Disclaimer: Bài viết không bàn về việc wibu là tốt hay xấu, không mang tính cổ xúy hay bảo vệ bất kỹ xu hướng nào. Bài viết chỉ mang tính tâm sự và 1 phần nào đấy giúp các otaku/wibu như mình, hay bất cứ ai bị kỳ thị vì sở thích nào đó sống thanh thản hơn :3.
Bài viết này là góc nhìn của một thằng ‘closet otaku/wibu’ 8 năm về trào lưu wibu và phản ứng của otaku/wibu với vấn đề này. Gọi là ‘closet wibu’ vì mình luôn không để lộ đời sống wibu của mình và tách biệt rạch ròi đời sống riêng và đời sống xã hội công việc, 1 phần để thuận lợi cho cuộc sống nói chung, nhưng phần lớn hơn cả là để có thể sử dụng tối đa thời gian rảnh của mình cho sở thích mà không bị ai làm phiền. Tóm lại là mình đơn giản là coi những gì xã hội this nói về cộng đồng that là những ý kiến của người có hiểu biết phiến diện và do đó cách đơn giải quyết đơn giản là … kệ họ.
Lần đầu tiên mình bị gọi là weeaboo là hồi đi học ở Mỹ (Mình để tên acc Dota là tên nv anime và sau một trận Dota thua sml thì thằng đồng đội người Mỹ đã chửi mình là thằng “weeaboo shitstain”). Lúc mới bị gọi là weeaboo thì mình cũng khá ức chế nhưng mà lúc mình đọc thử xem weeaboo là gì thì mình thấy rằng những gì thì thấy các miêu tả về weeaboo có phần nào đúng (mình béo, đang ở với bố mẹ, tương đối nghiện ngập, có gối ôm, có chơi nhựa, có thích ramen, takoyaki, pocky, etc.) nhưng hầu hết thì là sai (mình không có thất nghiệp, không có chạy naruto, không cosplay, không chêm từ nào tiếng Nhật trừ khi ngồi cùng đám cùng sở thích với mình, không có bài Việt ưa Nhật, v.v.). Nói tóm lại là kết quả mình thấy khi một người gọi mình là weeaboo (hay wibu) thì đơn giản là mình thấy là họ sai và chỉ kết luận dựa trên một biểu hiện bên ngoài nào đó của mình nên mình cũng bỏ qua những câu đó. Mặt khác thì bản thân mình cũng thấy sở thích của mình chẳng có gì là sai trái cả nên mình cũng không thấy bị gọi là một thằng thích anime thì có gì là xúc phạm. Bên cạnh anime thì mình cũng nghiện ngập nhiều thứ khác như là một số game, một số môn thể thao, ca hát, v.v. và mình qua quá trình nghiện nhiều thứ như vậy thì mình thấy những ‘bệnh nghiện’ này có nhiều điểm chung. Thậm chí gần đây mình thấy film Hàn (ờ mấy cái film mà mấy thằng con trai hay bảo chỉ cho con gái ấy) cũng dễ gây nghiện vch. Do đó mình thấy là nghiện anime và hoàn toàn bình thường, và ai cũng sẽ nghiện ngập cái gì đấy, chỉ là do hoàn cảnh đời sống, số phận run rủi và do tính cách con người bạn thì sẽ dẫn đến các bạn nghiện ngập những thứ khác nhau thôi. Đối với mình thì số phận đưa mình tới với anime.
Quay trở lại về phong trào ‘Wibu’, mình thấy nhiều bạn không thích bị gọi là wibu thường lý luận rằng từ ‘wibu’ bắt nguồn từ từ ‘weeaboo’ từ Tiếng Anh và đang được sử dụng sai và là kết quả của sự thiếu hiểu biết. Điều này thì không sai, nhưng theo mình việc đó cũng không quan trọng, bởi vì nếu mục đích của từ ‘wibu’ theo ý người nói là để chỉ những người thích anime nói chung thì chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận hiểu theo ý của họ trong hoàn cảnh giao tiếp (chừng nào họ không sử dụng từ này theo ý nghĩa của nó ở Tiếng Anh hay sử dụng nhập nhằng giữa 2 ý nghĩa). Điều này tương tự như việc từ Bụt vốn có nguồn gốc từ từ बुद्धा (buddha) tức là Phật, nhưng được qua quá trình tam sao thất bản bởi văn hóa dân gian Việt Nam đã được biến thể thành một vị tiên ông hiền từ râu tóc bạc phơ, và cho đến ngày nay thì vẫn được dùng theo ý nghĩa đó. Kể cả khi phát hiện ra nguồn gốc của từ Bụt thì cũng không ai muốn thay đổi lại về ý nghĩa ban đầu của nó bởi vì trong mọi hoàn cảnh giao tiếp từ Bụt đều được hiểu theo nghĩa “tiên ông”. (Bản thân mình thì thấy việc các bạn muốn được gọi là ‘otaku’ thay vì ‘wibu’ cũng hơi buồn cười vì ‘otaku’ thật ra cũng không hẳn là được đón nhận tích cực lắm ở Nhật Bản, mặc dù có lẽ là vẫn khá hơn là weeabo. Để không làm nhạt đi ý chính của bài thì mình sẽ không đề cập sâu) Tóm lại, điều mình muốn nói là: Trên phương diện cá nhân, nếu họ đã muốn miệt thị bạn thì gọi bạn là 1 thằng otaku, 1 thằng wibu hay là thằng 27 tuổi còn xem hoạt hình chơi búp bê hay cái gì đó đại loại như vậy thì ý nghĩa cũng không khác nhau là mấy.
Không dùng từ ngữ bậy nhưng nói lời lẽ lăng mạ với thái độ kỳ thị thì còn bậy hơn
Điểm thứ ba, theo mình, bản chất của việc các bạn muốn được gọi là một ‘otaku’ thay vì ‘wibu’ thực chất là sự mong muốn được công nhận. Bạn muốn được gọi là một ‘otaku’ – như một thành viên của một cộng đồng đã tương đối được công nhận hơn ở môt quốc gia văn minh tiên tiến (hay thậm chí là ở quốc tế) thay vì được gọi là một thằng ‘wibu’ ở Việt Nam. Hiện tượng này thì cũng khá giống với việc cộng đồng Games chuyên nghiệp muốn được coi là Thể thao Điện tử (Esports). Nói một cách đơn giản: Xã hội thích thể thao, xã hội không thích điện tử. Cha mẹ muốn con chơi thể thao, cha mẹ không muốn con cái chơi điện tử. Đó là sự khác biệt chính giữa việc được coi là ‘video games’ hay là ‘Esports’. Tương tự thì việc muốn bản thân mình cũng như cộng đồng của mình được gọi là ‘otaku’ thay vì lũ wibu thực chất là sự mong muốn được công nhận và nhìn nhận một cách tích cực hơn. Tuy nhiên thông thường thì để được công nhận thì các bạn sẽ cần những thay đổi về tiềm lực nhiều hơn là thay đổi một cái tên gọi. Chẳng hạn như về phía Esports thì nó là một ngành công nghiệp tỉ đô, có các giải đấu và một bộ phận pro player có thu nhập tương đương hoặc tốt hơn các vận động viên thể thao truyền thống và bây giờ dù người đời có gọi họ là Trò chơi điện tử hay không thì nó vẫn sống yên ổn. Mình cũng không nhớ chắc chắn lắm nhưng theo Dota Quote thì trong một cuộc phỏng N0tail hoặc Jerax (sau khi vô địch The International 8 và 9 của Dota) đã nói là họ cũng chả quan tâm đến việc Esports có được coi là thể thao hay không. Được công nhận thì cũng hay đấy, nhưng không được công nhận thì cũng chẳng sao cả. Quay trở về chuyện mình, ông anh trai mình thì h 33 tuổi tối vẫn giã dota đều đều con nhỏ còn lười không bế nhưng mà đi làm thu nhập thì cũng 30+ củ đều đều nên bố mẹ mình giờ vẫn bảo mình cứ theo ổng mà học (Mặc dù hồi lớp 11 ổng đi net bố mẹ bắt được gõ cho một trận xong cãi nhau bỏ nhà mấy hôm). Tóm lại là nếu tổng thể con người bạn lành mạnh và tử tế thì bạn có thích cái gì người khác cũng chả nói được.
Theo mình thì việc quá nhạy cảm đối với việc bị gọi là “wibu” chỉ là các bạn đang có tật giật mình và tự thấy xấu hổ về chính con người mình thôi. Riêng đối với mình thì dù có bị gọi là wibu, ăn chửi từ phần comment bài viết này, từ bố mẹ mình từ hay ở cái chỗ quái nào khác thì đến cuối ngày mình vẫn cứ về nhà xem 2-3 tập thôi. Như phần trước mình đã nói thì mọi sở thích gây nghiện đều có điểm chung, và điểm chung đó theo mình là sự đầu tư: đầu tư về thời gian, tiền bạc, công phu, chất xám và cả cảm xúc nữa. Điều phân biệt giữa một thứ sẽ chỉ thoáng qua trong vài phút cuộc đời của một người và một đam mê là việc người đó có chấp nhận đầu tư vào cái mầm được gieo trong một vài phút đấy hay không. Tóm lại thì mình nghĩ là chỉ có bản thân từng người mới hiểu rõ mình đã đầu tư những gì vào sở thích của mình và người khác không thể nhìn thấy được điều đó. Do đó chỉ có bản thân từng người nên quyết định là một sở thích có đáng trọng hay không, và nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, và việc theo đuổi sở thích của bạn có đi đến đâu không. Mình tin là điều này đúng với anime cũng như mọi sở thích, đam mê khác. Bản thân mình thì thấy anime, manga rất giàu có về nội dung và nghệ thuật, và sự giàu có vô cùng đó có được nhờ sự tự do được mang lại bởi hình thức biểu hiện là hoạt hình. Và vì thế bản thân anime hay việc thích anime chẳng có gì đáng xấu hổ cả.
Điểm cuối cùng khiến mình không thể nhìn nhận một cách nghiêm túc việc chụp mũ wibu được đó là sự phân hóa đa dạng trong cộng đồng người thích anime. Mỗi người đến với anime trong một hoàn cảnh khác nhau, với một nền tảng văn hóa, trải nghiệm khác nhau và được tiếp xúc với những dòng, nhóm anime khác nhau có thể tạo ra những wibu hoàn toàn khác nhau. Trong nhóm bạn closet wibu của mình thì có người thu nhập chữ số, có thằng lương lẹt đẹt 1 chữ số, cũng có thằng công việc không bao giờ ổn định, nay đây mai đó. Rồi nhiều khi cùng một nhóm thích cùng một bộ anime nhưng không bao giờ đồng ý waifu nào và thích nhất, đoạn nào hay đoạn nào dở, đoạn nào vẽ đẹp đoạn nào vẽ xấu, nhạc nào hay nhạc nào không. Tóm lại một wibu là một wibu nhưng cũng đồng thời là một con người bình thường, mỗi người có một tính cách riêng, hoàn cảnh riêng, trải nghiệm riêng, ý thích riêng, cuộc sống riêng …, và mỗi người trong số đó thì đều đáng trọng cả. Từ wibu nếu có thì chỉ phản ánh sở thích của bạn, nó không phản ánh tư cách con người của bạn. Thế nên bạn chẳng có việc gì phải xấu hổ về tư cách của bạn khi bạn bị gọi là wibu cả.
Để kết bài thì mình xin update lại cái disclaimer nho nhỏ của mình. Bài viết này của mình hoàn toàn chỉ nhằm đến phản ứng nội tại của từng wibu đối việc bị xã hội gọi là wibu, hay bị kỳ thị nói chung. Nó không có giá trị làm xã hội bớt gọi các bạn là wibu hay cải thiện cái nhìn của họ về các bạn. Nhưng có thể nó sẽ giúp các bạn sống thanh thản hơn trong khi vẫn bị gọi là wibu và bị kỳ thị :v. Nhưng tất nhiên là các bạn phải đảm bảo là sở thích của các bạn không gây ảnh hưởng đến những người khác nữa: Nếu bạn cosplay quẩy nhạc wibu trên các nền nhạc khác nhau ở giữa đường giữa chợ thì phần lỗi dĩ nhiên thuộc về bạn rồi ;).


Đọc thêm: