"Make in Vietnam" - phải chăng chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu?
Tôi vốn không thường theo dõi tin tức trong nước, nhưng một hôm tình cờ đọc được post này trong một group Facebook "có nhiều thành...
Tôi vốn không thường theo dõi tin tức trong nước, nhưng một hôm tình cờ đọc được post này trong một group Facebook "có nhiều thành phần yêu nước".
Cụm từ "make in Vietnam" nghe sai sai, thế nên tôi đã thử tìm trên google để xem xem nó là cái gì...
À, thì ra đó là khẩu hiệu mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra. Tuy vậy, tôi vẫn có vài điều băn khoăn muốn đề cập thêm ở đây.
Dưới góc độ ngôn ngữ - cụ thể là tiếng Anh
Disclaimer: tôi không phải chuyên gia ngôn ngữ, ý kiến của tôi dựa vào kiến thức và trải nghiệm cá nhân.
Chắc hẳn các bạn đã quá quen thuộc với cụm "made in (somewhere)" thường được in trên bao bì hay nhãn mác các mặt hàng. Vốn cụm "made in ..." có động từ ở dạng bị động, mang nghĩa như một tính từ, thể hiện rằng món hàng này được sản xuất ở đâu đó. Còn cụm "make in Vietnam" thì có động từ ở dạng chủ động, nếu đứng độc lập thì nó sẽ giống như một câu mệnh lệnh.
Câu khẩu hiệu kia được Bộ trưởng giải thích như sau:
Cụm từ Made in Vietnam mang tính là “sản xuất ở Việt Nam”, không có sự chủ động, chia theo thể bị động. Còn “Make in Viet Nam” – “Làm tại Việt Nam” sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ số Việt Nam
Ồ, khá là tích cực đấy chứ.
Chỉ có điều là người Việt Nam không giỏi tiếng Anh đến thế, ngay cả người làm trong lĩnh vực công nghệ - thông tin (nguồn: chính là tôi).
Nếu bạn nghĩ tôi đang cố tình dìm hàng người Việt Nam thì xin thưa là không, vì tôi đang đưa ra nhận xét lấy trình độ tiếng Anh của tôi làm gốc. Tôi nhận thức được là trình độ tiếng Anh của bản thân khá cao so với mặt bằng chung nên tôi cũng không chê trách gì người khác cả. Nhưng tôi phải nói thật là những người Việt Nam với trình độ tiếng Anh bình thường chắc hẳn sẽ gặp khó khăn để phân biệt được đâu là sự khác biệt giữa "make" và "made" chứ đừng nói đến là phần giải thích câu khẩu hiệu kia.
Và vì vậy, có một sự quan ngại không hề nhẹ rằng khi câu khẩu hiệu đó - cùng với phần giải thích trên - được truyền đạt xuống tới những công nhân làm việc trực tiếp chẳng hạn, thì những người đó sẽ chẳng thấy sự khác biệt gì cả. Thậm chí, tôi nghĩ rằng sau vài tháng thì họ sẽ chẳng nhớ là họ đã được phổ biến về câu khẩu hiệu đấy đâu (nếu như không được nhắc lại thường xuyên). Điều này càng dễ xảy ra hơn trong môi trường công nghệ - thông tin có nhiều từ ngữ tiếng Anh (hoặc tiếng nước ngoài khác) chuyên ngành đặc thù, việc nhớ một câu khẩu hiệu "bằng tiếng Anh" không liên quan lắm tới chuyên môn bản thân thì hơi... thừa.
Tôi tìm hiểu thêm thì thấy có vẻ như người bạn Ấn Độ cũng có một khẩu hiệu tương tự là "make in India". Ý nghĩa của câu khẩu hiệu đối với họ thì có khác biệt đôi chút, tôi sẽ trở lại sau. Tôi chỉ muốn nói là nếu như suy đoán mức thành công của khẩu hiệu này ở Ấn Độ so với Việt Nam thì chắc là họ sẽ thành công hơn, bởi vì họ có lịch sử sử dụng tiếng Anh (từ thời thuộc địa của Anh) và tiếng Anh cũng được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Thật là trùng hợp khi tôi có điều kiện làm việc với nhiều người Ấn Độ, thế nên tôi cảm thấy mặt bằng chung thì trình độ tiếng Anh của họ nhỉnh hơn Việt Nam kha khá.
Và ngay cả nước Mĩ ở bên kia bán cầu cũng kêu gọi người dân sản xuất và sử dụng hàng nội địa "made in USA" - trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc vẫn còn dang dở. Và có lẽ "make in USA" là một khẩu hiệu không cần thiết lắm khi đã có "make America great again".
"Make in Vietnam" có đặt mục tiêu gì không?
Bộ trưởng Nguyễn Phạm Hùng phát biểu rằng:
Nếu không có Make in Vietnam, nước ta khó có thể trở thành nước phát triển. Nếu không Make in Vietnam, chúng ta không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Có vẻ như là lời phát biểu của Bộ trưởng phần nào đặt ra mục tiêu gắn liền với khẩu hiệu đó. Tuy vậy, vì không có những con số cụ thể nên chúng ta khó có thể biết được là có những mục tiêu nào để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển (ví dụ như GDP, GDP/đầu người, tỉ trọng các nhóm ngành, v.v...).
Mặt khác, vì khẩu hiệu này được đưa ra trong một sự kiện liên quan tới công nghệ - thông tin nên có lẽ phạm vi áp dụng bước đầu cũng bị bó hẹp theo. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết là sự kiện kia là một trong những thứ được cụ thể hóa từ Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng đầu năm nay. Chỉ thị cũng không nêu ra mục tiêu cụ thể (ngoại trừ con số 100.000 doanh nghiệp số - mà tôi cũng chẳng hiểu thế nào là một "doanh nghiệp số", có thể là được định nghĩa trong một văn bản khác) mà để các cơ quan cấp dưới lên kế hoạch và triển khai.
Vậy nên, dù chúng ta có thể biết được rằng có bao nhiêu sự kiện và cuộc thi sẽ được tổ chức, hay có bao nhiêu dự án công nghệ số được phê duyệt và triển khai, song chúng ta sẽ khó có thể biết được rằng đâu là sự khác biệt vì chẳng có mốc nào làm gốc để đánh giá cả. Tương tự như thế thì liệu câu khẩu hiệu kia có tạo nên sự khác biệt nào không.
Nếu so sánh với người bạn Ấn Độ thì họ đặt ra mục tiêu khá rõ ràng đi kèm với khẩu hiệu "make in India" của họ (nhân tiện thì những mục tiêu này được Thủ tướng Ấn Độ đặt ra):
1. Tăng tỉ trọng ngành sản xuất lên 25% vào năm 2025.
2. Tăng 100 triệu việc làm trong ngành sản xuất vào năm 2022.
3. Tăng trưởng 12-14% hàng năm cho ngành sản xuất.
Ngoài ra, có lẽ chúng ta cũng cần đặt một số giới hạn nhất định cho những dây chuyền sản xuất tại Việt Nam muốn làm theo "make in Vietnam". Cụ thể là tránh việc lãng phí tài nguyên và thời gian vào những công nghệ đã có sẵn trên thế giới mà chúng ta có thể có được với chi phí phải chăng. Không phải cái gì chúng ta cũng nên xây dựng lại từ đầu; vì nếu cố làm như thế thì chúng ta sẽ dễ bị thiệt hại do những cơ chế của thị trường tự do, ví dụ như sự chuyên môn hóa và lợi thế tương đối.
Liệu "make in Vietnam" có phải là một lời kêu gọi nửa vời?
Với sự hạn chế về đối tượng nhắm đến, sự khó tiếp cận do đặc thù ngôn ngữ và sự mông lung về mục tiêu mà tôi đã kể trên, tôi cảm thấy rằng những ý tưởng tốt đẹp đang bị chính hình thức của khẩu hiệu này cản trở. Ví dụ như:
1. Tại sao phải sử dụng tiếng Anh mà không phải là tiếng Việt?
2. Tại sao phải là "make" chứ không phải "made" khi đại đa số người dân còn không thể phân biệt được?
3. Tại sao chỉ lại nhắm đến ngành công nghệ - thông tin mà không nhắm đến các ngành sản xuất khác?
4. Tại sao khẩu hiệu không đi kèm với mục tiêu cụ thể có thể quy ra số?
V.v...
Tôi vẫn nhớ một số câu khẩu hiệu trước đây như "hàng Việt Nam chất lượng cao" hay "người Việt dùng hàng Việt". Chúng vẫn còn đó nhưng dường như chẳng có ai còn mặn mà lắm. Và sau cùng thì những gì mà người tiêu dùng muốn vẫn là chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Người Việt sẽ không thể nào mãi mãi chỉ ưu tiên mua hàng Việt được nếu tất cả những gì họ nhận được chỉ là những lời hứa hẹn viển vông, để rồi nhận lại thất vọng. Vẫn còn đó những bài học về Khải Silk, Asanzo, Bphone, v.v... Liệu niềm tin người tiêu dùng còn lại bao nhiêu khi luôn là món đồ chơi của những nhà tư bản mang danh chủ nghĩa dân tộc? Đừng quên rằng trong kinh tế, niềm tin chính là tiền.
Tôi cảm giác như chúng ta nói quá nhiều, biết quá ít và hiểu thực sự còn ít hơn nữa. Phải chăng chúng ta vẫn đang ở trong bóng tối suốt từng ấy thời gian?
Suy cho cùng, có lẽ bài học về cấu trúc bị động và chủ động trong tiếng Anh là thứ giá trị nhất có thể rút ra từ câu khẩu hiệu này (tôi nói vui thôi).
Tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất