Mùa hè năm 2018 đã ghi dấu một chuyến đi cực kỳ cảm xúc và đáng nhớ của mình. Đó là chuyến đi du lịch và tình nguyện kéo dài một tháng rưỡi từ Myanmar sang Thái Lan. Trải nghiệm ở thiền viện Tharbawa, Myanmar 2 tuần là một trải nghiệm đầy ắp cảm xúc, không thể nào quên đối với mình. Ở chuyến đi ấy, mình đã được sống một cuộc sống rất khác, gặp những con người xa lạ và thấu hiểu, yêu thương cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có hơn. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ giới thiệu và kể lại câu chuyện thực tế mình sống ở thiền viện Tharbawa.
Nếu như các bạn đã nghe nhiều đến tình nguyện ở nước ngoài, các trang web kết nối workaway, hay woof thì bài viết này sẽ chia sẻ thực tế việc đi tình nguyện ở nước ngoài như thế nào, có tốn kém và khó khăn không. Thiền viện Tharbawa biết đâu đấy, sẽ là một điểm dừng chân đầu tiên an toàn cho các bạn trong hành trình bước ra vòng an toàn, phiêu lưu và khám phá thế giới.
Qua 4 lần ở nhà host qua web workaway.info thì với mình, thiền viện là trải nghiệm dễ chịu, tự do và nhiều kỷ niệm nhất, rất đáng để thử. 
1, Thiền viện Tharbawa 
Mình biết đến thiền viện Tharbawa qua trang web workaway.info - đây là nền tảng kết nối giữa nhà host (chủ nhà) và các tình nguyện viên trên khắp thế giới. Các bạn có thể tìm hiểu thông tin về thiền viện qua link sau: https://www.workaway.info/en/host/423158784668 
hoặc qua web/ facebook chính thức của thiền viện: 
"Thabarwa là thiền viện được thành lập vào năm 2008 bởi thiền sư Ashin Ottamathara nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng và tạo điều kiện mọi người có cơ hội làm việc thiện, cảm nhận lòng nhân ái và sẻ chia. Nơi đây cung cấp nơi ăn chốn ở cho hơn 3400 người bao gồm những người già, ốm, tàn tật, vô gia cư. Tình nguyện viên có thể đến đây để thực hành thiền và tình nguyện giúp đỡ cộng đồng."
Cổng lối vào thiền viện
2. Ngày đầu của mình ở thiền viện Tharbawa
Mình đến Tharbawa vào buổi chiều, bằng Grab taxi, hết khoảng 100k. Ngoài Taxi các bạn có thể đi bus từ Yangon với giá khá rẻ. Ở Myanmar, sử dụng Grab rất thuận tiện. Mình mua sim điện thoại ở sân bay ngay khi mới tới, nhân viên ở sân bay có thể nói tiếng anh nên việc mua sim không khó khăn gì. Lưu ý là, ở Myanmar, người dân ưa thích mặc cả, thậm chí đi taxi cũng mặc cả. Các bạn phải thống nhất giá cả ngay từ đầu và rất chặt chẽ về giá, nhất quyết không chịu trả thêm. Ngoài vấn đề về giá cả này ra, thì ở đây tương đối an toàn cho khách du lịch, các nạn chém giết, hay cướp giật không xảy ra nhiều. Theo mình tìm hiểu, đất nước Myanmar sùng bái đạo phật, cuộc sống ở đây vui vẻ và bình an, người dân niềm nở và tận tình giúp đỡ khách du lịch. 
Giá sim thẻ ( 1000 kyats ~ 15,000 vnd)
Ngay khi mình tới Tharbawa center, việc đầu tiên là đến phòng hành chính làm thủ tục nhận phòng. Mình ghi tên vào danh sách, điền một số thông tin cá nhân và nộp lại hộ chiếu. Hộ chiếu sẽ được gửi trả lại khi bạn sắp rời đi.
Tại Tharbawa center, mỗi ngày đều có các tình nguyện viên mới đến cũng như tình nguyện viên rời đi, ngày nào cũng có tour hướng dẫn cho tình nguyện viên mới. Mình chờ đến 5h chiều là có một tour hướng dẫn. Bạn hướng dẫn cho mình là hai bạn người tây da trắng tóc vàng, một nam, một nữ. Bạn mới đến cùng mình có "Tuna" (đây là cách mình gọi cô ấy :0) - cô bạn người Do Thái mà sau này hai đứa có nhiều cơ hội ở gần nhau hơn nên đã trở nên khá thân thiết.
Tharbawa center rất rộng, gồm nhiều khu nhà khác nhau: Khu nhà hành chính, khu nhà bệnh viện, khu nhà bếp, khu nhà tình nguyện viên, khu nhà dân. Như mình đề cập ở trên, có đến khoảng 3400 người sống ở đây, như một ngôi làng thu nhỏ. Mình vừa đi theo đoàn hướng dẫn, vừa cố gắng ghi nhớ vị trí các tòa nhà. Cuối cùng, mình được xếp sống ở khu nhà trắng, nhà của các tình nguyện viên. Thật lòng mà nói, Myanmar còn rất nghèo, điều kiện cũng như ý thức vệ sinh của người dân rất kém, nhìn khu nhà dân ở xập xệ, rác cáu bẩn thì khu nhà tình nguyện viên nước ngoài được ưu ái hơn rất nhiều.
Khu nhà của các tình nguyện viên được chia ra làm 2 khu riêng biệt cho nam và nữ, tầng 2 của nữ, tầng 3 là nam và tầng 4 là khu hành thiền. Phòng ở tương tự như phòng ký túc xá ở Việt Nam, có phần sạch sẽ hơn vì tụi mình siêng làm vệ sinh. Mỗi người khi tới sẽ được cấp 1 mùng (màn), 1 khăn trải giường và gối.
Mình ở cùng phòng với một sư cô người miến. Sư cô rất siêng học, tối lại thấy sư cô ngồi học tiếng Phạn. Ngoài ra, phòng mình sinh hoạt có chị Trang người việt và các bạn tình nguyện viên nước ngoài khác. Mỗi bạn đều mang theo một câu chuyện và lý do riêng để sống ở đây - nơi nước màu vàng của phèn và cơm ăn là đồ cúng giường, cuộc sống đơn giản, khốn khó. 
Hình ảnh chụp nhà người dân sống ở thiền viện Tharbawa
Ảnh chụp phía trước nhà người dân ở thiền viện
Sau khi đi tham quan một vòng quanh thiền viện Tharbawa thì mình nhận phòng, đi mua sắm một số vật dụng cơ bản. Tổng số tiền mình mang theo chuyến đi này chỉ có một số tiền ít ỏi Kyat được đổi từ 800.000 vnđ :)) thế nên, mình đã chi tiêu rất tiết kiệm :))
Cuối cùng, mình đi ăn tối cùng các tình nguyện viên khác mới làm quen. Đồ ăn ở các hàng quán bên trong thiền viện, nói thật là, vệ sinh bẩn kinh hồn và siêu chán. Tác phẩm món cơm rang mình gọi là một hỗn hợp sền sệt như cháo, căn bếp nấu bẩn kinh hoàng, dao như chưa bao giờ được rửa và rau củ quả, thớt vứt la liệt.
Trong bữa tối, mình đã kịp làm quen các bạn mới. Trong đó, tình bạn chớm nở với Chris. Hai đứa đều từng đi Nhật và tính thoải mái, dễ nói chuyện nên bà tám say sưa. Chris đi du lịch, rồi chia tay người yêu, buồn nên đã ở đây được 7 tháng. Anh chàng từng sống ở Nhật. Chris tặng mình chai nước để đựng nước uống mang theo và hứa hẹn sẽ đưa cho mình một cái ô có hình Osaka :))
Thời tiết ở Miến điện tháng 8 ẩm ướt, mưa suốt, có lẽ là mùa mưa. Mưa hết tạnh một tý lại mưa. Ngày đầu tiên nên mình còn khép nép sợ mưa, sau này quen rồi thì kệ méo nó, có che lại ướt, kệ luôn, cũng chỉ là mấy giọt nước. Ướt rồi lại khô, toàn đầu trần mắm môi mắm lợi chạy thật nhanh. Nhưng trong ngày đầu, nghe Chris hứa tặng cho mình cái ô thì cảm khích mừng lắm, vì mình k có ô và đang cố tiết kiệm tiền :P
Ở thiền viện, Loic là quản lý nhóm tình nguyện viên, mỗi tối cả nhóm sau giờ ăn tối, tầm 7h sẽ họp về các vấn đề đang diễn ra ở thiền viện, kết quả tình nguyện trong ngày do các nhóm khác nhau báo cáo, làm quen thành viên mới hay tiễn đưa người mới, và quan trọng nhất là, phân công các nhóm tình nguyện vào ngày mai. Các hoạt động tình nguyện ở đây rất đa dạng, gồm khoảng 7 hoạt động khác nhau: đi khất thực buổi sáng sớm, tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân, tắm rửa cho bệnh nhân, dạy học, sửa chữa các hỏng hóc ở thiền viện, đưa các bệnh nhân đi dạo... Mỗi hoạt động lại có khung giờ khác nhau đảm bảo bạn sẽ được bận rộn cả ngày :))
Kết thúc buổi họp, đến giờ thiền. Lịch sinh hoạt ở thiền viện với các tình nguyện viên như sau:
5 - 6 A.M: Thiền được hướng dẫn bởi các thiền sư
Buổi sáng, ở phòng hành thiền tầng 4 sẽ có hoạt động thiền dưới sự hướng dẫn của các thiền sư, hoặc hoạt động tập yoga do các tình nguyện viên tự khởi xướng
6 - 11 A.M: Ăn sáng/ khất thực và các hoạt động tình nguyện
Khất thực là hoạt động đi nhận cúng dường của các vị sư. Hoạt động bắt đầu từ sáng sớm. Các xe bus "tải" (dạng như xe tuk tuk - xe tải có chỗ ngồi/ đứng ở khoang hành lý) chở các nhà sư đi khất thực tỏa ra ở khắp các làng xung quanh. Nguồn lương thực và tiền từ cúng dường dùng để cưu mang và nuôi sống những tình nguyện viên, bệnh nhân, những người dân nghèo đang sống ở Tharbawa. Khi đi khất thưc, mình phải đi chân đất. Đồ ăn khất thực được chia làm các thùng xách theo, thùng cơm, thùng gà, thùng rau... đựng lẫn lộn. Tại Tharbawa, nhà sư tu tập theo Phật giáo Nam Tông, tức phật giáo Nguyên Thủy. Theo phật giáo Nam Tông, người tu hành được thọ dụng đồ ăn mặn do cúng dường gọi là tam tịnh nhục (không thấy, không nghe, không nghi)
Cảnh đi khất thực của các nhà sư
Mình đi khất thực cùng các nhà sư.
11 - 1h: Giờ ăn trưa và nghỉ trưa
Một bữa ăn trưa tại Miến Điện.

Một điểm thú vị là thực đơn đa dạng và thay đổi liên tục do đồ ăn là đồ cúng dường - người dân cúng gì mình ăn nấy. Ảnh trên là hình ảnh bữa ăn khi mình tham gia khóa thiền ở vùng núi Popa còn bữa ăn ở Tharbawa, phòng ăn thấp và tối hơn, bí hơn. Ở phòng ăn, có treo một bức hình dư này:
"OPEN YOUR MOUTH ONLY IF WHAT YOU ARE GOING TO SAY IS MORE BEAUTIFUL THAN THE SILENCE"
Nhờ vậy, bữa ăn thường tĩnh lặng. Cuối bữa, ông phụ trách ở bếp lại hỏi chúng mình: Coffee? Tea? và chia cafe, trà cho các tình nguyện viên. Mình thường rất biết ơn cảm ơn ông vì mình biết ở Tharbawa, trà và cafe rất là quý. Các tình nguyện viên ở đây quả thực được ưu ái rất nhiều để được cuộc sống thoải mái.
1 - 5 P.M: Các hoạt động tình nguyện.
Mình đã thử các hoạt động tình nguyện ở đây như là tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân nhưng ấn tượng nhất có lẽ là tắm cho bệnh nhân. 
Jaydu - bệnh nhân tập vật lý trị liệu
3, Những việc mình đã làm ở Tharbawa
Học tiếng miến
Đến Tharbawa, bạn có thể học tiếng miến với sư cô hoặc học cùng một bệnh nhân. Mình học được một ít và dùng để giao tiếng khi sống ở đây :)
Tham gia meditation retreat
Tại Tharbawa center, vào tuần cuối của tháng thường có meditation retreat ở các vùng khác như Bagan, PoPa mountain. Mình đã tham gia một meditation retreat ở Popa mountain và có những trải nghiệp đẹp ở đây, tham quan núi Popa, thiền tập và đọc sách, tập yoga :)

Mình và các bạn tham gia meditaton retreat
Cùng nhau đọc sách, ôn bài, thiền trên thảm cỏ :)
Tình nguyện, chăm sóc bệnh nhân
Hình ảnh một bệnh nhân
4, Những mẩu chuyện ở Tharbawa
Cô Nini và lời tạm biệt
Cô Nini
Cô Nini là một bệnh nhân tình cảm và nghị lực. Cô bị tật ở chân, gia đình không còn ai và sống dựa vào sự hỗ trợ của trung tâm. Mình tập vật lý trị liệu cho cô. Cô rất lạc quan và quyết tâm. Nay cô đã tự chập chững đi được mà không cần nạng nữa. Mỗi lần mình đến cô đều cười rất tươi, và cầm tay mình cám ơn mỗi khi mình hoàn thành bài tập với cô. Cô hay cầm tay mình, nhìn ngước lên, mắt cô tràn ngập sự cảm khích mà mình có thể cảm nhận được và nói " Chựt đè" - "tôi yêu bạn". Ngày cuối, khi mình rời nơi này, mình đến tạm biệt cô, cầm theo một nải chuối tặng cô. Cô lại cầm tay mình, mắt ngước lên nhìn mình đầy nước mắt. Mình sẽ luôn nhớ cô - nhớ những bức tranh cô vẽ, nụ cười hiền hậu, sự quyết tâm luyện tập và sự lạc quan ấm áp của cô. " Chựt đè" - yêu cô Nini lắm, cô Nini ạ, nhất định đợt tới thu xếp thời gian, con sẽ lại sang thăm trung tâm thăm cô. Không biết cô Nini còn nhớ con không :)
Tuna -  sự tự do
Tuna là cô bạn người Do Thái mình gặp ngày đầu ở Tharbawa Center và cũng là cô bạn tham gia khóa meditation retreat cùng mình. 
" Cậu có bạn trai chưa
Tớ chưa
Cậu có thích ai không?
Ừ tớ có, nhưng người ấy ở xa lắm. Cũng chẳng có kết quả gì đâu, cũng không sâu đậm lắm.
Sao cậu không thử. Thích thì phải bày tỏ chứ. Tớ là người tỏ tình trước đấy. Tớ đã nói " em yêu anh " và hôn anh ấy, sau đó bọn tớ yêu nhau, đã mấy năm rồi.
.........."
" Tớ sắp ra trường, cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo
Cậu có đang hạnh phúc không?
Tớ có. Ở đây, mỗi ngày đều yên bình như một giấc mơ vậy, ấm áp và nhiều tình thương yêu, mọi người cư xử với nhau hiền hòa, thân ái
Nếu cậu hạnh phúc khi sống trong điều kiện sống tối giản như vậy, cậu còn sợ gì nữa. Cứ mạnh dạn theo đuổi điều ý nghĩa trong cuộc sống cậu.
..............."
Mình học Ngoại Thương, nhưng không yêu thích công việc kinh doanh. Mình ở Hà Nội và đang thương thầm một người ở thành phố khác.
Cuối cùng, một lá thư tỏ tình đã ra đời, một cô giáo đang chập chững bước chân vào nghề. 
Tuna, là đại diện cho sự tự do. Cô nàng một mình đi du lịch đã 6 tháng, sắp trở về với vòng tay của anh người yêu dấu - chồng sắp cưới. Khi trở về, nàng sẽ đi làm kiếm tiền thuê căn hộ sống chung với chồng sắp cưới. Mình thích sự tự tin, chủ động và bản lĩnh của Tuna - nàng ấy biết nàng ấy muốn gì, điều gì là ý nghĩa với nàng. Nàng theo đạo Do Thái nhưng vẫn hành thiền, tìm hiểu học cái hay của đạo Phật. Nàng yêu chân thành và sẵn sàng bày tỏ tình cảm của mình. 
Mình yêu mến Tuna và những nét đẹp tính cách của cô nàng rất nhiều.
Và rất nhiều người bạn khác, mình đã gặp và đã trở thành một phần kỷ niệm trong cuộc sống của mình. Peter, Chris, Ben, Marysol, sư cô Đức, chị Trang...
2 tuần sống ở Myanmar là khoảng thời gian quý giá mình được hòa nhập vào những nền văn hóa mới, hành thiền nhìn lại bản thân và thấu hiểu bản thân. Mình hiểu rằng, nóng, lạnh, nghèo, giàu, khổ đau, hạnh phúc là ước lệ, là tương đối, của bạn - của tôi chỉ là tương đối, cuộc đời một người rất rộng và dài nhưng cũng bé như hạt bụi giữa xoay vần của vũ trụ. Nhưng so bì, tị nạnh, tham, sân, si, ghen đua, đố kỵ cũng chẳng để làm gì khi trong lòng nhiều rác rưởi suy tính. Ở Tharbawa, mọi người đều theo kim chỉ nam, " do the good deeds" - làm những việc tốt, cho bạn, cho tôi.
 Làm việc tốt vì đó là việc nên làm mà không suy tính nhiều, cũng chẳng cần được vinh danh hay báo đáp :) Mình sẽ không quên, chuyến xe bus từ Popa về sân bay, mọi người trong khóa thiền cho mình đi nhờ xe để tiết kiệm tiền taxi, cho mình đồ ăn mang ra sân bay, cô bạn người Miến tặng mình chiếc vòng tay bình an. Trên chuyến xe, cô bạn nhường chăn cho mình đắp vì sợ mình là người nước ngoài không quen sẽ bị nhiễm lạnh. Sự ấm áp của tình thương yêu ở Tharbawa đã thôi thúc mình sống tốt hơn, chia sẻ tình yêu thương nhiều hơn, lan tỏa đến nhiều người nữa.
Viết về Tharbawa, nghĩ về Tharbawa mà không khỏi nở một nụ cười :)
Lời cuối:
Bài viết mang tính tự sự kể về trải nghiệm của mình. Mình tin là mỗi bạn đến đây sẽ đều mang về câu chuyện khác nhau làm quà ;))
Các bạn muốn tham gia thiện nguyện, hành thiền ở Tharbawa có thể liên hệ qua fanpage của thiền viện nhé: 
Redirecting...
nullwww.facebook.com
Các bạn cứ đến trung tâm rồi đăng ký ở là được. Một điều đặc biệt ở Tharbawa là họ luôn sẵn sàng chào đón, cưu mang tất cả mọi người đến sống, không cần đăng ký từ trước :D. Cuộc sống ở đây khá an toàn (phần không an toàn vì ai họ cũng nhận hết nên có nhiều người lẫn lộn ở đây).
Tổng chi phí chuyến đi 2 tuần của mình là: 2tr500K (2tr tiền vé máy bay, 500k sinh hoạt phí), còn 300k mình gửi lại thiền viện :D