“Ừ nhà văn nói láo, nhà báo nói phét, ừ chúng tôi bốc phét. Nhỏ không học lớn làm báo chí nhưng mà nhỏ anh chị học lớn anh chị vẫn đọc báo.” 
“Để mà truy vấn đến cùng một nhà báo rằng ‘ông đã viết sai sự thật’ là… khó đấy!”
Trong số podcast tuần này, chúng mình may mắn được gặp gỡ nhà báo Gia Hiền, may mắn hơn nữa anh Hiền lại dẫn theo một người bạn khác - anh Đéo Hiền - để cùng trao đổi với chúng ta những câu chuyện xoay quanh nghề Báo, một ngành nghề được rất nhiều các bạn quan tâm và gửi câu hỏi về.
Anh Hiền Khởi nghiệp và trải qua nhiều nấc thang công việc khác nhau tại Đài truyền hình Việt Nam, QPVN. Anh cũng là một trong những cây viết chủ lực trên mục Góc nhìn của báo điện tử VnExpress, một ngòi bút phê bình sắc sảo các khía cạnh trong đời sống.
Những định kiến về nghề Báo sẽ được giải thích thế nào dưới góc nhìn của người trong nghề? Tâm thế nào các bạn trẻ cần chuẩn bị để bước vào “thế giới ồn ào” này? Cùng host Nga Levi tìm hiểu nhé. 
Nga Levi: Đầu tiên, em muốn hỏi anh một câu hỏi, vì em có vinh dự biết anh khá là lâu, đó là anh Gia Hiền nghĩ mình là ai trong số ba nhân cách sau đây: Thứ nhất là Nhà báo Phạm Gia Hiền với hơn 20 năm kinh nghiệm, thứ hai là một nhà phê bình xã hội với cái tên Đéo Hiền, và thứ ba là một người lớn vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình trưởng thành. Anh là ai trong những nhân cách này?
Gia Hiền: Việc em đặt ra ba nhân cách đó đã cho thấy góc nhìn của em về anh rồi. Thôi thì cứ ghi nhận anh như thế. Chắc là chỉ có hai thôi, Phạm Gia Hiền và Đéo Hiền thôi chứ còn tôn chỉ khi viết báo hay phần người đang loay hoay để thích hợp với tuổi già thì anh nghĩ anh sẽ đối mặt với chuyện đấy suốt đời. 
Một lần anh đến nhà một người bạn rất thân của anh, bạn ấy có một con gái năm nay lên lớp 12. Bạn ấy mới nói người con có một người bạn tưởng tượng và nói chuyện với người bạn đó thường xuyên. Gia đình hơi lo lắng về chuyện đấy. Anh mới bảo không, thế này bình thường mà, tôi có đứa bạn như thế từ bé. Trong những ngày tháng mình chui dưới gầm bàn để ngủ, để trốn đòn roi hay trốn sự cô đơn của mình thì thật sự nó đã mọc ra người bạn khác, người bạn đấy xuất hiện theo dạng một nhân cách đối lập với con người thông thường của anh. Người bạn đó cho mình năng lượng mạnh mẽ hơn, thường là năng lượng phản kháng. Cho đến một ngày, khi chơi Facebook, anh mới nhận thấy sự phẫn nộ, sự suy nghĩ ngược lại với những vấn đề mình đang tư duy mạnh đến mức anh nhận thấy người bạn năm xưa đang quay trở lại và có sự thôi thúc chấp nhận nó khiến anh cho anh làm người bạn đó thật sự xuất hiện. 
Lúc đấy thì nghịch thôi, lấy chữ Đéo Hiền bởi vì mọi người hay gọi mình là Gia Hiền, đúng nghĩa gia đình mong muốn là hiền lành thật. Phủ định của hiền lành là không hiền lành và phủ định quyết liệt của không hiền lành là đéo hiền lành. Cái tên đấy hơi thiệt hại một tí vì cái nhân cách đấy hóa ra khá thú vị và khá đông follow. Bây giờ khi các agency book quảng cáo bảo anh đổi tên đi vì em không thể viết hợp đồng với KOL tên Đéo hiền được, anh có thể tên méo hiền, ứ hiền chẳng hạn. Vì vậy nên dù có mấy trăm nghìn follow anh vẫn chưa ký được quảng cáo nào, chỉ quảng cáo giúp bạn bè thôi. Đôi khi anh đã cân nhắc đến việc đổi tên nhưng thôi, mình đã có một cánh cửa kiếm tiền trên Facebook của mình rồi nên nếu mình tận thu cái kia thì đó không phải là sự phản bội cộng đồng mà là phản bội chính mình. Thành ra nó là một nhân cách độc lập khác được sinh ra một cách dân chủ đấy. Việc thừa nhận chính mình với tất cả các khía cạnh có thể cũng là một dấu hiệu của sự trưởng thành. 
Nga Levi: Có một điều em nhận thấy là các anh chị nhà báo mà em ngưỡng mộ, trân trọng trong làng báo đều là những người có góc nhìn, quan điểm riêng. Anh nghĩ thế nào về điều này, báo chí là thông tin trung thực khách quan hay còn là quan điểm hay là cả hai? 
Gia Hiền: Khi các phóng viên ra hiện trường lấy thông tin và thể hiện nó thành sản phẩm thì họ đang làm gì, họ đang kể chuyện. Dù đó là một cái tin ngắn, hay đó là một bài phóng sự dài, hay một bài phóng sự nhiều kỳ thì họ đang luôn luôn làm một việc, đó là họ đang kể chuyện. Có những người kể ngắn gọn, ra chơ mua 2 lạng rau, 2 lạng ớt, thịt nhưng có người sẽ kể hôm nay tôi mua ớt ra làm sao, thái độ bà bán thịt,.. Cái việc kể như thế nào thì nó là hình thức kể chuyện còn bản chất tất cả mọi người đều đang kể chuyện. Với một người kể chuyện thì điều gì quan trọng nhất? Đó là sự quan sát chi tiết, việc sử dụng, thu nhận và cung cấp thông tin. Bạn đến thị trường, bạn tiếp cận với một câu chuyện, một sự kiện, một nhân chứng, một câu chuyện gì đấy bất kỳ mà bạn không lấy được thông tin chi tiết về câu chuyện thì cái thứ mà bạn kể lại nó sẽ bị nhạt nhẽo. 
Về cơ bản, điều đầu tiên các nhà báo đều phải làm là thu nhận thông tin càng chi tiết càng tốt để tạo nên câu chuyện, đó là nguyên liệu. Nhưng đâu phải đầu bếp nào với các nguyên liệu cũng tạo đồ ăn ngon đâu, như món rau muống xào tỏi, dù có công thức hẳn hoi, mỗi ông làm khác hẳn nhau. Vậy đó là gì? Đó là cái tôi của người làm báo. Các bạn có thể gọi đó là quan điểm nhưng trong tư duy của báo chí hiện đại, việc người viết thể hiện quan điểm luôn luôn phải tiết chế. Còn nếu anh xem việc quan điểm của mình là lớn, là điều quan trọng thì có những loại hình báo chí riêng cho việc nhấn mạnh rằng đây là quan điểm của người viết. Có nghĩa là yếu tố thông tin hay bản chất câu chuyện nó đứng xuống hàng số hai còn quan điểm, vị thế hay sự hiểu biết, phân tích của người viết mới xếp hàng thứ nhất. Có loại hình báo chí riêng cho thứ đấy, chẳng hạn những mục có tên người viết, Góc nhìn, Kính đa tròng, sự kiện và bình luận,...
Còn lại với các sản phẩm báo chí thông thường, người ta sẽ không đánh giá cao cái việc cái tôi của nhà báo quá lớn ở trong đó. Cái tôi nếu có thì chỉ là ghi nhận chi tiết, làm sáng bóng chi tiết đó lên và kể câu chuyện một cách hấp dẫn nhất có thể bằng cách của bạn thôi. Đó mới là nhà báo giỏi. Còn nhà báo mà khi xem sản phẩm báo chí luôn thấy cái tôi rất lớn của ông trong đó, ví dụ một nhà báo đưa tin về thiên tai rất lớn như sóng thần, họ có mặt ở đấy chỉ 1-2 ngày sau khi sóng thần qua, để lại thiệt hại về người và của rất lớn. Rất nhiều nhà báo sẽ bị xúc động mạnh với việc thế giới đang lắng nghe tôi để viết câu chuyện này lại và tôi trở nên rất là quan trọng, tôi đang ở đấy, tôi đang lội bùn, tôi đang ngửi thấy mùi xác chết,.. Thực ra thế giới có quan tâm đến việc bạn có mặt ở đấy đâu. Thế giới quan tâm việc  bạn đang kể cho tôi thứ ở đấy. Vậy thì giữa bao nhiêu người còn sống, tôi chọn ai để kể câu chuyện của họ, giữa bao nhiêu thứ đổ nát tôi chọn con búp bê hay một cái ảnh bị cháy xém hay một cái cốc bị vỡ hay một cái gì đấy để tả chi tiết đấy thì đó là lựa chọn của tôi, để làm sao câu chuyện được sáng bóng. Đó là trả lời cho câu hỏi về việc cái tôi nhà báo đặt ở đâu. 
Nga Levi: Em nghĩ nghề báo là nghề nhận được rất nhiều đánh giá, ý kiến trái chiều từ xã hội. Chắc anh cũng nghe câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét” hay “nhỏ không học, lớn làm nhà báo”. Anh nghĩ sao về những định kiến ấy với nghề báo chí?
Gia Hiền: Bản thân nghề báo đã là một nghề mà về cơ bản rất ít khi nó sai. Làm một nghề hay làm một kỳ công việc gì mà khả năng phải nhận sai thấp thì đó sẽ là một nghề vừa vô cùng tự do vừa vô cùng tự luyến và vừa vô cùng dễ dẫn đến những sự ngu xuẩn của bản thân. Vì mức điều chỉnh của con người khó lắm. Việc bạn nhận sai là một trong những tiêu chuẩn để bạn trở thành một người tự hoàn thiện. Khả năng bạn nhận sai càng thấp thì chẳng khác gì việc bạn mở một quán cà phê, muốn bán như thế nào thì bán, pha thế nào thì pha, bán cho ai thì bán,.. Nghề báo cũng như vậy. 
Như anh đã nói thì khi đối mặt với một sự kiện, nhân chứng, nhân vật, một người sẽ có cách đánh bóng thông tin khác nhau. Để truy vấn đến cùng một nhà báo là ông đã viết sai sự thật là khó đấy, là khá là khó. Vì có nhiều thủ pháp để nhìn một sự việc. Chẳng hạn nhìn vào những con số thống kê thôi thì một báo cáo tài chính cuối năm của một doanh nghiệp, nó luôn luôn có phần được và phần chưa được. Ông muốn đánh giá doanh nghiệp làm ăn được thì nhìn vào phần được, còn nếu ông muốn doanh nghiệp chết thì nhìn vào điểm chưa được. Hoặc đặt những giá trị cạnh nhau để nói những việc chẳng liên quan. Có 1 một câu kinh điển bọn anh vẫn hay đùa nhau là tỷ lệ người chết đuối vào mùa hè tỷ lệ thuận với số kem bán ra. Nó đúng mà, và nó cũng rất mất dạy. Thế thì có vô vàn thủ thuật khiến cho nghề báo trở thành một nghề rất khó để nói là sai, và đó chính là điểm mấu chốt khiến cho nhiều người làm báo có hình ảnh xấu trong mắt công chúng. 
Vì công chúng bực bội với việc mình bị dắt mũi, các bạn có nhớ năm 2008 có sự kiện nước mắm công nghiệp tấn công nước mắm truyền thống, có doanh nghiệp đứng đằng sau gì đấy. Lần đấy dư luận sôi lên với việc các nước mắm công nghiệp tấn công, bôi bẩn nước mắm truyền thông thế nhưng theo thống kê  truyền thông mạng xã hội cuối năm, có đến hơn 30% dư luận bức xúc vì bị truyền thông dắt mũi, lại tiếp tục hơn 30% khác tức giận vì xem đấy là sự lừa dối của doanh nghiệp. Tổng lại cho hai sự tức giận đấy là khoảng 70%, chỉ có khoảng hơn 20% là ủng hộ cho nước mắm truyền thống thôi. Chúng ta cứ nghĩ dư luận sẽ đứng về phía chính nghĩa nhưng phía chính nghĩa chỉ có hơn 15% thôi. Đó là lý do cơ bản vì sao dư luận bức xúc với báo chí, bức xúc với việc bị dắt mũi và bức xúc không thể hạ gục bọn này được. Bởi vì bản chất của báo chí khác với mạng xã hội ở chỗ nó là truyền thông một chiều, bạn đọc tin tức, cái đúng cái hay bạn có thể vỗ đùi, đọc tiếp. Nhưng cái sai, cái chối, bạn không thể làm gì nó được. Bạn không thể lên báo hàng ngày để chửi ông thư ký biên tập, tòa soạn nhà báo để chửi được. Bạn có chửi chăng nữa thì cũng có hàng trăm, hàng nghìn vạn người đang xem rồi. Thứ mà khiến cho dư luận bức xúc bởi vì đúng là truyền thông là thứ một chiều và người tiếp nhận nằm ở cuối của chuỗi thức ăn đấy. 
Và vì thế nó dẫn đến một thứ thú vị trong thập kỷ qua, đó là sự lên ngôi của mạng xã hội, đó là khi mọi người có thể tự phản biện, một người có thể trở thành nhà báo, đưa thông tin hay tạo ra những cuộc phản biện, cuộc chiến truyền thông với những nhà báo, tòa báo - thứ mà họ vốn chỉ có thể chấp nhận, thụ hưởng một chiều thôi. Ở Việt Nam chẳng hạn, mạng xã hội đang được sử dụng rất mạnh cho việc phản biện, cãi nhau. Nhưng ở nấc tiếp theo của thứ đấy lại rất thú vị, đó là đến một đoạn nào đấy thì cái việc có quá nhiều các nhà báo, chuyên gia mạng, KOLs,.. khiến cho chính công chúng cảm thấy bị mất cái giá trị của niềm tin, không biết phải tin ai. Và họ chất vấn ngược lại báo chí, cơ quan quản lý, các ông để một bà chửi bới nghệ sĩ thế mà được à, sao để cho việc từ thiện thế này, thế kia, cơ quan quản lý, báo chí đâu. Và họ lại có khuynh hướng tìm lại cái thông tin lõi, thông tin thật, tìm ở đâu? Và một lần nữa, báo chí lại được dung túng. 
Đừng quên một điều là, báo chí là một đội ngũ có chuyên môn, được nuôi, được trả lương và sống bằng lương cho việc khai thác thông tin, kể chuyện. Các ông các bà có thể cãi nhau về nhiều chủ đề nhưng hầu hết đều lấy từ chúng tôi thôi. Có thể là có chuyện này, chuyện kia nhưng hóa ra cuối ngày đều là bốc phét hết. Nói dông dài nhưng quay lại ban đầu thì ừ, nhà văn nói láo nhà báo nói phét, chúng tôi lều báo, nhỏ không học lớn làm báo chí nhưng nhỏ anh chị học, lớn anh chị đọc báo. Nếu anh chị nào bảo nhỏ tôi học lớn tôi không đọc báo thì giơ tay, em xin trân trọng xin lỗi anh chị đấy. Còn nếu anh chị đại học, giáo sư mà vẫn đọc báo thì đừng có cười nói nhỏ không học lớn làm báo, vì khi anh chị nói vậy mà cười thì có nghĩa là anh chị đang vả vào mặt mình. Và tôi đầy đủ trình độ, vị trí xã hội, tôi đang đọc bọn vô học đấy. Hãy cẩn thận việc đánh giá một ai đấy.
Nói vui vậy thôi, hội làm báo tử tế và cố gắng giữ sự tự trọng của mình thì luôn học được cách của Chí Phèo là chúng nó chửi cả làng thì trừ mình ra. Tôi làm báo tử tế thì sợ gì đấy và bình tĩnh và chịu đựng các cuộc công kích. Từ lúc có nghề báo cho đến bây giờ thì điều đó đã trở thành một trong những yêu cầu kiên quyết của cái nghề này rồi. Còn ông vác cái thứ cảm xúc, không phải chỉ của công chúng, mà của nhân vật, câu chuyện anh tiếp xúc về nhà thì khủng khiếp lắm. Hãy tưởng tượng một người làm báo đã đọc biết bao câu chuyện, bao mảnh đời éo le, đưa bao nhiêu người vào tù hoặc kéo họ ra khỏi tù. Nếu ông đem tất cả những thứ đấy về nhà thì ông không ăn nổi bữa cơm đâu. 
Nga Levi: Theo chia sẻ của anh thì em thấy nghề báo có khá nhiều khó khăn, vất vả, phải đưa câu chuyện khách quan trung thực, truyền đạt được bản chất của sự việc với khán giả. Mình còn đôi khi nhận ý kiến trái chiều nữa. Vậy những cái được của nghề báo là gì? 
Gia Hiền: Anh đã làm qua các loại hình báo chí khác nhau thì mỗi loại hình sẽ có đặc thù khác nhau về đặc tính công việc, yêu cầu tiêu chuẩn với nhân sự và cả về thu nhập nữa. Thậm chí những cơ quan báo chí khác nhau của cùng một lĩnh vực báo chí có những yêu cầu báo chí, lợi ích khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, nghề báo là một nghề sống được và trước khi bạn nghĩ đến những lợi ích có thể đặt lên bàn và giấu dưới bàn, bạn hãy nghĩ đến lợi ích hiển nhiên của nó, đó là lợi ích của thông tin. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin là tiền, bạn làm trong một ngành có quá nhiều thông tin, quá nhiều mối quan hệ thì lợi ích sẽ rất nhiều, kể cả bạn có sử dụng việc đấy một cách tốt hay là xấu. Tôi đang nói chuyện với một chủ của trang viết lách và các bạn đang triển khai nội dung trên nhiều platform. Chính các bạn cũng thấy các bạn đang được hưởng lợi nhiều hơn khi các bạn là một hub thông tin. Việc bạn có nhiều thông tin trong thời đại này thì chắc chắn rất là khó nếu bạn không có thu nhập, bạn sử dụng thông tin đó như thế nào thì càng quyết định bạn có thu nhập tốt hay không. 
Trước đây anh làm truyền hình 15 năm, làm việc với nhiều bạn trẻ, và cũng từng tuyển dụng, đào tạo các bạn trẻ mới vào ngành. Top đầu các bạn trẻ nhìn vào nghề truyền hình thì thì top đầu luôn là sự nghiệp hoặc các khái niệm của sự nổi tiếng như lên hình, ảnh hưởng nhiều đến công chúng. Cái thứ hai là thu nhập tốt, cái thứ ba là được đi nhiều. Ba thứ này là ba thứ dễ thấy nhất ở nghề truyền hình nhưng hầu hết các bạn chỉ nhìn nó ở một nửa. 
Sự nổi tiếng, theo quan điểm cá nhân, anh cũng đã nổi tiếng, dẫn mấy năm liền trong VTV và họ hàng quen cũng xôn xao biên tập viên nổi tiếng VTV. Lần đầu anh xuất hiện trong bản tin truyền hình chào buổi sáng, khi đấy mình vào đài độ ba tháng và ông anh bị viêm họng nên ông ấy cho mình đọc nội dung bài điểm báo ấy. Về nhà mình run cả người vì sướng, được nghe giọng mình trên truyền hình mà, sướng lắm, được nổi tiếng rất sướng. Nhưng sau đấy, bạn phải trả lời được câu hỏi, bạn nổi tiếng để làm gì mới được chứ. 
Thứ hai, để có tiền. Tiền của nghề báo, truyền hình thì so với mặt bằng chung thì khá, thậm chí có thể nói là cao. Nhưng so với những sự ràng buộc mà nếu như bạn không yêu cái nghề đấy thì không phải là lựa chọn số một. Và có nhiều người bỏ nghề truyền hình rồi, vì họ nhận ra nghề này không cho họ những cái lựa chọn như họ đã đánh đổi. Quay lại câu chuyện là nhiều bạn nghĩ lên truyền hình nổi tiếng, thu nhập cao, một buổi lên hình cho bản tin đấy thì nó khoảng 500.000 đổ lại. Và bạn phải chuẩn bị mất độ nửa ngày, sau đó thì bạn phải trang điểm, quần áo, chịu nhiều đèn chiếu vào mặt, da bạn bị sạm, nhăn nheo, bạn thức đêm, dậy sớm. Đó vẫn chưa phải là vấn đề, vấn đề là một tuần bạn phải lên dẫn khoảng 5 hoặc 7 buổi, bạn chẳng có bất kỳ kế hoạch gì cho bản thân bạn được đâu. Bạn không thể đi du lịch được, bạn thậm chí sẽ không dự được cuộc vui với gia đình hay những việc quan trọng vì bạn có lịch dẫn, mà lịch dẫn của truyền hình toàn là giờ mọi người vui vẻ, giờ đấy mới xem TV chứ. 
Cuối cùng, đi nhiều, đúng, nhưng bạn hãy hình dung cái lời nguyền của việc đi làm báo và đi du lịch nó khác nhau một trời một vực. Và cái bọn bị dính lời nguyền đó như anh, không còn cuộc du lịch nào thú vị nữa đâu. Bởi vì thay vì chuyện em ngồi ở chỗ này ngắm cảnh, ăn uống, trải nghiệm không khí thì mình chỉ chăm chăm tìm chi tiết, loay hoay nói chuyện với bà chủ quán, phục vụ,.. để tìm xem có câu chuyện gì không và nhận ra mình đang tác nghiệp, và cuộc đi chơi của tôi sẽ không hạnh phúc nếu tôi không cầm điện thoại, máy quay quay, chụp cái gì đấy. Giống như hội bạn của anh đi học nước ngoài về quay phim, đạo diễn, giảng viên bảo rằng các anh chị có thể bước ra khỏi lớp nếu không học môn này, vì tôi nói trước các anh chị sau khóa này sẽ không xem phim như trước nữa. Bởi vì giờ xem phim các anh sẽ nhìn vào góc máy, ánh sáng, bố cục, bối cảnh,... Giống như xem phim đang đấm nhau gần chết thì ông chỉ tính là người quay phim đang phải treo người lên. Ông không còn hạnh phúc của người xem phim thông thường nữa. Làm báo cũng vậy. 
Dù vậy, nghề báo cũng luôn được rất nhiều. Anh may mắn là một thằng làm được nghề này, cho nên nó có sự thú vị là tương tự như khi xem cầu thủ thi đấu, tiền đạo ghi bàn, người dẫn chương trình bảo quả ghi bàn quá khó. Khi bọn anh xem lại thì cũng không thể hiểu nổi sao lại sút được khe hẹp thế. Nhưng mà chỉ người đã làm việc ấy hàng trăm, hàng vạn lần thì mới hiểu rằng may mắn chỉ đến khi em làm việc gì rất là chuyên tâm. Vì anh đã có thời gian khá dài làm chuyên tâm với nghề này, thì tỷ lệ anh gặp may mắn là rất nhiều. Và hầu hết các sản phẩm báo chí của mình, thì thôi cứ bỏ đi một nửa là nhạt nhẽo thì chắc còn 50% mình hài lòng với nó. Nói rằng mình rút ra, hài lòng với gì thì rất khó nói, nhưng mọi người đều có những câu chuyện mà người ta nói là vào cuối ngày, mình vịn vào đó để đứng dậy. 
Có lần anh đến một huyện nghèo ở Nghệ An để làm phóng sự về một cái làng ở giữa Cù Lao - một cái doi đất ăn vào đất liền. Hàng ngày người dân ở đấy đi học, đi làm thì họ phải đi vòng cái đường đấy và nó xa mười mấy km. Lúc đấy thì huyện mới làm cái cầu nối thẳng từ bờ vào Cù Lao. Cầu đấy sau khi làm xong cái dầm cầu rồi thì hết kinh phí, không hoàn thiện cái cầu đấy nữa. Vì đã xong cái dầm cầu rồi nên người ta cũng ngại đi vòng mà vẫn vắt vẻo đi qua. Hình dung là nếu vào mùa nước lớn nó nguy hiểm chứ. Vậy là mình đã có hình họ đi lại, khó khăn của họ, thắc mắc về việc xây dựng cầu và phỏng vấn về chuyện kinh phí, quay được cảnh trụ sở mới rất to sau trụ sở cũ mà trụ sở cũ vẫn còn rất mới. Tất cả đã xong nhưng nó thiếu một chi tiết đắt. Anh nghĩ nếu trời mưa thì tốt quá, nên mình mới bảo với đoàn em muốn có hình trời mưa, thôi thì mình ngủ lại đây để mai về cũng được. Trong lòng anh cũng manh nha đêm mưa nhưng đêm đó không mưa. Sáng hôm sau khi chuẩn bị về thì tự nhiên trời mưa thật và bọn anh quay được cảnh bố cõng con của mình bò qua cái dầm cầu ấy. Phóng sự của anh tên là “Chuyện cây cầu bò” và nó mang về cho anh huy chương vàng của liên hoan truyền hình toàn quốc năm ấy. 
Nhưng anh sẽ không kể câu chuyện này nếu chỉ có thế, mấy năm sau anh nhận được phong bì thư hình chụp cầu đã hoàn thiện rồi. Phía sau tấm ảnh có ghi anh không biết tôi nhưng tôi là người dân ở đây và sau khi phóng sự lên, người ta đã phải làm cầu cho xong. Cảm ơn anh, chúc anh có nhiều sức khỏe để làm các sản phẩm báo chí có ích cho mọi người. Đấy là cái sự tượng thưởng rất lớn cho cá nhân mình trong việc mình đã làm một thứ gì đấy thật sự có ích. Anh nghĩ đa phần những người làm báo đều như anh, có những giải thưởng báo chí lớn nhỏ, về các vấn đề vĩ mô nhưng có lẽ đến cuối ngày mọi người đều sẽ nhớ lại những câu chuyện rất cụ thể về những con người. Từ đó, nhắc nhở những người nhà báo rằng sự tác động của mình đến cộng đồng, xã hội, con người là lớn và không phải lúc nào mình cũng biết được đâu. Nên cố gắng làm báo tử tế.
Lắng nghe đầy đủ những chia sẻ của anh Gia Hiền TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-GiaHien
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast Người Trong Muôn Nghề mới nhất, bạn có thể theo dõi tại:
-  Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions