Thái Lan phát một triệu cây cần sa cho dân
Liệu sẽ là mô hình kinh tế hiệu quả hay một minh chứng thảm họa?
Thái Lan từ 9/6 bắt đầu phát một triệu cây cần sa cho dân trồng tại nhà, với kỳ vọng sẽ tạo cú hích kinh tế, du lịch cho đất nước.
Người dân trên khắp Thái Lan khi có đủ điều kiện sẽ được nhận miễn phí cây cần sa để trồng hợp pháp như một loại "cây trồng mùa vụ tại nhà" phục vụ mục đích y tế.
Đây là một phần trong quy định mới được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul thông qua hồi tháng 2. Quy định mới rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân Thái Lan sử dụng loại cây này cho mục đích y học, với điều kiện chúng không vượt quá 0,2% tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn có trong cần sa).
Nông dân và doanh nghiệp Thái Lan sản xuất cần sa quy mô lớn vẫn phải xin giấy phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại nước này. Chế phẩm từ cần sa chứa hơn 0,2% THC, cũng như cần sa sử dụng cho mục đích giải trí vẫn bị cấm. Bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng cần sa để tiêu khiển sẽ phải chịu các bản án theo quy định của pháp luật.
Đây là động thái hợp pháp hóa cần sa đầu tiên tại châu Á, trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực tìm chỗ đứng trong thị trường thực phẩm, dược phẩm cần sa đang phát triển. Giới chức và các chuyên gia Thái Lan tin rằng chính sách này sẽ giúp đất nước phục hồi kinh tế, du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19.
Người Thái đã sử dụng cần sa trong y học cổ truyền để giảm đau, giảm mệt mỏi từ nhiều thế kỷ.
Thái Lan là quốc gia trồng và sản xuất cần sa lớn trong thập niên 1970-1980, trước khi chính phủ hợp tác với Mỹ tăng cường triệt phá ngành công nghiệp này. Kể từ đó, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia áp dụng chính sách cứng rắn nhất trong ngăn chặn ma túy và bia rượu.
Đến năm 2018, Thái Lan bắt đầu nới lỏng quy định, hợp pháp hóa cần sa phục vụ mục đích nghiên cứu và y tế. Các hạn chế với cây cần sa được nới lỏng dần kể từ đó, với nỗ lực của Phó thủ tướng Anutin, người tin rằng hợp pháp hóa cần sa có kiểm soát sẽ giúp thúc đẩy nông nghiệp và du lịch.
"Quy định mới sẽ giúp người dân và chính phủ Thái Lan thu hơn 289 triệu USD mỗi năm từ cần sa và cây gai dầu", ông nói trong một sự kiện hồi tháng trước.
Giới chức Thái Lan cũng kỳ vọng quy định mới sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch, thu hút mạnh mẽ du khách nước ngoài, góp phần giúp ngành này phục hồi sau đại dịch Covid-19.
"Thái Lan đã làm tốt công tác ứng phó Covid-19, song nền kinh tế vẫn thực sự bị ảnh hưởng", Mark Ritchie, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Quốc tế Thái Lan (ISDSI), cho biết. "Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan bị đình trệ, giảm 6,1% vào năm 2020 và tăng nhẹ 0,8% vào năm 2021".
Carl K Linn, người theo dõi quá trình hợp pháp hóa cần sa ở Thái Lan, cho rằng ngành y tế và chăm sóc sức khỏe ở nước này sẽ tận dụng quy định mới để thu hút các doanh nhân sử dụng sản phẩm cần sa y tế trong các chuyến công tác hoặc du lịch đến Thái Lan.
"Rất nhiều người đến Thái Lan để phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe và răng miệng. Trong những trường hợp này, các sản phẩm cần sa y tế sẽ phát huy vai trò", ông Linn nhận định.
Global Data ước tính sẽ có 27,7 triệu du khách tới Thái Lan vì mục đích y tế hoặc chăm sóc sức khỏe và dự kiến chi cho ngành du lịch sức khỏe tại nước này 2,5 tỷ USD trong năm 2022. Tổng lượng du khách tới nước này năm 2019 là 39,9 triệu người.
Kitty Chopaka, một người kinh doanh cần sa ở Bangkok, cho biết quy định mới nhằm mở đường cho người dân sử dụng rộng rãi cây cần sa trong các sản phẩm như trà hay súp phục vụ mục đích y tế.
"Bạn vẫn có thể phạm luật nếu không có chỉ định hợp pháp của bác sĩ", bà nói. "Bạn chỉ được trồng cần sa tại nhà và sử dụng tùy ý khi đang phải điều trị một số bệnh nhất định".
Khu vực phía bắc Chiang Mai và các khu du lịch biển như Phuket và Pattaya đã xuất hiện một số quán cà phê, spa, nhà hàng cung cấp các sản phẩm được tẩm tinh chất từ cây cần sa.
Ông Ritchie cũng cho rằng việc hợp pháp hóa cần sa có thể giúp ích cho nền kinh tế nông thôn.
"Theo tôi, đây là tin tốt cho ngành nông nghiệp, y tế và các cơ hội kinh doanh khác tại Thái Lan", Thanyapat, chủ quán Ganja Cafe tại khu vực Khaosan nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, nhận xét. Quán cà phê này đã bắt đầu bán các loại đồ uống pha cần sa y tế như nước chanh, nước cọ, nước hoa cúc.
Chokwan Kitty Chopaka, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty tư vấn tập trung vào cần sa Eleised Estate, cho biết hồi tháng 2, Thái Lan có khoảng 20 trung tâm y tế trực thuộc chính phủ cung cấp cần sa phục vụ mục đích y tế, song con số này đã tăng lên hơn 300 cơ sở khi quy định mới có hiệu lực.
Một số tập đoàn lớn của Thái Lan cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp cần sa.
Bước tiếp theo trong quá trình hợp pháp hóa cần sa ở Thái Lan sẽ là cho phép sử dụng sản phẩm này cho mục đích giải trí, nhưng có thể sẽ mất vài năm. Những người ủng hộ hợp pháp hóa rộng rãi cần sa đang để xuất phương án "hộp cát cần sa", tức mở một khu vực hạn chế để cho phép khách hàng sử dụng sản phẩm này cho mục đích giải trí.
Ý tưởng này được cho là có thể thúc đẩy ngành du lịch tại các địa điểm nổi tiếng như Phuket, Krabi hay Koh Samui. Nếu thành công, mô hình này có thể thu hút hàng tỷ USD từ khách du lịch.
Theo giám đốc Ritchie, nhiều nước sẽ theo dõi sát sao quá trình hợp pháp hóa cần sa ở Thái Lan và tác động của nó đối với ngành du lịch cũng như phát triển kinh tế. "Thái Lan sẽ được xem như một ví dụ về tính hiệu quả của chính sách hợp pháp hóa cần sa, hoặc có thể trở thành một thảm họa mà họ lấy đó làm bài học", Ritchie nói.
Đức Trung/VnExpress
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất