Dạo gần đây có vụ lùm xùm về việc một em học sinh được 10 điểm văn lại so sánh hình ảnh của “Đại gia Gatsby” trong tác phẩm cùng tên với “những người làm nên đất nước” trong Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Ý kiến chỉ trích cho rằng, hai hình tượng so sánh này là sai lầm, không chính xác vì Gatsby là tay chơi, giàu lên nhờ buôn lậu và mục đích là để có được người phụ nữ mình yêu, không giống hình ảnh “những người làm nên đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh, tôi không viết bài này để chỉ trích gì em học sinh 10 văn kia. Hơn nữa, tôi cũng để ý lỗi sai của em trong buổi phỏng vấn khi nói Gatsby ở “những năm 50” của Mỹ, nhưng đây hoàn toàn có thể do hồi hộp lúc thi hoặc phỏng vấn. Điều này tôi cho rằng không phải lỗi nặng nề của em nên sẽ không đề cập Đặt vào hoàn cảnh khác, thậm chí em được 9.75 văn thôi chẳng hạn, đã chẳng ai quan tâm tới việc em viết gì trong bài viết rồi.  Tôi cũng nghĩ việc công khai bài viết của em là vô dụng, nhưng lý do thì sẽ để ở cuối bài.
Trước đây, khi mới tiếp cận bài của em, tôi đã thốt lên rằng, ‘dù có barem điểm nhưng vẫn không thể sát sao bằng khoa học nên văn khó được 10, tức là đạt được 10 phụ thuộc quá nhiều vào sự “hợp cạ” giữa văn phong của thí sinh và người chấm’.  Tôi xin được rút lại câu nói này.
Có hai bài báo đã làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi về vấn đề đó.

Bài báo đầu tiên ra trên Tiền Phong ngày 26/08/2020, tức chỉ vài ngày trước, tiêu đề “Vì sao khan hiếm điểm 10 môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT?”.
Trong bài báo này, phóng viên đề cập hiện trạng người chấm thi “run tay” khi cho điểm tuyệt đối trong môn ngữ văn vì “luôn có những sai sót, sơ suất” và “tuyệt đối với người này nhưng không là tuyệt đối với người khác” (1), cho nên giáo viên không chấm điểm 10 để giữ an toàn cho chính mình. Sau đó, khi phỏng vấn ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, ông này cho rằng "sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì thống nhất cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả".

Bài báo dừng lại ở đó. Nhưng câu hỏi đặt ra là, cái thứ “không có gì để chê” này lấy căn cứ từ đâu?
Tôi liền tham khảo bài báo thứ hai, ra đời cách đây một năm trước trên báo Giáo Dục: “Thi Văn học vẹt dễ điểm cao do barem và cách chấm”. Ở bài báo này, tác giả đề cập tới vấn đề giáo viên chấm bài đôi khi không thể cho học sinh điểm cao dù có nhiều ý rất thú vị vì bị kẹt trong đáp án chấm. Ngược lại, có những bài rất “thường” nhưng đủ ý, “trúng đáp án” vừa vặn barem điểm, trình bày sạch đẹp….v.v…. thì lại dễ được chấm điểm cao (2).
Hai bài báo được đề cập.
Từ (1) và (2) chúng ta thấy gì?

Cá nhân tôi thấy, từ hai ý trên, ta có thể hiểu được điểm mười văn đang được tưởng tượng sai lệch bởi cả người chấm lẫn học sinh như thế nào.

Điểm 10 văn trong ý thứ nhất (1) có thể hiểu được là điểm 10 “hoàn hảo”, tức là điểm 10 toàn vẹn, chính xác nhất, hay nhất có thể với đề đưa ra. Mà, cũng như người giáo viên chấm trong ý đó nói lên, việc khách quan hoàn toàn trong công tác chấm bài để đưa ra điểm 10 tuyệt đối là không thể, “tuyệt đối với người này nhưng không là tuyệt đối với người khác”. Do vậy, ta có thể hiểu điểm 10 ở (1) là điểm 10 “utopia” (không tưởng).
Mà, như Paul Ricoeur nói, cái “lý tưởng” (ideal) và cái “không tưởng” (utopia) là một cặp biện chứng (dialectic). Nghĩa là, còn có cái lý tưởng về một bài văn hoàn hảo tức là còn cái “không tưởng” là điểm 10 treo lơ lửng như chùm nho của Tantalus. Dễ hiểu tại sao người chấm không dám hạ tay chấm 10, vì như vậy họ phải đạt đến cái “không tưởng” vốn không thể xảy ra khi chúng ta còn coi điểm 10 văn như một điểm 10 “không tưởng”.
Quay trở lại với phát ngôn của ông Cao Xuân Hùng. Ông lại cho rằng, điểm 10 văn hoàn toàn có thể đạt được, vậy điểm 10 văn này là điểm 10 gì?
Đó là điểm 10 văn theo cách suy nghĩ số (2), tức là điểm 10 văn theo barem. Ở đây, điểm 10 văn không còn là điểm “hoàn hảo” theo cách tính chủ quan của người chấm (hoặc toàn bộ phòng khảo thí) nữa, mà điểm 10 ở đây đơn giản chỉ là điểm “khá hơn 9.75”. Nghe thì nực cười, nhưng chúng ta có thể thấy từ bài báo kia rằng, ngay cả những bài văn bình thường hơn nhưng đủ ý thì vẫn có thể đạt điểm cao. Điểm 10 ở đây cũng vậy, nó chỉ là “kịch khung điểm cao” thôi chứ không phải điểm 10 không tưởng.

Hai điểm 10 này khác nhau như thế nào? Đơn giản mà nói, điểm 10 ở (1) là điểm 10 chủ quan, còn điểm 10 ở (2) là điểm 10 “khách quan”.

Ở đây, ta có thể viện dẫn đến “tính lý trí công nghệ” (technological rationality) của Herbert Marcuse. Trong thế giới hiện đại, chúng ta muốn thông tin hoá mọi thứ, sắp xếp mọi thứ vào đúng chuẩn, “lượng hoá” (quatify) mọi thứ, kể cả những thứ vô cùng chủ quan như sức lao động (trong các nhà máy, xí nghiệp), lượt yêu thích (trên các công cụ truyền thông) hay ở trường hợp này là sự “hay” của văn học.
Chúng ta có thể hiểu phát ngôn của ông Cao Xuân Hùng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính lý trí công nghệ. Tức là, bài văn hay hiện nay là bài văn đúng ý, đủ ý, theo sát barem nhất có thể (và có thể thêm vài điểm trình bày). Chúng ta hướng đến điểm 10 văn như cách chúng ta hướng đến điểm 10 toán học hay hoá học: Nó phải đủ ý, đủ điều kiện và trả lời những câu hỏi chúng ta đề ra và mong muốn. Do đó, sự khác biệt giữa điểm 10 văn của (1) và (2) chính là điểm 10 văn của (2) hoàn toàn có thể đạt được, và nó đạt được khi học sinh viết đủ mọi ý đề ra chứ không phải viết một bài văn hay “không tưởng”.
Tôi xin không bàn về tính đúng sai trong cách chấm này, hay việc chúng ta có thể đạt điểm 10 tuyệt đối hay không. Tôi sẽ quay về em học sinh 10 điểm ở An Giang.
Ở đây, kể cả em có nói nhầm do áp lực lúc phỏng vấn, nghĩa là em không so sánh tác phẩm “Gatsby Vĩ Đại” vào bài văn của mình, thì nó cũng thể hiện rõ tư tưởng: Một bài văn hay trong kỳ thi quốc gia PHẢI được so sánh và đối chiếu với các tác phẩm khác. Nghĩa là, kể cả em có vô tình nói như vậy chứ em không thật sự làm thế, nó cũng cho thấy mong muốn thể hiện việc mình đáp ứng đủ nhu cầu đề thi, hay ở đây là cái barem điểm theo ý (2).
Những giáo viên chấm bài cho em hoàn toàn có thể thông cảm được nếu chúng ta hiểu họ đang chấm theo cách này. Họ hoàn toàn có thể chưa đọc Gatsby bởi họ không thể đọc được toàn bộ những tác phẩm đem vào so sánh với văn bản gốc được. Gatsby nổi tiếng thì đây mới thành chuyện lạ, nhỡ tôi sử dụng những tác phẩm ít của những tác giả ít người tiếp cận hơn ở Việt Nam như Marquis de Sade hay Emil Cioran chẳng hạn, người chấm thi đâu có nhiệm vụ phải đọc hết nguồn gốc và văn cảnh của những tác giả đó? Việc người chấm thi phải làm là theo barem điểm và chấm những con điểm theo cách số (2). Vì vậy, ngay cả khi em học sinh này so sánh với Gatsby sai lệch, họ vẫn cho em điểm vì nó hợp với ý so sánh trong barem điểm đã đề ra.
Chúng ta không thể mong chờ một bài văn 10 điểm của em học sinh kia phải là bài văn hoàn hảo của hoàn hảo, bài văn “không tưởng” (1), vì ngay từ đầu, qua những diễn ngôn xuyên suốt của Bộ giáo dục và cách tiếp cận văn học hiện nay, họ đã không nhắm tới điều đó. Việc “lý trí hoá, thông tin hoá, lượng hoá” văn chương này sẽ có những lợi thế nhất định, như thể là xây dựng một bộ khung đồng đều cho việc chấm điểm học sinh, nhưng nó cũng sẽ tạo ra những việc đáng cười và đáng buồn như sự vụ lần này.

Do đó, việc bắt em hay nhà trường công khai bài viết là việc công cốc và không cần thiết, nếu nó chỉ nhằm đánh giá liệu em có xứng đáng được điểm 10 hay không. Công khai để làm gì khi điểm 10 tâm thức của chúng ta vẫn là một điểm 10 văn hoàn hảo, không tưởng? Tôi đoan chắc rằng, chúng ta dù không thấy em so sánh với Gatsby Vĩ Đại, cũng có thể tìm thấy nhiều lỗi sai khác của em, những lỗi sai vô cùng bình thường nếu đặt dưới áp lực đó. Hơn nữa, việc công khai điểm thí sinh khi có dư luận cũng sẽ tạo tiền đề cho những vụ việc không hay cho tương lai, ví dụ một thí sinh khác đạt điểm thấp nhưng lại có tác động cộng đồng mạng lớn chẳng hạn.

Ngược lại, chúng ta cần hết sức nhìn nhận lại cách chúng ta nhìn nhận về điểm 10. Vụ việc xảy ra, do đó, cũng do sự hiểu nhầm, “ông nói gà bà nói vịt” của cư dân mạng lẫn bộ giáo dục. Có vẻ như cư dân mạng chúng ta muốn một điểm 10 hoàn hảo, còn bộ giáo dục cho rằng, điểm 10 là điểm đủ ý, cao hơn 9.75 là được.

Quan trọng là, chúng ta muốn gì? Những bài văn bay bổng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý như những bài điểm xuất sắc của Trung Quốc, dù có thể hơi lệch đề một chút đi nữa; hay những bài văn nghiêm chỉnh chấp hành đúng và đủ những tiêu chuẩn đề ra của Bộ giáo dục? Mỗi phương pháp sẽ có cách nhìn và những ưu nhược rất khác nhau.

Vậy, điểm 10 văn, em là thực hay là mơ? Chúng ta hay nghĩ nó là mơ, nhưng người chấm lại cho nó có thể thành hiện thực. Thế nào mới là đúng? Văn học có thể chia mảng để phân tích khúc chiết từng ý từng câu và đánh giá một cách vô cùng khoa học vi tế được không? Mời các bạn chia sẻ ý kiến của mình.