Thế nào là một bài văn chuẩn mực ? – Nghị luận văn học
Nhiều bạn học sinh ngày nay chật vật với môn văn. Trừ những đứa tư duy văn tốt – nói trắng ra là học sinh chuyên văn, thì việc nạp...
Nhiều bạn học sinh ngày nay chật vật với môn văn. Trừ những đứa tư duy văn tốt – nói trắng ra là học sinh chuyên văn, thì việc nạp một khối lượng khổng lồ về tác phẩm trong SGK, cộng với kĩ thuật viết bài (chưa kể còn phải biết thông tin ngoài lề) quả thực là một bài toán khó.
Song, nói khó không có nghĩa là không có cách giải. Sau đây là những quy tắc cốt lõi giúp các bé đạt được điểm 7 môn Ngữ Văn. Theo cá nhân mình thì đây là mức điểm đủ giúp bạn có thể qua môn và đạt học sinh khá – giỏi (nếu bạn thiên về môn tự nhiên). Trong chương trình học có rất nhiều tác phẩm, nhưng chỉ cần nắm bắt đúng kỹ thuật thì mình nghĩ, kể cả đi thi rơi vào cái bài bạn không biết thì bạn vẫn chém đủ 6/10 phần.

1. Hiểu rõ cấu trúc viết bài
Tối thiểu nhất mà học sinh lớp 5 cũng đã thuộc lòng, đó là cấu trúc cơ bản của một bài viết : Mở bài, Thân bài và Kết bài. Nhưng, khi đã học đến các tác phẩm mang tính hàm lâm hơn thì từng đó không đủ.
A. Mở bài : Bạn muốn đi thẳng vào vấn đề (MB trực tiếp), hay đi từ bao quát hoàn cảnh xuống đến tác phẩm cần làm rõ (MB gián tiếp) ? Còn có phần nâng cao hơn nữa nhưng miễn bàn tới khi bạn chưa nắm được định nghĩa và thành thạo hai kiểu MB này.
Thời lượng chữ : 1/4 - 1/ 3 trang giấy
B. Thân bài : Có 2 phần - làm rõ thông tin và phân tích tác phẩm.
Tại sao phải nêu rõ thông tin, trong khi người chấm bài, đồng thời là giáo viên của bạn biết quá thừa ?
Lấy ví dụ bạn kể chuyện bạn bị mất cái xe đạp với công an. Trong mọi trường hợp thực tế, bạn phải làm rõ vấn đề với một người không-biết-tí-gì về vấn đề bạn nói. Công an có chuyên môn, nghiệp vụ bắt trộm cắp nhưng bạn không truyền tải được rõ thông tin, thì dù có lạy thần linh cũng không mang được cái xe đạp của bạn về. Làm văn cũng như thế. Trước khi đi vào phân tích, phải tóm tắt ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.
Thời lượng chữ : 1- 1,5 trang giấy
Phần hướng dẫn phân tích chi tiết, mình sẽ đẩy vào phần tư duy phân tích.
C. Kết bài : Nêu lại giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung (cực vắn tắt). Nếu được thì chém đại vào đấy là tác giả đã gây xúc động công chúng thế nào, hay tạo làn sóng của văn học mới (như nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng).
Thời lượng chữ: 1/5 - 1/4 trang giấy
2. Nắm bắt đúng hoàn cảnh
Tại sao phải nắm bắt đúng hoàn cảnh ?
Vì với thời đại văn hóa dân gian, ta không thể dùng từ anh, em cho nhân vật đề cập mà phải dùng từ chàng, nàng. Với giai đoạn Cách Mạng, từ « người » lại là một cách gọi những người chiến sĩ, có thể dùng thay thế từ « anh » để tránh lặp từ trong lúc viết. Nói tóm lại, thời đại nào gắn với ngôi nhân xưng thời đó. Cần lưu ý tránh nhầm lẫn.
Nếu học khá sử với địa lý thì càng có lợi, bởi ta hoàn toàn có thể đối chiếu mốc giai thoại, thời đại, địa hình như một liên kết chung, vừa giúp phân tích tác phẩm hay, vừa mở rộng thêm được vốn văn hóa.
Ví dụ về liên kết môn học : Qua Đèo Ngang
3. Nắm bắt trọng yếu của ngữ pháp
Viết đủ chủ ngữ, vị ngữ. Không nhầm khái niệm danh từ, tính từ, động từ. Tuyệt đối không dùng văn nói, từ lóng hàng ngày hay dùng. Phải sử dụng một-trăm-phần-trăm văn viết. Ngoại trừ trích dẫn lại lời nhân vật, thì văn nói không được viết vào bài. Đặt câu hỏi tu từ cũng là một cách dẫn văn nói lồng vào văn viết, song phải thực sự khéo léo, tránh lạm dụng. Tốt nhất, chưa thành thạo thì cứ căn bản mà tiến.
4. Cách xây dựng tư duy phân tích
Đến phần phân tích tác phẩm, chà, làm sao mà em có thể nhớ đến từng đó chi tiết ? Nhớ theo lát cắt nhỏ. Giống như việc em nhớ số điện thoại, thay vì học thuộc 1 dãy số dài, hãy cắt nhỏ ra cặp 2, cặp 3. Khả năng tối thiểu em có thể nhớ lâu hơn đến 1 phút trong bộ nhớ ngắn hạn (có thể ví như bộ nhớ RAM của máy tính) - đủ để viết vào danh bạ hoặc giấy nhớ.
Tương tự như thế, chặt nhỏ tác phẩm ra.
Tác phẩm là văn xuôi ? Ưu tiên nhớ cốt truyện, sau đó học chi tiết kinh điển. Sẽ hơi giống dạng flash card như lúc chúng ta học từ mới tiếng Anh. Học từ gợi hình ảnh, ví dụ như Chí Phèo có bát cháo hành của Thị Nở.
Vẽ trong đầu hình ảnh bát cháo nghi ngút khói, hơi đặc nước, trong màu gạo, nổi lên vài cọng hành.
Đặt ra các câu hỏi cho 1 hình ảnh ấy, như where – xảy ra ở đâu, when - xảy ra lúc nào, what – hành động nào tác động (lên bát cháo), why – tại sao xuất hiện, how – xảy ra như thế nào.
Tác phẩm thơ ? Bước 1, học thuộc lòng thơ. Cái này thì không bỏ được. Nếu thấy khó quá, tìm đọc nhiều hoàn cảnh sáng tác, hoặc liên kết với các câu chuyện drama, kịch tính.
Lấy ví dụ là Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Ông viết bài thơ gửi người tình tên là Hoàng Cúc. Có thể ví đây là một nam chính si tình, vào những giây phút lâm chung vẫn nhớ về mối tình sâu nặng với nữ chính mang tên một loài hoa. Tình cảm của Mặc Tử khi đó, là đối mặt với sự cô đơn, hiu quạnh và tự xa mánh mình với xã hội vì căn bệnh lao. Từ đó, nam chính càng muốn gửi gắp tâm tư mình vào con chữ, hy vọng người ấy, người con gái bên cầu năm ấy, đọc được. Khi những dòng này đến tay người nhận thì cũng là lúc chàng trai đã ra đi mất rồi. (thể loại ngôn tình, ngược tâm, ngược nam chính, SE – Sad Ending)
Bước 2, phân tích hình ảnh. Quay ngược lại cách nhớ chi tiết cần đề cập khi phân tích chi tiết 1 tác phẩm, hãy nhớ hình ảnh như là 1 flash card, cùng 5 câu hỏi cốt lõi (where, when, why, what, how). Song, với những bài thơ Hán Việt, đôi khi cần tra từ điển để hiểu rõ nghĩa. Nhưng nhìn chung, nắm bắt chi tiết hình ảnh đã ăn trọn điểm tối thiểu cần.
Thời lượng phần chi tiết : 1,5 – 3 trang giấy.
*Ngoài lề : Trường hợp bất khả kháng, bạn không nắm rõ chi tiết hình ảnh, hãy dùng cách dưới đây.
Hoàn cảnh sáng tác cũng là một điểm tối thiểu phải biết. Bạn có thể quên nhiều chi tiết phân tích, song nếu móc nối với thời điểm tác phẩm xuất hiện, bạn có thể chém thêm về hình ảnh gây ấn tượng của tác phẩm nói chung. Ví dụ như nói đến bác Tố Hữu là nói đến dòng Thơ Mới Cách Mạng. Mà điểm chung của dòng Thơ Mới này là lòng yêu nước, đề cao Xã hội chủ nghĩa, tinh thần hi sinh cao cả của người lính. Người lính có những phẩm chất gì, đánh vào, phang hết ra. Nhưng cứ 2,3 câu chém tổng quan, nhồi thêm 1 câu gắn với tác phẩm, sẽ giúp bài không bị lạc đề, bắt lại được một số ý.
5. Phân bố thời gian viết bài
Thời gian đầu, khoảng đầu năm lớp 9, vì đã đi học hè trước đó nên mình nắm khá rõ về mặt kiến thức cũng như cách hành văn chuẩn mực. Song đến thời điểm áp dụng cho bài kiểm tra lại là một chuyện khác.
Vì là cấp 2 nên yêu cầu kiểm tra trọng tâm đều đánh vào đoạn văn, trong khoảng 350 chữ. Một, hai đoạn thì không sao. Đây lại ngồi viết đến bốn đoạn khác nhau, khiến cho thời gian xây dựng dàn ý có chút trục trặc, làm mình bỏ luôn 1 nửa câu cuối nhiều điểm nhất. Thành thử ra, bài đó được có 6 điểm, song lại được cô gái khen tư duy tốt, chỉ là chưa biết căn thời gian viết.
Giai đoạn đầu khi thay đổi cách tư duy, khả năng nhìn nhận sẽ hơi chậm hơn bình thường một chút vào 2 bài kiểm tra ngắn đầu tiên (tầm 15 phút). Nhưng sau đó, khi học theo cách mới, tự chúng ta sẽ có một cái đồng hồ sinh học nhất định.
Dù mình ghét toán nhưng vẫn phải lôi nó vào. Với bài kiểm tra ngắn, trừ đi 2 phút đầu và 1 phút cuối kiểm tra chính tả, thì bạn có 12 phút để viết bài chính. Tại sao phải dành đến 2 phút đầu? Thời gian đó đủ để bạn viết tên, lớp, trường, kẻ ô điểm lời phê và đọc hiểu kỹ đề, đôi khi sẽ bị cộng thêm 2 phút để suy nghĩ hướng trả lời. Khoảng 10 – 12 phút còn lại, bình tĩnh viết bài. Dành 1 phút kiểm tra vào phút chót. Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất.
Dù mình ghét toán nhưng vẫn phải lôi nó vào. Với bài kiểm tra ngắn, trừ đi 2 phút đầu và 1 phút cuối kiểm tra chính tả, thì bạn có 12 phút để viết bài chính. Tại sao phải dành đến 2 phút đầu? Thời gian đó đủ để bạn viết tên, lớp, trường, kẻ ô điểm lời phê và đọc hiểu kỹ đề, đôi khi sẽ bị cộng thêm 2 phút để suy nghĩ hướng trả lời. Khoảng 10 – 12 phút còn lại, bình tĩnh viết bài. Dành 1 phút kiểm tra vào phút chót. Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất.
Với bài kiểm tra dài (90 phút), thời gian đọc đề và lập dàn ý rơi vào 5 – 7 phút đầu. Sau đó viết phần mở bài với thông tin chỉ nên rơi vào 15 – 25 phút là cùng. Nếu được thì ghi sẵn giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật cho phần kết ra nháp. Còn khoảng 60 phút thì viết đủ 50 - 55 phút, chừa chỗ còn lại cho kết bài và soát chính tả.
Trường hợp còn 3 phút nữa hết giờ nhưng giở phần phân tích chi tiết, hãy nhảy sang kết bài luôn! Vì yêu cầu tối thiểu là đủ 3 phần căn bản. Thiếu ý chi tiết một chút thì chỉ trừ khoảng 0,5 – 1 điểm là cùng. Song không có kết bài thì sẽ bị trừ từ 1 – 1,5 điểm.
Điều cuối, hãy luôn cố gắng giữ vững tinh thần. Chúng các bé thành công. :)
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài tiếp tới mình muốn đưa ra một số kĩ thuật hành văn nâng cao giúp đạt được điểm tối đa. Nếu có thời gian hơn, sẽ cố gắng làm các tác phẩm theo serie bài học trong sách giáo khoa với cách viết Nghị luận xã hội.
*Phần giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật có thể để vào cuối phần thân bài, nhằm tóm gọn lại tổng quan. Song cách viết này sẽ gây khó dễ cho phần kết bài vì phải nêu cảm nhận khách quan lẫn chủ quan.
**Cảm thụ văn học cũng là một dạng năng khiếu. Người viết đặt bản thân mình như nhân vật chính xuất hiện, bày tỏ suy nghĩ cá nhân dưới góc độ có phần cảm xúc, trực quan hơn. Song dễ gây lạc đề nếu bày tỏ cảm xúc quá đà, lan man, không liên quan đến đề bài.

Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất