Photo by Shripal Daphtary on Unsplash
Lệnh cách ly xã hội tại Việt Nam đã được dỡ bỏ từ ngày 23/4. Các doanh nghiệp, tổ chức, các cửa hàng đang bắt đầu mở cửa và hoạt động trở lại. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ KHÔNG NHƯ CŨ. Rất nhiều người trong chúng ta cần CHUẨN BỊ cho một sự khởi đầu mới.
Cho dù lạc quan đến mức nào, chúng ta cũng cần phải đối diện với thực tế. Theo Báo cáo nhanh về COVID-19 và thế giới việc làm do tổ chức Lao động Quốc tế công bố ngày 7/4 vừa qua, tình trạng mất việc làm tăng nhanh trên toàn thế giới đã trở thành khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hai tháng vừa qua ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã buộc phải cho nhiều người lao động nghỉ việc không lương. Những người làm việc tự do (freelancers) cũng chịu tác động nặng nề khi hàng loạt các hợp đồng bị hủy hoặc cắt giảm hoặc bị chậm trả. Hầu hết các chủ doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đều cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp bị thâm hụt nghiêm trọng. Giống như đối với một người bị ốm một thời gian dài, việc hồi phục ngay lập tức là điều không tưởng. Khi các hoạt động được phép quay trở lại thì các doanh nghiệp, tổ chức cũng phải mất một thời gian để ổn định. Điều đó có nghĩa là người lao động sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, giảm giờ làm, giảm lương. Đồng thời, một cuộc cạnh tranh việc làm gắt gao sẽ diễn ra trong bối cảnh thừa người thiếu việc.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG THẤT NGHIỆP?

Nếu so sánh việc tham gia thị trường việc làm giống như tham gia một cuộc chiến, hẳn bạn biết là chẳng ai ra trận với cái đầu rỗng, chân đất và tay không. Tôi liệt kê dưới đây những việc mỗi chúng ta nên làm để có sự chuẫn bị sẵn sàng cho công cuộc tìm kiếm việc làm mới.
  • Kiểm kê lại hành trang nghề nghiệp

Kiểm kê hành trang nghề nghiệp có thể ví như kiểm kê kho – chiếc kho chứa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các mối quan hệ mà bạn đã tích lũy được trong thời gian đi làm (bao gồm cả những công việc thời vụ, bán thời gian, toàn thời gian và công việc tình nguyện).
Bạn có thể liệt kê bằng cách kẻ cột bao gồm: tên công việc, kiến thức, kỹ năng, và mối quan hệ hoặc nội dung khác. Sau đó bạn điền thông tin vào các cột này. Với mỗi một công việc, bạn hãy liệt kê tất cả các kiến thức, kỹ năng và nhưng gì quan trọng khác mà bạn thu hoạch được (càng nhiều càng tốt). Sau khi hoàn thành việc liệt kê, bạn hãy gạch chân những kiến thức, kỹ năng được liệt kê nhiều lần. Đó có thể chính là những thế mạnh mà bạn đang có để mang ra thị trường lao động.
Sau khi làm xong bài tập này, có thể chính bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng “tài sản” trong kho hành trang nghề nghiệp mà bạn đang sở hữu.
  • Cập nhật và tút lại CV/hồ sơ cá nhân (personal portfolio)

CV hay hồ sơ cá nhân là công cụ marketing quan trọng bạn sử dụng để ứng tuyển việc làm hay chào hàng dịch vụ cá nhân (đối với các freelancers hay chuyên gia tư vấn). Giữa một rừng hồ sơ ứng tuyển, nếu CV của bạn không có gì ấn tượng thì bạn đừng trông mong người ta sẽ mời bạn vào vòng phỏng vấn. Ngày nay, có rất nhiều công cụ online giúp bạn thiết kế 1 CV hay portfolio bắt mắt. Nhưng đấy không phải là điều mà tôi muốn nhấn mạnh. Một CV “chất” thực sự nằm ở nội dung – cách bạn giới thiệu về bản thân (trong mục Về Tôi hay Sứ mệnh Cá nhân) và cách bạn dùng từ trong phần liệt kê kinh nghiệm, thành tích trong công việc.
  • Củng cố các mối quan hệ  

Trong lớp dạy kỹ năng tìm kiếm việc làm, tôi hỏi các bạn sinh viên:
“Theo các em, kênh hiệu quả nhất giúp bạn có được việc làm là kênh nào?”
Phần lớn các em nghĩ ngay tới các trang tuyển dụng như CareerBuilder, VietnamWorks, TopCV,…
Không. Đây chỉ là nguồn thông tin việc làm. Kênh hiệu quả nhất là thông qua sự giới thiệu của 1 người biết bạn và có mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng. Lý do đơn giản thôi. Từ góc độ nhà tuyển dụng, họ muốn tuyển 1 ứng viên có năng lực và đáng tin cậy. Trong hai yếu tố, năng lực và đáng tin cậy thì yếu tố thứ 2 thường được coi trọng hơn vì trong số hàng trăm ứng viên, những người có năng lực để có thể làm được việc thì không thiếu nhưng làm thế nào chắc chắn đó là người đáng tin cậy.
Thực ra việc bạn đi ứng tuyển việc làm có thể coi như là đi marketing dịch vụ lao động của bạn. Xét từ góc độ người mua, chúng ta không dễ dàng tin ngay những gì người bán hàng nói về hàng của họ. Nhưng nếu 1 người quen, nhất là người mà mình tin tưởng giới thiệu thì khả năng cao là mình sẽ mua (nếu có nhu cầu). 
Bật mí với bạn là hàng ngày có rất nhiều công việc cần người nhưng không phải tất cả những thông tin này đều công khai trên mạng. Một lý do là nhà tuyển dụng muốn tìm ứng viên thông qua các mối quan hệ mình đã biết.
Nếu bạn đang có ý định tìm việc mới, giờ là lúc củng cố các mối quan hệ xã hội. Bạn đừng ngại nói với bạn bè, người quen rằng bạn đang cần tìm việc và nhờ họ nếu biết có cơ hội nào phù hợp thì giới thiệu cho bạn. Nhưng trước hết, hãy chăm sóc cho các mối quan hệ để tránh tạo cho họ cảm giác “bạn chỉ muốn lợi dụng họ”.
  • Chủ động giới thiệu bản thân và đưa ra giải pháp

Tôi luôn ấn tượng với những người chủ động liên hệ với doanh nghiệp/tổ chức mà họ quan tâm để bày tỏ mối quan tâm của họ về công việc. Họ là những người không chờ cơ hội tới. Họ chủ động tạo ra cơ hội. Họ tạo ấn tượng khác biệt so với số đông. 
Hồi mới đi làm, tôi được các đồng nghiệp ở Ngân hàng Thế giới (WB) kể về 1 nhân viên IT đã được tuyển dụng một cách đặc biệt. Nếu ứng tuyển theo cách thông thường là gửi CV, chờ đến vòng làm bài test, rồi vòng phỏng vấn, có thể cậu ấy đã trượt ngay từ vòng đầu vì có rất nhiều ứng viên “khủng” muốn đầu quân cho WB. Thay vì thế, cậu ấy đã gửi email tới WB, trong đó phân tích các vấn đề trên trang web của WB, đồng thời đưa ra giải pháp.  Ngay lập tức, cậu ấy được mời tới gặp lãnh đạo WB và sau đó thì được nhận vào làm chính thức luôn.  
Nếu bạn đủ tự tin vào năng lực của mình và bạn có mối quan tâm đặc biệt tới 1 doanh nghiệp/tổ chức nào đó, hãy nghiên cứu về họ và chủ động đề xuất giải pháp cho vấn đề mà họ đang gặp phải. Người ta có lẽ sẽ trải thảm đỏ để mời bạn 😊
Chúc bạn sẽ sớm tìm được việc làm tốt!
Lê Hằng
Chuyên viên phát triển cá nhân & tham vấn nghề nghiệp

Đọc thêm: