Thời tôi ở đại học, không phải ai cũng có điều kiện để ăn tiêu thoải mái. Kể cả gia đình tôi, dù có mức thu nhập ở ngưỡng trên trung bình, nhưng sau khi đóng học phí thì số tiền tôi được nhận hàng tháng cũng chỉ đủ để chi tiêu ở mức cơ bản. Đó là tôi đã được miễn phí chỗ ở. Tôi đã dùng gần hết số tiền thưởng từ Olympia để đóng học phí cho năm đầu, và để dành số tiền ít ỏi còn lại vào quỹ riêng. Để giảm sự phụ thuộc vào gia đình, tôi tham gia vào một số hoạt động để kiếm tiền, bao gồm việc kèm và ôn toán cho đám trong lớp, chạy bài tập lớn hộ, cộng tác tổ chức một số sự kiện (dù rằng cho đến hết cấp 3, tôi vẫn là một thằng kém nhất trong số những đứa kém về khoản xã hội), và sau này là chơi trong một số ban nhạc nhỏ ở thành phố.
  Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, tuy thời cấp 3 của tôi chủ yếu chỉ có học, tôi vẫn được phép học piano và được tặng cho chiếc organ cũ từ bác tôi vì mẹ tôi cho rằng piano là nhạc cụ cho những người “đàng hoàng” và “thông minh”, còn bố tôi muốn tôi phải trở nên xứng với hai tính từ kia. Và như thế, tôi được đánh những bài cơ bản, và sau đó một số bài được cho là “ngoan” của thời bấy giờ. Nhưng ai ngờ được thằng tôi này lại đang ngầm nổi loạn với những bản rock chứ ?
  Tôi chuyển kênh một lần nữa, với mong muốn được xem cuộc sống đại học của mình. Nhưng trên màn hình lại hiện lên “Dự Báo Thời Tiết”. Sẽ không có gì lạ, nếu như phóng cách của chương trình đi theo kiểu hiện tại, nhưng trước mặt tôi, bản tin thời tiết lại được làm theo phong cách cuối những năm 2000, không khác gì lúc tôi vừa vào đại học. Trước mặt tôi, anh chàng biên tập viên ăn mặc bảnh bao và chải chuốt cẩn thận kia đang nói về việc miền Bắc tối nay không mưa và ngày mai tạnh ráo mát mẻ ra sao, trong khi miền Trung phải hứng chịu những cơn bão nào, và miền Nam thay đổi thế nào từ sáng nóng chiều mưa sang sáng nóng chiều vẫn nóng. Và rồi anh ta đá thêm một câu:
-  Tôi tin rằng khi trời đã hết nóng, chúng ta nên đi ra đường nhiều hơn. Tuy nhiên, để đề phòng cảm cúm do thời tiết lúc giao mùa cũng như dịch bệnh, quý vị hãy đeo khẩu trang cẩn thận. Những ai chịu lạnh kém cũng bắt đầu cần đến một lớp áo khoác dày hơn nhằm bảo vệ cơ thể. Hãy nhớ, ở nhà quá lâu đến phát rồ, hay đi ra ngoài không bảo vệ, đều dẫn đến những sự việc không hay tí nào, đôi khi là cả những đắng cay vô vị cho người khác nữa.
Rồi bản tin chuyển sang phần thời sự. Vẫn là anh chàng lúc trước, lần này còn có thêm một bạn dẫn nữa, rồi họ bàn về chuyện gì đó về cuộc sống đô thị. Tôi nghĩ mình biết cả hai người họ, nhưng tạm thời chưa thể nhận ra. Tôi không có hứng thú lắm, nhưng ấn chuyển kênh không có hiệu lực với ti vi này. Thế mà vẫn bị bồi cho một câu: “Bạn thấy chán ? Vậy cứ chuyển kênh chứ nghe làm gì ?”
-  “Tổ cha các người, chuyển đếch nào được mà cứ nói…” - Tôi lầm bầm, rồi mở thêm một ti vi khác gần đó. Khung cảnh một hội chợ bên bờ hồ giữa mùa xuân hiện lên. Bên dưới gốc cây là tôi đang ngồi trên ghế đá, vừa ăn món xiên mua dọc đường thay bữa trưa, vừa làm luận cuối kỳ cho một nhóm đang nợ môn. Tôi đã bàn với họ sẽ chỉ soạn ý tưởng, còn câu từ là của tôi và tôi sẽ giữ bản quyền ý tưởng. Nhưng đời năm nhất nào dễ thế. Chúng nhất quyết không chịu và hùng hổ các kiểu cơ. Lúc tôi từ chối, các gã còn đòi ghi âm tôi lại và đòi tung lên trường cơ. May sao, nhờ có đồng bọn trong phòng, tôi đã ép họ phải bỏ đoạn băng. Còn tôi, tuy phải viết phần bàn luận, nhưng phần phương thực hiện sẽ chỉ có gợi ý, còn họ phải viết theo cách của họ. Ngoài ra, họ đồng ý tăng mức tiền công cho tôi, dù rằng mức tăng ấy chả đáng là bao so với mức giá cũ.
  “Thế là giờ đi hội chợ cũng đ*o yên” - Tôi thầm rủa. Lý do tôi đi đơn giản chỉ vì phải họp ban tổ chức buổi ca nhạc nhỏ ở đây, dù rằng việc của tôi chỉ cần trước sự kiện là được. Lôi đầu tôi đi làm quái gì chứ ? Tôi còn chả tận hưởng được hội chợ này mà ? Nghĩ lại, cuộc sống của tôi lên đại học nặng nề hơn, nhưng cũng chẳng nhiều so với thời cuối cấp 2 hay cấp 3. Chỉ là… nó theo một cách tôi không lường trước được. Giờ tôi vẫn phải cày cuốc như con trâu. Đúng là đời như lời đồn. Cả trong nhà lẫn ngoài đường đều áp lực.
 Tôi xong những chữ cuối cùng trong bài luận lúc 3 giờ 10 phút. Thật không may, bọn trưởng phó kia đã hợp với các bên, và giờ đang đi tìm tôi để họp riêng ban tổ chức chúng tôi.
-  “Ông trễ 10 phút rồi kìa ! Đừng làm ảnh hưởng đến mọi người !” - Giọng nói gắt gỏng, có phần chát kia đến từ cô gái với thân hình khá mảnh dẻ và gương mặt rất ưa nhìn. Tôi biết cô bạn này, biết từ lớp 12 rồi. Cô gái đó đã giành giải nhất trong cuộc thi đấy. Tôi vẫn luôn thắc mắc sao cô không đi Úc, nhưng chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu.
-  “Ông có đi nhanh lên được không !?” - Vẫn là giọng nói gắt gỏng đó.
-  “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” - Tôi làu bàu trong sự chán nản, vơ hết đồ vào túi rồi chạy vội. “Chỗ vui thế mà đ*o được chơi.” - Tôi thầm nghĩ, tiếc rẻ và cay cú. Nhưng cái số làm ký sinh đô thị nó phải vậy thôi.
Chương trình chuyển đến cảnh tôi và một người trong ban tổ chức đang tranh cãi rất gay găt. Thật ra tôi và gã vẫn hay tranh cãi về cách tổ chức hay các nội dung của sự kiện, nhưng thường vẫn thua và hay bị lôi ra “kiểm điểm về thái độ”, vì dù sao chức vụ và thâm niên gã hơn tôi. Có điều, lần này, tôi đã trình bày rõ hết mọi luận điểm của mình. Khi gã ngắt lời và chỉ mặt tôi khi bảo “Cậu không thích thì cút, khỏi cộng điểm hay tiền”, tôi nhận ra giọt nước này đã làm tràn ly. Tôi xông lên và đánh ngay quai hàm gã. “Hóa ra mày đệch có gì hơn tao ngoài tuổi à ? Đ*o nói được đòi chỉ mặt tao à ? Thằng chó !” Tôi cứ đấm gã, như thể bao nỗi lòng đè nén của tôi nay đã đến lúc bùng nổ và phun trào ra.
 Có lẽ nếu không ai can ngăn tôi, có khi gã đó lại chết thật. Gã mạnh hơn tôi, nhưng tôi đã gây bất ngờ và đấm túi bụi, phủ đầu trước khi gã kịp phản ứng. May thay, nhóm đã nhảy vào và lôi hai bên ra.
-  “Các người bỏ tôi ra, tôi không xử thằng chó đấy thì tối nay tôi ngủ không yên” - Tôi gào lên, nhưng bất lực vì bị giữ lại.
-  “Đủ rồi thằng ranh. Tao không làm sự kiện tối nay nữa. Cũng đếch hát nữa. Bọn mày tự lo liệu.” - Gã kia gằn giọng, một tay ôm miệng, mặt lộ rõ vẻ đau đớn và cay cú. - “Loại như mày… rồi sẽ đ*o ai làm việc với mày đâu. Ngày mai cả nhóm sẽ làm việc với mày. Tụi bay đi tìm một người thay thế đi.” - Rồi gã loạng choạng bước đi trước cái nhìn đầy lo sợ của tôi và mọi người.
-  “Bọn tôi không phải ai cũng thích anh ý, nhưng cách làm việc và tổ chức lão vậy rồi. Chưa kể cậu chưa biết anh ta là ai à ? Anh ta giỏi hon cậu nghĩ đấy. Giờ cậu làm thế, ông ý bỏ đi, rồi đội bọn mình lo liệu sao ?” - Cô gái lúc trước lên tiếng.
-  “Giờ nhóm mình không có người hát với đánh keyboard. Ông tính sao đây ?” - Cậu trai với dáng người nhỏ thó càu nhàu.
 - “Tiêu mình rồi…” - Tôi sợ đến tái cả mặt. Nếu buổi diễn này hỏng, mọi trách nhiệm sẽ quy về do tôi. Lẽ ra tôi không nên đánh nhau với gã kia lúc đấy. Tôi sắp phải trả giá cho sai lầm lớn nhất tôi từng mắc phải cho đến lúc này.
Đúng lúc ấy, một người rất quen bước ra lên tiếng:
-  “Các bạn không biết à, thằng này chơi keyboard đỉnh nhất nhóm đấy.” - Rồi người đó chỉ bàn tay về phía tôi, không ai khác chính là thằng bạn tôi chơi thân từ trước cấp 3.
-  “Keyboard ? Sao lại có bàn phím ở đây ?” - Tôi thắc mắc
-  “Quê thế ? Hehe, Organ đấy ! Ở đây ta gọi là keyboard.”
-  “À… Cái đó tôi chơi được.”
-  “Thế ông chơi thử bọn tôi xem, nếu được, bọn tôi sẽ cho ông tỏa sáng đêm nay luôn ! Còn không, cái sáng nhất sẽ là nhà ông.” - Nó nói với cái giọng đùa giỡn quen thuộc.
Và như thế, chúng tôi bắt đầu tập luyện gấp chiều hôm đó.
Tôi mở thêm một kênh nữa, coi như so sánh giữa tập dượt và diễn thật. Tôi không ngờ rằng, nhờ buổi diễn đó, cuộc đời tôi như có một bước ngoặt vậy.
Trên chiếc ti vi lúc này, một ban nhạc được… lên ti vi. Dưới ánh đèn sân khấu, là một anh chàng ca sĩ ăn mặc bảnh bao đang vừa hát vừa đánh keyboard. Cậu ta hát cũng khá đấy chớ, còn có tí chất ngông và tửng nữa cơ, còn khán giả thì nhiệt lên hẳn so với bình thường. Và rồi, một buổi văn nghệ bình thường đã trở nên không khác nào một buổi diễn rock ở nước ngoài. Càng về cuối, mọi người, cả người biểu diễn lẫn người xem đều bùng cháy và buông thả hơn. Và như thế, buổi diễn đã kết thúc lúc 8 giờ tối và để lại trong lòng mọi người cảm giác hân hoan, như thể họ chưa từng xem buổi biểu diễn văn nghệ nào tràn đầy nhiệt huyết đến vậy. Tôi cố hát lại theo cậu ca sĩ ấy, tuy chất giọng đã có phần xuống cấp do các chất kích thích, tôi vẫn lên đúng hầu hết các nốt. Cảm giác được nhìn lại khoảnh khắc đẹp nhất của bản thân trong quá khứ và trải nghiệm lại lần nữa, là một thứ gì đó rất đặc biệt và khó để tả lại chính xác.
Vui hơn nữa, ti vi chuyển cảnh đến sáng hôm sau. Gã đó đã xin lỗi tôi, gã đã khen tới khen lui cách tôi thể hiện ngoài những gì gã tưởng tượng. Thú thật, tôi cũng vui lắm, cũng nở mày nở mặt lắm. Song, có gì đó níu tôi lại lúc ấy. Tôi bắt tay gã, nhưng rất gượng gạo và đầy sự nghi hoặc. Gã có thật sự khen mình và muốn giảng hòa ? Hay gã chỉ đang tỏ vẻ bằng mặt, còn trong lòng thì… nhất là khi gương mặt gã vẫn còn pha chút sự cay cú. Mà thôi kệ, ít nhất mọi người sẽ biết đến tôi, và tôi sẽ có cơ hội kiếm tiền từ việc chơi nhạc, như một công việc phụ. Tôi sẽ dựa vào thế của gã thêm một chút nữa thôi, rồi sẽ tìm cách lập đội riêng và rút êm, thế là ổn. Nghĩ xong, tôi bước ra khỏi phòng và qua lớp cho kịp giờ điểm danh…
Tôi mở tiếp một kênh mới để xem cảnh tiếp theo của sự nghiệp đời mình. Sau khi tích cóp và đầu tư, tôi mua được một cây ghi-ta điện cũ với mức giá siêu rẻ. Tôi đã ôm cây đàn về tập cùng đám bạn, coi như cơ hội xây dựng mối quan hệ sau một thời gian xem ký túc xá không hơn gì nơi ngả lưng. Tôi tập rất hăng, tối nào cũng phải dành 1 tiếng đầu giờ. 
Mặc dù đồ đắt quá thì túi tiền tôi không chịu nổi, nhưng quá rẻ thì cũng rất cần lưu ý, nhất là với cây đàn điện này. Và lẽ ra lúc ấy tôi nên cân nhắc kỹ thay vì vội vàng mua luôn cây đàn này. Vì sau đó không lâu chính là một khoảnh khắc đã dập tắt mọi niềm vui của tôi thời đại học. Đó là một buổi tối trước khi tôi hoàn thành năm 3. Tuy làm việc linh tinh khá nhiều, nhưng nhờ sự sắp xếp nào đó của tôi trong mấy năm đầu đối với lịch trình bản thân, trong đó bao gồm việc cắt giảm thời gian nghỉ, tôi vẫn sống sót và chưa nợ môn lần nào. Tôi suýt rớt môn một lần, nhưng may là tôi vẫn đủ điểm. Dù sao, tôi đã quyết định thưởng cho mình một đêm ăn chơi nhẹ và quyết định sẽ chơi nhạc một lần cuối trước khi bán cây đàn và chuyên tâm vào học ở năm cuối. Tôi đâu ngờ rằng, không phải buổi diễn cuối, mà chính buổi tập tại hội trường này mới là lần cuối tôi chơi cây đàn này, cũng như lần cuối tôi đụng đến guitar…
Cây đàn, vì quá cũ và có nhiều điểm hỏng hóc bên trong (nhưng tôi không kịp phát hiện ra) đã bắt đầu đến giới hạn của nó. Khi tôi chơi đoạn riff đầu tiên của hôm ấy, cây đàn xảy ra hiện tượng chập mạch và bắt đầu có những tiếng nổ. Tôi vẫn chưa nhận ra sự nghiêm trọng cho đến khi có tia lửa bắn ra và cây đàn nóng lên với tốc độ không thể nhanh hơn. Tôi vội bỏ dây đeo đàn ra và vứt nó về phía bộ loa, trước khi nó phát nổ. Tuy không bị thương nặng do đã tạo khoảng cách với cây đàn, sóng nhiệt, cộng thêm những tia lửa trước đó đã khiến tôi bị bỏng ở một mức nào đấy tại tay và bụng. Tôi ngạc nhiên vì bản thân vẫn không bị điện giật, nhưng cơn đau rát do bỏng bắt đầu chiếm lấy tôi. Tôi gục xuống trước khi mọi người đến dập đám cháy và kéo tôi ra kịp thời.
Thế là xong rồi nhỉ ?” Tôi nghĩ, xem như cuộc chơi với mình coi như đã hết. Rồi tôi lại thắc mắc tại sao cây đàn lại có thể phát nổ vậy được, rồi bố mẹ biết thì sẽ lo lắng ra sao. Tệ hơn, nếu họ biết tôi dùng quỹ đen mua guitar điện và chơi rock suốt mấy năm nay, nếu họ biết tôi hay đi chơi đêm cuối tuần,... điều gì sẽ xảy ra đây ? Và rồi, tôi cứ thế mà thiếp đi, trong lúc màn hình chìm vào những hạt màu nhiễu li ti. Và rồi, một vài màn hình xung quanh đó, trước đó chưa có tín hiệu, nay đã hiện lên cảnh một bộ xương đang múa, một gã để râu ria dài đang thổi sáo, rồi một màn hình trong số đó chuyển sang cảnh gã đang tức tối kêu “Dậy múa đi ! Sao lại không múa ?”, “Dậy gáy đi ? Uỡn ngực lên mà gáy đi. Hí hi hi hi hì” - Những âm thanh như khiến tôi sởn gai óc vậy. Tôi cứ thế quay cuồng trong nỗi ám ảnh, nỗi sợ, cho tới khi vớ được điều khiển và nhấn nút tắt. Song, tivi không tắt, chúng chỉ tắt tiếng thôi. Tôi cố không nhìn vào màn hình và nốc thêm cốc rượu tiếp theo, trước khi trấn tĩnh bản thân lại… “Đủ rồi, đủ rồi… ĐỦ RỒI !!!”
Nguồn: MV Chuyển Kênh (sản phẩm này không phải là thuốc)
Nguồn: MV Chuyển Kênh (sản phẩm này không phải là thuốc)
(Còn tiếp)