Cấu trúc của một bài văn
Vì sao bạn nên viết có cấu trúc, và hai cách xây dựng cấu trúc. Photo by Jakob Braun on Unsplash Cấu trúc một bài viết có lẽ...
Vì sao bạn nên viết có cấu trúc, và hai cách xây dựng cấu trúc.
Cấu trúc một bài viết có lẽ là cái:
- Đơn giản nhất -- ít nhất là về nguyên lý
- Nhàm chán nhất -- đối với một số người viết, trong đó có tớ ngày xưa.
- Thành phần hay bị thiếu nhất của bài viết.
- Nếu có thì sẽ giúp cho người đọc nhiều nhất so với các thành phần khác.
Khi bạn viết một bài chỉ để cho mình đọc, bạn có thể bỏ qua cấu trúc (và bỏ qua luôn bài viết này của tớ). Còn nếu bạn viết cho người khác đọc, thì nên có cấu trúc. Nên nhớ rằng đôi khi -- rất nhiều khi -- dòng chảy suy nghĩ và mạch viết của bạn hoàn toàn không giống như dòng đọc của người khác. Bạn có thể thấy mình viết rất xuôi, nhưng người đọc lại không hiểu sao bạn nhảy từ chỗ này sang chỗ kia. Không có cấu trúc, người đọc rất khó có thể theo dõi được bài viết của bạn.
Nếu bạn viết cho người khác đọc, thì nên có cấu trúc. Nên nhớ rằng đôi khi -- rất nhiều khi -- dòng chảy suy nghĩ và mạch viết của bạn hoàn toàn không giống như dòng đọc của người khác.
Xây dựng cấu trúc thực ra khá đơn giản. Bạn có thể làm cấu trúc trước hoặc sau khi viết nháp nội dung của bài.
Cách 1: Làm cấu trúc trước khi viết
Bước 1. Xác định chủ đề của bài viết: thông điệp bạn muốn người đọc nhận được sau khi đọc bài, câu chuyện bạn muốn kể...
Bước 2. Ghi ra các ý chính cho chủ đề đó.
Bước 3. Sắp xếp các ý chính theo một trật tự dễ hiểu và dễ theo dõi. (Bước này có thể làm sau khi viết đoạn).
Bước 4. Viết mỗi ý chính thành một đoạn văn. Trong mỗi đoạn, các câu cần xoay vần quanh ý chính của đoạn.
Bước 5. Thêm các từ nối hoặc câu nối để mạch ý chảy liên tục từ đoạn này sang đoạn tiếp theo.
Bước 6. Viết mở bài - giới thiệu chủ đề và dẫn nhập vào ý đầu tiên, và kết bài - tóm tắt các ý chính đã viết trong bài.
Ví dụ, bài này tớ làm cấu trúc rồi mới viết. Tớ lấy chủ đề là vào bếp học vật lý. Các ý chính là dẫn nhiệt, đối lưu, kích thích phân tử, cảm ứng điện từ, bức xạ nhiệt. Tớ viết mỗi thứ thành một đoạn. Bài này viết theo kiểu đánh số nên không cần câu nối chuyển đoạn, tuy nhiên vẫn có một thứ kết dính các đoạn với nhau, đó là chủ đề chung "các kiểu bếp và cách chúng làm nóng thức ăn." Viết xong các đoạn, tớ mới viết câu đầu và câu cuối. Bài này viết để lên Facebook nên mở đầu phải giật gân gây chú ý một chút, và cái sự giật gân ấy phải nằm trong 400 ký tự, vì sau đó à Facebook sẽ cắt và bảo "See more..."
Cách 2: Làm cấu trúc sau khi đã viết nháp xong nội dung bài
Bước 1: Đọc lại bài và tự hỏi chủ đề quan trọng nhất của bài là gì? Bạn muốn khi đọc xong, độc giả sẽ nhớ cái gì? Bạn muốn kể chuyện gì?
Bước 2: Gạch đầu dòng ra những ý chính tiêu biểu mà bạn đã viết, trong lúc đó tự hỏi: những ý này có giúp bạn truyền tải thông điệp/câu chuyện chủ đề tới người đọc không? Nếu không thì bạn nên thay đổi chủ đề đó, hoặc là các ý chính mà bạn đã chọn.
Bước 3: Với mỗi ý chính, nhặt các chi tiết phù hợp với nó, bỏ vào một chỗ. Nối các câu thành đoạn văn liền mạch, nếu cần thiết thì viết thêm các mẩu nối đó. Hy sinh những chi tiết không cần thiết trong việc phát triển ý.
Bước 4: Sắp xếp các ý chính, tức các đoạn, theo một trật tự dễ hiểu và dễ theo dõi. (Bước này có thể làm trước hoặc sau Bước 3).
Bước 5 và 6: Giống như Cách 1.
Ví dụ, bài này tớ viết xong rồi mới làm cấu trúc. Lúc đầu, ý tưởng của tớ là viết về "quả gì nên bỏ tủ lạnh," nhưng sau khi nháp xong thì phát hiện ra rằng bài này nói nhiều về sự chín của quả hơn, nên tớ sắp xếp theo quá trình chín của quả, từ lúc còn non xanh cho tới khi chín, được mua từ chợ về và được bỏ vào tủ lạnh.
Tóm lại, khi viết cho người khác đọc, bạn nên viết theo cấu trúc. Làm cấu trúc không khó, bạn chỉ cần tìm ra cái mà bạn thực sự muốn truyền tải và làm sao để nội dung bài thực sự truyền tải điều đó. Cấu trúc là khung xương sống của bài. Người đọc có thể bị cuốn vào bằng mở đầu hấp dẫn và giọng văn đặc trưng của bạn, nhưng cái làm họ theo dõi và nhớ được bài viết là cấu trúc.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất