Trong những quyển sách về đề tài chiến tranh dành cho giới thanh thiếu niên, tôi buộc phải đưa vào danh sách gợi ý một tác phẩm của nhà văn Sơn Táp – Thiếu nữ đánh cờ vây. Quyển sách này đã đạt giải Prix Goncourt des lycéens năm 2001, một giải thưởng văn học danh giá của Pháp cho các tác phẩm phù hợp với học sinh trung học.

Nhân vật nữ chính của chúng ta, cô gái Mãn Châu ngây thơ, giản dị nhưng cũng có những góc cạnh riêng mình, một người thích suy tư và vô hình chung khế hợp với môn cờ vây. Cô chẳng may bước ra khỏi thế giới bàn cờ để bước vào cuộc tình kỳ diệu với 2 chàng sinh viên (cả hai đều có ham muốn chiếm hữu đến điên cuồng và yêu bản thân bệnh hoạn). Cái lãnh địa, nơi mà lý trí và tính toán ít còn tác dụng như thế giới cũ của cô, đã làm cô thất vọng và thực sự khốn đốn.
Còn về nhân vật nam chính, một sĩ quan người Nhật trẻ trung, bỏ gia đình, bỏ đất nước để đến ban phát cái tham vọng bá quyền và tư tưởng samurai lên một quốc gia khác. Anh cũng là một người trẻ tuổi đơn giản, lớn lên với những tư tưởng cực tả, nhưng đến khi tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia khác, khi đã nếm cả máu và nước mắt thì con tim giản đơn mới bắt đầu nhen nhóm những cái nhìn khác biệt về con người và dân tộc.
Hai người khác giới tính, khác dân tộc, đối đầu với nhau qua một bàn cờ. Những trận cờ của họ chắc không kịch tính và đánh đố tư duy như ” Trân Lung kỳ cục” của Tiêu Dao tử, đây cũng không phải là sự cạnh tranh của hai ý thức hệ dân tộc, mà đó là sự tâm tình quay quanh những con cờ bằng sứ, đưa tình gửi ý vào những vật vô tri.
Tình yêu đơm hoa từ những điều kỳ lạ, và ở trong câu chuyện này đã được nảy nở trên một vùng đất kẻ ô vuông, không có nến và hoa, chỉ có hai màu hắc bạch đơn sơ, giản dị, tựa như cả một mảnh thiên địa đã được hai người họ hái xuống và trồng vào trong thế giới riêng, tạo ra hạt giống hoàn hảo cho sự hoà hợp về tinh thần. Thế nhưng, vì những bất động nội sinh từ khác biệt dân tộc, cả những dằn vặt nội tâm và hai chữ duyên phận vô minh , hoa tình này không có cơ hội để kết quả, đáng thương lắm thay. Và rồi hai con người đó lại bị lôi khỏi cuộc cờ vây vì những biến động tiếp theo của đất nước, đẩy đi xa nhau rồi để phải gặp lại trong một hoàn cảnh tăm tối và hỗn loạn đến vô ngần.
Chương kết phải gọi là đỉnh cao nhất của cả cuốn sách, nơi xung đột cả về hoàn cảnh lẫn tâm tính của hai nhân vật chính được đẩy lên đến cực điểm và Sơn Táp cũng đã cho cả hai một kết thúc trọn vẹn (ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của họ).
Với chàng trai người nhật, anh đã làm theo lời dạy của mẹ anh cho đến phút cuối cùng: “Nếu phải lựa chọn giữa cái chết và sự hèn nhát, hãy luôn chọn cái chết, con ạ”. Làm một việc ác với người ta yêu, để cho họ được hạnh phúc và giải thoát, có lẽ là tâm từ bi lớn nhất mà anh có thể dành cho họ.
Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục
Địa Tạng Vương Bồ Tát – Kinh Địa Tạng.
Minh Hiếu
30/01/2020.