Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
Sự học không chỉ mang đến kiến thức mới mà còn tạo nên những thành quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, ít ai trong số chúng ta thực sự hiểu, tầm quan trọng của học vấn đối với sự thay đổi và phát triển trong đời sống.
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần. Bạn sẽ thấy rằng, trong cuốn sách, những khái niệm, phương pháp, mục tiêu của việc học tập được tác giả đề cập một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Tác giả Nguyễn Duy Cần luôn tâm niệm, giá trị thực sự của học vấn nằm ở khả năng lĩnh hội và mở mang tri thức chứ không đơn thuần dựa vào bằng cấp.
Một cuốn sách khác có tên “Khuyến học” một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc nỗ lực học tập. “Khuyến học” được viết bởi nhà tư tưởng lỗi lạc, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại - Fukuzawa Yukichi.
Nội dung chính của“Khuyến học” đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học tập. Với nhiều chương viết về sự bình đẳng, quyền lợi, bổn phận, trách nhiệm, ý nghĩa của con đường học tập. Cuốn sách mang lại nhiều giá trị thiết thực cho bạn đọc.
Dù đã được viết cách đây hơn năm thập kỷ (1872 - 1876) với mục tiêu giúp nhân dân Nhật Bản thoát khỏi sự trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, sự phục từng thói ngạo mạn, ngông cuồng của chính quyền phong kiến hàng trăm năm trước. Nhưng dù trong xã hội cũ hay thời hiện đại, đây vẫn được xem là một tác phẩm kinh điển mang tư tưởng tiến bộ, chứa đựng tri thức tinh hoa, có khả năng thay đổi số mệnh con người.
Văn hóa Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể đúc kết những bài học giá trị tinh hoa trong tư tưởng tân tiến của Fukuzawa Yukichi mang tri thức thay đổi cuộc sống, tạo nên nhiều giá trị tốt đẹp.

Đôi nét về tác giả

Internet
Internet
Fukuzawa Yukichi sinh năm 1834 trong một gia đình Võ sĩ cấp thấp ở Nakatsu, nay thuộc tỉnh Oita, Kyushu, Nhật Bản.
Cha ông - một viên chức tài chính ở các tỉnh - mất sớm khiến gia đình rơi vào cảnh quấn tũng. Năm bốn tuổi, ông được gửi sang nhà chú ruột làm con nuôi. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục do chế độ đẳng cấp và nỗi khổ do tình cảnh túng quẫn của gia đình.
Mãi đến năm mười bốn tuổi bốn mười lăm tuổi ông mới được đi học ở trường làng. Mặc dù học Nho học nhưng Fukuzawa Yukichi không lấy đó làm “khuôn vàng thước ngọc”. Ngược lại ông cảm nhận rõ hơn sự bất công áp đặt trong xã hội phong kiến, trong những giáo điều mang tính thống trị.
Ngày tháng sau này, nhờ vào học vấn, sự nghiệp ông đã nở rộ và phát triển mạnh mẽ.
Phần lớn thời gian, Fukuzawa Yukichi viết sách, dịch sách và xuất bản sách và xuất bản nhiều tác phẩm có ảnh hưởng to lớn trong việc mở ra con đường tri thức cho xã hội Nhật Bản. Người Nhật tôn vinh ông là “Voltaire của Nhật Bản”, không chỉ tính triệt để và khả năng tư duy vượt trội của ông.
Dưới thời Minh Trị, ông đã cùng các cộng sự mình trở thành người tiên phong trong vai trò khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực, và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc cách mạng Duy Tân.
Ông sở hữu khối lượng các tác phẩm giá trị như Bàn về dân quyền; Bàn về tiền tệ, năm 1878; Bàn về quốc quyền; Bàn về quốc hội, năm 1879; Bàn về cách nhân sĩ xử thế; Bàn về giao tiếp nam nữ, 1886; Bàn về phụ nữ Nhật Bản...                                                                                      

Tóm tắt nội dung tác phẩm

“Trời không tạo ra người đứng trên người”
Người đời có câu: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Điều này có nghĩa là mọi người sinh ra đều bình đẳng, chúng ta có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận riêng khi đến với cuộc đời này. Đây là ý Trời khi kiến tạo ra loài người.
Tuy nhiên, trải qua hàng triệu năm, dưới sự phát triển của các hoạt động lao động sản xuất. Khoảng cách và sự phân chia cấp bậc bắt đầu xuất hiện trong xã hội con người. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn, giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.
Sự phân chia tạo ra hệ thống để phân loại và nhận diện trong xã hội, nhưng cũng tạo ra không ít sự rối ren trong đời sống.

Vì đâu lại có sự phân chia cách biệt như vậy?

Sự phân chia chênh lệch đến từ các hoạt động tạo ra giá trị. Trên thế gian luôn tồn tại việc khó và việc dễ.
Việc khó là những việc đòi hỏi sự khó nhọc về tinh thần. Thường những người chọn làm công việc khó sẽ được xem trọng.
Điển hình là các học giả, quan chức chính phủ, giám đốc công ty lớn, chủ trang trại thời xa xưa họ luôn giữ vị trí cao trong hệ thống xã hội. Một khi giữ vị trí cao, điều kiện sống của họ ngày càng sung túc. 
Internet
Internet
Ngược lại, những người làm công việc dễ lại là những người giữ chức vụ thấp. Công việc dễ (dễ chứ không phải không vất vả) là những công việc lao động chân tay không đòi hỏi sử dụng sức lao động trí óc. Theo thang đo giá trị xã hội, công việc chân tay thường bị xem nhẹ, có mức lương thấp.
Nếu chỉ nhìn qua ta sẽ phỏng đoán sự phân chia giàu nghèo là do số mệnh, do sự bất công của xã hội. Mặc dù không phủ nhận số mệnh, chế độ xã hội đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra sự phân chia cách biệt. Tuy nhiên xem xét kỹ, ta sẽ thấy sự học mới là nguyên nhân chính yếu.
Sự học tạo nên sự cách biệt, nhưng chính sự học sẽ làm thay đổi sự cách biệt đó. Sự học hoàn toàn có khả năng thay đổi vận mệnh một người, một quốc gia. 

Vậy “sự học” là gì? 

“Học không phải để hiểu câu khó, chữ khó, càng không phải học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ.”
Tác giả không hoan nghênh lối học đề cao sự học lý giải văn chương bay bổng quá mức. Nhiều người phản bác ông việc đọc các tác phẩm văn học để an ủi lòng, giúp cuộc sống nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn, đó phải chăng là môn học có ích hay sao? 
Bản thân Fukuzawa Yukichi không phủ nhận tầm quan trọng của văn chương, những điều ông muốn phản đối ở đây là cách người ta thờ phụng, tiêu tốn không ít tiền chỉ để ngồi đó tinh thông đạo lý trên đời, nhưng cái đạo lý ấy lại không thể tạo ra giá trị, mang về đồng tiền để đáp ứng nhu cầu, đem thay đổi cuộc sống. 
Lưu ý: Quan điểm này chúng ta cần xem xét bối cảnh, thời điểm tác giả viết cuốn sách này, đó là thời phong kiến khi khi đất nước nghèo đói và lầm than, nhưng xã hội lại quá xem trong Nho học, Hán Học, dạy quá nhiều quy tắc, đạo lý, bình văn, bình thơ nhưng đạo lý đó lại không giúp dân thoát cảnh đói nghèo, khổ sai.

Vậy ta phải học cái gì và học như thế nào?

Sự học quan trọng mà tác giả muốn nhắn gửi toàn bộ chúng ta là “thực học”. 
Thực học có nghĩa là chúng ta cần học những kiến thức quan trọng, kiến thức có thể áp dụng vào thực tiễn để tạo ra giá trị trong cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ như phải học các chữ cái, học cách soạn thư từ, ghi chép kế toán, sử dụng bàn tính; học cách cân đong, đo đếm; cũng có thể học địa lý biết phong thổ nước nhà, các nước khác, học lịch sự để hiểu sự kiện qua đó ngẫm nghĩ quá khứ, hiện tại và tương lai; học kinh tế tìm lời giải đáp cho vấn đề liên quan đến vấn đề chi tiêu gia đình; học đạo đức để hiểu hành vi, kiểm soát hành động của bản thân, hiểu cách ứng xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người.
“Thực học mà ai cũng phải học, là học vấn mà hết thảy mọi người đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. Chính việc tự học trang bị kiến thức này, từng cá nhân trên cơ sở làm trọn chức trách của mình, sẽ điều hành quản lý tốt gia nghiệp  được giao.”

Mục đích của học vấn

Học để đáp ứng nhu cầu cơ bản như có được cái ăn, cái mặc chỗ ở dựa vào hoạt động của khối óc và cơ thể

Chúng ta học về quy luật tự nhiên để hiểu những điều gì có thể mang lại lợi ích cho đời sống. 
Như việc gieo hạt giống xuống đất có thể tạo ra cây ăn quả. Tận dụng sức gió để làm cối xay gió. Đào hầm lấy than làm nhiên liệu sưu ấm, nấu chín thức ăn, ra sông xuống biển lấy nước, biết tận dụng sức lửa, sức nước để chế tạo ra tàu hóa, chế tạo tàu thủy chạy bằng hơi nước. 
Rất nhiều kiến thức hữu ích chúng ta cần học để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. 

Học tập để tạo ra giá trị cho xã hội, cho cộng đồng

Theo tác giả nếu học chỉ để giải quyết cái ăn, cái mặc chỗ ở mà đã toại nguyện, đã cảm thấy hài lòng thì phải chăng chúng ta cũng giống như loài sâu ăn kiến, sinh ra với mục đích duy nhất là đáp ứng cơ bản về sinh lý, sinh ra và chết đi trong sự an toàn tầm thường. 
Sự học quan trọng người ta hướng đến, cần phải được đi cùng mục đích lớn lao hơn, không chỉ vì mình mà còn phải biết vì người.
Bởi vì nếu sự học chỉ dừng ở mục đích ích kỷ tư lợi cá nhân, đó sẽ là nơi ươm mầm của dục vọng, vô minh trong lòng tham của con người.
“Thỏa mãn, toại nguyện có nhiều kiểu. Vì thế cần phải phân biệt và lưu ý về sự khác biệt đó. Lòng tham con người  giống như cái thùng không đáy, được cái này lại muốn ngay cái khác, vừa thỏa mãn đấy nhưng lại có thể bất mãn ngay. Đó là dục vọng, là dã tâm. Phải biết chế ngự chúng.”
Để có thể tạo thêm những giá trị hữu ích, hướng đến những điều tốt đẹp, con người cần học tập vì bản thân mà còn cần học tập làm việc vì xã hội.
“Ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp.. không cái nào không cần thiết để con người sống trong xã hội.
“Luật pháp mà chính phủ thực thi là để bảo vệ quyền cơ bản của con người, để mối quan hệ giữa con người với con người được diễn ra trôi chảy. Các học giả viết sách, giáo dục cũng là để xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nâng cao tri thức đưa những cái mới vào cuộc sống, nhằm làm chõ xã hội ngày một tốt đẹp hơn.”
Vì có những người không ngừng miệt mài đóng góp vào xã hội, thế hệ con cháu như chúng ta đã được kế thừa những ân huệ, nền văn minh từ bao đời. Và nếu có được đóng góp tốt đẹp của chúng ta trong hiện tại thì tương lai con cháu của chúng ta sẽ được kế thừa những tinh hoa quý giá nhất.

Học để hiểu ý nghĩa của tự do

Tự do xuất phát từ việc “biết đúng vị trí, chỗ đứng của mình”.
Điều này có nghĩa là chúng ta phải học để hiểu được quyền lợi trách nhiệm của mình và của người. 
“Mỗi người chúng ta từ khi sinh ra đều có quyền tự do ngang bằng nhau, không phần biệt hoàn cảnh, giới tính, dân tộc. Biết mình biết người còn có nghĩa hiểu cách sống coi trọng tình người, biết bảo vệ quyền tự do bản thân, đồng thời không làm phiền hay cản trở người khác.”
Nhưng tự do cá nhân không có nghĩa muốn làm gì thì làm, tự do cá nhân cần phải đi trong khuôn khổ nhất định, không sẽ tạo những mối họa lớn.
Ví dụ như có người nói: “Tiền tôi, thích uống rượu tôi uống, thích mua “hoa” tôi mua. Đó là quyền tự do của tôi”. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. 
Theo tác giả ham mê tửu sắc làm ảnh hưởng người khác, như việc lôi kéo bạn bè, làm hại nền giáo dục xã hội. Cứ cho tiền bạn bạn xài, nhưng không nên tư lợi cá nhân mà tự tạo ra hành vi ảnh hướng xấu cho xã hội.

Học để hiểu trách nhiệm và bổn phận của bản thân

Học để học về tự do và bình đẳng của mỗi người. Việc học không chỉ có vậy. Học là để chúng ta hiểu trách nhiệm bản thân. Tự do luôn đi kèm với trách nhiệm.
“Mỗi người đều có mỗi bổn phận, do đó phải tự vun đắp tài năng, rèn luyện nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận đó.”
Bổn phận tự thân cần có ở mỗi người đó chính là ý thức mình có trách nhiệm phát huy khả năng bản thân. Hãy luôn sống trong tâm thế làm tròn bổn phận của mình và hãy để người khác có quyền sống tốt cuộc đời họ. Mình và người không gây trở ngại cho nhau.
Mỗi người chúng ta dù là nam, nữ, già, già, trẻ, còn độc thân hay đã có gia đình, hãy cứ chọn làm làm tròn bổn phận mình trước, từng bước xây dựng sự độc lập lành mạnh tinh thần về vật chất, đó con đường hạnh phúc viên mãn nhất. 
Trong cuốn sách, tác giả khuyến khích người nữ nên ra sức học tập, trau dồi trí thức, đừng vì quan điểm con gái lấy chồng theo chồng mà buông bỏ sự học. Sự học cần thiết cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, độ tuổi, gia cảnh.
Tác giả cũng mong bạn đọc đừng hiểu lầm khi nhắc đến từ “độc lập” có nghĩa là một mình, không cần ai. Độc lập ở đây có nghĩa là sự độc lập xuất phát từ chính bản thân, làm những điều cần làm, sau đó phát triển sự hợp tác và lệ thuộc một cách lành mạnh vào những mối quan hệ xung quanh.

Học để nói lên chính kiến và thực hiện bổn phận với đất nước

Xã hội, cuộc sống này không phải chỉ toàn điều tốt đẹp, bên cạnh đó sẽ có những thứ xấu. Điều tốt, điều xấu tồn tại như hai mặt của một đồng xu. 
Trong xã hội, không phải ai cũng là người tốt. Nói cách trung thực, có rất nhiều người nắm giữ chức quyền, ở vị trí lãnh đạo cao, không làm tròn bổn phận mà lạm dụng quyền lực tham nhũng, thu lợi, để bắt nạn những yếu hơn mình.
Vì vậy mỗi chúng ta, không phân biệt tầng lớp, hoàn cảnh sống, cần ra sức học tập.
Học tập mục đích trước tiên là để hiểu lý lẽ, biết phân biệt đúng sai, học để can đảm để bày tỏ chính kiến, để lên tiếng bảo vệ bản thân, công lý, chứ không phải lúc nào sợ hãi, luồn cúi, sợ sệt những kẻ quyền lực hống hách.

Học để tạ ơn việc kế thừa di sản vĩ đại của ông bà tổ tiên

Di sản được đề cập ở đây không dừng lại cơ bản thân như đất đai, của cải, tài sản thông thường mà ông bà để  lại cho con cháu.
Di sản văn minh mà tác giả muốn nhắc đến là cái lớn lao hơn. Đó là món quà Mẹ Trái Đất vẫn luôn dành tặng chúng ta mỗi ngày, đất, nước, không khí, ánh sáng, những cơn mưa, cả sự tiến hóa trí tuệ con người qua hàng triệu năm cải tiến những dụng cụ thô sơ trở nên tiện dụng và có ích.
“Thuở sơ khai, loài người chỉ biết lấy cục đá có sẵn trong thiên nhiên giã nát hạt lúa mạch. Thế rồi trải qua biết bao kho nhọc, công phu, người ta đã biết đẽo cục đá thành phiến, rồi tạo thành hai khối tròn, phẳng, làm ra cái cối xay bột. Lúc ban đầu, con người dùng sức mình để quay cối xay. Theo thời gian, hình dáng cái cối xay cũng được cải thiện. Có người còn biết lợi dụng sức nước, sức gió thay cho sức người để xay bột.”
Chỉ khi chúng ta ý thức được rằng, mình đang nhận một ân huệ lớn của đất trời. Biết mở rộng ý thức của mình, hiểu rằng sự học chính là để trả ơn để đền đáp những điều chúng ta nhận được. Chúng ta sẽ cảm nhận được một sứ mệnh to lớn gửi gắm cho bản thân mỗi người, từ đó nỗ lực học tập để hòa vào sự rộng lớn của nền văn minh.

Học để không mài một tài năng

Nhưng học tập không dừng lại ở việc trả ơn với những điều tốt đẹp chúng ta nhận được từ thế hệ trước. Học tập luôn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người.
Sự học thực sự là chúng ta cần biết hướng đến tầm cao mới, đó là học để trở thành người soi đường chỉ lối, để đưa tinh thần xã hội lên một tầm cao mới. Để có thể trao truyền những lời hay ý đẹp cho mọi người xung quanh. 
Và mỗi người hãy bắt đầu từ việc phấn đấu trong sự nghiệp cá nhân.

Học còn để biết chọn lọc kiến thức

“Không phải mọi điều trong luận ngữ đều đúng”
Theo tác giả mục đích học vấn còn là việc chúng ta biết lý luận, biết phê bình, biết bác bỏ những kiến thức lạc hậu, không đúng đắn. Không phải mọi điều trong luận ngữ hay những người cổ xưa nói đều đúng.
Ví dụ như trong các trường “nữ học” thời xa xưa, người ta ra sức thuyết giảng về “thuyết tam tòng” với phụ nữ. Còn bé theo cha, xuất giá theo chồng, chồng chết theo con. Còn bé tất yếu chúng ta sẽ theo mẹ cha, lấy chồng sẽ theo chồng. Tuy nhiên lời dạy theo chồng không nên áp dụng một cách máy móc và rập khuôn. 
Giả sử trong trường hợp người phụ nữ có chồng rượu chè, chơi gái, mắng vợ, chửi con, phóng đãng dâm loạn, ngoại tình, người vợ vẫn nhịn nhục đối với người chồng hư đốn như lời khuyên giải chỉ để gia đình được viên toàn là hoàn toàn sai trái. Trong trường hợp này, người nữ cần có đủ trí tuệ để hiểu rằng không nên mù quáng nghe theo thuyết tam tòng.
Hay có câu chuyện trong luận ngữ người ta dùng ngợi ca về chữ hiếu khiến tác giả vô cùng bất bình.
Chuyện kể rằng, nhà nọ vì nhiều miệng ăn, lại phải nuôi dưỡng cha mẹ già. Vì không lo đủ gạo, nên người con chạy vạy khắp nơi để vay lua vay thóc. không vay được, đường cùng người con quyết định chọn sống đưa con thơ dại để bớt đi một miệng ăn, chứ nhất quyết không để ông bà chết đói.
“Hiếu thảo là tình cảm tự nhiên nghĩa tình của con cái dành cho cha mẹ, nhưng không nên ngợi ca sự hiếu thảo mà chọn hi sinh một tình cảm cao quý đáng trân trọng khác.”
Chính sự học sẽ giúp ta tỏ tường, biết phân biệt đúng sai, không dễ bị trói buộc vào những thứ nghe có vẻ đạo lý, nhưng thực sự là một sự áp đặt, khống chế tư tưởng.
Biết cách tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây
“Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết.”
Trong quá trình học tập, tiếp thu kiến thức nhân loại chúng ta phải lúc biết đặt ra câu hỏi, biết hoài nghi, biết đâu là những nền văn minh hữu ích để áp dụng tạo nên sự thay đổi cá nhân, trong văn hóa nước nhà.
Hoài nghi, phán đoán, chọn lọc chính một hoa trái của sự học mang đến.

Làm thế nào để nâng cao học vấn, hun đúc nuôi dưỡng chí khí độc lập mỗi cá nhân

Học tập

Đọc sách là con đường mở mang kiến thu và tiếp thu tinh hoa của nhân loại nhanh nhất. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là đọc sách Tây, sách Tàu, sách Nhật, trong bụng ôm tủ lý thuyết suông mà không tạo ra giá trị thiết thực cho cuộc sống thì không thể coi đó là học vấn.
“Thuộc làu làu truyện cổ tích cũ nhưng lại không biết giá một kilôgam gạo, một mớ rau.”
“Hiểu biết cặn kẽ kinh điển Trung Hoa nhưng không biết làm thương mại, không biết giao dịch làm ăn.”
“Mất nhiều năm gian khổ đèn sách, tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc để học hành, trang bị đủ loại kiến thức Dâu Tây, nhưng kiếm miếng ăn chỉ nuôi miệng mình cũng không nổi.”
Đọc sách cần thiết, nhưng sự học không phải chăm chăm đọc lý thuyết suông. Hãy đọc để kiến thức có khả năng tạo ra giá trị cho đời sống thực tế. Bên cạnh việc đọc sách, bạn đọc nên học cách lắng nghe ý kiến quan điểm có chọn lọc từ những người xung quanh, dành thời gian để đào sâu suy nghĩ, tự chiêm nghiệm.

Nỗ lực để thay đổi thiên mệnh

Còn tình trạng giàu, nghèo, mạnh, yếu không phải hoàn toàn là do ý trời mà là do chúng ta có lựa chọn nỗ lực hay không. Nếu chăm chỉ nỗ lực, ra sức học tập con người có thể thay đổi vận mệnh, cuộc sống của mình.
“Nhờ nỗ lực, không biết chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai có thể trở thành người tài giỏi.”
Cũng có một số người, khi có được gọi tạm là thành công, thì đã chủ quan, sống buông thả. Những việc chọn không nỗ lực cũng có thể biến đổi số mệnh của họ “mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn kém. Từ xa xưa, lịch sử đã nhiều lần minh chứng cho điều này.”
Vì vậy có thể nói vận mệnh hay thiên mệnh trở nên tốt đẹp đều nằm trong sự nỗ lực của ngày hôm nay mà thành.

Còn trẻ hãy chọn làm việc khó

Mục đích của sự học cần phải được đặt ở tầm cao.
Học nấu cơm cũng là học vấn. Bàn luận chuyện quốc gia cũng là học vấn. Học vấn cũng được chia thành nhiều cấp độ, có dễ có khó.
Trong phần này, tác giả khuyến khích các bạn sinh viên mới ra trường hãy tham gia vào công việc khó, hãy bắt đầu công việc để rèn luyện tài năng và kỹ năng, chỉ khi thử thách trong công việc khó chúng ta mới có khả năng đặt mình trong tầm vóc lớn có thể tạo ra giá trị cho đời cho người.

Thường xuyên “tôi luyện chí khí tinh thần”

Chi khí tinh thần chính là sự độc lập về tinh thần và vật chất.
Mỗi người sống trên đời đều cần cố gắng rèn luyện tính cách độc lập. Tính cách độc lập ở đây có nghĩa là không dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác. 
Việc của mình, mình phải tự lo. Đừng chịu sự chi phối hay chịu ảnh hưởng người khác một cách tiêu cực, biết chia sẻ lắng nghe, nhưng hãy có thể tự mình biết phân biệt đúng sai, phải trái, hạn chế phạm sai lầm trong hành động.
Độc lập không chỉ về tính cách hãy độc lập cả về kinh tế. Hãy sở hữu vật chất để có thể sống mà không quá lệ thuộc vào sự viện trợ của người khác.
Chỉ khi một người giữa được sự độc lập cơ bản về cả tinh thần vật chất khi đó người đó mới có thể trở thành một người vững vàng có thể tạo ra nhiều giá trị lớn cho cuộc đời.

Nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng

Vẫn biết cuộc sống này có nhiều cơ cực, nhưng nếu bình tâm suy nghĩ. Biết nỗ lực, cần kiệm, biết chờ đợi thời cơ để đạt thành quả lớn chính là việc quan trọng.
Nếu muốn làm được điều đó cần phải mang bên mình niềm hy vọng.
Nếu không có niềm hy vọng vào tương lai tương sáng chúng ta sẽ khó lòng cố gắng trong mọi việc. 
Chính vì mang theo niềm hy vọng vào điều tốt đẹp đang chờ đợi mình, con người mới có sức lực, mới có đủ tinh thần chịu đựng được mọi nỗi bất hạnh hiện thực.
Niềm hy vọng tinh thần cầu tiến nỗ lực sẽ soi sáng mục tiêu và con đường chúng ta đi.
“Cho dù phải mặc áo vá, phải ăn gạo hẩm cơm độn, phải chịu nóng, chịu rét vẫn học được.
Thức ăn của con người, không cứ gì phải món Âu mới là ngon. Dù húp canh rong biển, dù ăn kê, ăn mạch vẫn học được văn minh Tây Âu chứ sao.
Vì vậy đã quyết chí học hành hãy học hành cho đến nơi đến chốn.
Nếu theo nghề nông thì phải quyết trở thành hào phú.
Nếu làm thương nghiệp thì phải quyết trở thành đại thương gia.
Sinh viên thì không được mãn nguyện vì sự ổn định cỏn con.

 Tổng kết     

Được viết cách đây hàng trăm năm dưới thời phong kiến với mục đích giúp con người ta xây dựng tinh thần vững mạnh, biết đấu tranh vì quyền lợi cho đất nước. Vì vậy trong sách sẽ có chương tác giả viết khá nhiều về trách nhiệm với đất nước. 
Tuy nhiên giá trị về tinh thần tự học, tự cường dành cho mỗi cá nhân vẫn hoàn toàn nổi bật.
‘Khuyến học” - cuốn sách giá trị chứa đựng nhiều tri thức tinh hoa cho con đường học tập, phát triển, thay đổi vận mệnh.