến tướng của trái tim dũng cảm: dũng cảm nhìn vào con người thật của chính mình.
Tôi là một người sống nội tâm, nhưng không có nghĩa là lúc nào cuộc sống của tôi cũng chìm trong những vướng ngại tâm lý. Tôi đau đớn và cô đơn trong những ước mơ như thiêu đốt chính mình. Khát khao thoát ra và chạm lấy một đời tự do luôn quẩn quanh trong tâm trí. Tôi buồn, dĩ nhiên, nhưng niềm tin và sự mạnh mẽ nội tại trong tôi chưa bao giờ tắt hẳn.
Find me more on my personal blog: https://hoangthy.home.blog/