GLOBAL WASTE TRADE – THƯƠNG MẠI CHẤT THẢI TOÀN CẦU
Chắc các bạn cũng đã từng nghe nói rằng các nước giàu vận chuyển rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn để xử lý. Điều này đưa đến một...
Chắc các bạn cũng đã từng nghe nói rằng các nước giàu vận chuyển rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn để xử lý. Điều này đưa đến một nhận định chung là các nước giàu vẫn còn chưa có cách xử lý rác thải nhựa, đừng nói chi đến các nước nghèo như VN, và vì thế chúng ta không nên sử dụng nhựa vì thực sự không có cách nào để giải quyết chúng cả, và lời nói rác thải nhựa có thể tái chế là một sự dối trá. Vậy thì hôm nay chúng mình cùng nhau xem xét vấn đề ship CHẤT thải từ nước này qua nước khác ha.
Thực trạng thương mại chất thải toàn cầu
Ngày 27/7/2017, Trung Quốc ra chính sách “Thanh Kiếm Quốc Gia” (National Sword policy) tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu rác thải tái chế từ nước ngoài, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018. Lệnh cấm đột ngột của Trung Quốc xuất hiện khắp các mặt báo, khiến các nước phương Tây như Mỹ, Canada, châu Âu và thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc hoang mang không biết sẽ phải ship rác thải của mình đến đâu. Hàng ngàn container chứa đầy rác thải nhựa được “điều hướng” đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia. Kể từ đó, người ta mới nhận thức được một hiện tượng, hay xu hướng đã tồn tại âm ỉ từ lâu nhưng công chúng ít biết tới. Đó chính là “Thương mại chất thải toàn cầu” – Global Waste Trade.
Thương mại rác thải toàn cầu là xu hướng trao đổi, tức vận chuyển, xuất – nhập khẩu chất thải xuyên quốc gia, từ nước này sang nước khác, từ lục địa này sang lục địa khác, trong đó bên xuất khẩu rác để “nhờ” bên nhận rác thải giúp xử lý, thải bỏ hoặc tái chế. Định nghĩa là vậy nhưng trên thực tế, rác thải được “xuất khẩu” thường là rác thải kém chất lượng, hỗn hợp, khó xử lý với số lượng lớn, cùng một lượng lớn rác thải độc hại thường được các nước giàu/các nước phát triển vận chuyển đến các nước nghèo/đang phát triển, những nơi không có đủ khả năng và hạ tầng để xử lý đống rác thải này.
Vậy thì xu hướng xuất nhập khẩu này có phải chỉ mới xuất hiện gần đây không? Không đâu, xu hướng xuất nhập khẩu chất thải ra nước ngoài đã có từ rất lâu rồi, và thậm chí là thời kỳ những năm đầu thập niên 90, các nước phát triển mới là điểm đến chính của quá trình trao đổi chất thải này, họ nhập khẩu lượng rác lớn hơn nhiều so với các nước đang phát triển, vốn chỉ chiếm khoảng 18.7% tổng vào năm 1992. Tuy nhiên, từ năm 1998 trở đi, lượng rác thải được nhập khẩu vào các nước đang phát triển bỗng nhiên tăng vùn vụt, từ khoảng 20% lên đến trên 40% tổng lượng chất thải trao đổi của thế giới[1]. Có 2 dòng thải chính trong Thương mại Chất thải Toàn cầu, 1 là từ Tây sang đông, đi từ các nước phát triển ở phương Tây như Bắc Mỹ và châu Âu đi về châu Á, và 2 là đi từ Bắc xuống Nam, vẫn là từ các nước phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu, xuống châu Phi.
Lưu lượng rác thải xuất nhập khẩu hàng năm trên toàn cầu từ năm 1992 - 2012. (Source: Annu. Rev. Resour. Econ. 2015.7:109-125)
Và có phải chỉ có rác thải nhựa mới bị ship qua ship lại không? Không! Rác thải nhựa chỉ là một phần trong mớ hỗn độn này thôi. Trong dòng chất thải được trao đổi, vận chuyển xuyên biên giới này có rất nhiều thứ, từ rác thải hỗn hợp, không được phân loại, khó xử lý, bao gồm cả nhựa, giấy, vải, rác sinh hoạt đến hóa chất độc hại (chemical waste), tro đáy sau quá trình đốt rác (incineration ash), chất thải hạt nhân, rác thải điện tử, và cả các tàu chở hàng cỡ lớn hết tuổi thọ hoạt động cần tháo dỡ. Bởi vậy nên mới gọi là Thương mại CHẤT thải toàn cầu đó các bạn, không phải chỉ rác thải nhựa thôi đâu.
Lưu lượng dòng thải đến châu Á và Việt Nam
Biểu đồ lưu lượng trao đổi chất thải toàn cầu cho thấy khoảng những năm 90, chỉ có dưới 50 triệu tấn chất thải được vận chuyển qua lại giữa các nước. Đến năm 2012, tổng lưu lượng chất thải trao đổi tăng lên khoảng 5 lần – đạt 222.6 triệu tấn năm 2011. Trong đống chất thải này, hiển nhiên thành phần mang lại sự chú ý của thế giới là rác thải nhựa và nhựa phế liệu. Rất nhiều phóng sự được ra đời kể từ khi Trung Quốc từ chối nhận rác thải vào năm 2018, không phải vì trước đây vấn đề này không tồn tại, mà là nó nhận được rất ít sự chú ý.
Trung Quốc là một trong những điểm tập kết lớn nhất của chất thải rắn từ khắp nơi trên thế giới, nhất là từ các nước phát triển. Năm 2016, hơn 15 triệu tấn rác thải nhựa, 16 tấn giấy phế liệu và 2 triệu tấn vải phế thải được xuất khẩu trên toàn cầu, với 40% trong số đó đi về Trung Quốc (UN Contrade, 2018). Trước lệnh cấm đầu năm 2018, Trung Quốc là điểm đến của hơn 50% rác thải nhựa trong tổng dòng rác thải nhựa trao đổi toàn cầu – 8.8 triệu tấn trên 14.3 triệu tấn của toàn thế giới, và khoảng 70.6% trong số này bị chôn lấp hoặc xử lý kém, dẫn đến hàng loạt những vấn đề môi trường nghiêm trọng.
Lưu lượng rác thải nhựa trao đổi trên toàn thế giới - Phần màu ở giữa là lưu lượng rác thải nhựa đến Trung Quốc, chiếm đến 1/2 tổng lưu lượng toàn cầu, trong đó các khách hàng lớn nhất là Nhật, Mỹ, Đức, Thái Lan, Indo, UK. Hàn Quốc, Bỉ, Mexico và Hong Kong. Sau lệnh cấm tháng 1/2018, tổng lưu lượng xuất khẩu giảm và lưu lượng rác thải nhựa đến TQ tháng 2/2018 giảm 95% so với trước lệnh cấm. Source hình: NatGeo
Ai là những “khách hàng” lớn nhất của “dịch vụ xử lý rác hộ” của Trung Quốc? Đó là Nhật Bản, Mỹ, Đức, Thái Lan, Indonesia, Anh, Hàn Quốc, Bỉ, Mexico và Hong Kong, và hơn 81 quốc gia khác. Lẽ dĩ nhiên khi “đường dây” xử lý rác hộ này bị đánh sập và ngừng hoạt động, rác thải của các nước “khách hàng” này phải tìm bến đỗ mới và hàng nghìn container chứa đầy rác thải đã cập bến, có phi pháp hay không thì không biết, vào các nước Đông Nam Á lân cận như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Rất nhiều phóng sự trên các báo đài ở nhiều quốc gia phát triển đã “khai sáng” cho người dân của họ về tình trạng phần lớn rác thải của họ đang được ship tới các nước nghèo hơn, VD một phóng sự năm 2019 của một kênh truyền hình Nhật đưa tin về việc rác thải nhựa của họ được ship tới Việt Nam và xử lý tại một làng ngoại thành Hà Nội, và đài DW của Đức đã đưa tin về tình trạng rác thải của Đức đang nhấn chìm Đông Nam Á[1].
Sau lệnh cấm này, tổng lưu lượng rác thải nhựa trao đổi toàn cầu sụt giảm 45.5%. Xuất khẩu rác nhựa tái chế được của Mỹ nửa đầu năm 2018 sau lệnh cấm giảm 1/3 so với năm trước đó, từ khoảng 950.000 tấn xuống còn 666.780 tấn. Không thể nhập khẩu vào Trung Quốc, lượng rác này đã được điều hướng sang Thái Lan (khoảng 91.505 tấn) và sang Malaysia (157.299 tấn) và sang Việt Nam 71.220 tấn.
Điểm đến của rác thải nhựa của Mỹ trước và sau lệnh cấm của Trung Quốc 2018.
Đứng trước áp lực lớn từ lượng rác thải phế liệu được điều hướng vào từ nước ngoài sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu như vậy, chính phủ các nước như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đã cố gắng kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu phế liệu từ năm 2018. Trong khi đó, Việt Nam và các nước đang phát triển vẫn đang vật lộn với một lượng lớn chất thải từ chính trong nước và thiếu thốn, tụt hậu về hạ tầng, thiết bị xử lý chất thải rắn.[2] Ở một mặt khác, nhiều doanh nghiệp làm trong ngành tái chế đang lo ngại rằng cấm nhập khẩu phế liệu sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, sản xuất của họ vì thiếu nguồn cung. Trên thực tế, Việt Nam đang sử dụng phần lớn nguyên liệu giấy tái chế, hạt nhựa tái chế nhập khẩu từ nước ngoài cho hoạt động sản xuất của mình.
Tại sao rác trong nước không chịu xử lý, tái chế, dùng làm nguồn cung mà phải dùng đến phế liệu nhập từ nước ngoài? Điều này cũng dễ hiểu thôi, hiện tại trong nước vẫn chưa có được một hệ thống thu gom đồng bộ, hoàn thiện, người dân cũng không có thói quen phân loại rác tốt, dẫn đến một lượng rác lớn có thể tái chế được nằm lẫn trong rác thải sinh hoạt, hữu cơ, độc hại, trong khi một số nguồn rác phế liệu có chất lượng nhập từ nước ngoài thường đã được xử lý, phân loại 1 phần, lượng tạp chất cũng khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật để được nhập khẩu (VD Indonesian đặt giới hạn tạp chất dưới 2%) là nguyên liệu đầu vào rẻ, có chất lượng hơn. Để làm cho nguồn rác thải nội địa trở thành một nguồn nguyên liệu tái chế hấp dẫn hơn nguồn ngoại nhập, chúng ta cần cải thiện độ phủ và hiệu quả của hệ thống thu gom, phân loại rác trong nước với độ sạch và chất lượng cao hơn để tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương này. Việc này sẽ giúp thỏa mãn cả việc tìm nguồn cung cho ngành sản xuất tái chế cũng như giải quyết bài toán quản lý rác thải trong nước.
Tại sao lại có hiện tượng này và hệ lụy?
Đơn giản thôi. Thứ 1, cái nào dễ hơn, có lợi hơn về mặt kinh tế và hiệu quả thì người ta làm. Thứ 2, đây đơn giản có thể xem là quan hệ cộng sinh, hợp tác và cũng là một bài toán về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt.
Xuất nhập khẩu rác có thể được xem là một quan hệ cộng sinh, hợp tác, khi mà nội tại địa phương nơi rác thải được tạo ra không có đủ cơ sở hạ tầng phù hợp/chi phí để xử lý rác, mà bạn lại biết một nơi nào đó khác có cơ sở hạ tầng, trình độ, thiết bị và công nghệ hiệu quả để xử lý rác một cách hiệu quả hơn, thì bạn có thể “bắt tay hợp tác” với bên kia để giải quyết tốt rác thải của bạn. Nhập khẩu rác thải, phế liệu cũng là một trong những cách tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ (đặc biệt là khi rác phế liệu đã được phân loại và làm sạch) để phục vụ cho sản xuất khi nguồn nguyên liệu nguyên sinh, có chất lượng quá đắt đỏ. Đương nhiên, một mối quan hệ “hợp tác” đúng nghĩa phải có sự đồng thuận của cả 2 bên, giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, với giá cả, chi phí được thỏa thuận hợp lý và có kiểm soát về chất lượng quy trình, đúng theo thỏa thuận.
Nếu xuất nhập khẩu rác thải là một lựa chọn dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn về mặt kinh tế, giúp bạn gỡ bỏ gánh nặng so với việc phải tự đầu tư thiết bị xử lý, tái chế thì rõ ràng người ta sẽ chọn phương án xuất nhập khẩu rác thải. Ví dụ cho các mối quan hệ hợp tác “lành mạnh, tích cực” là như Phần Lan ship rác thủy tinh sang cho một nhà máy xử lý thủy tinh ở UK hoặc Hà Lan để xử lý. Hoặc giống như việc thu gom xử lý rác tập trung vậy thôi, nhưng ở mức độ xuyên quốc gia ^^.
Tuy nhiên chúng ta có thể hoàn toàn nhận ra những mặt trái của hiện tượng này. Đó là khi rác thải được xuất - nhập khẩu mà không có sự đồng thuận của cả 2 bên, người nhận bị “ép” nhận mà không có đủ tiềm lực để xử lý rác thải, người gởi cũng chỉ vứt ra đấy, không trả tiền, không đầu tư cơ sở hạ tầng, không quan tâm đến rác thải của mình được xử lý như thế nào, chỉ cần “trút được cái gánh nặng” đó rồi bỏ mặc cho người dân ở nơi nhận sống trong môi trường mất vệ sinh, ngập rác thải. Và “dễ hơn” ở đây tức là bao gồm cả sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, rà soát của cơ quan hành pháp và hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức như các đường dây buôn lậu, tham nhũng ở nước nhận rác nữa. Nhiều người, nhiều tổ chức làm những điều phi pháp, phi đạo đức, đơn giản là vì “họ có thể”, sẵn sàng đánh đổi an nguy của rất nhiều người khác chỉ để đổi lại lợi nhuận gì đó cho riêng mình. Điều này làm mình nhớ đến vụ đổ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà vào tháng 10/2019, khiến hàng nghìn hộ dân tại Hòa Bình, Hà Nội lao đao trong cơn khát nước sạch, phải ra siêu thị tích trữ nước bình, nước chai và mất gần 2 tuần để khắc phục sự cố (Cúp nước 1 ngày đã thấy khó chịu, đằng này cả gần 2 tuần, phải đi mua nước bình, hoặc đợi xe chở nước đến để nhận nước sạch @@).
Ở mặt tối nhất của Thương mại Chất thải Toàn cầu, ta sẽ thấy những người dân ở tầng đáy của xã hội ở những nước nghèo bị chôn vùi, bỏ mặc trong đống rác thải độc hại, mất vệ sinh mà không phải do họ tạo ra. Sức khỏe con người xuống cấp, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, nhiễm độc do phải tiếp xúc nhiều với rác thải cùng với sự xuống cấp của môi trường sống và hệ sinh thái xung quanh là những tác động chính mà người dân của nước nhập khẩu rác phải chịu đựng, đặc biệt là nếu họ không được trang bị công nghệ hay cơ sở hạ tầng để xử lý kịp đống rác đang được tống vào nhà của họ.
Trong vài thập kỷ gần đây, có khá nhiều vụ scandal cho thấy mặt tối của xu thế trao đổi chất thải xuyên biên giới này đã khiến cho nhiều quốc gia phải suy xét lại về đối sách của mình đối với dòng rác thải toàn cầu này nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân của mình.
Case 1
Vụ tàu hàng Khian Sea năm 1986, chở 14.000 tấn tro đáy từ các nhà máy đốt rác Philadelphia, Pennsylvania đi tìm chỗ để đổ. Trước đó, tro từ các nhà máy này thường được vận chuyển đến New Jersey để đổ nhưng bang này đã từ chối, không nhận thêm tro nữa từ năm 1984. Tàu hàng Khian Sea này sau đó đi xuống các nước Nam Mỹ, châu Phi và châu Á để tìm chỗ đổ nhưng suốt hơn 2 năm trời bị từ chối bởi 1 loạt các quốc gia như Bahamas, Dominican Republic, Honduras, Panama, Bermuda, Guinea Bissau, Dutch Antilles, Senegal, Morroco, Yugoslavia, Sri Lanka và Singapore, dù đã 2 lần “thay tên đổi họ” để giấu danh tánh. Họ chỉ đổ được 4000 tấn xuống Haiti dưới danh nghĩa “phân bón mặt” và sau khi tổ chức Greenpeace thông báo cho chính quyền Haiti thì bộ trưởng thương mại Haiti ra lệnh cho tàu hàng này thu lại 4000 tấn tro này nhưng họ đã “quất ngựa truy phong”. Cuối cùng, sau hơn 2 năm trời bị đuổi hơn đuổi tà, không tìm được chỗ đáp, họ đã đổ 10.000 tấn tro còn lại xuống biển Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Vụ việc này đã trở thành tiền đề của Hiệp định Basel về việc xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại.Case 2
Ý vận chuyển hóa chất độc hại và xả thải tại thị trấn Koko, Nigeria. Năm 1988, 2 công ty của Ý đã sắp xếp để xả thải 18.000 thùng hóa chất độc hại xuống một thị trấn đánh cá nhỏ tên Koko ở Nigeria. Họ đã cố tình dán nhãn “phân bón” cho những thùng này và lừa một người công nhân về hưu mù chữ để ông đồng ý cho họ đổ hóa chất độc hại này ở sân sau nhà với giá 100 đô la mỗi tháng. Những hóa chất này bị để lộ thiên, dưới ánh nắng mặt trời và gần nơi nhiều trẻ em chơi đùa. Cuối cùng, chúng đã rò rỉ xuống nguồn nước của thị trấn, dẫn đến 19 dân làng tử vong vì ăn phải gạo nhiễm độc ở một nông trại gần đấy.Những vụ việc này phản ánh sự bất công, hệ quả nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người của xu hướng vận chuyển chất thải từ các nước giàu sang các nước nghèo và đang phát triển, và mang đậm tính chất của “chủ nghĩa thực dân” – không chỉ là làm giàu trên tài nguyên của các nước nghèo mà còn đang lợi dụng họ để gồng gánh những gánh nặng độc hại của những nước giàu.
Phản ứng và nỗ lực của quốc tế trong việc cắt giảm tình trạng TMCTTC
Vốn được xem là một trong những thành tố góp phần tạo ra ô nhiễm nhựa, ô nhiễm môi trường và nguy hại đến sức khỏe con người, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang đấu tranh để kìm hãm và loại bỏ dần xu thế trao đổi chất thải xuyên biên giới này, ít nhất là hạn chế những mặt tối, hạn chế dòng chảy chất thải từ các nước giàu vào nước nghèo, hạn chế sự thực dụng này.
Sau một thời gian dài làm “công xưởng tái chế rác của thế giới” cùng với hàng tá hệ lụy đến cả môi trường sống và sức khỏe của người dân chính đất nước mình, cộng với việc suốt ngày bị chỉ trích là nguồn cơn gây ra việc rò rỉ rác thải nhựa ra đại dương, Trung Quốc cùng với chính sách “Thanh kiếm Quốc gia” đã cấm nhập khẩu rác thải tái chế từ nước ngoài vào. Và gần đây nhất, bắt đầu từ 1/1/2021, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hoàn toàn tất cả các loại rác thải ngoại lai vào Trung Quốc để ngăn ngừa ô nhiễm, đồng thời truy quét nạn buôn lậu phế liệu, rác thải từ nước ngoài vào[1]. Các nhà nghiên cứu dự đoán trong tương lai, với đà tăng trưởng thần tốc như bây giờ, Trung Quốc có thể trở thành nước xuất khẩu rác. Các nước Đông Nam Á được coi là điểm đến “hot” nhất sau lệnh cấm của TQ cũng đã ban hành các lệnh cấm nhập khẩu rác thải từ phương Tây, trả về hàng nghìn container rác được nhập lậu về, để bảo vệ môi trường sống của người dân mình.
Đấy là phản ứng của các quốc gia đơn lẻ. Thế còn quốc tế thì sao?
Năm 1989, sau vụ việc tàu chở tro đáy Khian Sea (1986) và vụ thị trấn Koko (1988), một hội nghị được triệu tập và thông qua Hiệp ước Basel với sự tham dự của 199 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giảm thiểu việc vận chuyển chất thải độc hại xuyên quốc gia, đặc biệt là ngăn chặn dòng chảy rác thải độc hại từ các nước phát triển đến các nước kém phát triển hơn. Tháng 12/2006, Hiệp ước được mở rộng, thêm rác thải điện tử và tháo dỡ tàu biển vào phạm vi kiểm soát của Hiệp ước. Mỹ và Haiti là 2 quốc gia, cho đến thời điểm tháng 10/2018 đã ký hiệp ước nhưng lại không phê chuẩn và thực thi Hiệp ước này.
Phải nói lệnh cấm năm 2018 của Trung Quốc đã đánh vào đầu các nước, đặc biệt là các nước phát triển, một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến họ phải suy nghĩ lại về chiến lược quản lý rác thải và thúc đẩy nhiều tổ chức quốc tế tham gia vào việc điều tiết, quy định và kiểm soát dòng thải toàn cầu cho kịp thời. Tháng 5/2019, nhận thấy tính cấp bách của khủng hoảng rác thải nhựa, Liên Hợp Quốc và 187 nước thành viên đã họp bàn và đồng thuận đưa rác thải nhựa vào phạm vi kiểm soát của Hiệp ước Basel, đòi hỏi các nước tạo ra rác thải phải có được sự đồng ý của nước nhận trước khi xuất khẩu rác thải và cấm xuất khẩu rác thải nhiễm bẩn, độc hại và khó tái chế. Liên minh Châu Âu cũng ra quy định mới, hạn chế xuất khẩu rác ra khỏi châu Âu, với tham vọng thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nội bộ châu Âu. Mỹ vẫn chưa đồng thuận và thực thi Hiệp ước này và đến tháng 3/2021, vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn rác thải của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, Reuter đưa tin Malaysia đã chấp nhận một container rác thải nhựa từ Mỹ vào tháng 3/2021 sau khi kiểm tra và kết luận rằng container này chỉ chưa rác thải sạch và có thể tái chế được[1].
Có nước nào xử lý nội địa tốt rác thải của họ không và vì sao?
“Trời ơi, vậy thực sự là không có ai biết xử lý rác thải nhựa như thế nào ư? Không ai thực sự xử lý tốt rác thải của họ sao?” – Có chứ bạn, có những nước đang nỗ lực xử lý tốt rác thải của mình và hạn chế xuất khẩu rác thải tới những nước kém phát triển hơn. Cũng có những nước có khả năng xử lý rác thải nhưng bị cái “hà tiện” và họ chọn không tự xử lý rác thải của mình mà đùn qua nước khác thôi =).
Trước đây mình đã từng viết, việc gửi rác đi nước khác không thể hiện rằng chúng ta không có trình độ hay khả năng tái chế, mà nó giống như việc bạn muốn lên chức, nhưng vì lười trải qua mấy năm học hành gian khổ nên bạn nhờ người đi thi hộ, làm bằng giả để có được kết quả mà không cần bỏ ra quá nhiều nỗ lực. Người đi thi hộ, làm bằng giả rất có năng lực mới đi làm dùm người khác, và cũng phải có sự đồng thuận và được nhận lại một khoản thù lao nào đó mới đồng ý làm (đúng rồi, TQ phải chấp thuận thì người ta mới xuất rác qua được chứ). Nhưng khi lượng rác nhập khẩu trở nên quá sức với TQ, khi đầu têu của đường dây "đi thi hộ", "làm bằng giả" là Trung Quốc quá mệt mỏi và nhận ra cái giá của việc nhập khẩu rác thải này lên môi trường nước mình và ngưng nhận dịch vụ này vào đầu năm 2018 thì các nước bắt đầu phải tự lập, tự thân vận động trong việc xử lý rác của mình. Khi nhờ người khác “thi hộ, lấy bằng giả”, các nước xuất khẩu rác sẽ phải phụ thuộc vào một nước khác xử lý rác thải cho mình, họ cũng có thể lâm vào thế bí khi chính sách của nước nhập khẩu rác thay đổi, hoặc không nhận rác thải nữa, hoặc quy mô xử lý của họ bị tụt lại so với sự tăng trưởng của lượng rác cần xử lý. Đó cũng là nguyên nhân chính gây khủng hoảng, hoang mang cho các nước lệ thuộc vào Trung Quốc khi TQ chấm dứt “đường dây xử lý rác hộ” này.
Tuy nhiên, mặt tích cực của lệnh cấm này của TQ là làm lộ ra thực trạng thương mại chất thải toàn cầu, giúp công chúng hiểu rõ hơn sự bất công và những vấn đề tiềm ẩn của đường dây này, giúp chính phủ và các tổ chức kiểm soát tốt, bắt buộc các nước giàu – những nơi tạo ra rác thải nhiều nhất phải xử lý rác của chính họ, để họ tăng cường khả năng tự xử lý rác của chính mình, đồng thời giải tỏa áp lực cho các nước nghèo/đang phát triển, để họ có thời gian hoàn thiện hệ thống xử lý và quản lý rác thải của chính mình.
Sau lệnh cấm này, các nước giàu và phát triển đứng trước 3 lựa chọn: một là tự đầu tư hạ tầng xử lý rác nội bộ trong nước, 2 là vẫn tiếp tục xuất khẩu rác nhưng đẩy chất lượng rác phế liệu cao lên để phù hợp với quy định của Hiệp ước Basel và để có được sự chấp thuận nhập khẩu của các nước đích đến, 3 là tìm cách phương pháp cắt giảm lượng rác thải tạo ra nội tại. Mình cho đây là những điều tích cực cần thiết mà lệnh cấm năm 2018 của TQ tạo ra được và nó sẽ là bước đệm để giải quyết khủng hoảng rác thải toàn cầu.
Tất nhiên, tự lập tự cường, tự xử lý được rác thải của chính mình là tốt, tuy nhiên, không ai có thể đóng cửa, bế quan tỏa cảng, chơi một mình được cả. Giống như Việt Nam sản xuất lúa gạo, trái cây tốt thì cũng cần thị trường để tiêu thụ, hay Mỹ sản xuất vaccine thì cũng cần phải phân phối đến thị trường nước ngoài để tiêu thụ. Tuy nhiên, hợp tác khác, lợi dụng khác. Điều quan trọng là chúng ta cần giữ mối quan hệ trao đổi này công bằng, bình đẳng, tránh để nó đi theo chiều hướng lợi dụng, bóc lột.
Mình cũng không dám nói chắc rằng một đất nước nào đó xử lý tốt rác thải nội địa của họ, vì mình chưa đọc được hết, cũng không đi hết, biết hết về hệ thống của họ. Một số nước như Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy cũng xếp hạng cao về hệ thống xử lý rác thải nhưng một lượng lớn rác thải của họ cũng được ship đi các nước khác (Đức xuất khẩu 1 triệu tấn rác thải qua Malaysia và Hà Lan trên tổng 30 triệu tấn rác mỗi năm, nhiều nhất châu Âu[1]). Được cái số liệu của họ cũng khá dễ tìm, minh bạch, được post trên các trang dữ liệu thống kê quốc gia, và các đài truyền hình quốc gia của họ cũng đang lần lượt thực hiện các phóng sự kiểu “Rác của chúng ta thực chất đi về đâu”. Nhưng nhìn chung thì họ có hệ thống thu gom, phân loại rất tốt và rác thải đã được phân loại của họ cũng khá sạch và họ đang hướng tới cắt giảm hoàn toàn xử lý rác bằng chôn lấp, thay bằng đốt thu hồi năng lượng và tăng tỷ lệ tái chế. Nội bộ châu Âu cũng có khá nhiều nước đang nhập khẩu rác để xử lý hộ các nước láng giềng như Thụy Điển nhập rác hỗn hợp để đốt thu hồi năng lượng cho hệ thống sưởi, Hà Lan nhập rác nhựa và thủy tinh. Với các quy định mới của Hiệp ước Basel, hy vọng họ sẽ giữ dòng vật liệu tuần hoàn nội bộ trong châu Âu, tăng cường khả năng tái chế và giảm thiểu việc xuất khẩu rác đến những nước nghèo hơn.
Tuy nhiên, một trong những mô hình tuần hoàn mà các nước Bắc Âu và Đức đã và đang làm rất tốt là với chai nước giải khát PET, lon nhôm và chai thủy tinh (tại mình đọc được mỗi bài báo của Đức về vấn đề này thôi, chứ không phải nói các nước khác không làm được nhen), thông qua hệ thống Deposit Return Scheme. PET thu hồi được qua mô hình này là loại rác rất sạch, ít tạp chất, tỷ lệ thu hồi rất cao, khoảng 90 – 97%. Rác HDPE và PP cũng đang được thu hồi và tái chế khá tốt. PVC cũng đang được thúc đẩy tái chế qua dự án Vinyl Plus của EU. Trên thực tế từ hồi Trung Quốc còn nhập khẩu rác thải từ khắp nơi trên thế giới và cả sau đó thì một lượng lớn rác thải nhựa đã được phân loại thành 6 loại nhựa phổ biến PE, PS, PVC, PET, PP và các loại khác rồi tái chế đấy, nên tái chế là có thật mà :v, bạn có thể đọc nghiên cứu sau đây: China’s plastic import ban increases prospects of environmental impact mitigation of plastic waste trade flow worldwide, Wen et al. Nature Communications article (2021)12:425.
Dòng chảy xuất nhập khẩu rác thải nhựa với 6 loại phổ biến.
Phần Lan cũng đang tạo ra một lượng rác thải rất lớn, đặc biệt là rác hỗn hợp lớn hơn khả năng xử lý của họ nên họ cũng phải ship rác thải qua Thụy Điển và Estonia để đốt thu hồi năng lượng. Phần Lan đang thực hiện các chiến dịch thúc đẩy phân loại và tái chế tốt hơn, đặc biệt là cắt giảm lượng rác hỗn hợp đi.
Kết
Đã từ lâu, mình luôn cho rằng ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương là chỉ dấu cho thấy chúng ta đang đối mặt với không chỉ cơn khủng hoảng rác thải nhựa mà còn là khủng hoảng chất thải nói chung. Chúng ta tạo ra rất nhiều phát thải, nước thải, hóa chất, rác thải, nhưng lại lúng túng, không có kế hoạch, chiến lược xử lý chúng một cách đúng đắn, hiệu quả mà đùn đẩy sang cho người khác. Một số trong chúng ta lại còn lợi dụng người yếu thế hơn, nghèo đói hơn để gồng gánh những thứ dơ bẩn độc hại mà ta đang tạo ra, một số khác thì đánh đổi sức khỏe, môi trường để kiếm chác. Chúng ta không phải là không có trình độ hay công nghệ xử lý hay tái chế, chỉ là chúng ta đang từ chối đối mặt, đang trì hoãn cơn sóng chuẩn bị ập lên đầu chúng ta mà thôi. Nhựa có thể tái chế được KHÔNG phải là lời nói dối. Tái chế nhựa là việc làm có thực, khả thi, giúp tiết kiệm tài nguyên tự nhiên, tiết kiệm kinh tế. Chỉ là, chính chúng ta đang tự lừa dối nhau bằng cách “sống ảo”, hứa hẹn sẽ tái chế, nhưng lại không thực sự bỏ công sức vào việc tái chế và xử lý rác thải mà thôi.
Là một người dân bình thường, bạn có thể làm gì? Bạn có thể đọc và tìm hiểu thêm về thực trạng Thương mại Chất thải Toàn cầu, giáo dục người thân và bạn bè để họ ý thức về điều này. Rồi thì bạn có thể tìm hiểu xem rác thải của chỗ mình ở được xử lý thế nào, thúc đẩy thói quen phân loại rác và cải thiện hạ tầng xử lý rác thải chỗ bạn ở. Bạn cũng cần tham gia phản đối các chính sách bóc lột - dùng những nước nghèo hơn như bãi rác của nước giàu và trở thành camera chạy-bằng-cơm giám sát hoạt động xả thải rác và các chất thải phi pháp. Như thế là bạn đã góp phần rất lớn vào việc cải tổ hệ thống xử lý và quản lý rác thải rồi. Và đồng thời, nhớ sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, tiêu dùng có ý thức, tiêu thụ có trách nhiệm, cắt giảm lượng rác thải của chính bạn nếu có thể nhé.
Cảm ơn các bạn đã đọc một bài thật dài ^^!
Huỳnh Bảo Ngọc
11.05.2021
[1] The Economics of the International Trade of Waste, Derek Kellenberg, Annual Review of Resource Economics 2015 7:1, 109-125
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất