[Review Sách] Thú Tội (Minato Kanae) – Bản án cay nghiệt nhất của tình yêu thương
"Được cảm nhận sự ấm áp từ lồng ngực cha mẹ vừa là niềm hạnh phúc lớn lao, vừa là bản án cay nghiệt nhất."
"Thú Tội" là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Nhật Bản Minato Kanae. Ngay từ lúc phát hành, tác phẩm đã bán được hơn 3 triệu bản và là một trong những tiểu thuyết trinh thám ăn khách nhất đất nước mặt trời mọc. "Thú Tội" được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, bộ phim gây tiếng vang lớn khi lọt vào danh sách đề cử phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2011.
Truyện được chia thành 6 chương, mỗi chương là lời tự thuật của một nhân vật kể lại toàn bộ các sự kiện có liên quan tới tất cả. Chương đầu và chương cuối được dẫn dắt bởi cùng một nhân vật, còn trong chương 3 (Kẻ nhân từ) thì nhật ký của người mẹ được lồng vào lời kể của cô con gái. Đi qua từng chương, câu chuyện được lật mở dần dần để tìm ra "chân tướng" đích thực. Mỗi nhân vật đều kể lại câu chuyện của mình, bắt đầu từ quá khứ, cho đến thời điểm hiện tại. Thông qua điểm nhìn của từng người, vụ án mạng được "mổ xẻ" đa chiều và hiện ra trước mắt người đọc trong những dáng dấp không trùng lặp. "Thú Tội" xoay quanh bi kịch là cái chết của bé gái 4 tuổi tên Manami, con gái của Yuuki Moriguchi – giáo viên cấp hai đồng thời là một bà mẹ đơn thân. Xuyên suốt tiểu thuyết, cái chết của Manami được nhắc đi nhắc lại trong lời kể của các nhân vật; chính vòng lặp không ngừng này đã lột tả một cách trần trụi nhất những cảm xúc – từ đau đớn, căm hận, dửng dưng, coi khinh của các nhân vật; đến sự hoảng hốt, bàng hoàng, rùng mình đang ăn mòn độc giả.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc Moriguchi thông báo trước lớp rằng cô sẽ bỏ nghề. Cô tiết lộ con gái mình không chết do tai nạn như cảnh sát kết luận, mà Manami "bị học sinh lớp này giết chết". Tuy Moriguchi chỉ gọi hung thủ là A và B, nhưng cô lại kể về chúng với đầy đủ các đặc điểm dễ dàng nhận dạng. Không chỉ hung thủ, toàn bộ học sinh trong lớp đều dễ dàng nhận ra A và B trong lời cô kể là ai. Moriguchi cũng giải thích lý do tại sao cô không đến gặp cảnh sát để khai báo những thông tin mình điều tra được: Bởi hung thủ là trẻ vị thành niên, nên chúng chắc chắn không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào. Vậy nên, cô quyết định tự mình "trừng phạt" chúng. Moriguchi rời khỏi lớp sau khi thông báo về "hình phạt" của một người mẹ mất con dành cho kẻ tội ác. "Hình phạt" này là một đòn giáng mạnh mẽ vào tinh thần của hai đứa trẻ sát nhân, những tưởng chúng sẽ bị bóp nghẹt và khô cạn dần sức sống, nhưng hóa ra "hình phạt" lại trở thành nguồn cơn của nhiều tội lỗi tàn nhẫn hơn.
Men theo mạch chảy của thời gian, truyện theo bước các nhân vật tiếp tục năm học mới. Lần này, người thuật lại là Mizuki, bạn cùng lớp của hai kẻ giết người. Ở chương hai, tên của chúng đã không còn là A và B; bạn cùng lớp đã xác định được chúng là Shuya và Naoki. Lớp B đón chào giáo viên chủ nhiệm mới, đó là một thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết có biệt danh Werther. Trong mắt Mizuki, Werther là một gã khờ – một người tiếp quản lớp nhưng chẳng mảy may hay trong lớp này có hai kẻ giết người. Naoki không đến trường, còn Shuya bị học sinh trong lớp bắt nạt. Cả kỳ học, Mizuki đều cùng Werther đến nhà Naoki; nhìn thầy giáo ôm ấp hy vọng thuyết phục được cậu bạn quay lại lớp học, mù quáng đuổi theo thứ hoài bão của riêng mình và bỏ qua hết thảy những biến chuyển xung quanh.
Chương tiếp theo là lời kể của chị gái Naoki, phần lớn dựa trên nhật ký của người mẹ. Mẹ của Naoki thiếu thốn sự đùm bọc của gia đình từ nhỏ, bà dồn hết tình thương cho đứa con trai của mình. Bà tự vẽ ra hình mẫu gia đình lý tưởng, rồi cũng tự huyễn hoặc bản thân. Trong mắt người mẹ, Naoki luôn tốt bụng, bà không chấp nhận bất cứ lời buộc tội nào dành cho con trai. Dù chính tai nghe thấy con trai thú nhận dính dáng đến cái chết của Manami, bà vẫn kiên quyết cho rằng con trai mình không làm gì sai. Bà đổ lỗi cái chết của đứa trẻ 4 tuổi kia cho chính người mẹ đơn thân của nó. Với bà, Moriguchi có tội vì đã để con gái mình lâm vào cảnh không có đủ cha mẹ.
Chương 4 và chương 5 lần lượt là lời tự bạch của hai sát nhân nhỏ tuổi, Naoki và Shuya. Qua bản di chúc của Shuya, kẻ chủ mưu đằng sau cái chết của Manami, người đọc hẳn sẽ rùng mình trước sự thật bẽ bàng: Giống như ác ma không chỉ mang bộ dạng của người trưởng thành, tình yêu cũng có thể biến chất, vặn vẹo, vô cảm. Mỗi nhân vật đều mang trong mình động cơ và lý do phía sau khác nhau. Naoki bị ám ảnh bởi sự xuất chúng và những lời ngợi khen của mẹ, từng chút hình thành nỗi mặc cảm cũng như xóa nhòa ranh giới của "đúng và sai". Người mẹ trao cho nó quá nhiều tình yêu, nhưng nó lại chỉ cảm nhận được gánh nặng. Trái ngược với Naoki, Shuya có tài năng bẩm sinh cùng lòng kiêu hãnh về sự giỏi giang của mình. Nó đã trải qua những ngày tháng được yêu thương, quan tâm; đồng thời cũng nếm mùi bị bỏ qua, lãng quên, ghẻ lạnh. Nó khát cầu tình thương đến mức chẳng còn nhận ra sự quan tâm cho nó, bấu víu vào tình mẹ đã khuyết thiếu ở cuộc đời nó nhiều năm liền. Nó chấp nhận bị đánh đập, nó coi "tội ác" là cây cầu đưa nó đến bên mẹ. Sau cùng, cả hai đứa trẻ cứ vậy mà suy đồi bởi chính tình yêu thương.
Trong cùng một mạch truyện, Minato khai thác tình cảm mẫu tử dưới 3 góc độ: Cách yêu con của Moriguchi, của mẹ Naoki, của mẹ Shuya. Mỗi cách yêu con sẽ dẫn đứa trẻ đến một con đường riêng; có đứa giữ trọn vẹn sự thiện lương, cũng có đứa suy đồi và biến chất. Tuy ý tưởng của Minato Kanae khá ấn tượng, nhưng những suy nghĩ lệch lạc của ba đứa trẻ trong tiểu thuyết có phần xa rời thực tế. Liệu có thực sự tồn tại bản thể nhớp nhúa của tình yêu thương ngoài đời thực như vậy chăng?
Lối hành văn của Minato trong "Thú Tội" đơn giản, rõ ràng, giống như thực sự được viết bởi học sinh lớp 8. Cách viết này hoàn toàn phù hợp, bởi câu chuyện được thuật lại bởi ba đứa trẻ hoặc được viết cho chúng. Chính giọng văn gọn ghẽ này đã góp phần khắc họa đậm nét sự lạnh lùng, dửng dưng, tàn bạo trong bản chất của ba đứa trẻ – ranh giới tuổi tác dường như xóa nhòa dần theo lằn ranh tội ác. Tác giả cũng cực kỳ thành công trong việc miêu tả một xã hội thu nhỏ ngay trong lớp học, khi sự yếu thế vùng lên bằng cách đọa đày cái yếu khác, khi đám đông khoác lên mình vẻ ngoài là "công lý" nhưng bản chất chỉ để thỏa mãn cảm giác "hơn người",... Trái với những đứa trẻ, người lớn trong "Thú Tội" lại mờ nhạt tới độ dễ dàng bị người đọc quên lãng. Đó là những người cha thường xuyên vắng mặt, không hề nắm được điều gì xảy ra trong nhà mình. Là những người mẹ tệ bạc với con mình theo những cách khác nhau. Là người thầy giáo bị chính học sinh của mình quay vòng vòng. Không chỉ vậy, "Thú Tội" còn đi xa khỏi thể loại "trinh thám" khi không một ai nhận ra việc một học sinh cấp 2 mất tích cả tuần dài.
Hiểu lầm, bí bách, không biết cách bộc bạch suy nghĩ của mình – những đặc điểm điển hình ở tuổi dậy thì này được Minato đẩy lên cao trào trong "Thú Tội". Gần như, sự bối rối, vẫy vùng của những đứa trẻ xuất hiện trong tiểu thuyết đều tới mức "cực đoan". Naoki và Shuya gặp vấn đề trong giao tiếp, chúng chẳng thể nói ra những điều mình cần với những người có thể giúp đỡ chúng. Có lẽ, nếu chúng nói ra dẫu chỉ một lần duy nhất, rất nhiều điều sẽ không trở thành nuối tiếc. Xã hội trong thế giới của Minato rối ren đến mức bi kịch là lẽ tất yếu phải xảy đến. Ở thế giới ấy, mỗi gia đình đều không "êm ấm": Không gia đình nào thực sự vẹn tròn. Phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của "gia đình" trong sự phát triển của mỗi đứa trẻ, cũng như phơi bày thực trạng này ở xã hội đương thời? Tuy vậy, chính tính "cực đoan" cùng những chi tiết khá "kịch" đã khiến "hồi chuông" của tác giả giảm bớt tiếng vang.
"Thú Tội" là một chuỗi những đối lập: Trong nỗi giận dữ trước mỗi hành vi tàn ác của nhân vật, ta ngộ ra ranh giới mong manh của đạo đức trước cái ôm của tình yêu thương hoặc của tội lỗi. Được cảm nhận sự ấm áp từ lồng ngực cha mẹ vừa là niềm hạnh phúc lớn lao, vừa là bản án cay nghiệt nhất. Tình yêu thương vẫn đẹp đẽ, vẫn cảm động như vốn có; nhưng trong "Thú Tội" tình yêu ấy còn hiện lên đầy kinh hoàng, tội lỗi, ghê tởm.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất