(Mình viết bài này dành cho việc đọc các loại sách self-help, sách kỹ năng,..., có thế sẽ không phù hợp với những bạn thường đọc sách tiểu thuyết, truyện,...)
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đây là mình khi bắt đầu thói quen đọc sách. 
Lý do mình bắt đầu việc đọc sách là vì trong quá trình làm việc nhóm thời Đại học, mỗi khi đưa ra một sáng kiến hay ý kiến nào đó, mình bị thiếu dẫn chứng, cơ sở chứng minh nó đúng, vì ý kiến của mình dựa trên giả thiết (assumption) của bản thân. 
Và để mình bàn luận một cách thuyết phục hơn, mình chọn đọc sách như là cách để tích lũy kiến thức nền tảng hỗ trợ cho công việc của mình ở thời điểm đó và sau này.
Gần đây, trong 1 lần phản tư (self-reflect) về cách đọc sách, mình tự hỏi:
❓Liệu những vấn đề và thắc mắc của mình trước giờ đã được giải quyết chưa?
❓Bản thân mình đã có những thay đổi gì sau khi đọc những cuốn sách từng đọc?
Mình nhận ra đây là các sai lầm khiến việc đọc sách của mình kém hiệu quả đi.

1. Không đặt mục tiêu rõ ràng khi đọc 1 quyển sách

Việc này khiến mình đôi lúc bị “lạc trôi” trong quá trình đọc sách - đọc nhưng không biết mình đang muốn tìm kiếm điều gì từ cuốn sách.
Có khi mình đã giải quyết được hoặc giải quyết được phần nào vấn đề ban đầu mình gặp phải.
Nhưng vì không xác định rõ ràng mong đợi từ cuốn sách, nên mình cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá độ hiệu quả của quyển sách đó.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đề xuất cho bạn (và cả mình): 
Khi chọn sách: Xác định vấn đề hiện tại của bản thân và mình đang muốn giải quyết nó.
(Nếu chỉ đơn thuần là quan tâm, muốn tìm hiểu về 1 chủ đề nào đó qua 1 quyển sách thì bỏ qua bước này).
Trước khi bắt đầu đọc sách, tụi mình cần trả lời những câu hỏi sau đây:
1️⃣ Vấn đề cụ thể mình đang muốn giải quyết khi đọc quyển sách này là gì?
2️⃣ Mình đang muốn tìm kiếm điều gì từ quyển sách?

2. Bỏ qua bước ghi lại phản tư (reflection) về quyển sách 

Ban đầu mình chỉ đơn thuần đọc và reflect trong quá trình đọc sách. 
Nhưng như vậy chưa đủ. Mình chỉ có thể nhớ những bài học, những “realizations” trong một thời gian rất ngắn. Sau đó, mình chỉ nhớ được những điểm thật sự nổi bật, thật sự WOW chung sau khi đọc hết cuốn sách.
Vì vậy, mình đã bỏ lỡ những bài học hữu ích, được đúc kết rút ra cho bản thân mình.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đề xuất cho bạn: Không chỉ sau khi đọc hết 1 quyển sách mới phản tư, mà cần phản tư trong quá trình đọc và ngay sau mỗi lần đọc sách xong.
Tùy nội dung trong sách hôm đó mình đọc là gì, mỗi lần đọc sách xong có điều gì tâm đắc hay điều gì làm cho mình có nhiều suy nghĩ, mình sẽ viết nó ra ngay sau khi đọc xong.

3. Thiếu hành động

Đây là bước mình hay bỏ qua mỗi khi đọc sách. 
Thông thường phần cuối của sách, tác giả sẽ giúp mình “kết bài”, cô đọng thông điệp chính của quyển sách. 
Tuy nhiên, nếu không chuyển hóa bài học từ quyển sách theo “ngôn ngữ”, cách hiểu của mình, thì đó vẫn chỉ là thông điệp từ tác giả, mình sẽ thiếu sự cam kết hành động với bản thân.
Bởi vì, mục tiêu cuối cùng của việc đọc sách chính là cải thiện bản thân. 
Nếu đọc xong nhưng bản thân mình không có những hành động nhỏ để thay đổi thì theo mình việc đọc sách đó chưa thật sự hiệu quả.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đề xuất cho bạn (và cả mình): 
Ngay từ trong quá trình đọc sách, sau khi phản tư, nếu tụi mình xác định được hành động mình sẽ thay đổi sau khi đọc phần sách đó, tụi mình nên áp dụng hành động ấy luôn để tăng hiệu quả của việc đọc sách.
➤ Sau khi đọc hết quyển sách, mình có thể:
1️⃣ Kiểm tra lại quyển sách đã giúp mình giải đáp được bao nhiêu % vấn đề mình gặp phải từ ban đầu? Những thứ đã được giải quyết/chưa được giải quyết là gì?
2️⃣ Tóm tắt nội dung quyển sách trong 1-2 câu (“Sách nói về…”)
3️⃣ Điều mình tâm đắc nhất ở quyển sách là gì?
4️⃣ Đưa ra ít nhất 1 hành động mình sẽ áp dụng sau khi đọc quyển sách này → sau này mình vào xem lại xem mình đã thực hiện được bao nhiêu % cam kết này.

Với những gợi ý “viết ra” ở trên thì nên viết vào đâu? 

Việc viết ra “giấy trắng mực đen” sẽ giúp:
➤ Trong quá trình mình đọc, mình biết mình cần tập trung vào những phần nào của sách.
➤ Mình sẽ rõ được mong muốn của mình cho cả trước, trong và sau khi đọc sách
Sau thời gian dài viết vào giấy, vào sổ,..., mình nhận ra cách làm này không bền vững (sustainable), vì sau đó mình có thể sẽ mua sách mới về, dọn sách đã đọc đi, sử dụng hết cuốn sổ này và thay sổ khác.
Mình dự định sắp tới sẽ ghi vào Notion trong thời gian tới để có thể tổng hợp các bài học và phần review của bản thân theo các đầu sách, thuận tiện hơn cho việc lưu trữ và xem lại sau này.
Việc nhận thức bản thân cần đọc sách đã là một khởi đầu tốt. 
Hi vọng qua bài viết này, mình sẽ cải thiện việc đọc sách trong thời gian tới và bạn đã có được những tips giúp việc đọc sách của mình hiệu quả hơn.
Cảm ơn The Hanoi Chamomile đã bày 3 bước đọc sách hiệu quả để mình có thể thử áp dụng 1 phần, có được một vài suy nghĩ sau khi áp dụng và viết nên bài viết này.
#WOTN5 
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
—----
Sai lầm cuối cùng nhưng chưa tìm được cách vượt qua: Mua lầm sách 😰
Lâu lâu, mình chọn sách mà đọc được một phần thì cảm thấy sách không như mong đợi, không phù hợp. Lúc đó mình phân vân không biết nên đọc tiếp hay bỏ qua, đọc quyển khác. Xin nhờ các “hiền triết” cho ý kiến 😆