"Điểm mạnh của em là gì" có thể không phải là câu hỏi lạ lẫm, trong các cuộc tuyển dụng, trong cách sách self-help, trên truyền thông. Sản phẩm có điểm cạnh tranh duy nhất (unique selling point) là gì, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp là gì? Tại sao chúng ta phải quan tâm tới thế mạnh của bản thân, của sản phẩm, của doanh nghiệp. Vì chúng ta đang trao đổi giá trị, và có rất nhiều người cũng cung cấp giá trị, tại sao chúng tôi cần chọn một người có giá trị như bạn? Thế mạnh của sản phẩm, của doanh nghiệp là điều giúp khách hàng tìm đến doanh nghiệp. Tương tự như chúng ta, thế mạnh là điều tạo nên giá trị của chúng ta, và giúp chúng ta thu hút những người cần giá trị đó - nhà tuyển dụng, khách hàng, user, người yêu.

Sự khác biệt của thế mạnh và kĩ năng

Blogger Taylor Pearson đã đưa ra một góc nhìn rất sâu sắc về sự khác biệt này. Pearson cho rằng, skills là những gì do bên ngoài định nghĩa: là những môn học ở trường học - vật lý, marketing, lập trình. Còn thế mạnh (strengths) là những gì thuộc về nội tại của bạn - là những điều bạn hiểu về cuộc sống mà có thể áp dụng thông qua nhiều kĩ năng bên ngoài.
Pearson lấy ví dụ từ chính bản thân anh, 3 kĩ năng anh nghĩ anh có thể nằm trong top 25% của thị trường là marketing, operations và writing. Nhưng điều khiến anh ấy thành công là khả năng thấu hiểu bối cảnh (contextualization) hơn phần lớn marketers. Khi một chiến dịch quảng cáo come out, Pearson có thể hiểu tại sao và cách nào mà chiến dịch đó thành công.
Cách nhìn của Pearson thực sự làm mình suy nghĩ. Skills có thể học được, và ngày càng dễ dàng hơn khi Internet giúp chúng ta gần như không có giới hạn về tài liệu học tập (nếu bạn có thể kết nối Internet). Strengths là những thứ thuộc về cá nhân, rất khó bắt chước. 1 người anh trong ngành mà mình rất quý trọng đã nói thế này với mình về con đường phát triển Product Management: Cần xây dựng màu sắc của mình, mang tính cách của mình vào sản phẩm để em luôn có một dấu ấn khiến người ta nhớ tới em lúc cần.

Sức mạnh của thế mạnh

Với mình, thế mạnh chính là unfair advantage - lợi thế bất công của bản thân. Nó có thể là điều kiện ngoại cảnh (môi trường), hoặc là tính cách, năng lực của riêng bạn. Bạn có thấy có mình có một năng lực, tính cách nào đó mà rất dễ dàng với cá nhân mình, nhưng là khó khăn, hay amazing với người khác không? Mình rất thích viết, viết đến với mình một cách rất tự nhiên - viết nhật kí, viết thư cho người khác, viết thư gửi cho bản thân, viết review về những điều trong cuộc sống. Không phóng đại, những điều mình đạt được phần lớn nhờ việc viết để thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Nhưng ngược lại với rất nhiều người, viết rất khó khăn. Mình cho rằng, đó chính là unfair advantage mà mình có được.
Unfair advantage rất có ích không chỉ cho cá nhân, mà còn đối với một quốc gia. Quyển sách "Những tù nhân của địa lý" của Tim Marshall đã làm nổi bật ý này. Những quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi: hệ thống sông ngòi thuận tiện thương mại, đất bằng phẳng, màu mỡ, hoặc địa hình được bảo vệ bởi dãy núi hùng vĩ hay sa mạc là những lớp áo chắn tự nhiên trước sự dòm ngó của các nước láng giềng. Có thể kể đến Mỹ với hệ thống sông Mississipi dễ điều khiển thuận lợi giao thương, vùng đồng bằng rộng lớn, một lãnh thổ "bất khả xâm phạm" với ranh giới giáp với Mexico bị ngăn cách bởi sa mạc, đồng thời, ngăn cách với hầu hết các nước lớn mạnh ở châu Âu hay châu Á bởi 2 đại đương.
Những điều đến với bạn một cách tự nhiên cũng sẽ ở lại với bạn lâu hơn những người khác. Vì chúng vốn dĩ ở trong mình, nên mình rất có khả năng sẽ duy trì, yêu thích điều ấy nhiều hơn những người khác, và làm giỏi hơn những người khác. Duy trì một thứ đều đặn sẽ giúp mình trở thành người hiểu biết trong lĩnh vực đó. Có thể kể tới rất nhiều blogger nổi tiếng với một thế mạnh, nỗi ám ảnh của chính họ mà họ duy trì viết về nó, nghĩ về nó trong một khoảng thời gian dài. Đó là James Clear, tác giả của Atomic habits, với việc xây dựng thói quen. Tuấn Mon, tác giả của Many One Percents với 2 năm viết liên tục về năng suất và niềm đam mê công nghệ. Akwaaba, Tùng viết 3 năm liên tục về giáo dục.
Chúng ta luôn cần giữ trí tò mò trong cuộc sống. Và mỗi chúng ta tò mò về những điều khác nhau. Chính sự tò mò của riêng chúng ta mới giúp chúng ta đi xa và bền hơn những người khác. Vì có thể, chỉ chúng ta mới đam mê những điều đó đến như vậy. Mình không thể bắt chước Tuấn Mon vì mình không tò mò về năng suất như Tuấn.

Làm cách nào để nuôi dưỡng thế mạnh?

Tìm kiếm không ngừng nghỉ - một vấn đề triết học.

Việc tìm hiểu và xây dựng thế mạnh sẽ đi song song với nhau. Thế mạnh có thể được mình xây dựng có chủ đích, hoặc có được nhờ môi trường. Mình có thể target một vài skill để phát triển, và đó nên là những transferable skills (task management, teamwork, leadership,...). Những kĩ năng này có thể đã từng tồn tại trong bạn, có thể chưa từng, mà bạn chỉ có thể nhận thức được khi nhìn kĩ vào bản thân mình để xem mình còn yếu gì, mạnh gì, tại sao mình chưa làm được.
Review bản thân liên tục là một trong số những điểm mình làm không biết chán, và có thể cũng là thế mạnh của mình đó. Mình từng là một người rất rụt rè, khó kết bạn, thiếu tự tin hồi cấp 3. Nhưng nhờ nhìn sâu vào quá khứ, mình nhớ lại khoảng thời gian mình là một đứa trẻ tinh nghịch, dẫn đầu nhóm chơi bời để bày trò. Mình nhận ra, có vẻ being a leader vốn dĩ từng tồn tại trong mình, nhưng vì môi trường đã khiến nó bị ẩn lấp. Mình cũng nhận ra rằng, sự vui vẻ, hài hước và cởi mở khi trò chuyện với mọi người đã từng là sợi dây gắn kết mình và những người khác. Nhờ nhận ra những điều đã từng tồn tại trong con người mình như thế, mình có niềm tin sơ khởi là mình có thể trở thành một leader khi biết kết nối với người khác nhờ sự vui vẻ và cởi mở tự nhiên. Mượn lời của Steve Jobs để thể hiện niềm tin sâu sắc của mình về self-reflection:
You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something — your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life.
Reflect bản thân để nhận ra những điểm lợi thế từ môi trường sống của mình. Đó là những tính cách được xây dựng từ môi trường, từ những người thân cận như bố mẹ, thầy cô, vì khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta ảnh hưởng rất nhiều từ những người xung quanh. Tác giả của "Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác", Lư Tô Vỹ, đã từng mắc bệnh viêm màng não, may mắn giữ được mạng sống, nhưng đánh mất gần như hoàn toàn khả năng tập trung học tập. Nhờ tình yêu thương của gia đình, sự động viên của cha mẹ, và những dạy bảo về tính cách - giá trị của nỗ lực, kiên trì, niềm tin vào bản thân, và sự tiến bộ hàng ngày, ông đã đỗ Đại học sau 7 năm cố gắng, đã trở thành tác giả của hàng trăm nghiên cứu khoa học. Đó là những may mắn vô cùng lớn.
Điều thứ hai luôn luôn phải nhớ: chỉ có bản thân mình mới trả lời cặn kẽ được câu hỏi mình là người như thế nào. Tại sao lại vậy? Nhìn sâu vào bản thân mình là một phạm trù mang tính triết học. Phật giáo chỉ rằng: khi con người nghe Phật pháp, con người mới chỉ là biết về những trải nghiệm của người khác. Con người chỉ thực sự thẩm thấu khi chính họ trải qua nỗi đau, nỗi khổ. "Muôn kiếp nhân sinh" cũng từng viết: Khác với khoa học, triết học là một trải nghiệm tinh thần, xảy ra với từng cá nhân: có người cảm nhận kiểu này, có người cảm nhận kiểu khác.
Nhìn sâu vào bản thân mình là một phạm trù mang tính triết học. (Photo by Allan Mas on <a rel="nofollow" href="https://www.pexels.com/photo/child-drawing-picture-on-concrete-block-in-grassy-yard-5623752/">Pexels.com</a>)
Nhìn sâu vào bản thân mình là một phạm trù mang tính triết học. (Photo by Allan Mas on Pexels.com)

Ứng dụng thế mạnh về tính cách vào công việc.

Tại sao nên ứng dụng trong công việc? Chúng ta dành nửa cuộc đời để làm việc, cống hiến. Công việc cũng là công cụ để chúng ta bán giá trị của mình, cũng như mang giá trị của mình phục vụ cộng đồng. Nếu những thế mạnh cá nhân của chúng ta được apply trong công việc, điều ấy sẽ vừa thuận với cá tính của chúng ta, vừa mang lại điểm khác biệt cho công việc chúng ta làm, vậy tại sao không?
James Clear đã từng viết trong "Atomic habits", thói quen cần align với bản sắc (identity) của chúng ta. Muốn tập gym đều đặn, chúng ta muốn là một người tôn trọng sức khỏe. Muốn rèn kĩ năng viết, chúng ta nghĩ mình là nhà văn. Hãy để identity của chúng ta ảnh hưởng tới những điều chúng ta muốn xây dựng.
Tính cách, niềm yêu thích của bạn có thể nhanh chóng, trực tiếp chuyển hóa vào trong công việc, như khả năng vẽ và óc nghệ thuật có thể rất hữu ích khi thiết kế trải nghiệm người dùng và tương tác ứng dụng (UX/UI), khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác có thể giúp bạn trở thành 1 Product Manager xuất sắc. Nhưng có thể, chúng là những điều cần một thời gian dài để chứng minh sự hữu ích của mình. Khi đi phỏng vấn tuyển dụng, hẳn kĩ năng tiếng Anh sẽ dễ hình dung hơn năng lực về Toán học?
Mình không biết niềm yêu thích lịch sử và triết học có thể ứng dụng trong công việc hay không. Điều khiến mình tin tưởng vào lịch sử và triết học là, chúng ta cần một niềm tin và hệ tư tưởng dẫn dắt và hành động. Lư Tô Vỹ từng là người đọc rất nhiều sách văn học, triết học, và qua những quyển sách, ông dần xây dựng ước mong trở thành nhà giáo dục để thay đổi tư tưởng. Dù ông không theo đuổi lĩnh vực triết học, nhưng những gì triết học mang lại cho ông là một nhân sinh quan vững vàng để theo đuổi trong suốt cuộc đời.

Hành động đều đặn.

Hành động nói lên con người của mình. Quan điểm của Derek Sivers, tác giả của "Hell Yeah Or No" rất chí lí: nếu thích việc đó tới vậy, người ta ắt hẳn sẽ hành động để thực hiện điều đó. Tác giả chia sẻ một câu chuyện của người bạn: "You’ve been talking about this new company idea since 2008, but never launched it. Looking at your actions, and knowing you, I’d say that you don’t really want to start another company. You actually prefer the simple life you have now, focused on learning, writing, and playing with your kid. No matter what you say, your actions reveal the truth.”. Câu chuyện này làm mình nhớ tới những người bạn nói nghỉ việc nhưng vẫn làm việc ở đó 2 3 năm nữa của chúng ta.
Hãy làm những gì chúng ta muốn một cách đều đặn để ngày ngày tiến bộ thêm một chút, để dần tiến gần hơn tới identity mà chúng ta mong muốn. Theo mình, đó là sự khác biệt giữa người được sống cuộc sống mình mơ ước và người luôn mơ ước cuộc sống đáng sống. Grit - sự kiên trì, sự bền bỉ là lời cam kết của chúng ta dành cho chính identity của chúng ta, dành cho những ước mơ, hoài bão, và tấm lòng của chúng ta với cuộc sống.

Kết

Là người trăn trở và luôn luôn nhìn sâu vào bản thân mình, mình đã phát hiện rất nhiều điểm thú vị, riêng biệt của cá nhân. Đó có thể là tính cách, là thiên hướng, là mong muốn, là hoài bão. Nó có thể chỉ là những điều bình dị, như việc mình không thích ăn thịt mỡ, ăn rất nhiều rau xanh, đến những điều sâu sắc như mình thích đọc thể loại sách kiểu gì, và bị thu hút bởi mẫu người như thế nào. Cảm thấy dễ lựa chọn những gì phù hợp với bản thân mình, phát triển nó tốt nhất có thể, trong một thế giới hộn đỗn nhiều thông tin, với mình, là một điều rất ý nghĩa.