thập niên nhất giác Dương Châu mộng
doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh
Khiển Hoài, Đỗ Mục
Giữa một cuốc xe trên đường nóng, tôi hay ước giá có ly sâm lạnh ở góc đường Lê Hồng Phong mà uống. Cái ngụm ngọt mát đầu tiên đó chắc cũng nhiều sảng khoái như cái ngụm bia đầu uống với bằng hữu lâu ngày không gặp mà sếp cũ tôi vẫn thường hay cảm khái. Những cái bình inox đựng nước bông cúc, rong biển, mía lau, la hán quả, với cái vẻ đứng tuổi của chúng, luôn làm tôi an tâm rằng chúng vẫn luôn ở đó, chứ không như các hàng cà phê ghế gỗ trên đường Huỳnh Đình Hai, trên đường Nguyễn Huy Tự, nơi tôi từng ngồi mòn đít làm cho bài luận cuối học phần, mới hôm qua còn thấy nay đi ngang đã sang tên đổi chủ, còn trơ trọi lại tấm bảng “cho thuê mặt bằng”.
Tôi luôn nghĩ sâm lạnh là người Hoa đã mang đến Sài Gòn, dù chưa một lần kiểm chứng, hẳn vì tên gọi của các loại nước mát này gợi nhắc tôi về những hộc tủ gỗ ở các cửa hàng thuốc Bắc gần Chợ Lớn, trên có dán chữ cam thảo, kỷ tử, hay hoài sơn. Những cái tên thuốc nghe lạ lẫm như những cái tên đường ở quận 5, quận 6, những Tạ Uyên, Dương Tử Giang, Học Lạc, hay Phó Cơ Điều. Tôi không biết họ là ai cả. Chợ Lớn với tôi luôn là một vùng đất lạ, với những đền miếu mái cong như đầu sóng, những bảng hiệu song ngữ Hán Việt, những giọng xì xồ hẳn là tiếng Quảng Đông, những xe hủ tiếu bằng gỗ ốp kính màu vẽ hình Triệu Vân cứu ấu chúa hay Lữ Bố hí Điêu Thuyền, những chung cư cũ mà trước mỗi căn hộ hay có gương bát quái, mùi ngũ vị hương bên trong chợ Bình Tây, trang sức giả óng ánh ở chợ Đại Quang Minh, hay các món hoành thánh, sủi cảo, cháo Tiều. 
Thậm chí, tôi từng có ba tháng sống ngay sát bến xe Chợ Lớn, nhưng vẫn chưa hiểu được cái tinh thần của nơi này, nếu chúng ta quan niệm rằng một vùng đất, ngoài cái bề mặt vật chất còn có bên trong nó một bản thể siêu hình nữa. Những ngày tháng đó, đến gần tám rưỡi tối, xuống lầu tìm quán ăn, tôi đã thấy đường vắng như trong tập phim Tây Du Ký, khi các gia đình đóng cửa đi ngủ sớm vì sợ yêu quái đến bắt con cái của họ đi. Đang đi đường Hồng Bàng mà rẽ vào Phùng Hưng hay Học Lạc, là sẽ thấy sự sầm uất tắt hẳn, như thể có một thế lực nào đó luôn giữ cho khu vực bên trong này tịch lặng, khép kín.  
Chợ Lớn làm tôi nhớ đến một người bạn đã không còn liên lạc. Nó có một ban nhạc chơi symphonic metal, và là người đã giới thiệu cho tôi biết về Nightwish, Evanescence, cả Trần Viết Tân nữa. Với tôi, những gì đã có ở khoảng thời gian đó vẫn là một kỷ niệm đẹp. Sau này, một lần vào cà phê rock Trúc Mai trên đường Tân Phước, khoảng vài tháng trước khi quán dẹp, nghe bản Bye bye beautiful, tôi lại nhớ nó.
Trúc Mai là một trong số những quán cà phê lâu đời nhất ở Sài Gòn mà tôi từng biết, một nơi tối, bẩn, đầy mùi bụi và thuốc lá, sau bảy giờ tối thì mở nhạc to đến mức mình thậm chí còn không nghe được suy nghĩ của mình. Trúc Mai tồn tại hơn 10 năm trước khi đóng cửa, và là chốn quen thuộc của các metalhead thuộc đại học Bách Khoa thời 8x. Vì một cái điều đơn giản vậy thôi, mà sau này mỗi khi xem lại phim Lam Vũ của Quan Cẩm Bằng, vốn dựa trên truyện Bắc Kinh cố sự, tôi lại tưởng tượng ra một tiền kiếp nào đó, mà tôi đã không chọn học IU mà chọn học Bách Khoa, để rồi có một chuyện tình đẹp và buồn như chuyện tình của Lam Vũ và Hãn Đông trong phim. Mỗi khi cái bản nhạc đó vang lên, là tôi lại trôi ngay vào một miền tưởng tượng kiểu vậy.
Năm 2012, tôi đã đọc Chuyện nhỏ Sài Gòn của Đàm Hà Phú và hồ hởi hình dung rằng mình đang dự phần vào một cái gì lớn lao hơn chính mình khi làm phục vụ ở một quán bar ngay góc đường Bùi Viện và Đề Thám, nơi có anh DJ bụng bự hay mở Snow của Red hot chili peppers, những đứa con nít ngậm xăng phun lửa hay nuốt rắn, thi thoảng trổ tài móc túi giật điện thoại, và mấy chị gà 45 ký ưa ngồi kể chuyện những ngày làm đĩ bên Sing.
Có lúc, tôi muốn trở lại những buồn cười, quê kệch, bấm đầu tự trách của một tuổi thơ, khi mà chính tôi cũng đã cảm thấy mình già đi. Tưởng tượng một live show của những ca sĩ mình nghe năm 10 tuổi, họ lên hát với giọng thều thào như bà Khánh Ly lúc về nước, nhưng những người nghe cảm thấy liên hệ được lại là những người tóc cũng đã bạc
Và tôi cảm thấy chính ở những ca sĩ hay vạ miệng như Phương Thanh, những ca sĩ bị công an bắt, nói về chuyện chơi ngải, đóng vai đĩ điếm tú bà… nó là một cái gì đó gợi lại toàn bộ những mẩu tin vụn trên báo Công An, trên báo Nhân Dân về những chợ tình đồng tính ở Thủ Đức và HIV AIDS. Cái bài nhạc đầy ám ảnh của phim truyền hình Cảnh sát hình sự. Những quyển manga tôi coi cọp ở cửa hàng sách của dì tôi. Những vòm me xanh của báo Mực Tím, hay mấy mẩu truyện cười của báo Hoa Học Trò. Những tát và đấm cùng cái thô ráp của cỏ gà sau nhà mà tôi nằm lên khi chơi đùa, cái mùi bụi lưu cữu xen lẫn đất khô và cỏ khô. Vảy cá trên tay má. Giếng nước sau nhà. Băng từ và những vụng trộm đầu tiên. Những bộ phim Việt Gái nhảyTrai nhảy, cùng Những cô gái chân dài. Ký ức trình chiếu với kỹ thuật montage. 
Sự thật mà nói, công việc ở ila đã cứu vớt tôi khỏi cái nghèo, sự ngây thơ, và thói quen chìm đắm trong trạng thái trầm uất. Nhưng cũng chính từ giây phút đó, tôi sống hai cuộc đời.
Một cuộc đời của văn phòng và tin nhắn báo lương, của những sáng chiều cùng bao hai bánh vùn vụt lao vào đám mù khô một ngày lao động mới, cuộc đời của những phong bì thiệp cưới, những khóa học và những cuộc phỏng vấn, cuộc đời của những nỗi buồn đêm chủ nhật bị chôn sống trước thềm ngày thứ hai, cuộc đời trên làn đường cao tốc, "không có thời gian để yêu, không còn thời gian để ghét" (Big girls cry, Sia).

Và một cuộc đời của những không-làm-gì, hoặc những chuyến bay tùy hứng lên Đà Lạt (chắc để khóc váng một trận rồi về), cuộc đời bên cốc cà phê, và nghìn bộ phim nghìn bài nhạc; cuộc đời của những tiếng đi bộ, leo núi hoặc tắm biển, chơi board game hoặc nấu ăn, chăm cây hay nuôi cá.
Cuộc đời thứ hai hẳn đáng yêu hơn cuộc đời thứ nhất, và một số người mong chuyển đổi hẳn từ một sang hai. Nhưng phải chăng việc sống cùng một lúc cả hai cuộc đời trong một tuần là một sắp đặt để chúng ta "không xa tình đầy và cũng không xa lạc loài" (Trịnh Công Sơn)?
Nay tôi xin nhìn kiếp sống hai bề. Đời sống đi về, nhưng sẽ ước thề. Sống như, sống như giấc mơ hiện về. Sinh ra sinh ra sinh ra làm gì?
(Hai khía cạnh cuộc đời, Phạm Duy)
Làm sao để "get the best of both worlds" như Hannah Montana?
Cũng ở đây, lúc 3 giờ 30 chiều ngày 27 tháng 11 năm 2017, tại tầng 10 tòa nhà số 146 Nguyễn Đình Chiểu, có một đứa phát khóc vì 24 cái bánh donuts và bài hát Happy Birthday
Tối hôm đó tôi tự giận mình vì mấy giọt nước mắt rơi trước mặt thằng Tây đồng nghiệp mà tôi ghét. Tôi không phân biệt chủng tộc, nhưng số phận đẩy đưa tôi gặp rất nhiều thằng Mỹ mất dạy. Hai ba dòng biện minh cho vài giọt nước mắt không đúng nơi không đúng lúc cho lắm có lẽ không đáng để dành thời gian bằng vài tiếng đi ngủ, nên thôi cứ ngủ đi đã rồi sáng mai nó cũng chẳng có gì to tát.
Không biết rồi những thứ không viết không nói năng của cái đêm nay hay của nhiều đêm trước nữa rồi chúng đã đi về đâu? Tự nhiên nhớ cái mô tả mấy cô gái xòe nhảy trên sàn nhà bị nung nóng của Đèo Văn Long, máu đêm nay rơi xuống khô lại bám vào những tầng máu đêm trước. Đóng vảy. Dày lên.
Proust có thể viết về mùi hương của bánh sau rất nhiều năm. Có lẽ giấc ngủ sẽ giúp mình thực hiện cái thủ tục lưu trữ dữ liệu ấy.
Tôi lại nhớ một cô bé mà ngoại hình có thể đi làm người mẫu, học sư phạm Văn và thích cái cuốn sách gì có tên là Họ, Bột Hư Ảo. Tôi nhớ lúc đó hơn 2 giờ sáng, mình và con bé đó ra sân bay đi dạo. Thật chả có ý nghĩa gì – những trải nghiệm tưởng chừng có ý nghĩa như vậy!
Hành động “mặc niệm 1 phút” nó nói lên đầy đủ tính chất của cuộc sống chung thời buổi này. Nó là 1 phút chứ không phải 59 giây hay 1 phút 1 giây.
Ngoài phố, người ta đang tụm lại trong những quán xá, trước những màn hình để xem trận cầu chung kết. Trên mạng, cảnh sát Hồng Kông đã đánh vào trường đại học. Ở chỗ làm, công ty đã có kết quả review dự án từ phía nhà đầu tư. Ở trường, bài tập môn học đang đến hồi nước rút. Tôi thấy cơn ngứa chạy dọc sống lưng khi phải làm cho xong bài tập và viết cho xong những bài viết dở ở chỗ làm. 
Một mặc cảm wave alpha, trên con đường vắng như những ngày cận Tết. Khi chạy qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, khí trời mát mẻ lộng gió, tôi thấy một người đàn ông đứng ở trên cầu để xem bóng đá trực tiếp từ màn hình ở một quán nhậu dưới chân cầu, tôi thấy một cảm giác thật lạ lùng… một cảm giác rất giống cái mô tả trong The Great Gatsby, cái đoạn Trịnh Lữ dịch: “Tôi đang vừa ở trong vừa ở ngoài, vừa bị mê hoặc vừa thấy kinh tởm bởi cái đa dạng khôn kiệt của cuộc đời.”
Tôi nghĩ ngoài kia có rất nhiều người cũng như tôi, những người muốn nói một điều gì đó, muốn viết một điều gì đó nhưng không thể viết được, vì không biết phải bắt đầu từ đâu, vì quá bận rộn. (“Bao tháng ngày trôi đi/ Bao kiếp người trôi đi/ Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được”, Nguyễn Huy Thiệp).
Trong những buổi chiều tan tầm, trên con đường đông đúc và nóng nực, trong những bữa ăn vội, những ly cà phê lạnh, tiếng còi xe, những nhanh chóng và vội vã của thành phố.
Rồi chỉ cần một bài hát thôi, như lúc này, là đủ gợi về cả một vùng ký ức. Như đêm nay, nghe Whitney Houston hát I will always love you của những năm 90 và chợt nhớ về một bài báo đọc vào năm 2015 về việc Whitney bị mất giọng khi trình diễn ở một quán bar. Tôi nghĩ, bạn biết đó, thời gian qua, những thứ ánh sáng đẹp đẽ cũng có thể không mãi lấp lánh được.
Tôi cảm thấy, trong rời rạc, rằng tâm trí mình không thôi cư ngụ trong những dẫn chiếu, trên tầng tầng lớp lớp những di sản của văn minh thế kỷ.
Rằng chúng ta có thể tìm trong hỗn loạn một sợi dây nối kết, sự nối kết của xa, và vì những thứ nhiều hơn những nói hay nhìn của trực diện. Giống như nỗi cô đơn không còn thấy khi mình nghĩ về một cộng đồng những kẻ cô đơn, để thấy mình không lạc loài, thấy mình ở những trong trẻo của nguyên khởi chưa đánh mất.
“Hôm nay người ta có thể thân nhau lắm mà ngày mai đã hững hờ rồi, vì nhiều nguyên cớ mà cũng có thể chẳng có nguyên cớ nào hết. Rồi người ta lại có những người thân khác, thân khác nữa, ở mỗi ngày, mỗi năm, mỗi giai đoạn của cuộc sống.”
(Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền)
10.06.21