Tôi là thầy giáo dạy high school ở Melbourne. Việc học và dạy ở bên này khác rất nhiều so với VN, và vì thế mối quan hệ thầy trò cũng khác. 
How Teachers Can Help Prevent High School Dropouts | Resilient Educator

Văn hóa trường học và lớp học khá bình đẳng, dù vẫn có những phép tắc nhất định. Học trò vẫn phải gọi tôi là Sir, nhưng tôi luôn cố gắng đối xử tôn trọng với các em như một người lớn khi có cơ hội. Mỗi khi có chút thời gian trống, khi các em đã hoàn thành hết mọi việc được giao và chỉ còn vài phút là hết giờ, tôi lại tranh thủ trò chuyện để tạo kết nối với các em. Và với tôi, chính những lúc thả lỏng vị trí làm thầy để tiến gần tới ranh giới làm bạn ấy lại là những lúc tôi cẩn thận và đề phòng nhất với lời nói của mình.
Có RẤT RẤT nhiều điều tôi muốn nói với các em, nhưng tôi lại không thể nói. Ví dụ, tôi rất muốn nói với các em rằng điểm số không nói lên thực lực của các em, và rằng đôi khi mắc sai lầm cũng không sao hết. Nhưng tôi không thể nói bởi tôi sợ rằng các em, những người trẻ còn nhiều nông nổi, thích chơi hơn thích học, sẽ vịn vào những lời đó để buông thả, để học ít đi, để mắc sai lầm vào những bài kiểm tra quan trọng và cho rằng "Thế cũng được". Tôi rất muốn nói với các em rằng chỉ cần các em là những học sinh ngoan ngoãn, không nghịch trong lớp, chú ý lắng nghe thì tôi luôn tạo điều kiện để các em có thể đạt mức Pass trong các bài kiểm tra (Ở đây mức Pass là khi bạn đạt 40% tổng số điểm. Không, tôi không đang nói tới cho phép các em gian lận, mà là nếu các em chỉ thiếu 1 điểm để Pass, thì tôi sẽ cố tìm thêm chỗ nào đó cho em thêm điểm nếu em 'biết điều'). Đương nhiên tôi không thể nói vì sợ các em sẽ ỷ vào đó mà không chịu học. Tôi nhớ có lần một anh sinh viên thực tập tới dạy lớp tôi, trong lúc "thả lỏng" ấy đã kể về việc anh ta đã thử hút cần thế nào vào năm nhất đại học. Mặc dù sau đó anh ta dùng cái đó để khuyên các em không nên hút cần, nhưng sau buổi dạy tôi đã phải nhắc anh ta rằng chia sẻ về những hành vi phạm pháp của mình là điều nghiêm cấm với nghề giáo. Các em sau này rất có thể sẽ thử hút cần vì nghĩ rằng "Thầy mình hút được thì mình hút được". Anh có thể có đủ bản lĩnh và lý trí để kiểm soát hành vi của mình, nhưng lỡ các em sa đà vào cần thì sao? 
Mặc dù không thầy cô giáo nào là hoàn hảo, nhưng bản chất của nghề khiến những người làm giáo như chúng tôi luôn cố gắng giữ hình ảnh bản thân như một tấm gương sáng, một 'role model', bởi chúng tôi hiểu rõ tầm ảnh hưởng của chúng tôi tới lũ trẻ, nhất là với những người thuộc tầm tuổi luôn nghĩ mình biết tuốt. Chính bởi vì non nớt nhưng lại nghĩ mình biết tuốt, nên ngay cả khi bị lèo lái tư tưởng, các em vẫn nghĩ rằng đó là suy nghĩ, quyết định của riêng mình, mình thấy đúng thì mình mới theo. Và đó không hẳn là lỗi của chúng. Rõ ràng là chúng tôi không thể trách lũ trẻ vì sự thiếu kinh nghiệm đó được, bởi ngay cả chúng tôi, những người làm nghề giáo, cũng phải va đập rất nhiều với đời mới có thể học được cách không bị dắt mũi. Rất nhiều người trong chúng tôi, khi bằng tuổi các em, cũng đã có ít nhiều những suy nghĩ tưởng-mình-giỏi đó.
Vì vậy, đành rằng việc truyền đạt thông điệp và hiểu thông điệp là hai việc phải có sự cố gắng từ hai bên, nhưng với bản chất của nghề giáo, chúng tôi nhận phần nhiều trách nhiệm về mình hơn là đùn về phía học sinh. Và cái bản chất đó thực ra không chỉ ứng với mỗi nghề giáo, mà vào cả những người ở vị trí influencer nói chung.
Không cần biết bạn nổi tiếng ở lĩnh vực gì: thời trang, điện ảnh, âm nhạc v..v... khi bạn đã là một Influencer (người có tầm ảnh hưởng lớn), bạn đang có rất rất nhiều người ngưỡng mộ bạn, thần tượng bạn, và rất nhiều trong số đó là giới trẻ, những người "tầm tuổi nghĩ mình biết tuốt" chưa-có-tư-duy-phản-biện tôi nói ở trên. Họ sẵn sàng đứng ra bênh vực bạn, hoặc dễ dàng bao dung với những sai phạm của bạn so với những người khác. Rất nhiều người trong số họ mong muốn được thành công như bạn, ở vị trí của bạn, thậm chí họ còn muốn đi theo con đường giống hệt con đường bạn đã đi, kể cả khi bạn nói là "đường tôi đi khó lắm, đừng đi". Chính vì vậy, một lời bạn nói ra khi này rất có thể ảnh hưởng tới cả định hướng tương lai của ít nhất một người hâm mộ, nếu không muốn nói là hàng trăm, hàng ngàn. 
Khi này, việc bạn cẩn thận lời nói hay phát ngôn trên mạng xã hội không còn là vấn đề về bảo vệ danh tiếng của bản thân, mà là vấn đề trách nhiệm với cộng đồng. Tầm ảnh hưởng của bạn càng lớn, số lượng 'fan' của bạn càng cao thì khả năng lèo lái dư luận của bạn càng 'khủng'. Và, nếu bạn lèo lái họ đi sai hướng, có những tư tưởng lệch lạc, thì đó là bạn đã một mình mình gây nguy hại cho cả một cộng đồng, trong đó không chỉ có những 'fan' của bạn chịu ảnh hưởng trực tiếp, mà còn ảnh hưởng gián tiếp cả bố mẹ, bạn bè, người thân, người yêu của họ. Bạn cứ thử tưởng tượng bây giờ Sơn Tùng M-TP mà đăng bài chê bai một cửa hàng nào đó, thì đoán xem cửa hàng đó có phải đóng cửa trong một thời gian ngắn không? Hoặc như Kim Tae Hee mà nói "Để xinh đẹp như bây giờ, tôi đã phải nhịn ăn 3 ngày 1 tuần" thì hàng triệu fan, nhất là fan nữ, có răm rắp làm theo, để rồi ốm đau bệnh tật, tụt huyết áp ngã đùng ra đấy không?
8 best hair and beauty looks from Hi, Bye Mama! actress Kim Tae-Hee,  Lifestyle News - AsiaOne

Trong số những lĩnh vực có Influencer, cá nhân tôi thấy Influencer trong dạy IELTS là nguy hiểm nhất. Influencer trong giới ca sĩ thì fan còn có thể có tư tưởng "giọng người ta là thiên bẩm rồi. Mình có cố mấy cũng chịu", hay như Influencer trong giới diễn viên thì "Người ta mặt đẹp sẵn, mình có tập tành cũng không làm mặt đẹp lên được. Chịu thôi". Tức ngay cả khi được chia sẻ cách tiến bộ hơn, fan vẫn nghĩ rằng có những thứ họ không thể thay đổi được như chất giọng hay khuôn mặt, tức họ xác định sẵn là mình sẽ không thể giống được như thần tượng của họ. Nhưng khi nói tới IELTS, một chứng chỉ vô cùng có uy tín ở VN cũng như trên thế giới, thì fan của những người có điểm IELTS cao lại có tư tưởng khác.
"Chỉ cần mình học theo những gì người ấy dạy, mình cũng sẽ giỏi được như thế". Họ có tư tưởng này bởi nhìn xung quanh, họ thấy có rất nhiều người tiến lên từ 4-5.0 tới 7.0, 7.5 thậm chí 8.0; nhưng không phải ai cũng có thể làm ca sĩ hay diễn viên. Nhất là nếu những người đạt điểm cao kia lại do chính tay Influencer dạy thì lại càng thuyết phục. Vì vậy họ càng có động lực theo sát các bước đi của các Influencer IELTS với mong muốn đạt được số điểm mơ ước. Chưa kể IELTS ở VN luôn có một dáng vẻ gì đó khá...sang chảnh ở VN. Từ giá một lần thi, cách thức thi, phòng thi, tiền học thi, tới giá trị bằng, tất cả đều làm cho việc có tấm bằng IELTS cao cũng giống như việc khoác lên mình một bộ suit xịn xò vậy. Vì vậy, rất nhiều khi, thay vì chỉ đơn giản là ngưỡng mộ một người học giỏi hơn mình như khi còn học tiểu học, thì các fan của những Influencer IELTS gần như có tư tưởng thần thánh hóa họ, rằng họ hẳn phải có bộ não cao siêu lắm mới có thể chinh phục được món này. (Mà thực ra lý do là vì ở VN không có môi trường tiếng Anh 24/7 nên chúng ta cứ học 1 quên 1. Những người giỏi IELTS hay bất cứ ngôn ngữ nào khác nói chung chỉ đơn giản là vì họ chăm chỉ với một cách học hiệu quả thôi ^^).
Và như thế, khi các fan có tư tưởng "có thể với tới được" như vậy, sức ảnh hưởng của Influencer IELTS trở nên lớn hơn bao giờ hết. Một lời nói ra của Influencer IELTS nghe tưởng-như-là-chí-lý có thể kéo theo hàng trăm người khen lấy khen để, gật đầu lia lịa và thay đổi hoàn toàn quan điểm thậm chí cách sống của họ. Và đó là lý do tôi đã cảm thấy lo ngại khi hôm qua được xem một clip của một thầy dạy IELTS nổi tiếng ở VN (hiện đã xóa do "bị gạch đá quá nhiều" - trích lời thầy ấy) nói về việc IELTS tiêu cực như thế nào.

Suốt gần 10 phút tâm sự, thầy ấy đã kể về quá trình mình cày IELTS chăm chỉ tới đâu, 2 lần thi IELTS đều bị điểm thấp so với dự tính, phúc khảo và được nâng lại đúng điểm, sau đó thầy tiếp tục nói về những tiêu cực khác của IELTS cùng những từ ngữ nặng nề như "8.0, 8.5 đối với mình là nhục nhã, không phải vì điểm không cao, mà vì mình đã bỏ quá nhiều thời gian cho một kỳ thi không có uy tín như IELTS". Để tăng tính drama, cuối video thầy còn xé cả 2 tấm bằng 8.0 8.5 IELTS của mình để chứng minh thái độ của mình với IELTS.
Tôi xin không dám bàn tới cảm xúc hay thái độ này là đúng hay sai, bởi đó là những thứ rất riêng của thầy. Thầy hoàn toàn có thể bày tỏ chúng để thỏa mãn sự ấm ức cá nhân của thầy. Tôi cũng không dám bàn tới tiêu cực trong IELTS là có hay không, vì tôi chưa bao giờ là người chấm thi, càng không phải người làm trong hội đồng Anh hay IDP để biết được việc nội bộ của họ. Cái tôi muốn bàn tới là ảnh hưởng của những lời nói và hành động "xé bằng" kia.
Thầy rất nổi tiếng. Facebook thầy có hơn 44k người theo dõi. Mỗi post thầy đăng lên dù vu vơ trung bình cũng tầm 2k lượt react và tương tác. Nói vậy để thấy phạm vi ảnh hưởng của video kia chắc chắn không hề nhỏ, dù chỉ sau vài tiếng đồng hồ là bị xóa đi. Phạm vi là vậy, chính xác thì ảnh hưởng sẽ là gì?
Thứ nhất, triệt tiêu động lực học của những ai đang CẦN IELTS. Nó tiêu cực như vậy thì còn học hành gì nữa? Ai mà đạt IELTS điểm cao thì người ta nói là do ăn may không dính tiêu cực, còn ai đạt IELTS điểm thấp thì lại có cớ là bị dính tiêu cực. Như vậy là Influencer đã có thể thay đổi hoàn toàn tâm thế "tự chịu trách nhiệm về kết quả của mình" của các fan sang "tất cả là do tiêu cực, do không uy tín". Đây là tâm thế tiêu cực hay tích cực?
Thứ hai, đó là một cái tát cực mạnh tới những người đang dạy IELTS để mưu sinh ngoài kia. Cũng giống như Sơn Tùng MTP chê bai một nhà hàng, thầy ở vị trí Influencer mà chê bai IELTS thì có bao nhiêu người muốn bỏ IELTS để học cái khác? Và, dù thầy đã xóa clip và đăng tận 2 bài để đính chính sau gạch đá, nhưng pin post trong tường nhà thầy vẫn là tuyển sinh IELTS. Vậy thầy đang làm gì vậy?
Mẫu thử của thầy quá ít, và không nhiều fan của thầy thấy điều đó. Thầy kể về 2 lần thi của thầy cách nhau vài năm, và kể thêm 2 vụ việc nữa mà thầy "biết được" nói lên sự tiêu cực của IELTS, và kết luận rằng dành thời gian cho IELTS là đáng "nhục nhã", trong khi không hề nói tới hàng trăm ngàn người thi khác của những lần thi ấy. Trong bài viết Định Kiến Không Sai, tôi từng nói, việc có định kiến dựa vào những trải nghiệm của bản thân là điều dễ hiểu, nhưng đó mãi mãi chỉ là định kiến của CÁ NHÂN, không nên và cũng không thể đem ra vơ đũa cả nắm. Nhất là ở vị trí của một Influencer, chắc chắn những khái quát hóa không-có-cơ-sở-lẫn-bằng-chứng-vững-chắc này sẽ ảnh hưởng tới cách học cũng như tâm lý của những người đang học IELTS. Tôi nghiêng về phần ảnh hưởng xấu nhiều hơn.
Sau đó khi xóa video, thầy có đăng bài đính chính rằng nào là thầy không bảo mọi người đừng học IELTS nữa, nào là không cay cú, nào là nói trên phương diện của người dùng dịch vụ phàn nàn về chất lượng của dịch vụ. Tất cả đều là suy nghĩ rất chủ quan của thầy mà không hề nghĩ tới ảnh hưởng của mình tới cộng đồng fan của mình. Thầy không bảo mọi người đừng học IELTS nữa nhưng lời nói của thầy có thể làm nản chí họ. Thầy bảo không cay cú nhưng người xem hoàn toàn có thể cảm nhận được nỗi bực dọc của thầy. Thầy bảo chỉ là lên tiếng để dịch vụ (IELTS) được cải thiện, nhưng thầy lại lên tiếng với fan của thầy thay vì với đơn vị tổ chức ra kì thi. Nó không khác gì việc vừa phật lòng đã lên mạng bóc phốt thay vì góp ý với shop vậy.
Video xuất hiện khoảng vài giờ trước khi bị xóa, tôi cũng đã kịp đọc vài chục comment ở đó, và rất tiếc khi thấy rằng có khá nhiều bạn trẻ vì thấy bài nói 'hợp lý' mà bắt đầu có những tư tưởng lệch lạc. 
IELTS và khả năng sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống là hoàn toàn khác nhau như tôi từng nói ở bài Đừng chỉ học tiếng Anh để thi thố. Điều này không có nghĩa IELTS là vô dụng. Cái nào quan trọng hơn cái nào phụ thuộc vào mục đích bạn cần tiếng Anh để làm gì. Nếu không phải vì IELTS là một trong những bằng cấp tiếng Anh uy tín NHẤT THẾ GIỚI chứng minh khả năng tiếng Anh của bạn trong môi trường học thuật, thì chả ai muốn thi IELTS làm gì. Mà thực ra, chả ai muốn thi bất cứ kì thi gì làm gì. Thi thố và bằng cấp chẳng qua là cách duy nhất và nhanh nhất để người ta có thể thấy được bằng chứng cho năng lực của một người (được quy ra thành điểm số). Nhà trường không thể dành ra hàng trăm hàng ngàn buổi phỏng vấn để biết các du học sinh có đủ giỏi tiếng Anh để tham giá khóa học của họ hay không, nhưng họ cũng không thể tin vào một câu nói "Tôi giỏi tiếng Anh lắm". Vì vậy, họ tìm tới IELTS. Phần lớn những người đang học IELTS ngày nay là do họ BUỘC PHẢI học, chứ không phải do chả ai yêu cầu, tự dưng họ thích, thế là họ bỏ ra hàng chục triệu để đăng ký khóa học, thêm vài triệu để thi mà kết quả còn không chắc chắn cao. Video của Influencer IELTS này làm tôi thực sự lo ngại rằng nó sẽ đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cho những fan còn trẻ tuổi của thầy.
Nếu bạn là một Influencer, hãy có trách nhiệm với cộng đồng người dõi theo bạn. Nếu bạn muốn đưa ra những quan điểm tiêu cực hoàn toàn dựa trên trải nghiệm cá nhân, lại không đem lại bài học gì cho người nghe, tốt nhất là đừng nói ra.  Khi bạn là Influencer, mọi phát ngôn của bạn không còn là những cuộc tám chuyện giữa những người bạn thân thiết nữa, mà là cho cả một cộng đồng. Bạn tiêu cực thì những fan của bạn cũng sẽ tiêu cực theo. Cuộc sống này vốn đã có đủ nhiều những điều tiêu cực mà không cần bạn nói mọi người cũng biết. Hãy cố gắng truyền tải những gì tích cực và đẹp đẽ để làm cho nó tươi đẹp hơn. Ngay cả khi bạn muốn giãi bày tâm sự chuyện buồn hay bực bội, hãy luôn nhấn mạnh với người nghe rằng đó chỉ là trải nghiệm của riêng bạn, và cố nói nhẹ nó đi hoặc nói với tông trung lập thay vì nghiêng hẳn về ý kiến cực đoan nào đó. Nó giống với việc bố mẹ luôn nên dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái và giấu đi những khó khăn lo toan của mình vậy. Khi là Influencer, bạn có trách nhiệm làm cho thế giới tốt đẹp lên, chứ không phải làm nó xấu đi.
P/s: Tôi hoàn toàn không có ý đồ xấu gì về thầy. Tôi thậm chí không hề biết thầy cho tới khi xem video. Tôi chỉ bàn về ảnh hưởng của lời nói với thầy với lớp trẻ, bởi tôi luôn nghĩ về nó mỗi khi đứng lớp. 
Kênh Youtube Đàn Ông Học: