Lời tựa:
Ấp ủ mong muốn chia sẻ một nội dung gì đó có ích cho các Nhện ngoài mấy tâm sự nhảm nhí từ lâu nhưng nội dung học thuật mình càng tìm hiểu càng thấy không biết gì để viết nên chuyển sang phương án dễ dàng hơn là chia sẻ trải nghiệm cá nhân.   Trước đây khi mới ra trường, môi trường NGOs-NPOs là một trong những lựa chọn cho con đường sự nghiệp của mình. Những gì mình suy nghĩ khi đó và sau khi được một số anh chị khai sáng cũng như thực sự trải nghiệm có điểm tương đồng nhưng cũng không ít những khoảnh khắc hóa ra nó không như mình tưởng tượng. Vì thế, sau 1.5 năm trong làm việc ở 1 NPOs, mình quay lại đây mong rằng chia sẻ của mình có thể mang đến cái nhìn cụ thể hơn về công việc tại NGOs-NPOs và phần nào đó giúp các bạn có nguyện vọng làm việc trong môi trường này rõ ràng hơn về con đường sắp tới của mình (hoặc rẽ sang đường khác =))). Nhấn mạnh một lần nữa, mình luôn cố gắng khách quan nhất có thể và chia sẻ từ nhiều góc độ khác nhau tuy nhiên trải nghiệm là của mình nên vẫn mang tính cá nhân nhiều. Mình sẽ giới thiệu một chút về bản thân, background,... để mọi người hình dung được góc nhìn của mình là góc nào =)) Tính đến nay thì mình có khoảng 1.5 năm kinh nghiệm làm việc tại một NPOs quốc tế ở trong đó có 3 tháng làm Thực tập sinh (TTS) và thời gian còn lại là Trợ lý dự án kiêm hành chính. Trước đó mình tham gia 1 chương trình Traineeship, đào tạo các TTS cho các NGOs-NPOs trong 3 tuần, đây cũng chính là cơ duyên đưa mình đến con đường này. Vì vậy có lẽ cũng thuận lợi hơn trong việc chia sẻ vì mình được tập huấn về các kỹ năng, kiến thức liên quan trước chứ không phải chỉ nhảy vào môi trường này mới biết nó thế nào. Đồng thời các bạn cùng khóa cũng làm việc trong các tổ chức khác, bọn mình thỉnh thoảng vẫn nói chuyện nên mình cũng có được nhiều thông tin hơn từ nhiều nguồn khác nhau. Mong là sẽ giúp ích cho mọi người.

Như đã spoil ở các bài viết trước, ngay từ đầu mình đã có dự định sẽ viết một bài để làm sáng tỏ những suy nghĩ chưa được chính xác về môi trường NGOs-NPOs (vì cá nhân mình trước đây từng thế). 
Mình nghĩ các bài viết trước đã giúp các bạn hiểu rõ hơn kha khá (hopefully) về môi trường này. Trong một vài phần mình cũng đã làm sáng tỏ những điều "mọi người thường nghĩ" nhưng "thực tế thì..." ở môi trường NGOs-NPOs. 

Đọc thêm:

1. Phi chính phủ là phản động???!!!

May mắn cho mình là họ hàng cũng có "tiền bối" trong ngành nên không gặp quá nhiều vấn đề khi giải thích về công việc ở Tổ chức Phi chính phủ. Tuy nhiên nhiều anh chị, bạn bè cũng chia sẻ, khi nói rằng mình làm ở Tổ chức PCP, họ hay nhận lại các câu hỏi dở khóc dở cười, có thể kể đến như: 
- Vô chính phủ là phản động à?
- Chắc là làm mấy việc chống đối chính phủ?
- Nghĩa là không phải làm nhà nước chứ gì?...
Nhiều khi bị hỏi mình cũng ậm ừ là vì thế =)) vì tính lười nói chuyện, ghét giải thích (chẳng hiểu sao đi làm toàn dính mấy chỗ mà người nghe không hiểu :3, lần sau có khi xem xét đi làm big corp để khỏi phải giải thích :(( ). 

Đọc thêm:

2. Phi lợi nhuận thì làm không lương à?

Câu hỏi này cá nhân mình chưa bị hỏi trực tiếp bao giờ tuy nhiên không phải không có. Ngay trong những bài viết trước của mình, cũng có nhiều hơn 1 bạn bình luận và hỏi các câu hỏi tương tự: "Làm ở NGOs, NPOs thì là tình nguyện không lương à?" hay "Các tổ chức trả lương cho nhân viên như thế nào?",...
Mình xin trả lời là các NGOs, NPOs vẫn trả lương nhân viên như bình thường. Ở môi trường này thật sự có nhiều người rất tốt, như thiên thần luôn á nhưng cũng chưa đến mức vì cộng đồng mà nhịn đói trường kỳ :)). 
Các bạn thắc mắc về việc NGOs, NPOs có tiền (bao gồm tiền trả lương) ở đâu có thể tham khảo bài viết cũ của mình. 

3. Làm cho NGOs chắc giàu lắm?

Nếu ai có quen các cô chú 7x về trước làm ở NGOs, NPOs nhất là NGOs quốc tế thì thường đều nghĩ như vậy. Khoảng 15-20 năm trở về  trước, môi trường NGOs, NPOs là một mảnh đất khá màu mỡ. Việt Nam còn nghèo, người dân thu nhập thấp cùng với hàng tỷ vấn đề xã hội thiết yếu cần được quan tâm như: y tế (sức khỏe sinh sản, y tế công cộng, HIV-AIDS..), xóa đói giảm nghèo, phát triển sinh kế,...Với tình hình như vậy, các nhà tài trợ và quỹ viện trợ coi Việt Nam là một trong những mục tiêu chính để hỗ trợ. 
Các NGOs, NPOs nước ngoài đến và triển khai dự án ở Việt Nam rất nhiều, tiền tài trợ và dự án cũng dồi dào. Ngoài nhân viên từ nước ngoài, các tổ chức vẫn cần thuê các nhân viên tại địa phương. Ở thời kỳ đó tìm được nhân viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ và có kinh nghiệm liên quan có thể nói là không dễ dàng. Tiền lương, cost norm ở các tổ chức quốc tế đều tính theo ngoại tệ, tiền lúc đó có giá thế nào chắc các bạn cũng hiểu. Bởi tất cả các lý do trên, nhân viên ở NGOs, NPOs thời đó mua nhà mùa xe, sống cuộc sống thoải mái so với mặt bằng chung cũng không có gì lạ.
20 năm trôi qua, kinh tế Việt Nam có nhiều bước tiến lớn, các vấn đề như sinh kế, y tế, xóa đói giảm nghèo không còn ở mức đáng báo động hay cần quan tâm đặc biệt nữa. Năm 2010 đánh dấu mốc Việt Nam thoát khỏi nước nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cũng là lúc các NGOs, NPOs dần khăn gói ra đi hoặc phải thu hẹp quy mô bởi nguồn viện trợ không còn dồi dào. Các quỹ viện trợ giờ đây sẽ tập trung vào các quốc gia còn nghèo hay gặp nhiều vấn đề nguy cấp hơn như khu vực châu Phi chẳng hạn. 
Các tổ chức quốc tế hoạt động ở Việt Nam thường gặp nhiều rắc rối hơn là tổ chức trong nước đồng thời chi phí vận hành cũng cao hơn nên nhà tài trợ giờ đây ưu tiên tìm đến các Local NGO. Như đã so sánh mức lương và chế độ ở INGO và local NGO, làm ở local NGO lương không cao còn ở INGO thì ngày càng ít vị trí. Kể cả ở INGO hiện nay, mức thu nhập so với khu vực tư nhân thì cũng không còn chênh quá nhiều như thời xưa nữa bởi kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển khá tốt rồi. 

4. Các tổ chức NGO làm từ thiện?

Điều này có thể nói là đúng nhưng cũng không đúng. Từ thiện được hiểu là "hành động trợ giúp người yếu kém, hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay là cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe hay là những hành động trợ giúp tinh thần", nôm na là cho con cá thay vì cần câu. 
Trước đây khi Việt Nam còn thuộc danh sách nước nghèo, hoạt động của NGOs có bao gồm các hợp phần mang tính từ thiện như viện trợ, xóa đói giảm nghèo, tặng hiện vật, xây dựng cơ sở vật chất,.... Tuy nhiên đây chỉ là một phần và ít khi là mục tiêu cuối cùng của các dự án. Một số từ khóa rất quan trọng mà ai làm trong NGOs cũng đều biết tới đó là phát triển bền vữngKhi thiết kế dự án, yếu tố phát triền và bền vững trong dài hạn luôn là điểm cần lưu ý và tối quan trọng. Một dự án mang lại hiệu quả nhưng chỉ có tính thời điểm, không có khả năng duy trì sau khi dự án rút đi cũng không thể coi là một dự án thành công. Chính vì lý do đó, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã thoát nghèo, các tổ chức sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực, vận động chính sách,... những hoạt động mang lại tác động về lâu dài thay vì hoạt động viện trợ, từ thiện mang tính thời điểm.

5. Làm Phi Chính phủ chắc không phải dính dáng tới Nhà nước?

Tổ chức phi chính phủ không thuộc khu vực Nhà nước tuy nhiên không dính dáng gì thì cũng không phải (và không thể). Mọi tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đương nhiên sẽ phải nhập gia tùy tục, tuân thủ quy định theo Pháp luật Việt Nam cũng như sự quản lý của Nhà nước từ việc đăng ký thành lập, địa bàn hoạt động, phê duyệt dự án, báo cáo hàng năm,...
Đối với những vấn đề xã hội phức tạp (mà liên quan đến xã hội thì đều phức tạp), muốn tạo được tác động thật sự mạnh mẽ cuối cùng vẫn phải đánh vào chính sách từ phía trên vì thế làm việc với các cơ quan chính quyền là khó tránh khỏi và là cần thiết. 
Định làm BST thẻ nhưng ảnh vứt đâu hết rồi :v

6. Môi trường quốc tế?

Một điểm mà các bạn TTS hay nói trong buổi phỏng vấn khi mình hỏi về kỳ vọng khi ứng tuyển vào INGO nói chung và tổ chức của mình nói riêng là các bạn muốn làm việc trong môi trường quốc tế. Điều này có thể đúng, hoặc không tùy vào định nghĩa và mức độ quốc tế bạn kỳ vọng là như thế nào. 
Các tổ chức Phi chính phủ quốc tế đều có trụ sở tại nước ngoài và một đội ngũ ở bên đó, chưa kể các tổ chức lớn còn có các văn phòng đại diện ở nhiều nước khác nhau. Vì vậy có thể nói INGO là một môi trường làm việc quốc tế. Làm việc ở đây yêu cầu ngoại ngữ là không thể thiếu vì sẽ cần ít nhất là trao đổi thư từ, dịch thuật tài liệu.
Tuy nhiên nếu bạn muốn hàng ngày làm việc, giao tiếp với người nước ngoài, đắm mình trong môi trường đa văn hóa, làm việc theo phong cách phương Tây thì không phải INGO nào cũng đáp ứng được. Về cơ bản thì làm việc INGO cũng tương tự như ở các công ty đa quốc gia về mặt "môi trường quốc tế". Tuy là công ty, tổ chức nước ngoài nhưng phần lớn nhân sự (hoặc tất cả) vẫn sẽ là người Việt Nam. 
Kết bài: 
Chẳng biết viết gì nữa nên xin phép dừng ở đây :)). Mong rằng bài viết có ích cho mọi người ;) 
P/s: Nhân ngày xem được chiếc video PR nhưng đầy kỷ niệm nên cố viết nốt bài này dù bắt đầu draft từ lâu ^^.
1 phút cho quảng cáo: NGO Traineeship 09 của CSDS đang tuyển sinh nếu các bạn muốn thử sức ở môi trường này hoặc đơn giản là có trải nghiệm vui vui cùng học thêm 1 số kiến thức liên quan (mà bài viết của mình chưa đề cập đến được)
Nota.