Làm giàu - giấc mơ không chỉ của riêng ai. Giàu, để có được một cuộc sống sung túc, để chứng tỏ được khả năng của bản thân, để được mọi người xung quanh trọng vọng, nể phục, để có thể giúp đỡ, lo lắng cho người thân, gia đình bạn bè. Thế nhưng, một bộ phận người Việt chỉ quan tâm đến kết quả, là giàu, bằng một cách nào đó phải thật giàu, nhưng phải giàu thật nhanh, còn quá trình làm giàu, cách thức làm giàu như thế nào, muốn giàu cần những gì, đó có vẻ là một câu hỏi đang bị bỏ ngỏ...
Dạo một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những fanpage về sinh viên, giới trẻ,  không biết một cách vô tình hay cố ý, nghiêm túc hay đùa cợt, thường đăng những bài về tỉ phú thế giới. Nhưng nội dung không phải là về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của họ, những kinh nghiệm, cách làm giàu, những thăng trầm, khó khăn, thử thách mà họ đã trải qua, những bài học bổ ích, những điều mà họ khuyên giới trẻ nên làm, những thứ nên học. Mà những bài đăng ấy có xu hướng cổ xúy giới trẻ làm giàu theo tư tưởng rất lệch lạc, tư tưởng đổi đời nhanh chóng, “không làm mà cũng có ăn”. Chỉ cần làm theo những điều mà những vị tỉ phú kia đã làm như: bỏ học giữa chừng đại học, không đi học đại học mà “trải đời” từ rất sớm. 
Rất nhiều người trẻ đã học theo Bill Gates, bỏ học đại học và tự mình làm giàu. Họ nghĩ rằng Bill Gates bỏ học đại học được, và làm giàu được, thì mình cũng thể. Nhưng họ không biết rằng, mình có gì, và Bill Gates có gì. Trước khi bỏ học, ông đã là một học sinh rất xuất sắc, một thiên tài từ nhỏ. Ngôi trường mà ông bỏ học là Đại học Harvard, một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới. Vì vậy, nền tảng của ông là rất vững chắc, và không phải ai cũng làm được như ông, tỉ lệ là rất rất nhỏ. Trong khi những người bỏ học và không thành công, những người đó đều không được nhắc đến, vì người ta chỉ chú ý đến những cái đặc biệt, phi thường mà ít ai biết rằng, không phải ai cũng đặc biệt và phi thường được như Bill Gates. Họ chỉ nhìn vào những tấm gương thành công ít ỏi, nhưng những bài học thất bại thì lại thường không ngó ngàng đến.
Tâm lý muốn làm giàu, muốn đổi đời nhanh chóng, chưa biết có giàu được không nhưng đã tạo ra hệ lụy khôn lường, tạo điều kiện cho một số thành phần trục lợi.
Vì vậy, như một quy luật tự nhiên, có cầu ắt sẽ có cung. Những khóa học làm giàu thi nhau nổi lên trên các mạng xã hội hay các phương tiện tìm kiếm, nhan nhan như nấm mọc sau mưa. Các khóa học này, với hình ảnh quảng cáo bắt mắt, nội dung hấp dẫn, giảng viên đánh đúng vào tâm lý khách hàng, lòng tham của con người, đã thu hút được một lượng lớn học viên theo học. Những giảng viên của những khóa học này tự nhận mình là "tỷ phú đô la", "thiên tài lỗi lạc", "nhà tài phiệt", đã có kinh nghiệm từ mười đến vài chục năm trong ngành X, là chủ tịch tập đoàn Y, đã đào học được một cơ số (hàng ngàn, chục ngàn) học viên Z, tất nhiên là chẳng một cơ quan, tổ chức, tờ báo nào công nhận những danh hiệu và thành tích tự phong như vậy. Nhưng với một cái "mác" rất "kêu" như vậy, chắc hẳn ai nghe qua cũng không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ, nhất là những người thiếu hiểu biết, cả tin, và có một giấc mơ mù quáng vào việc đổi đời, làm giàu thần tốc.
Một khóa học làm giàu (Nguồn: VTV24)
Những khóa học làm giàu này hướng tới đối tượng là những người trung tuổi, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức thực tế nhưng lại muốn đổi đời, muốn mình cũng được như những người giàu, ăn sung mặc sướng, tiêu xài không phải nghĩ. Đối tượng được nhắm đến cũng là các bạn sinh viên vừa từ quê lên thành phố. Những bạn này thường thiếu kinh nghiệm nghiệm cuộc sống, cả tin, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Điểm chung của những người này là lòng tham, muốn đạt được điều mình mong muốn nhưng không muốn bỏ công sức, tâm huyết, chỉ muốn ăn sẵn. Chiêu trò dụ dỗ của những khóa học này cũng rất tinh vi, màu hồng đến nỗi những học viên - được họ gọi là "tỷ phú tương lai" nghe và làm theo răm rắp, đến nỗi không những không học và áp dụng được gì, mà tài sản cũng mất hết. 
Một khóa học Làm giàu bền vững (Nguồn: VTV24)
Để được học những khóa học này, học viên phải nộp vào hàng chục, trăm hàng trăm triệu để học. Nhưng những học viên này không phải là người giàu, vì nếu là người giàu thì họ không cần đi học, họ đều là người nghèo. Để có tiền đi học, họ phải vay mượn, hay vay nặng lãi với lãi suất cắt cổ, thậm chí bán nhà, bán xe, cầm cố tài sản chỉ để được đi học, và mong muốn một ngày đổi đời, sẽ trả hết số nợ kia, và nở mày nở mặt với mọi người. Tuy nhiên, sau khi học xong một khóa, thậm chí là vài khóa, nhưng với lượng kiến thức mà những "giảng viên" tự phong này truyền đạt, thì giàu đâu chưa thấy, nhưng thấy trước mắt họ đã thành những con nợ, và họ sẽ đối mặt với số này ra sao, khi mà những thứ họ học được không hề giúp họ giàu như lời quảng cáo. Có chăng, đấy đúng là khóa học làm giàu thật, nhưng là... học viên làm giàu cho giảng viên. Những giảng viên đấy ắt hẳn phải giàu lên gấp bội, khi mà những chiêu trò đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người phát huy hiệu quả một cách đáng kinh ngạc như vậy.
Dân trí nước ta đã ngày càng cao, tuy nhiên, những mánh khóe lừa đảo lại diễn ra ngày càng phức tạp, biến tướng tinh vi hơn. Vì vậy, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, thực tế. Và hãy luôn luôn quan niệm rằng, không có cái gì giá trị mà lại có được quá dễ dàng, tốn ít công sức. Bất cứ cái gì cũng đều có cái giá của nó, công sức bỏ ra như thế nào thì thành quả nhận lại sẽ tương xứng như vậy. 
Làm giàu là một giấc mơ không hề sai trái. Hãy để giàu là một đích đến chính đáng thay vì là một giấc mơ mù quáng.