Gió xuân năm nay thất thường hơn mọi năm, lúc thì thấp thoáng cái nóng bức của mùa hè, lúc lại phảng phất cái rét lạnh của mùa đông. Tôi tự hỏi, liệu tiết trời có phải là một tấm gương phản chiếu nỗi lòng của tôi? Hay là vì cái tâm tôi biến động, nên thành ra tôi cảm nhận tiết trời như thế?
Những cái Tết đầu tiên mà tôi lưu giữ trong ký ức là những cái Tết đẹp đến nao lòng. Tôi làm sao quên được cảm giác đếm từng ngày khi tháng Chạp vừa bắt đầu, cảm giác hân hoan khi nhìn thấy sắc hồng của cành đào, sắc vàng của cành mai nở rộ khắp phố phường. Tôi làm sao quên được những lần hào hứng dọn bàn học, trong đầu mường tượng viễn cảnh mình sẽ là học sinh đứng đầu lớp, và được các bạn nữ ngưỡng mộ hỏi bài thường xuyên. Thuở đó điều kiện vật chất chưa được như bây giờ, không có điện thoại, cũng chẳng có TV thông minh, chỉ có những nụ cười mà đến tận bây giờ vẫn sống động trong ký ức của tôi, thổn thức.
Đọc đến đây hẳn các bạn sẽ nghĩ chắc bài này cũng là một bài so sánh Tết nay với Tết xưa. Cũng đúng, và cũng sai. Tôi thì nghĩ Tết vẫn vậy, vẫn là những khoảnh khắc đoàn tụ, vẫn nồng đượm hương xuân trong những mâm cỗ sum xuê các thức quà ngày Tết.
Có chăng người thay đổi là tôi mà thôi. Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là về cảm thức thời gian. Tôi chẳng còn mong ngóng Tết, bởi tôi biết rồi Tết sẽ qua. Tôi chẳng chờ đến giây phút sum vầy, vì tôi biết sẽ đến lúc chia ly. Chẳng tự hào gì về cái thay đổi ấy, nhưng nó sẽ phải diễn ra bởi xúc tác của hóa chất mang tên “trưởng thành”.
Có một cảm giác rất lạ trong tôi, mà tôi nghĩ các bạn đọc cũng có thể đồng cảm, đó là một cảm giác buồn không ra buồn, vui cũng chẳng vui. Tựa như cơn gió thu trong một buổi chiều nhẹ nắng, không lạnh, nhưng đủ khiến ta rung động trong tâm hồn. Rồi tôi nhận ra cơn gió này đến từ sự thay đổi của cảnh vật xung quanh. Vì tôi cao lớn hơn nên nhìn những chậu hoa Mai chẳng kỳ vĩ như trước. Nhiều lúc tôi bật cười, mà không biết mình cười vì mỉa mai cái thơ ngây tuổi ấy, hay vì nuối tiếc cho một cảm giác mà mình sẽ khó tìm lại.
Cơn gió ấy cũng làm rúng động lòng tôi, khi tôi nhận ra mình lại lớn thêm một tuổi, và mái tóc cha mẹ cũng phai màu. Nó gợi trong tôi ngọn lửa quyết tâm, nhưng cũng vô tình gõ nhẹ vào đầu của đứa trẻ không muốn đối mặt với cuộc sống.
Tuy nhiên, bạn biết không, chính lúc này tôi lại thấy Tết đẹp hơn bao giờ hết. Tết trong lòng tôi thật mong manh, những cũng vì thế mà rực rỡ. Tôi lại nhớ đến câu viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, những câu viết mà tôi (mơ) tưởng là viết ra từ tâm hồn mình:
"Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp.."