“Những người sinh năm 89 thường rất giỏi.” – Tôi đã nghe đám bạn tôi (nếu tôi có thể xem như họ là “bạn”), cả trên mạng lẫn ngoài đời, lan truyền với nhau câu này. Mà công nhận, bọn 89 tôi quen, dù giỏi xuất sắc hay chỉ giỏi tầm trung, đều đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong cuộc đời khi đã qua tuổi 30. Và trong đám ấy, tuyệt nhiên chẳng có mặt tôi.
  Nếu bạn tìm thấy tôi lúc này, điều bạn thấy sẽ là một gã cuối độ thanh niên mặc quần kaki ngắn và áo ba lỗ ngồi trong căn phòng riêng tồi tàn và tăm tối (chí ít nó không chật). Trên tay hắn là một điếu thuốc đang cháy phần đầu, chỉ chờ được người đưa lên miệng mà rít. Trước mặt hắn là một cái bàn lớn, trên có đặt một cái gạt tàn. Cái bàn ấy đặt ngay trước một bức tường, nhưng bức tường lại chẳng hề bình thường chút nào. Trên tường có ti vi. Không phải chỉ một, hai, mà rất nhiều ti vi. Trông cứ như bức tường ấy chỉ được tạo nên từ ti vi.
  Đó là tôi đấy, chỉ đơn giản ngồi đó, lướt qua những kênh, những chương trình khác nhau. Tôi có thể xem hai, ba hoặc nhiều thứ khác nhau cùng lúc. Tại sao không chứ ? Chiếc điều khiển từ xa này cũng có thể điều khiển chính xác chiếc ti vi nào tôi muốn. Và trong lúc lướt qua các kênh, tôi chợt nhìn vào một màn hình nọ ở ngay chính giữa…
  “BẠN CÓ ĐANG CHÁN NẢN ? BẠN CÓ ĐANG LẠC LỐI ?” – Giọng nói vang lên.
 “Đúng đấy” – Tôi thầm nghĩ – “Cơ bản thì cuộc đời mình đã chẳng đi đến đâu rồi, mình còn chẳng biết làm mẹ gì ngoài ngồi đây xem ti vi cơ mà. Nhưng rồi sao ?”
  “BẠN CẢM THẤY CHÁN VÌ CẢ ĐỜI CHỈ QUANH QUẨN MỘT CHỖ ? BẠN MUỐN ĐƯƠC NHÌN THẤY VÀ TRẢI NGHIỆM NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH CHÂN THẬT NHẤT ?
Đừng lo lắng, dịch vụ truyền hình của chúng tôi đang có chương trình khuyến mãi. Miễn phí gói kênh siêu chân thực dành cho những người đã mua từ 30 ti vi của chúng tôi trở lên !!!”
  “Lại quảng cáo dịch vụ ti vi à ? Các người có gì hay hơn không ?”
“Gói truyền hình của chúng tôi sẽ liên kết tất cả các ti vi lại, và sử dụng các tài liệu đã được ghi lại từ mọi cuộc đời, mọi khoảnh khắc trên thể giới để truyền đến bạn. Bạn sẽ cảm thấy như đang sống trong các chương trình vậy. Chương trình khuyến mãi này chỉ áp dụng đang trong giai đoạn thử nghiệm hiện tại của chúng tôi.” – Gã mặc vest nói, rồi chỉ tay và chỉ vào ống kính, trông cứ như đang chỉ thẳng vào tôi. – “Phải, bạn đấy, tôi biết bạn đã mua nhiều tivi đến mức nào mà. HÃY NHẬN NGAY CHƯƠNG TRÌNH THỬ NGHIỆM MIỄN PHÍ CỦA CHÚNG TÔI ĐỂ NHẬN THÊM NHIỀU ƯU ĐÃI TRONG TƯƠNG LAI NỮA. BẠN CÓ ĐỒNG Ý KHÔNG ? NÓI NÀO !”
  “Kèo ngon vl, sao lại không ? Mình mua bao nhiêu ti vi rồi nhỉ ? Chắc chắn phải hơn con số 30 nhiều lắm ?” – Cũng lúc ấy, trên màn hình hiện 2 lựa chọn: “ĐỒNG Ý” và “KHÔNG”.
 Tôi hô to “ĐỒNG Ý”, và bỗng dưng, mọi chương trình đều tắt, màn hình chuyển sang màu đen, trước khi chuyển qua trạng thái nhiễu.
  Và rồi, một chiếc ti vi ngay tầm mặt bàn sáng lại bình thường. Trên màn hình là một cậu bé 10, 11 tuổi đang ngồi trong một căn phòng cũ. Cậu bé ấy… trông quen nhỉ ? Không chỉ cậu bé, mà cả bức tường phòng nữa. Nhưng tôi không thể nhớ ra. Tôi vẫn đang một phần chìm trong cơn đê mê do rượu và thuốc. Trước bức tường, là một chiếc ti vi đối diện với cậu bé, và trên tivi, là một màn trình diễn của Bức Tường. Những bài hát như gợi lại đống ký ức trong đầu tôi, của một thời…
  Tôi còn nhớ những năm đầu cấp 2, hồi ấy tôi hay nghe một số ban nhạc của nước ngoài, vì nhạc Việt của những năm 90 gần như không phù hợp với sở thích của tôi cho lắm. Tôi nghe Queen, Rick Astley, MJ, Spice Girl, Linkin’ Park,… có thể nói là khá nhiều và tạp nham. Chỉ có đến Bức Tường và thứ âm nhạc mang âm hưởng mới lạ từ họ là níu kéo được tôi với nền âm nhạc nước nhà. Và thứ khiến tôi tìm đến họ, chính là chương trình được chiếu trên ti vi mà cậu bé kia đang xem. Và rồi cậu lắc mạnh từng đợt theo nhịp nhạc, y hệt những gì tôi đã thường làm.
<i>"Tôi vẫn thích nghe và xem Bức Tường lắm."</i>
"Tôi vẫn thích nghe và xem Bức Tường lắm."
  Tôi chuyển kênh, vẫn là cậu bé lúc trước đang chạy lên phòng khoe với anh trai. Cậu anh, tuổi tầm 17, 18, vừa học xong và đang thưởng thức tiếng nhạc dưới lầu, thấy em trai khoe, liền đưa cho cậu bé một cuộn băng cát-xét, trên dán nhãn ghi Bức Tường. Cậu bé nhận lấy và chạy vội qua phòng cắm vào nghe. Cơ thể cậu nhảy nhót liên tục như con choi choi, trong khi tâm trí hoàn toàn tập trung vào tiếng nhạc. Tôi nhớ ra khoảnh khắc này, đó chính là khi tôi lần đầu nghe Bức Tường. Tôi nghe hết của họ, liền chuyển sang bài khác và nhảy liên tục. Chỉ dừng lại khi bố tôi mở mạnh cửa xông vào phòng. Kỳ lạ thay, tình tiết này cũng không khác gì những thứ trên ti vi. Không. Không chỉ giống về tình huống, từng chi tiết một của các nhân vật cũng y hệt những gì tôi đã gặp ngoài đời. Cậu nhóc với vẻ ngạc nhiên lẫn vào nỗi hoảng sợ ấy, trông khá giống tôi, dù tôi không còn giữ được mấy ảnh cũ của mình nữa. Còn ông bố với gương mặt lộ rõ sự tức tối, hung dữ kia, tuy có phần trẻ hơn, nhưng tôi nhận ra ngay bố mình.
  “Con làm gì mà ầm ầm lên thế ? Học không lo học, lại còn xem ti vi rồi bỏ quên nó bật nãy giờ. Con có biết điện nó tốn kém thế nào không ? Số tiền đó lẽ ra có thể dùng cho việc có ích hơn đấy !” – Bố tôi (hoặc nhân vật giống bố tôi đến kỳ lạ) gằn giọng, nói như đang quát.
  “Con xin lỗi, con lỡ quên lần này thôi. Ban nhạc này hay quá nên con muốn lấy... Con chỉ muốn nghe ca nhạc một tí rồi học thôi mà.”
  “Đừng có nói lại bố ! Lại còn đi xem nhạc, rồi nhảy ồn hết cả nhà à ? BÀI TẬP VỀ NHÀ CHƯA XONG MÀ CHƠI GÌ !?” – Quát rồi, ông lao đến giật cái máy nghe nhạc của tôi ra, rồi đẩy mạnh tôi về phía bàn học – “Cái thứ âm nhạc này không phù hợp với mày. Đúng ra giờ này mày phải ngồi vào bàn học ngay ! Tao mà thấy mày quậy lần nữa thì chết với tao ! Và đừng để điểm số cuối kỳ mày dưới mức 8 lần nữa !” – Nói rồi, ông bước ra và đóng sầm cửa lại, kêu rõ to, để lại tôi ngồi khóc bên bàn học.
  Thú thật, tôi chỉ muốn một lần được giải trí cuối tuần nhiều hơn một tí, được nghe thứ âm nhạc tôi thích. Tại sao cứ phải gồng lên rồi quát tháo các kiểu ? Lần nào cũng vậy, mà tôi học có tệ lắm đâu, chưa từng dưới 7, thường xuyên trên 8 và luôn được khuyến khích vì phát biểu hay. Thế mà vẫn không thỏa mãn được bố mẹ, lại toàn bị so sánh với ông anh. Nhưng ít ra, tôi chưa bao giờ ghét anh hết. Anh cả tôi là người thấu hiểu tôi nhiều nhất. Chính anh là người đã giúp tôi bình tĩnh trong những lúc gặp áp lực hoặc ức chế tâm lý. Sau này, ở độ tuổi mười mấy, anh cũng trực tiếp nói với tôi về các vấn đề tuổi dậy thì, cũng như làm cầu nối giữa tôi và bố mẹ, khuyên giải tôi nhiều điều. Đáng tiếc thay, khi tôi ở cuối cấp 3, anh ít về nhà và liên lạc với gia đình hơn hẳn, gần như chẳng được mấy lần ngoài những đồng tiền và những lần về ngày Tết.
  Tôi khá ngạc nhiên khi một chương trình truyền hình lại có thể giống sự kiện trong đời tôi đến vậy. Có lẽ đúng như những gì được quảng cáo, chân thật đến từng chi tiết. Tôi bỏ qua suy nghĩ và chuyển kênh. Đó là một ngày xuân năm 2002, tôi đang nhảy nhót trong phòng khách cùng ông anh và đứa em gái. Bằng chất giọng đang trên bờ vực của sự vỡ do tuổi dậy thì, tôi cố hát theo bài LaLaLa trên ti vi. Chúng tôi đang xem chương trình Gặp nhau cuối tuần, và tên của số tuần này là Giao lưu ban nhạc: West Back Qua Ba Zone. Đó có thể nói là một trong số ít ỏi những giây phút vui vẻ của tôi.
  Tôi mở tiếp một kênh khác ở ti vi kế bên, đó là cảnh nhà tôi đang ăn bữa cơm chiều hôm sau đó. Tôi tính nói vui với bố mẹ chuyện sẽ lập một ban nhạc kiểu boy band như trên truyền hình cùng các anh chị em. Để rồi gạt phăng đi bằng một câu “Đừng nói vớ vẩn. Việc của con bây giờ là học cho tốt.” rồi “Bài tập tết xong chưa ? Bài học thêm sao rồi ?”. Lại bài tập… Nhưng tôi cũng chỉ biết nghe theo, cúi gằm mặt xuống rồi ăn, trước khi mẹ tôi lại gắt: “Ngẩng mặt lên coi. Anh tính úp cái mặt vào bát cơm à ?”
  Tôi thật sự nản, nhưng cũng chẳng dám cự cãi. “Liệu học tốt rồi có được bố mẹ thưởng ? Liệu bố mẹ có dịu dàng hơn với mình, và không bác bỏ mấy cái mình làm ?”-  Và như thế, chuỗi ngày cày cuốc của tôi bắt đầu. Trước mặt bố mẹ, tôi đội lốt con ngoan trò giỏi. Còn lúc một mình, tôi lén nghe nhạc, viết nhạc rồi giấu thật kín ở một chỗ đặc biệt do tôi tự chế. Vì tôi biết, họ có thể soát sách vở của tôi bất kỳ lúc nào, và sẽ thấy nếu họ mở ngăn kéo bàn học của tôi.
  Tôi mở một ti vi nữa phía trên. Trong hình là một cậu thiếu niên, có vẻ là học sinh cấp 3, đang mặc bộ đồng phục của trường mình, cậu đang hát theo bài hát của Linkin’ Park chiếu trên MTV. Cậu hát cũng… khá đấy chớ. Song, dưới cái nóng kinh khủng của mùa hè miền Bắc cộng hiệu ứng đô thị, gương mặt cậu bắt đầu nhễ nhại mồ hôi. Có vẻ cậu vừa thi cuối kỳ và kết quả cũng khá tốt, đủ để bố mẹ cậu vừa lòng và dự định đưa cả nhà đi ăn nhà hàng. Hôm ấy, trường thông báo nghỉ khi cậu vừa tới cổng. Thế là cậu lóc cóc đạp xe về nhà, và nhảy múa như trên màn hình.
  Tôi mở thêm một màn hình nữa, chính là buổi tối hôm đó, một gia đình đăng ăn ở một nhà hàng. Sau khi ăn xong và đến lúc uống nước, cậu thiếu niên, chính là tôi, mới đem chuyện mình đã giấu kín bao lâu nay ra nói với cả nhà:
-                   “Con đã đăng ký đi thi Đường lên ĐỈNH Alympio.”
-                   “Cái gì cơ ?” – Bố tôi hỏi như chưa tin vào tai mình – “Con tính đi thi cái gì ?”
-                   “Thì Đường lên đỉnh đấy bố.”
-                   “Con đùa vui thật đấy.” – Mẹ tôi lên tiếng.
-                   “Trình con mà thi với mấy đứa nó, sợ rớt trước cả vòng tuần.” – Bố tôi đưa một câu chăc nịch.
-                   “Con có đùa đâu, con nói thật mà. Con cày cuốc suốt lớp 10 với cả hè này để vào đây này...” – Tôi cố giải thích và nhấn mạnh những gì mình sẽ làm. Chẳng biết tôi đã có gì sai, nhưng bố tôi chặn tôi lại:
-                   “Đừng có gân cổ lên với cái giọng điệu đó.”
-                   “Con không gân cổ, con chỉ cố nói rằng…”
-                   “Con tính cãi lại bố mẹ à ?”
-                   “Bố mẹ có thèm nghe con đâu.”
-                   “Đi về nhà, và bố mẹ sẽ có chuyện nói với con.” – Mẹ tôi chốt một câu lạnh lùng, khiến bầu không khí trên xe căng thẳng thấy rõ. Cô em gái của tôi trông có vẻ đang run, vẻ mặt lo lắng. Cô bé vỗ nhẹ vai tôi, như có ý động viên. Tôi chỉ nhìn lại, không trả lời, sự hậm hực dường như còn nguyên.
Chỉ biết buổi tối hôm đó, tôi đã tranh cãi gay gắt với bố, và tôi đã thẳng thừng tuyên bố “Nếu con không có giải, bố cứ việc đánh con tét môn tét đít cũng được. Ngược lại, bố sẽ phải nói trước ống kính và họ hàng rằng con thực sự có tài, và phải đưa cả nhà đi một tỉnh thành phía Nam một lần.” Ông cho rằng tôi hỗn và kiêu ngào ở điều kiện thứ nhất, nhưng vẫn chấp nhận mọi điều kiện của tôi. Ông xem như “thứ nhỏ nhặt”.
  Tôi mở một kênh khác, đó là cảnh tôi và một cô gái tôi đã thầm thương trộm nhớ thời cấp 3. Chỉ tiếc là, gia đình tôi cấm chuyện yêu đương. Và dù không theo dõi quá sát sao các mối quan hệ của tôi, họ vẫn bằng cách này hay cách khác nắm được thông tin về những người tôi quen. Tôi và cô học chung lớp học thêm. Chúng tôi đang nói chuyện bình thường với nhau thì bỗng dưng cuộc nói chuyện chuyển thành cãi vã. Chuyện chỉ là tôi và cô ấy được phân song ca cho tiết mục văn nghệ của một ngày hội trên trường. Tôi thì muốn một bài mới lạ và phá cách, còn cô ấy lại muốn chọn những bài có phần phổ thông hơn. Chúng tôi đã chọc ngoáy và chỉ trích về gu nhạc của nhau, cho đến khi cô lôi chuyện đi thi Alympio ra: “Đừng nghĩ cậu thi cái giải đó là cậu muốn làm gì thì làm, cậu vẫn chưa bằng ai đâu.” Sau đó cô nói gì và tôi nói gì chẳng biết, vì tôi đã tắt âm lượng. Tôi không thể chịu nổi việc mình đã đánh mất tình đầu một cách ngu xuẩn thế nào.
  “Cũng phải thôi, mày cũng có bao giờ giao tiếp hay yêu đương mấy đâu ?” – Và cứ như thế, tôi đã mang một góc nhìn tiêu cực trong suốt cấp 3, ít nhất cho đến cuối lớp 12. Gia đình, những người tôi tin tưởng nhất thì không công nhận, còn lớp thì giả tạo, tình cảm bị hất đi. Tất cả khiến tôi chỉ muốn đâm đầu vào học, không phải vì muốn học, mà để cho thằng ngộ chữ này quên hết cuộc đời cũng được. Tôi chỉ cần giải Nhất Alympio, VÀ TẤT CẢ SẼ PHẢI CÔNG NHẬN TÔI !
  Tôi không thể nhìn cảnh mình đang tự dày vò được, toan chuyển kênh thì một ti vi nữa lấy bắt tín hiệu và mở lên một chương trình. Đó là vòng chung kết đường lên đỉnh Alympio. Tôi đã cố hết sức, và thành quả cũng đã tới, ờ thì cũng không hẳn theo cách tôi muốn. Tôi có giải, nhưng là giải nhì, thế là khó đi Úc được rồi. Tôi nhìn vào kẻ đạt giải nhất với nửa con mắt: Đó là một cô gái nhỏ nhắn thắt tóc hai bím. Tôi chán nản nở một nụ cười gượng gạo, rồi liếc qua bên kia cô gái. Ít ra hai thằng giải ba kia còn chung cảnh ngộ mà trò chuyện với nhau.
  Sau lần ấy, cả nhà tôi đi Nha Trang. Phải thú thật Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung thời ấy chưa có nhiều nhà cao tầng và đường khá vắng. Đổi lại, hồi cuối thập niên 2000, ở đấy là nơi tổ chức khá nhiều sự kiện hay, nhất là ca nhạc, văn nghệ các thứ. Tôi mở tiếp một màn hình nữa, đó là một nhóm nhạc đang chơi trên sân khấu tại đấy. Do bố tôi quen biết bên tổ chức, nhà tôi được mỗi người một vé với giá rất rẻ. Tôi còn nhớ tôi và anh trai bàn tán nhiều lắm. Buổi diễn ấy đã khơi gợi lại trong tôi niềm yêu thích với nhạc rock trở lại. Lúc ấy, tôi như được thắp lại một phần lửa sống, dù không cháy mạnh như trước. Chỉ tiếc, sau chuyến đi chơi ấy, tôi không còn gặp anh mình nhiều nữa.
  Tôi mở một ti vi nữa, đón xem họ sẽ chiếu thứ gì đây ? Lại là chuyện thí sinh đố kị đua nhau, nhưng lần này… là để có thể làm những ký sinh đô thị, bám vào các thành phố lớn và sự hoa lệ mà sống. Tôi đã cày cuốc rất nhiều, chọn trường nào để thi vào. Và điều đó đã dẫn đến một cuộc tranh cãi với bố mẹ tôi. Tôi muốn Nam tiến, để thoát sự ngột ngạt. Còn bố mẹ cho rằng chỗ mình cũng rất phát triển rồi. Họ còn cho rằng nhiều đứa trong lớp tôi vẫn chọn ở đây hoặc đi Hà Nội.
  Tôi sẽ không kể chi tiết cuộc tranh cãi, nhưng tôi không thắng được, và thế là tôi đã thỏa thuận rằng sẽ chọn vào một trường ở Hà Nội, với điều kiện phải liên lạc hàng tuần vài lần, bố mẹ sẽ qua chỗ tôi 1 tháng 1 lần và tôi cũng phải về với tần suất tương tự. Giờ tôi mới hiểu sao ông anh tôi biến mất. Đó là giữa lớp 12. Rất may, tôi được cộng điểm nhờ đống thành tích, nên việc ôn thi của tôi tuy nặng, nhưng không quá áp lực về điểm so với một số bạn học cùng tầm. Trên màn hình hiện lên cảnh lò luyện thi chật ních những người, to như cái giảng đường chính ở đại học. Giữa cái nóng của tiết trời mùa hè, ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Mấy ngày ấy, tôi luôn tắm đêm, vì không tắm không chịu được. Thật không ngờ là tôi vẫn không chết vì điều đó. Nghĩ về đám trong lớp, đúng là làm bạn khi nào cơ, chứ lúc này… là thí sinh đố kị cả.
  Và tôi mở thêm một ti vi nữa. Trong khung hình là tôi đang ngồi trong chuyến xe lên Hà Thành, tôi đơn giản là… trống rỗng, như thể một người chết nhưng xác vẫn sống vậy. Chỉ biết là, cuộc đời tôi đã kết thúc một chương với những đắng cay vô vị. Giá như tôi có thể thay đổi một cách quyết liệt hơn, nếu tôi biết rõ những gì tôi có thể làm, hoặc những gì tôi có thể ảo tưởng…
  Tôi rít điếu thuốc, chìm tiếp trong cơn mê trước khi đón xem tập phim tiếp theo, của cuộc đời mình…
(Còn tiếp)