Len lỏi trong người trẻ chúng ta, luôn có những vấn đề cần phải giải quyết. Đôi khi chúng ta may mắn gặp được những người anh, người chị đi trước, chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Nhưng với một người ít nói, lại trầm tính như tôi, thì thật là khó. Nhưng thật may tôi lại là một con nghiện sách. 

img_0

Làm bạn với sách đó là một việc thật thú vị (đối với tôi), có rất nhiều điều tôi học được từ nó, đó có thể về nghị lực vượt qua số phận của những đứa trẻ ở đảo Belitong thuộc Indonesia trong “Chiến binh cầu vồng”, hay cảm nhận được hành trình đầy nghị lực của chàng trai sống đời thực vật sau tai nạn đi tìm lại chính mình trong “Trói buộc”, hay câu truyện với nhiều sắc thái cảm xúc, đặc biệt phản ảnh lên nạn phân biệt chủng tộc của miền Nam Hòa Kỳ trong “Giết con chim nhại”.v.v… và rất rất nhiều điều nữa.
Nhưng cuốn sách khiến mình thực sự thay đổi có lẽ là cuốn sách “Tôi đi tìm tôi” – của Cô Nguyễn Phi Vân. Phải nói đây là cuốn sách có lẽ mình thấy phù hợp với mình nhất, có lẽ vì là tác giả Việt nên viết những câu chuyện của mình, nó dễ chạm đến mình nhiều hơn và cho mình nhiều cảm xúc hơn.
“Tôi đi tìm tôi” theo lời Cô Nguyễn Phi Vân đó là những câu chuyện lan man, những suy nghĩ di gan, những con đường đã đến chưa đi, những bài học vỡ ra nhờ sấp mặt trên đường đời gập ghềnh bất định. Theo tôi có lẽ vì đó là những câu chuyện lan man nên những câu chuyện ấy giống như người bạn đang tâm sự với mình. Rồi từ đó cùng đúc kết ra nhiều thứ hay ho cho riêng mỗi người. Không dừng ở đó, qua từng câu chuyện, tôi còn thấy tôi của ngày xưa, những suy nghĩ ngô nghê, rồi thầm cười.
Haha mình cũng từng như vậy! 

img_1

Rồi tự hỏi lại bản thân: “Nếu mình làm ngược lại với điều ấy thì sao?”. Okay không sao, nhưng đó không gọi là tuổi thơ nữa rồi.
“Kể chuyện Đông Tây, chuyện người chuyện tôi, chuyện dài chuyện ngắn, chẳng qua để thổ lộ rằng tôi quá khứ, hiện tại, tương lai vẫn ngày ngày vất vả tìm tôi. Khác chăng, là tôi hiểu ra hai điều quan trọng của hành trình. Một là, “tôi” không cần phải đi tìm. “Tôi” vẫn luôn hiện diện từ ngày ta chạm tay vào cuộc sống. Hai là, thấy rồi chưa phải hồi kết thúc. Người ta vẫn có thể đánh mất mình khi không biết cách giữ gìn.
Cuộc đời quá ồn, quá nhiều thứ lao xao làm cho con người dễ lạc hướng, lạc tâm. Ta như đứa trẻ trúng vé Disneyland, cuống cuồng, nháo nhào, hớn hở chạy vòng quanh, tự gieo mình vào những trò chơi. Mỗi trò cho ta một khoái cảm rất khác nhau, cho ta tự do thả rông thất tình lục dục. Và ta trở thành con nghiện, nghiện ánh mắt tôn thờ, ngưỡng mộ, nghiện lời tung hô chót lưỡi đầu môi, nghiện sức mạnh đồng tiền, nghiện sự hùng vĩ của cái bóng đổ gọi là ngã mạn. Ta chơi mãi, chơi mãi, thế giới thành theme-park (công viên giải trí). Ta chơi mãi, chơi mãi, vũ trụ chỉ vòng quanh trong sự xoay vần của những trò chơi.
Ta quên mất có một cuộc đời thật ngoài kia rộng lớn, vắng lao xao, thừa những bình an. Ở đó, ta là mình, không là nhân vật của một trò chơi, không phải game thủ, cũng không là kẻ bày trò, thiết kế. Không có sự bắt đầu cao trào, cũng không có kết thúc đong đầy khổ đau, nước mắt. Ta không diễn, chỉ là mình, mộc mạc, giản đơn. Ta không bị quăng lên giáng xuống bằng mấy bao được mất thắng thua. Nghe có vẻ nhàm chán, thiếu chất hành động quá phải không? Ừ, vì thế mà con người cứ lao vào hết trò này sang trò khác. Ta thích, ta muốn, ta bị cuốn vào, ta thắng, và ta nghiện. Cho đến ngày lòng xác xơ khi cơn thắng đã qua thời. Chiều đã tàn, ta hốt hoảng nhận ra, một đời sắp qua chỉ chôn thân vào công viên giải trí. Thế giới ngoài kia là gì ta chưa một lần du ngoạn. Thế giới thật là gì không biết có còn cơ hội để nhận ra.”
Người trẻ mà, chúng ta thực sự có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, tuy nhiên mỗi người có một cách giải quyết khác nhau trong mỗi môi trường sống khác nhau. Nhưng hy vọng rằng dù bạn giải quyết như thế nào đi nữa, đôi lúc nên dừng lại một chút, để làm gì? Để nhìn lại bản thân rồi tự hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi có phải là đang là chính mình không?”
Thực sự để viết về “Tôi đi tìm tôi”, tôi có thể nói cả ngày, nói về chị Phi Vân như thế nào? Nói về những cuộc gặp gỡ, nói về món mỳ ý và cả câu chuyện, nói về Peter, Mohamed và Ahmad.v.v… Nhưng nói vậy thôi, mỗi người khi đọc sẽ có cho mình cách nhìn riêng và suy nghĩ riêng, nhưng tôi vẫn hy vọng, những bạn trẻ đang loay hoay lựa chọn con đường của chính mình, có thể dành cho riêng mình một chút thời gian và tự trả lời câu hỏi “TÔI LÀ AI?”
Một câu mà mình thích trong cuốn sách ấy là “Ta đến trần gian làm gì nếu không phải là để yêu thương”. Yêu thương chính mình và những người xung quanh =)
img_2