Lời tựa:
Ấp ủ mong muốn chia sẻ một nội dung gì đó có ích cho các Nhện ngoài mấy tâm sự nhảm nhí từ lâu nhưng nội dung học thuật mình càng tìm hiểu càng thấy không biết gì để viết nên chuyển sang phương án dễ dàng hơn là chia sẻ trải nghiệm cá nhân.  
Trước đây khi mới ra trường, môi trường NGOs-NPOs là một trong những lựa chọn cho con đường sự nghiệp của mình. Những gì mình suy nghĩ khi đó và sau khi được một số anh chị khai sáng cũng như thực sự trải nghiệm có điểm tương đồng nhưng cũng không ít những khoảnh khắc hóa ra nó không như mình tưởng tượng. Vì thế, sau 1.5 năm trong làm việc ở 1 NPOs, mình quay lại đây mong rằng chia sẻ của mình có thể mang đến cái nhìn cụ thể hơn về công việc tại NGOs-NPOs và phần nào đó giúp các bạn có nguyện vọng làm việc trong môi trường này rõ ràng hơn về con đường sắp tới của mình (hoặc rẽ sang đường khác =))).  
Nhấn mạnh một lần nữa, mình luôn cố gắng khách quan nhất có thể và chia sẻ từ nhiều góc độ khác nhau tuy nhiên trải nghiệm là của mình nên vẫn mang tính cá nhân nhiều. Mình sẽ giới thiệu một chút về bản thân, background,... để mọi người hình dung được góc nhìn của mình là góc nào =))
Tính đến nay thì mình có khoảng 1.5 năm kinh nghiệm làm việc tại một NPOs quốc tế ở trong đó có 3 tháng làm Thực tập sinh (TTS) và thời gian còn lại là Trợ lý dự án kiêm hành chính. Trước đó mình tham gia 1 chương trình Traineeship, đào tạo các TTS cho các NGOs-NPOs trong 3 tuần, đây cũng chính là cơ duyên đưa mình đến con đường này. Vì vậy có lẽ cũng thuận lợi hơn trong việc chia sẻ vì mình được tập huấn về các kỹ năng, kiến thức liên quan trước chứ không phải chỉ nhảy vào môi trường này mới biết nó thế nào. Đồng thời các bạn cùng khóa cũng làm việc trong các tổ chức khác, bọn mình thỉnh thoảng vẫn nói chuyện nên mình cũng có được nhiều thông tin hơn từ nhiều nguồn khác nhau. Mong là sẽ giúp ích cho mọi người.

Đọc thêm:

1. Cơ hội làm việc tại NGOs-NPOs đến từ đâu?

Có 1 điều mình nhận thấy và thật ra các anh chị làm ở NGOs-NPOs chia sẻ, đó là các tổ chức PCP ít khi tuyển dụng, sinh viên mới ra trường thì càng khó có cơ hội tiếp cận với môi trường này. Trong thời gian này mình cũng hay lang thang trên các trang tuyển dụng cả đại trà và của riêng NGOs, số lượng tin tuyển dụng không thiếu tuy nhiên thường là các vị trí senior, chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể hoặc intern. Ít có vị trí nào phù hợp với sinh viên mới ra trường hoặc có nhưng họ vẫn ưu tiên những ai có kinh nghiệm 1-2 năm làm việc tại NGOs hơn. Vị trí senior thì khỏi phải nói, không tính những người làm chuyên môn thì các vị trí như Quản lý Dự án, Cán bộ Dự án, Kế toán,... hầu hết đều kèm thêm 1 câu trong yêu cầu đó là đã từng làm việc trong NGO circle. Vậy để có 1-2 năm kinh nghiệm đầu tiên trong NGO circle  phải bắt đầu từ đâu?
a. Tình nguyện viên (TNV)/ Thực tập sinh (TTS)
Như có đề cập ở bài viết trước, nguồn tiền của các tổ chức PCP không đến từ hoạt động kinh doanh mà là các quỹ, các tổ chức, cá nhân tài trợ theo từng dự án, hoạt động triển khai. Dự án thì mang tính thời vụ và thường cố gắng cắt giảm chi phí vận hành (bao gồm hành chính, nhân sự,...) nhất có thể khi viết đề xuất dự án nhằm tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu. Bởi 2 điểm trên, với các công việc chạy lon ton, không cần nhiều kinh nghiệm phù hợp cho sinh viên mới ra trường, đa số NGOs ưu tiên tuyển TNV hoặc TTS thay vì nhân viên junior chính thức để tiết kiệm chi phí. 
Vì thế, nếu bạn trẻ nào có định hướng làm trong NGOs, hãy dành thời gian ở đại học tìm hiểu, tham gia làm TNV hoặc TTS cho các tổ chức PCP. Trải nghiệm này cũng sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên về nhiều mặt: Thêm hoạt động ngoại khóa làm đẹp hồ sơ, học hỏi kinh nghiệm. Về lợi ích cho cơ hội làm việc ở NGOs thì có 2 ý chính là: Tăng cường mối quan hệ với các anh chị làm việc trong NGOs circle đồng thời có cơ hội trải nghiệm phần nào đó môi trường này để có định hướng tương lai rõ ràng hơn. 
NGO circle nói bé chẳng bé mà to thì cũng chẳng to. Các tổ chức đều có cơ quan chủ quản, thỉnh thoảng có các sự kiện networking, chưa kể trong quá trình triển khai dự án cũng cần nhau hợp tác, giúp đỡ giới thiệu nên mình thấy những ai đã làm lâu ở môi trường này đều quen nhau. Kịch bản mỗi lần có nhân viên mới đến là "Ôi, trước em là ở.... à? Có biết anh X chị Y không?" sau đó là bắt đầu móc nối. Trước đây mình cũng có hỏi tại sao NGOs không thấy đăng tuyển nhiều, nhất là mấy vị trí junior, các anh chị cũng chia sẻ thật là để NGOs có 1 vị trí trống không dễ và khi có cơ hội thường toàn là các bạn TNV hoặc TTS gắn bó lâu sẽ được promote lên, thế nên xây dựng quan hệ là vô cùng quan trọng, để có thể là người đầu tiên có thông tin về nhu cầu tuyển dụng. 

Đọc thêm:

Một lưu ý nữa, có thể bạn sẽ nghĩ sau thời gian làm TTS (như kiểu thử việc), nếu làm tốt sẽ có cơ hội lên staff chính thức nhưng ở đây họ không làm vậy =))). Ngân sách cho nhân sự, số lượng nhân sự ở mỗi tổ chức thường có giới hạn và có chỉ tiêu. Việc bạn có được lên staff hay không không chỉ phụ thuộc vào việc bạn làm tốt mà còn phụ thuộc vào khi đó tổ chức có nhận được tài trợ, dự án để có ngân sách đủ thuê thêm 1 nhân viên chính thức nữa hay không. Mỗi dự án đều đã có định mức về số lượng nhân viên mà tổ chức tính toán từ đầu và đề xuất với nhà tài trợ, cùng đồng thuận. Về lý thuyết con số ấy có thể thay đổi nếu giải trình hợp lý tuy nhiên sẽ là 1 điểm trừ trong mắt nhà tài trợ và tất nhiên nếu không quá cần thiết thì họ cũng chẳng muốn thêm người làm gì. Giả sử bạn đang làm TTS và tất cả các vị trí trong dự án đều có người lấp đầy, có làm tốt mấy bạn cũng khó có thể có thêm 1 suất chính thức, trừ khi tổ chức đó nhận thêm được dự án mới, có ngân sách cho nhân sự mới hoặc 1 người ở dự án kia nghỉ việc. Vì vậy, ở đây sẽ cần thêm 1 chút may mắn nữa.
b. Một số trang tin tuyển dụng của NGOs-NPOs
Bên cạnh việc đi lên từ TNV/TTS thì tất nhiên các bạn vẫn có thể ứng tuyển vào NGOs-NPOs nếu họ đăng tuyển công khai. Một số trang tin phổ biến là: 
- NGO Resource Center của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO): Ngoài mục việc làm thì ở đây cũng có danh bạ các tổ chức, thông tin mới, các bài nghiên cứu hay báo cáo mà các NGOs thực hiện, phát hành.
- NGO Recruitment: Đây cũng là 1 NPO, chuyên hỗ trợ tuyển dụng cho các tổ chức PCP. Thông tin tuyển dụng ở đây đa số là INGOs, Đại sứ quán, Lãnh sự quán, được cập nhật rất thường xuyên. Ngoài website như trên thì các bạn có thể join group fb và like fanpage nhận thông tin nhanh nhất.
- Page tuyển dụng của Cục Phục vụ Ngoại giao Đoàn (Dipserco): Dipserco là cơ quan quản lý người lao động của Đoàn Ngoại giao (bao gồm cả các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán,...) nên cũng có một trang riêng để hỗ trợ đăng tin tuyển dụng, giới thiệu người lao động cho các tổ chức nước ngoài miễn phí. Các tổ chức sẽ gửi công văn kèm JD cho Dipserco để được đăng tin, đồng thời Dipserco cũng sẽ giới thiệu ứng viên, gửi CV (nếu có) về cho tổ chức.
- Các trang tin tuyển dụng thông thường: Vietnamworks, Careerbuilder,..
- Các trang fanpage/website của từng tổ chức
c. Người quen trong NGO circle =))
"Quan hệ" theo mọi nghĩa thì đều quan trọng trong cái xã hội này =)). Cũng như tất cả các ngành nghề khác và như đã nói qua ở trên, có quan hệ bạn sẽ: 
- Có lợi thế tiếp cận thông tin 
- Có sẵn người giới thiệu giúp tăng cơ hội được tuyển. 
Các vị trí chính thức, đặc biệt là tổ chức nước ngoài thì dù có quan hệ vẫn sẽ phải qua các bước tuyển dụng thông thường thôi, chủ yếu là bạn được lợi thế về tiếp cận thông tin. Còn với vị trí nhỏ như Intern thì đơn giản hơn nhiều. Chỗ mình cũng có nhiều intern là con cái bạn sếp hoặc người quen này nọ kia. Kiểu cha mẹ muốn con va chạm, trải nghiệm nên hè hay gửi gắm, hỏi han xem có cần người hỗ trợ gì không thì gửi vào làm TTS trong ngắn hạn 2-3 tháng chẳng hạn. TNV với TTS thì càng nhiều càng ít thôi nên cũng không phải vấn đề quá to tát. 
Sau khi có được 1 thời gian kinh nghiệm ở NGOs rồi (và tất nhiên là để lại ấn tượng tốt) thì tiếp sau đó sẽ dễ dàng hơn 1 chút. Mình cũng đã nói là cái vòng này bảo bé không bé, to cũng không to, ai cũng quen nhau. Ví dụ như mình sau hơn 1 năm làm việc thì sếp cũng bảo sau nghỉ nếu cần sếp giới thiệu đi mấy tổ chức sếp có quen. Anh Quản lý Dự án bên mình cũng có mấy mối =)). Về cơ bản khi bạn được những người có uy tín trong ngành như vậy giới thiệu thì sau đó nhà tuyển dụng không phải lăn tăn nhiều nữa và cứ thế mà theo đuổi con đường sự nghiệp này (nếu muốn ^^).
d. Tham gia NGO Traineeship 
Một phút dành cho quảng cáo... =))
Xin cam kết mình không nhận được đồng nào từ mẩu quảng cáo này. Cá nhân mình nghĩ Chương trình xứng đáng được có mặt ở đây (và vì đây là cách mình bén duyên với con đường này). 
NGO Traineeship là một hợp phần trong chương trình phát triển Thanh niên của CSDS (Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Bền vững) - một Tổ chức PCP Việt Nam chuyên về các hoạt động cho Thanh niên. Ngoài NGO traineeship thì các bạn cũng có thể tham khảo các chương trình khác, cá nhân mình thấy đều khá là hay và phù hợp với các bạn sinh viên.
Mục tiêu của NGO Traineeship là đào tạo các Trainee làm việc cho cac Tổ chức PCP. Chương trình bao gồm 3 tuần tập huấn full-time sau đó các Trainee sẽ được gửi đi các Tổ chức có liên kết và có nhu cầu nhận thực tập sinh từ chương trình để làm việc trong 6 tháng.
Hồi đăng ký tham gia mình cũng nộp chơi chơi thôi, ngày cuối cùng mới nộp vì trước đó có đợi kết quả 1 chương trình trao đổi khác nhưng đúng đến ngày deadline của NGO Traineeship thì cái kia báo tạch nên sang plan B luôn. Vẫn nhớ câu hỏi và câu trả lời epic nhất hôm phỏng vấn: 
"- Are you good at math?
- Pretty good, I think
- So, 25x25 = ?
- *5 giây suy nghĩ* 125
- Are you sure?
-... *another 5 seconds* Yes I'm sure
*Ra khỏi phòng* Fuckkkkkk, so embarassing"
Hồi đó ngay sau buổi gặp mặt đầu tiên các anh chị đã cho các bé Trainee tỉnh mộng và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về làm việc ở NGOs thực tế như thế nào =)) (cái này chắc mình sẽ viết ở bài sau). Sau đó cũng có 1 vài bạn drop, mình cũng định bỏ nhưng thấy thương công sức các anh chị bỏ ra làm chương trình quá nên không nỡ. Cuối cùng thì mình cũng không hối hận về quyết định khi ấy. Mình tin là các bạn sẽ có 3 tuần trải nghiệm thú vị ở NGO Traineeship, dù sau này có tiếp tục theo con đường NGOs hay không. 
Nói qua về nội dung tập huấn, về cơ bản các bạn sẽ được giới thiệu hết về môi trường NGOs (tương tự mấy cái mình đang viết nè, nhưng chi tiết hơn), xen kẽ các buổi củng cố kỹ năng cần thiết như (phỏng vấn, viết CV, đối thoại, viết đề xuất dự án, làm việc ở cộng đồng, truyền thông, gây quỹ, lập kế hoạch, quản lý dự án...). Sau đó là một số buổi chia sẻ về chuyên môn để các bạn có định hướng rõ hơn muốn làm việc ở tổ chức chuyên về lĩnh vực gì (bảo vệ môi trường, khí hậu, phòng chống thiên tai, du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ, LGBT...) và các buổi gặp gỡ với HR hoặc cán bộ tổ chức đối tác, field trip,... Các hoạt động đều được tổ chức bằng các phương thức độc đáo, vui nhộn nên không chán hay buồn ngủ gì cả (sau 1 ngày về nhà thì mới vật =)) có hôm đi hẹn hò xem phim mình còn ngủ cả trong rạp vì quá mệt, chắc phim cũng chán).
Nhưng trên hết, ở đó mình đã gặp được rất nhiều con người hay ho. Vì tính chất công việc nhằm cải thiện các vấn đề xã hội nên các anh chị làm ở NGO thường rất là nice và những bạn tham gia cùng mình cũng vậy, đều có một mong muốn dù lớn dù nhỏ đóng góp cho cộng đồng nên mới đi con đường này. Có nhiều bạn cứ như thiên thần luôn á, mình dân kinh tế nên tự nhận không thể thánh thiện đến mức đó. Có thể nói đó là 3 tuần trong 1 tập thể đầy yêu thương, chấp nhận sự khác biệt, cởi mở không đánh giá và luôn giúp đỡ nhau. Ngoài kiến thức có trong khuôn khổ chương trình, các bạn cùng khóa mình còn tự đề xuất tổ chức các buổi chia sẻ vào thời gian rảnh, ai có thế mạnh phần nào thì chia sẻ phần đó. Ví dụ có 1 chị đã hướng dẫn bọn mình sử dụng Indesign làm CV, thiết kế đơn giản, có bạn chia sẻ về katana, có bạn hướng dẫn tập thiền. Mình thì đã lan truyền virus gây nghiện Uno cho cả lớp. 
Sau 3 tuần bạn sẽ được match với các tổ chức có liên kết với chương trình. Các tổ chức trước đó đã gửi JD và nhu cầu tuyển dụng cho chương trình. Các bạn sẽ xem và lựa chọn nguyện vọng như thi đại học =)). Nếu nhiều hơn 1 người chọn cùng 1 vị trí thì sau phỏng vấn, tổ chức đối tác sẽ chọn bạn phù hợp hơn, bạn còn lại sẽ chuyển xuống nguyện vọng tiếp theo. Về lý thuyết là sẽ có đủ chỗ cho tất cả các bạn, tuy nhiên để chọn được 1 nơi match với mong muốn ban đầu của bạn (nếu bạn có tiêu chí gì đó) thì chưa chắc, các bạn nên lưu ý điều này. Hồi đó mình chọn nơi mình làm việc bây giờ và may cũng không có ai chọn cùng. Hiện tại các bạn cùng khóa mình còn khoảng 1/3 còn làm việc ở NGOs (Childfund, GreenID, CSDS,...) đều là cùng tổ chức thực tập hồi đó. 
Chương trình này thường tuyển 1-2 đợt mỗi năm, hiện tại là vậy, khóa gần đây nhất là tháng 11 vừa rồi. Bạn nào muốn thử có thể follow fanpage của CSDS để cập nhật nhé ;)

2. Lương và phúc lợi

Có 1 lầm tưởng về làm việc tại các NGOs, nhất là các tổ chức quốc tế lương rất cao và rất giàu :) (phần này sẽ nói kỹ hơn ở bài sau, chắc thế). Và vì là lầm tưởng nên bạn biết rồi đó ^^.
a. Ở INGO
Các INGO thường đều có lịch sử lâu đời, hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau và tiềm lực tài chính mạnh hơn (ví dụ như các tổ chức nhỏ sẽ chết nếu không có được dự án mới nhưng INGO có thể vẫn sẽ trụ được một thời gian) cùng với một bộ máy, chính sách hoàn thiện hơn cả về nhân sự và vận hành nói chung. 
Mức lương ở INGO cao hơn đáng kể so với local NGO. Về cơ bản mình nghĩ chế độ của cùng 1 INGO ở mỗi nước cũng không thể chênh nhau qua nhiều được nên chính sách nhân sự sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế (tất nhiên điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt, bối cảnh từng nước chứ không phải cứ đổi mức lương từ ngoại tệ sang VNĐ được). Cá nhân mình, ở vị trí junior thì mức lương có thể coi là cao hơn so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường. Hồi đó sếp hay nói chuyện với mình bảo làm NGOs thời nay thì không giàu được, để lên được mức đủ để sống thoải mái rồi xây dựng gia đình thì cũng phải tương đối cố gắng và cần thời gian, không như làm cho doanh nghiệp. Mình còn nghĩ là sếp nói thế nào ý vì mức lương khởi điểm mình đã tương đối cao rồi. 
Tuy nhiên sau 1 thời gian thì mình thấy cũng đúng, lương có thể nhỉnh hơn chút chút nhưng thu nhập thì chưa chắc vì NGOs không kinh doanh nên sẽ không có thưởng doanh số, hoa hồng, thưởng các dịp lễ như doanh nghiệp. Không biết các bên khác thế nào nhưng dù có thì cũng không thể nhiều như doanh nghiệp vì nguồn tiền đến từ nhà tài trợ mà hợp đồng với nhà tài trợ chắc chắn không bao gồm các loại thưởng cho nhân viên.
Về các phúc lợi khác, vì NGOs làm việc vì sự phát triển cộng đồng, phúc lợi xã hội nên rất chú trọng tới phúc lợi cho nhân viên đặc biệt liên quan đến đóng BHXH hay khám sức khỏe. Các tổ chức đều đóng BHXH full lương vì thế khá có lợi khi có bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu hay nghỉ đẻ, nghỉ ốm... Ngoài BHYT bắt buộc hầu hết các tổ chức quốc tế (mình biết) đều mua thêm gói khám sức khỏe bên ngoài cho nhân viên hay như ở Childfund thậm chí còn mua cho cả gia đình nhân viên. Các INGOs đều cố gắng mang đến phúc lợi cho nhân viên nhiều hơn mức mà Luật Lao động Việt Nam quy định và tuân thủ đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
b. Ở Local NGOs
Thật sự thì hiện tại có rất nhiều local NGOs được thành lập, có tổ chức cũng to và xin được dự án còn nhiều hơn cả nhiều INGOs nhưng cũng có nhiều tổ chức khá là chật vật. Về mức lương, mặt bằng chung thì không bằng được INGOs thậm chí nhiều nơi mình thấy cũng giành được nhiều dự án mà mức lương thấp khó tin :o. Thấy khâm phục các anh chị ấy vì đúng là làm vì đam mê chứ mức lương ấy mình tự thấy mình sống không nổi ở cái đất Hà Nội này.
Các phúc lợi khác họ cũng không chú trọng nhiều như INGOs, ít nhất là đa số mình biết. Vậy lý do gì họ vẫn đi làm cho local NGOs? Theo mình thì một bộ phận là vì đam mê, tất nhiên cũng không quá nhiều đâu. Một nhóm khác là thích một công việc ổn định, không quá áp lực. Mình chưa thực sự làm một công việc fulltime nào ở doanh nghiệp đủ lâu, chỉ mới làm lặt vặt linh tinh nên cũng khó để so sánh khách quan tuy nhiên nếu ở vị trí hành chính văn phòng, kế toán hay điều phối, trợ lý dự án,.. thì ở NGOs không quá áp lực như doanh nghiệp, ít khi phải làm thêm giờ, có công việc riêng gia đình nhiều khi các sếp cũng thoải mái tạo điều kiện cho nhau chứ không quá cứng nhắc. Nếu bạn có chuyên môn về một ngành cụ thể, hoặc tổ chức có danh tiếng dần thì còn có thể nhận thêm các dự án tư vấn bên ngoài mà phí cho chuyên gia thì đều không thấp nên cũng không hoàn toàn là quá khó khăn.

3. Lời kết

Tạm tạm trên đây là những gì mình tổng kết lại được. Cá nhân mình cảm thấy bạn nào có trái tim ấm nồng luôn thích giúp đỡ người khác, muốn một cuộc sống ổn định không quá bon chen, cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp thì môi trường này là một lựa chọn khá ổn. Nói thế cũng không phải lúc nào cũng yên bình đâu, lúc dự án đến dồn dập thì làm chẳng hết việc. 
Vì lẽ đó nên các vị trí manager bạn có thể gặp nhiều anh chị làm ở 1 nơi đến 10-20 năm vì đến tầm tuổi nào đó thì đa số sẽ muốn sự cân bằng. Điều này gây ra 2 vấn đề. Một là nhiều anh chị lớn tuổi cách làm việc hay tư tưởng sẽ khác so với các bạn trẻ hơn. Hai là nếu muốn thăng chức đến mức manager cũng phải đợi các anh chị ấy nghỉ đã :)).
Một lần nữa, đây là những đúc rút từ trải nghiệm cá nhân với mẫu quan sát không quá ít nhưng chưa thật nhiều. Welcome tất cả các bạn đóng góp ý kiến và thông tin hoặc đặt câu hỏi nhé ;) 
Nota.