"Anh yêu em", "Anh yêu em!" hay " Anh muốn ghét em lắm nhưng không thể ngừng yêu em được!" ?
Ngày xửa, ngày xưa (rất gần đây) mình hay rơi vào tình trạng chả biết viết gì dù rất muốn viết, hoặc rút hết tâm can ruột gan, đong...
Ngày xửa, ngày xưa (rất gần đây) mình hay rơi vào tình trạng chả biết viết gì dù rất muốn viết, hoặc rút hết tâm can ruột gan, đong đầy bao nhiều tình cảm ra một áng văn dài thườn thượt, mong rúng động làng văn học nước nhà.
Xong!
Kết quả là ngồi vỗ đùi đen đét: Sao hay thế mà không ai khen (:P), sao mọi người không đọc đi mà cứ toàn bảo là dài thế này nó, mọi người bị làm sao í mà không cảm nhận tinh hoa trong ấy =)) rồi thở dài cái thượt, hôm sau vẫn tiếp tục như vậy.
Cho đến một ngày, mình tự hỏi: Mình không thay đổi, mọi thứ vẫn thế, vỗ đùi chỉ có chân ngày một to, mà vẫn chưa tìm thấy ai "thấu cảm" cái sự hay của mình, hay mình thử thay đổi chút. Và từ đó mọi thứ khác đi :D
Mình, đã và đang cải thiện việc viết chút một, từng ngày, thấy xíu tích cực thì càng hăng máu lắm. Nên mình tóm tắt một số ý cơ bản, cho bạn nào thích viết, muốn viết hoặc cần phải viết. Xem có giúp gì cho bạn được không nhé!
1. Yêu không cần cớ nhưng viết cần có mục đích:
Không chỉ là viết đâu, trong công việc và rèn luyện, mình nên có mục đích và cả mục tiêu thì càng tốt, và càng chi tiết càng tốt hơn. Bỏ qua việc em muốn nâng cao khả năng viết đi, thì mình nên xác định mình viết gì: viết review, viết một bài tranh luận, hay viết một bài quảng cáo, hoặc thư tình ... Nó giúp mình có một ngọn hải đăng để nhìn vào lúc đang lênh đênh trên con thuyền giữa biển ngôn từ, ừ mình phải đi theo hướng nè nè, mình sắp đến rồi nè, đến đó sẽ có một chàng trai hoặc cô gái đợi mình chẳng hạn :))
Có mục đích mình viết để làm gì, viết cho ai, thì từ đấy mình sẽ biết là mình nên đưa những thông tin gì vào đấy. Ví dụ như, bạn viết một bài hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho một bác nông dân, thì rất không nên, hoàn toàn không nên đưa mấy cái cấu trúc phân tử vào, vì vừa tốn tài nguyên (công sức, giấy mực, tốn thời gian đọc mà không hiểu gì), lại còn gây hoang mang nữa.
2. Ý tưởng và nguyên liệu nhà ở đâu thế?
- Đọc: Đọc sách (thi thoảng mình lên tiki chỉ để đọc tựa sách), tài liệu chuyên ngành, các bài báo, các bài đăng có ích (trên spiderum chẳng hạn) ...Cái này thì chắc ai cũng nhắc, nhưng thực sự mình đã được quan sát việc sách làm thay đổi rất nhiều đến một người. Kể cả chính bản thân, sách mở ra cho mình nhiều trải nghiệm mới và cho mình sự tự do nhất định. Nếu việc đọc chưa là việc bạn yêu thích, hãy bắt đầu bằng việc đọc những quyển sách ngắn, đơn giản và phục vụ một điều gì đó bạn đang cần (có thể nhờ một ai đó tư vấn thêm), hoặc tham gia câu lạc bộ (chúng mình cũng có một CLB nhỏ cực vui luôn ^^), và nhớ tạo thành thói quen 15-30p mỗi ngày vào một khung giờ cố định, và chú tâm xem, nó có thay đổi được gì tích cực cho mình hay không nha.
- Quan sát: Kết hợp việc đọc với quan sát, liên tưởng, tưởng tượng nữa. Việc này giúp ích rất nhiều cho các ý tưởng nảy nở trong đầu bạn. Quan sát giúp mình biết yêu những điều nhỏ bé, bình dị.
- Lắng nghe: Việc lắng nghe cũng rất quan trọng, như là nghe người ta thích cái gì để viết thư tình hay nhắn tin cho dễ tán đổ này. Hay lắng nghe phản hồi khách hàng để viết một bài viết tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, lắng nghe một góc nhìn khác cũng vô cùng thú vị đó ạ. Nhất là lúc mình chưa nảy ra cái gì hay ho, thì chính việc nghe và những câu chuyện mình nghe được là kho báu vô cùng to lớn luôn.
- Đặt câu hỏi: Khi thấy một sự việc hay ho, một bài viết thu hút mình hay đặt câu hỏi : "Có cái gì mình có thể học và vận dụng không?" , "Tại sao lại diễn đạt như thế này?" ... Mỗi khi bí ý tưởng, thì " Cái mình muốn viết là cái gì?" " Mình hay nghĩ nó như thế nào", " Mình nghĩ nó khác đi ra sao?" ... Mình không ngừng đặt câu hỏi và không ngừng việc trả lời nó, để bài viết chất lượng và đổi mới từng ngày.
- Chủ động ghi chú: Ý tưởng không phải lúc nào cũng sẵn trong đầu. Nên việc ghi chép lại mỗi khi nó lóe lên là cần thiết. Mình có quyển sổ nhỏ để ghi ra những thứ hay ho mình định viết, nhưng điều nảy ra lúc mình ngồi cà phê hay lái xe, một chủ đề có thể chia sẻ, xem một bộ phim đọc một quyển sách xong thì sẽ ghi lại cảm nhận, những ý chính, hoặc lưu lại những câu mình thích khi vô tình nhìn thấy. Sau đó là chủ động liên hệ những thứ này đến nội dung mình đang cần viết, và viết càng sớm càng tốt (nhất là những thứ cần cảm xúc).
3. Đúng người mới đúng thời điểm:
- Viết cho ai: Sếp mình luôn nhắc nhở chúng mình là " Em viết cho ai?" " Em viết thế này người đọc liệu đã hiểu chưa?"
Không nói đến chuyện viết một bài quảng cáo, nó rất cần một target cụ thể. Thì việc đơn giản là bạn viết mô tả sản phẩm cho nhân viên mới, hoặc một thông báo thay đổi sản phẩm trong kho của một đơn vị kinh doanh, bạn vẫn nên cần biết bạn sẽ viết cho ai.
Vì người đọc luôn sẽ có trải nghiệm khác chúng ta, họ sẽ có phạm vi hiểu biết khác, cách tư duy khác, nên cái đầu tiên là phải viết rõ ràng, chi tiết nhất có thể, để họ có thể dễ dàng đọc và nắm bắt thông tin. Mình phải viết cho họ hiểu đã, đặc biệt là tránh hiểu nhầm ! (cái này vô cùng tai hại luôn đó ạ, dẫn đến một cơ số hệ quả về sau).
Sau đó là đặt mình vào tâm trạng của người đọc nữa. Họ cần sự thấu hiểu, sự sẻ chia, sự động viên ...? Thay vì chỉ đơn giản là viết điều mình muốn truyền đạt, hãy kết hợp với cảm xúc người đọc nữa. Thật vui vì ai đọc thứ gì mình viết mà cảm thấy vui vẻ nè, có động lực hay thêm sức sống, nhỉ ^^.
- Viết như thế nào: Những thông tin gì mà mình muốn đưa vào, cái gì là cốt lõi là điểm nhấn. Thế nào là vừa đủ và khiến cho người đọc thu về mà không bị quá tải. Một sườn ý để đảm bảo không viết sót, viết thiếu hay lan man quả là một điều không thể thiếu.
4. Hay viết không bằng viết hay:
- Có ích: Với mình thôi, hay nó thường gắn liền với việc mang lại giá trị ở một mức nào đó, dù chỉ là một người đọc và cảm thấy họ tìm thấy chút gì đó tích cực chẳng hạn, cũng đủ khiến mình vui vẻ cả ngày rồi.
- Yếu tố cảm xúc: Cảm xúc là một điều cực kì quan trọng. Nếu bài viết của bạn chạm đến cảm xúc của người đọc, thì chắc chắn nó sẽ thu hút hơn gấp gấp nhiều lần những bài viết dài và đằng đẵng ngoài kia. Xúc động, thú vị truyền cảm hứng, gợi hồi ức...bla, bla ...Nó cũng chính là lí do một số quảng cáo rất nổi tiếng, hay các thương hiệu hay kể các câu chuyện. Đã bao giờ bạn đọc được một bài viết như sinh ra cho mình chưa, nhất là các bạn thất tình í, đọc đâu cũng thấy mình ở trong câu chuyện ấy vậy.
- Câu hỏi vì sao lại thế: Có một điều mình học được là thường người ta sẽ thu hút bởi những lời giải thích tại sao lại thế, vì sao như này. Việc đó cũng dẫn tới bài viết của mình có nhiều thông tin khiến họ tò mò và rất muốn trải nghiệm.
- Cao trào: Như ở trên, việc nắm được điểm chốt và đẩy nhấn nhá vào đó khiến bài viết sẽ có chất lượng hơn hẳn. Nhịp tim thi thoảng nhói lên để biết mình còn sống, bài hát có đoạn điệp khúc, biến cố khiến cuộc đời thêm thú vị, kiểu như thế.
- Kĩ thuật đẩy cảm xúc lên : Có một số kĩ thuật giúp việc viết của bạn đẩy được yếu tố cảm xúc của người đọc lên, ví dụ đơn giản là một dấu chấm than: " Anh yêu em." và " Anh yêu em!". Hay "Anh muốn ghét em lắm, nhưng anh không ngừng được việc yêu em". Thú thực là với mình nó sến rện nhưng tạo hiệu quả cảm xúc thì không phải nói, mặc dù rất đơn giản. Bạn có thể tham khảo thêm trong cuốn "Nghệ thuật truyền đạt" nhé, tuy nhiên là cần luyện tập để sử dụng thông minh và có sự tiết chế.
5. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (khi viết):
- Hóa thân: Có một niềm vui khi viết của mình là đóng giả các nhân vật trong một số bài viết, nó mang lại sự gần gũi và nhiều cảm xúc hơn nữa.
- Biết ơn và hạnh phúc: Được viết và viết được, nó luôn là một niềm vui cực lớn. Người đọc cũng sẽ cảm nhận điều đó qua những con chữ vì năng lượng bạn tạo ra. Nhất là bạn xem viết lách là một thú vui nữa, khi mà bạn yêu thương nó và trân trọng nó, chắc chắn nó sẽ mang đến những điều bất ngờ thú vị luôn đó. Và bạn có bao giờ thấy một ai đó viết lách rất thú vị hem? Mình có!
6. Luyện, luyện nữa, luyện mãi (Trích Nê-lin)
Mình bắt đầu bằng việc viết về các chủ đề mình thích, như một cuốn sách mình đọc trong tuần, hay một bộ phim, hay sản phẩm... Đầu tiên chỉ đơn giản là tóm tắt, miêu tả lại nội dung hay diễn biến. Sau đó nâng lên chọn điểm mình thích nhất, rồi đứng từ góc nhìn của một nhân vật... Rồi liên kết nhiều tác phẩm, so sánh, nêu lên quan điểm của mình ... Và đang nghiên cứu thêm các khía cạnh khác nữa... Việc viết trên Spiderum cũng là cơ hội rất tốt để tớ được viết, và đánh giá xem những bài viết của mình có tiến bộ hơn không, có đa dạng hơn nữa không.
Public bài viết giúp mình tử tế hơn, trau chuốt hơn và có cái nhìn khá khách quan về việc mình viết nữa, chứ không í, mình cứ hay bị tưởng mình viết hay lắm á =)))
Ngoài việc thử sức thêm nhiều chủ đề khác, thì luôn dành thời gian review và đọc, viết lại những bài cũ. Mình vẫn tin là mình vẫn có thể viết tốt hơn, như việc đơn giản lúc đổi khía cạnh tiếp cận với việc viết thu hút.
Viết, viết, viết không ngừng. Viết mới, viết đi viết lại, viết tái viết hồi. Mình tin là như vậy, chắc chắn bạn sẽ tìm được chìa khóa để có một bài viết hay. Vì không có một bí quyết nào cụ thể hay khóa học 10 ngày để viết ra tác phẩm đi cùng năm tháng đâu :v
Với lại ý, có lúc viết hay, có lúc viết đỡ hay tí, thì vẫn viết tiếp nhé, vì mình tin chắc bạn sẽ viết hay hơn hơn nữa rất nhiều đó.
Vậy đó, dạo này bớt xàm việc viết tác phẩm rúng động, chăm viết và viết có ý thức hơn. Cảm thấy rất chi là vui vẻ. Chúng mình cùng cố gắng nha.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất