“Ô! Thế là bà H chết rồi à?” – Giọng nam thanh niên thảng thốt, điểm một nốt đậm trong sự rì rầm đang tàn xuống Hà Nội lúc 1 giờ sáng.
“Phải, chết rồi. Chết ngay ở đây. Co quắm lại mà chết. Chết bất đắc kỳ tử…”, bác bán mì chậc lưỡi, những cái chết lặp lại liên tục trong câu nói của bác, đều đặn như từng muôi nước dùng đổ vào những bát mì vằn thắn đã có sẵn bóng bì, nấm và hoành thánh. Hơi khói bốc lên từ nồi nước dùng, leo lét bám vào ngọn đèn trắng cheo leo chăng trên một mớ dây điện trùm qua cả quán cóc.
Bạn tần ngần đứng nhìn những hàng dây. Giữa cuộc nói chuyện về cái chết của một kẻ thứ ba xa lạ, bạn không biết mình nên nhảy vào gọi món lúc nào. Khác với năm, hay bốn, năm trước, bạn không còn say nữa. Không say vừa có hại lại vừa có lợi. Có hại vì bạn thấy ngượng ngập giữa các câu chuyện riêng. Có lợi vì bạn thấy, ngoài mì vằn thắn đã ăn chán chê, cái quán nhỏ nhỏ giữa chợ Hàng Da còn bán cả bánh cuốn nữa. Và, bạn nhận thấy, thú vị thay, người chồng ngày xưa đứng quán cùng giờ đã thay bằng cậu con trai, lêu khêu cao, đeo cặp kính to dày cộp.
“Anh ăn gì ạ?”
“Cho mình một bánh cuốn… Không, cứ cho mình mì đi”.
“Một mì, mẹ!”
“Ừ, nghe rồi”. Đoạn, bác bán mì lại quay về câu chuyện của mình, câu chuyện về một cái chết.
“Chứ, bây giờ cậu mới biết à? Bà H ấy?”
Nam thanh niên đang xì xụp bát mì, ngẩng lên trả lời. Gã có cặp mắt rất lanh cùng hai cánh tay đầy những xăm.
“Vâng, cô nói thì cháu mới biết đấy chứ! Cháu trước cũng toàn mua của bà H mà đúng là sau dịch thì tự dưng chả thấy đâu. Cả phố có mỗi bà ấy mở đêm muộn thế này… Ô, thế chết thật à?”
Gã thanh niên hỏi lại đến lần thứ ba, dường như chẳng tin vào cái chuyện đã được bác bán mì nhắc lại đến lần thứ năm. Những cái sự hỏi đáp này càng làm bạn thấy ngượng ngùng. Ngược lại với một kẻ say của những năm trước, bạn không còn cảm giác của cái sự trơ trẽn đầy phố phường để nhảy vào giữa một câu chuyện, nói như thể mình thân quen lắm... Bác bán mì thở dài:
“Vâng, chết. Chăm nhất cái phố này đấy, mà chết rồi. Chết cũng ở chính cái phố này luôn”.
“Chăm thật. Hôm nào cháu ra, phải 11, 12 giờ đêm vẫn thấy bà ấy ngồi bán”.
“Bán chứ lị. Cả phố có mỗi bà ấy ngồi lâu đếm thế. Cứ xe đạp kèo kẽo thế, nhập từ sáng rồi ngồi từ chiều đến đêm. Chẳng thiếu đêm nào!”
Bác bán mì khoát tay vẫn cầm nguyên gầu nước vào một khoảng Yên Thái đã tối đèn. Cố gắng lắm, bạn cũng chỉ nhìn đến mấp mé Tạm Thương, còn đâu cả con ngõ sáng nào cũng nhộn nhịp giờ đây đã bị bóng tối và sự im lặng nuốt chửng. Càng nhìn vào con ngõ, cái đoạn bóng tối kia dường như lại càng tiến gần hơn, liếm lấy những vệt sáng yếu ớt của cái đèn duy nhất ở quán. Ở đâu đó góc này, đã có một người đàn bà đã chết, bạn nghĩ. Bà ta có cùng nhìn vào con ngõ tối mà bạn đang nhìn hay chăng? Không biết, trong những giây cuối cùng, cái bóng tối kia có sụp đến và mò tới trong ánh mắt của bà không?
Cậu con trai đặt bán mì của bạn trên bàn, cũng tò mò nhìn về con ngõ tối. Ngón cái của cậu chạm phải bát nước dùng. Cậu khẽ giật mình. Bát mì sóng sánh.
Bát mì vằn thắn có đủ cả. Một miếng bóng bì cắt hình tam giác, hai viên hoành thánh, bốn miếng thịt nướng thái mỏng, một mũ nấm hương cắt nửa và nửa quả trứng. Nước mì chao chao rồi tĩnh lại. Bạn chợt nhận ra, cũng như việc chẳng thể liên tưởng đến cái chết của người khác, bạn chẳng thể nhớ nổi lần cuối bạn ăn mì vằn thắn là khi nào. Mì vắn thắn, bạn nghĩ, là một món ăn hơi lỡ cỡ. Với một tay nhân viên văn phòng, thì mì vằn thắn có lẽ sẽ vẫn là nằm trong top 10 những món ăn trưa, nhưng khó mà lọt vào top 5. Nó bất tiện hơn những món ăn khô kiểu bánh mì hay xôi, mà còn nóng và không nhanh bằng bún chả, không ăn cùng đồng nghiệp được như bún đậu mắm tôm, và cũng không dư đạm như các loại bún phở thông thường. Có thể vì bạn chỉ ăn mì vằn thắn buổi đêm, nên có phần hơi thiên vị thứ quà này như một thứ quà đêm chăng. Nhưng ngay cả việc đó, bạn cũng không làm từ lâu rồi. Bạn nhấc cao đôi đũa đã gắp mì, và thổi phù phù vào thìa nước dùng loang những vòng mỡ nhỏ. Những thìa mì của vị khách vãng lai chẳng làm câu chuyện kia dừng lại.
“Bà ấy, bà H ấy. Chăm lắm, mà bán cũng bị đắt. Có hôm đêm cháu ra ngoài mua quả chanh mà bà ấy bán 3 quả 10 ngàn!”
“Ừ thì hôm đắt hôm rẻ. Có khi dạo đấy gió bão, thêm tý này tý kia. Cậu này, ai lại nói người chết thế!”
Gã thanh niên cười hì hì:
“Cháu có nói sao đâu! Chăm thật, bán đến cái giờ đấy thì có mỗi bà này bán”.
“Ừ, nói chung là chăm lắm. Cậu là phải ở khoảng độ chục năm trước ấy, chưa xây chợ tầng ấy” – bác bán mì ngước nhìn phía chợ Hàng Da mới mở, với phòng gym và quán rượu cocktail mới – “bà ấy bán cho tiệt cả dãy nhà hàng ở đây. Thì cũng phải, đêm hôm làm gì còn ai mở đâu! Chăm thật, tội thật…”
Gã thanh niên thở dài. Gã định lấy điện thoại từ túi quần đá bóng ra, nhưng lại ngập ngừng thôi. Gã gãi cái đầu với bộ tóc ngắn cụt của mình. Gã hỏi:
“Thế không con cái gì à? Sao mà không ai chăm bà cụ? Phải tám mấy rồi ấy nhỉ?”
“Có chứ, thằng con trai bà ấy vẫn qua thăm thường. Thấy trong chợ kháo, là con cái cũng có của ăn của để, chuyển về Mỹ Đình cả rồi, cũng bảo bà ấy về sống, nhưng cứ nhất định bán rau cơ. Chẳng hiểu nổi!”
“Chắc bọn nó nghĩ bán rau dễ lắm!”
“Bà ấy bán cả mấy chục năm rồi còn gì”, bác bán hàng thở dài, “dễ khó gì nhà người ta lại chẳng rõ hơn. Chẳng phải. Người ta muốn vậy. Cả đời họ bán rau rồi. Sống khác đi… Nó không được. Không quen. Tôi này”.
Ngồi ngược lại quầy mì, bạn chỉ có thể tưởng tượng đợc bác bán mì cũng đang chỉ vào mình, bởi có một quãng rất ngắn, những tiếng bát đũa leng keng lặng đi. Không phải tiếng của bác bán hàng. Bác đã ngồi xuống từ lâu, hàng mì đã vãn khách lắm.
“Nhìn gì, rửa tiếp đi!”, bác bán mì nói vọng với cậu con trai đang rửa bát, bỗng dưng ngừng lại để ngước lên nhìn mẹ mình. Những tiếng leng keng nhỏ nhỏ lặp lại, đơn điệu.
“Thế bà ấy chết thế nào? Sáng ra người ta phát hiện à?”
Bác bán hàng ngập ngừng:
“Tôi cũng chỉ nghe người trong phố kể lại thôi. Hồi dịch, còn giãn cách thành phố ấy, cậu nhớ không? Đấy. Bà ấy bán vụng buổi tối. Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra thì chết rồi. Chẳng biết là cảm lạnh, đột quỵ hay Covid! Sáng ra, phường ra lay thì thấy chết rồi. Co quắm cả lại… Khổ, người đâu hiền lành tốt bụng, lúc nào cũng cười hì hì…”
Nhìn về khoảng tối trong Yên Thái, bát mì bỗng không còn ngon nữa. Có lẽ, bạn nghĩ, nếu bạn còn say như cách bạn đã say bốn, năm năm trước, thì bạn có thể chêm vào câu gì đó, hoặc hỏi một câu gì đó chăng? Nhưng, thứ duy nhất bạn chú ý là khoảng tối trước mặt. Cảm giác lạnh bỗng chồn lên cơ thể bạn, như thể có ai đó vừa hắt gáo nước trên tầng cao xuống.
Bạn đứng dậy. Người lảo đảo và chuếnh như thể vừa chống tay dựng mình thật mạnh từ bể bơi lên. Bát mì vẫn còn hơn nửa. Bạn lúng búng nói trả tiền, nhưng gã thanh niên đã tranh từ trước. Gã biến mất vào Đường Thành, ém vào trong cái bóng tối của Hà Nội. Trong lúc chờ đợi, bạn nhận ra, có một ông chú béo béo, cũng mặc áo sơ mi và đi giày tây, với khuôn mặt nhàu nhĩ công sở, vừa ngồi xuống và đang chuẩn bị ăn bát mì cuối cùng của quán. Bạn nghe tiếng ông chú hỏi:
“Này, cái người vừa chết mà hai người kể ấy…. Ai thế?”
Bác bán hàng đáp:
“Chẳng ai cả… Ôi dào, người chết ấy mà. Chẳng ai cả…”
Trong lòng bạn có gì từa tựa như là một nỗi xấu hổ gián tiếp cho tay công sở, và, có lẽ nào chăng, một sự chạnh lòng cho chính mình. Bạn đã không còn là một phần của phố xá nữa. Những câu chuyện của thành phố, nó có cách đọc riêng, và nếu may mắn, người ta chỉ có thể ghé mắt vào, làm khách trong những câu chuyện đó. Nhưng, bạn sẽ chẳng bao giờ là một phần của câu chuyện, bạn biết đấy. Thành phố vụt đi, sống và chết với người cùng sống và chết với nó. Cùng với những xác người và những câu chuyện và những sợi dây điện túa ra như những mạch máu đen ngòm len lỏi khắp các ngôi nhà và các khu chợ và. Những câu chuyện đó không dành cho những tay công chức, những gã sơ-mi quần âu, những kẻ dùng app để tìm quán ăn. Hay là những kẻ không say. Sống thì phải say một cái gì đó chứ nhỉ. Đã không say rượu, chẳng nhẽ đến thành phố cũng không say được nữa. Và từ bao giờ bạn đã không còn theo những mạch ngầm của những cuộc phiêu lưu chẳng hứa hẹn gì mà thành phố trao tặng. Bạn đã tỉnh rượu, và bạn dần dần tỉnh khỏi thành phố này.
Vừa tính tiền, bác bán hàng vừa hỏi:
“Thế ăn thế thôi à? Tiếc thế?!”
“Thôi, hôm nay em tỉnh rồi chị ạ. Nếu được, hãy để lần sau….”