Càng uống càng khát, tức là uống hoài, uống đến bể bụng bự mà vẫn chưa đã khát, chớ không phải là chết khát giữa bể nước đâu à nha.
Trong danh mục đồ “càng uống càng khát” lan truyền trên cõi 4.0, chỉ cần nhấn “enter” là bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trà, cà phê là những đồ uống điển hình chứa caffein, rồi thì chẳng “search” cũng biết là alcohol hay còn gọi là rượu, bia. Nói chung là toàn thứ đồ vừa bổ, vừa khoái của hội “nghiền”.
Điều mà dang cư mận chia sẻ thì cũng lồi lõm lắm, rốt cục thì cái lời khuyên bỏ nhỏ là tụi caffein hay alcohol sẽ “hút cạn nước” từ cơ thể và khiến chúng ta khát càng khát hơn là thế nào.
Thực ra thì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thật không hẳn là thế.
Về bản chất, mất nước là kết quả của việc cơ thể bị mất nhiều chất lỏng hơn lượng bạn đang hấp thụ, và có đến cả ti tỉ lí do khiến bạn mất nước, kiểu như làm gì đó bốc hỏa cơ thể như ốm, sốt hay vận động mạnh quá đà chẳng hạn. Hay một ngày đẹp trời, lê la quán xá, rồi rối loạn tiêu hóa, thế là mất nước,... Cơ thể con người là một cỗ máy hoàn hảo, nhưng cỗ máy này lại chiếm tới gần 65% là nước, bất kể bạn gầy hay đậm đà. Khi lượng nước mất đi khoảng 7% trọng lượng, nội tạng, đặc biệt là thận và ruột sẽ bị tổn thương, và khi tỉ lệ này tăng đến 10%, nếu không được chăm sóc y tế thì bùm, cỗ máy hoàn hảo ấy dừng hoạt động.
Đúng ra thì caffeine còn được coi là một dạng thuốc lợi tiểu nhẹ, nghĩa là nó khiến thận của bạn làm việc tích cực hơn để thải nước và muối khỏi cơ thể. Tất nhiên, khi bạn uống một tách cà phê hay một ly trà, bạn cũng thực sự đã uống một lượng nước vào cùng với lượng caffeine đó. Ngoài ra, caffeine còn có mặt trong nhiều loại thực phẩm, đồng thời cũng là thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau.
Nhưng nếu đồ uống caffein có đường thì lại là một câu chuyện khác. Khi đồ ngọt tiến vào cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào máu, đồng thời não giải phóng dopamine, và một cảm giác dễ chịu, thoải mái lan tỏa chiếm lĩnh toàn bộ cơ thể.
Tuy nhiên, khi nồng độ đường trong máu tăng lên, máu trở nên đậm đặc hơn, đại não sẽ phát ra tín hiệu, kích hoạt thông báo với cơ thể rằng bạn cần phải uống nước để pha loãng máu, để đưa máu về trạng thái cân bằng bình thường. Tín hiệu này chính là cảm giác khát.
Còn rượu hay bia là một chất ức chế hormone chống bài niệu, tên khoa học của hormone này là vasopressin. Khi lượng hormone này ít, thì một lượng lớn nước sẽ bị lạc trôi qua thận, nước tiểu sẽ loãng hơn bình thường và máu trở nên bị cô đặc hơn. Nước ồ ạt đổ về bàng quang, và tần suất chúng ta đi thăm hỏi WC dày đặc hơn. Quá trình này tiếp tục diễn ra cho đến khi lượng acohol trong cơ thể được chuyển hóa hết.
Vasopressin còn được gọi là hormone chung thủy, khi lượng hormone này dạt dào thì tính sở hữu cũng tăng theo, có lẽ vì lẽ đó nên alcohol giúp chúng ta dễ dàng mở lòng sa ngã hơn chăng. Bởi vậy, chill chill thôi, chứ đừng quá đà.
Có một cách đơn giản để nhận biết cơ thể mình đủ nước hay chưa là quan sát sắc màu nước tiểu: màu vàng nhạt là nước nôi đầy đủ, sắc vàng càng sậm là càng thiếu nước, còn trong quá là thể hiện tình trạng đang dư nước.
Thiếu thì nguy hiểm rồi, thế dư quá thì có sao không. Bình thường cơ thể của bạn sẽ hấp thụ đúng lượng nó cần và xả phần dư thừa. Nếu bạn mải chơi mà cố nhịn, về lâu dài gây viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm bàng quang, rồi suy thận. Túm lại là không tốt. Túm lại là nên thuận theo tự nhiên, xả ngay khi có thể.
Hiểu biết về caffein và alcohol là vô cùng cần thiết và quan trọng, bởi không chỉ riêng tôi, mà có khi là toàn thể cư dân cõi trên mây đều tin rằng caffein là bạn không thể thiếu của các nhà khoa học, của các sĩ tử, của những kẻ đang mòn mỏi cày deadline,... còn alcohol là để chúc mừng cho thành công của cái sự cày cuốc ấy.
P/s: Vác ly xách chai gia nhập hội biết nghiện.