– cách khiến bạn có động lực lên lớp môn Văn / đính kèm các môn ban Xã hội
cái ảnh không phải ĐÈO NGANG đâu nhưng mình lười tìm lại ảnh quá :)
Có một sự thật không phải ai cũng biết, các môn học trong chương trình phổ thông đều có liên kết với nhau.  Và bạn hoàn toàn có thể sử dụng sự liên kết này để ghi nhớ bài học một cách tốt hơn khi biết cách đặt thành một nhóm.
Lấy ví dụ về nhóm môn Xã hội : Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Hội họa với tác phẩm Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan.
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.*
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.                                    
Cách để liên kết các kiến thức này với nhau, chính là việc bạn đặt ra các câu hỏi nhằm ghi nhớ thông tin một cách chính xác, cụ thể và lâu hơn.
Dưới góc độ Ngữ Văn, có ba câu hỏi cơ bản bạn cần để nắm bắt 1 tác phẩm văn học : 
- Tên tác phẩm/tác giả
- Hoàn cảnh sáng tác/ thể thơ 
- Phân tích tác phẩm
Phần tên tác phẩm và tác giả thì cái này phải biết, miễn bàn. Qua đến hoàn cảnh sáng tác và phân tích tác phẩm, có vài ý bạn có thể đặt ra.
Nơi cụ thể mà tác giả nhắc đến trong bài ? Đèo Ngang
(môn Địa lý)
Đó là địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình thuộc miền Trung, cũng là một nhánh của dãy Trường Sơn hướng về phía biển Đông, có chiều dài chỉ khoảng 6km.Từ Đèo Ngang nhìn ra được dãy Hoành Sơn, vịnh Hòn La do địa hình thông thoáng, núi non trù phú. Đây cũng là con đường quan trọng trong giao thông đường bộ, một chốt hiểm yếu trên con đường thiên lý bắc – nam.
Vì sao nó lại quan trọng đến vậy ?
Bởi địa hình ở vị trí cao, hàng năm Việt Nam hứng nhiều cơn bão, phần lớn ở các tỉnh miền Trung.
Nói cách khác, miền Trung là nơi có thời tiết khắc nghiệt khi phải hứng chịu gió phơn Tây Nam. Gió này mang hơi ẩm nhiều (do đi qua biển Ấn Độ Dương), nên thường gây ra mưa. Do bị gió phơn ảnh hưởng, nên khi bão hình thành ở biển Đông, sẽ bị gió đẩy lên trên phía bắc. Càng về các tháng sau gió càng yếu nên bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung.
Với vị thế cao hơn đồng bằng và mặt nước biển, Đèo Ngang trở thành con đường trọng yếu trong việc lưu thông kinh tế, vận chuyển buôn bán cũng như hỗ trợ cứu tế cho bà con nhân dân.
(môn Lịch sử)
Ngoài ra, đèo Ngang còn có giá trị lịch sử quan trọng, nơi đây đã từng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa.
Theo sử cũ thì đường thông qua Đèo Ngang đã có 1000 năm nay, từ thời vua Lê Đại Hành (980 – 1005) nhưng phải đến 500 năm sau thì Hoành Sơn – Đèo Ngang mới được biết đến nhiều và trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong. Từ thời vua Lâm ấp đã cho xây luỹ để chống giữ quân Tấn và đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại một lần nữa xây dựng hệ thống đồn luỹ ở đây, gọi là luỹ Đèo Ngang hay luỹ ông Ninh. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.
Bài thơ được viết giữa thế kỉ 19, trên đường bà Huyện Thanh Quan đến kinh đô Huế thời Nguyễn nhận chức Cung trung giáo tập (giáo dục lễ nghi trong cung). Nỗi nhớ nước của bà cũng khắc họa nỗi nhớ quê hương khi vào tiến cung nghĩa là mất đi sự tự do, phải tuân thủ điều lệ trong cung vua.
Phân tích tác phẩm dựa trên yếu tố nào
(môn Văn)
Thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật :
  • Thất (số 7) + Ngôn (ngôn từ, câu nói) => 7 chữ cho 1 câu
  • Bát (số 8) + Cú => 8 câu trong 1 bài
  • Đường Luật : luật thơ được sử dụng dưới thời Đường ở bên Trung Quốc. Đây cũng là thời kì thịnh vượng của các dòng thơ khác, ảnh hướng phong cách đến các nhà thơ lớn khác Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, … bên cạnh thể loại thơ lục bát truyền thống của Việt Nam.
Chim hay xuất hiện trong thơ ca xưa :
  • Quốc quốc => con chim quốc
  • Gia gia => tiếng kêu của chim giá cô (đa đa)
(Hội họa)
Bài thơ bắt nguồn cảm hứng cả với hội họa cổ, với hình ảnh núi non hùng vĩ, điểm xuyến gần là hình ảnh cỏ cây, hoa lá. Và một trong những điểm đặc biệt của tranh thiên nhiên cổ đại là sự hài hòa cũng như đối lập giữa con người với thiên nhiên. Tranh cổ đại về phong cảnh luôn có hai điểm mấu chốn : vẻ đẹp thiên nhiên (Ba chữ : trời, non, nước) và sự xuất hiện của con người. Mặt trời lúc hoàng hôn, núi non cao vời vợi, sông nước uyển chuyển gợn sống. Hình ảnh tựa trưng cho sự xuất hiện của con người, tạo điểm nhấn như ngôi nhà, câu cầu hay hình ảnh tiều phu, người đánh cá.
Với bà Huyện Thanh Quan, con người luôn hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, cụ thể là anh tiều phu với hình ảnh lao động chân quý ; nhưng cũng đối lập, khi bản thân nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Kể ra với môn văn học còn cần phải phân tích nhiều hơn. Ví dụ như phân tích « bổ dọc » hay « bổ ngang » bài thơ, cách viết mở bài gián tiếp hay trực tiếp, cách viết khuyến phần chủ ngữ sao cho không bị sai ngữ pháp, bla bla. Nhưng hiện tại mình mới đang tìm hiểu cách tiếp cận trực quan, trên bề nổi, nhanh và gọn chứ chưa có các giải pháp về kĩ thuật viết cụ thể hơn nên kể ra phần văn học vẫn còn thiếu khá nhiều.
Mình đang tập tành viết thử một cái seri về các bài trong sách giáo khoa môn văn nên còn khá nhiều cái hạn chế mà mình cần khắc phục do một số kiến thức ngày xưa rơi rụng nhiều sau khi mình tốt nghiệp cấp ba. Haizz, mới đó cũng được gần 3 năm rồi…
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn bài viết :