Nguồn ảnh: Texas Public Radio
Tuần trước trong một lần trên chuyến xe buýt về đến nhà, tôi chứng kiến một ông già tự chửi rủa liên hồi suốt cho đến khi tới bến. Người gã dơ dáy, hôi hám, bẩn thỉu chẳng ai muốn đến gần. Nếu mô tả thì giống câu đầu trong Chí Phèo “Hắn vừa ngồi vừa chửi.. Chửi hết từ gia đình họ hàng đến mọi người xung quanh”. Giọng điệu ông đầy rẫy những từ ngữ tục tằn khiến người ngồi trên xe rất khó chịu. Ông không buông tha chị soát vé đến mức tôi nghĩ rằng còn ngồi về lâu về dài nữa sẽ đánh nhau không chừng. Bản thân tôi về mệt, nghĩ lại chỉ muốn tống gã này vào viện cho xong.
Khi hỏi chị soát vé ổng chửi từ bao giờ, chị chỉ nói từ lúc lên xe đã chửi rồi. Điều tôi tiếp tục để ý ở người đàn ông này là cách ông ta chửi. Ông ngồi chửi một mình, từng lời từng từ ném thẳng vào khoang buồng xe bus. Lời chửi chẳng nhắm đến ai, toàn lôi chửi họ hàng rồi quá khứ. Có vẻ hứng thú say sưa lắm, và chị soát vé đã nói ông dừng nhưng vẫn tiếp tục chửi, nhưng có vẻ lời chửi không nhằm thẳng vào người phụ nữ này.
Đây không chỉ lần đầu tôi nhìn thấy tình cảnh này. Có một lần cũng ngồi trên chuyến xe này, ở hàng ghế đối diện tôi là một cặp vợ chồng. Người vợ bất lực nghe ông chồng chửi trời chửi đất, chửi không ngừng nghỉ kể cả khi tài xế bảo ngưng, thậm chí nghe vậy còn doạ hành hung rồi rống lên lè nhè tiếp. Trong người họ không hề có hơi rượu hơi bia, chỉ là quần áo bẩn thỉu hôi hám. Người phụ nữ tóc điểm bạc người nhỏ thó chỉ bất lực khi nghe người khác phàn nàn về chồng mình. Tóc cả hai đều đã điểm sợi bạc nhiều rồi, người đàn bà ấy sợi bạc còn nhiều hơn. Tất cả họ đều có điểm chung là nhà nghèo. Tôi thở dài ngao ngán, mấy người này thì phải vào viện, nhưng để đưa họ vào cũng chẳng được vì tiền thuốc lần nào cũng đắt đỏ.
“Bà cụ ấy bị điên, khốn nạn rồi”
Đó là cách bà nội tôi mô tả về bà ngoại của một người bạn thân của chị họ tôi. Ở độ tuổi ngoài 70, một ngày đẹp trời bà bỗng biến thành người khác. Không chịu mặc quần, nhảy nhót khắp nhà và mắng chồng mình đi chơi với gái, dù ông cụ từ trước đến giờ rất thương vợ. Trước đây bà cụ từng là nhà giáo, giờ khi già đi lại ra nông nỗi này. Mỗi lần kể về bà cụ này, bà tôi cứ nghiến răng nặng nề bảo biến thành mụ điên, giờ giở hết chứng. Ông nội tôi nhiều năm trước khi qua đời cũng đột ngột nổi cáu bất thường la mắng đến mức ai cũng sợ. Chỉ đến khi bố tôi nói đó là biểu hiện của sa sút trí tuệ thì bà mới không dám nói gì nữa.
Những trường hợp ông bà cụ già trên đều là nạn nhân của loạn thần, có thể từ tình trạng sa sút trí tuệ hay trầm cảm ở người già (bạn có thể đọc ở đường link dưới đây và cả câu chuyện của một ông cụ qua lời kể của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang). Trầm cảm ở người già rất khác, nhiều khi không biểu hiện qua sự trầm uất mà bằng rối loạn hành vi. Nhưng đa số mọi người không hề có nhận thức, nên gọi họ bằng tất cả những từ ngữ đốn mạt nhất có thể. Những thứ xấu xí dành cho những con người không kiểm soát và làm chủ bản thân mình.

Chỉ khi vào năm ngoái, khi bắt đầu học và đi lâm sàng Tâm thần một tuần (do dịch Covid), tôi mới hiểu thực ra phải rất rất lâu và kiên nhẫn mới hiểu và nhận thức đúng bệnh. Nhận thức và phát hiện sớm là một chuyện, còn biết cách ứng xử, thể hiện thái độ với người có rối loạn tâm lý, hay loạn tâm thần (disorder chứ không phải disease) là hai chuyện một trời một vực. 

Hồi nhỏ khi nghĩ đến bệnh tâm thần, thứ tôi nhớ đến là miếng óc heo. Trên tivi cứ ra rả mỗi tối, nhắc đến “bệnh tâm thần” là cứ có hình bộ não xoay vòng vòng. Nên ngày sau bà đi chợ mua óc heo về sợ lắm, vì nghĩ ăn xong là bệnh. Hoặc chỉ có những người bệnh tâm thần mới ăn món này cho hết bệnh. Cuối cùng không bệnh nhưng vẫn sợ óc heo tại nó béo và tanh quá. Một chiều tan học ông nội chở  qua Bệnh viện Tâm thần khoa khám bệnh ban ngày cho trẻ em trên đường Phan Đăng Lưu, tôi sợ có ngày mình bị đưa vào đó mổ não ra như bà tôi mang miếng óc heo về nhà vậy. 
Có một meme trước đây chế rằng bọn sinh viên Y chúng tôi mỗi lần ức chế hay khủng hoảng chỉ cần vào trại tâm thần nhảy múa hát ca là thấy vui tươi hơn liền.
Nhưng mọi thứ không phải vậy. Nhiều người mắc bệnh tâm thần không cần phải phát điên hay chửi gì cả, họ cứ im im mà thành bệnh nặng. Tưởng tượng một ngày đẹp trời, những cơn ngủ chập chờn, những lúc ngủ không được, kèm những chán nản và mọi thứ nằm ngoài kiểm soát ập đến bạn. Bạn đã cố kiềm chế lắm, muốn chúng bớt đi. Bạn lọc cọc lấy xe đến tiệm mua thuốc mua dăm ba viên thuốc ngủ nhưng chúng không bớt đi. Lại cố ngủ, lại thao thức chẳng vì điều gì nhưng chẳng bớt. Rồi cố gắng lê lết hết từng bệnh viện này sang bệnh viện khác với chẩn đoán mất ngủ mà không hết, để rồi cuối cùng nó lại đưa đến một chẩn đoán về tâm bệnh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực chẳng hạn. 
Giấc ngủ, thứ cơ bản chi phối đến sự sinh tồn và sung sướng của một người, giờ người ta cũng không làm chủ được nổi. 
Dạo gần đây, trầm cảm là rối loạn tâm lý đang nhận được nhiều sự quan tâm và nhận thức. Tôi rất hay theo dõi chuỗi câu chuyện của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trên Vietcetera về trải nghiệm của rất nhiều người, từ trẻ vị thành niên, sinh viên đại học, người mẹ mất con đến bác cựu chiến binh. Thậm chí trên Spiderum cũng có một bạn chuyên viết về đề tài sức khoẻ tinh thần, trước đây cũng trải qua trầm cảm và phải nhờ tổ chức Beautiful Mind Vietnam cứu. Nếu trầm cảm xảy ra có thể rõ nguyên nhân, mang tính xã hội và thức tỉnh thì còn có một rối loạn tâm lý khác, biết được nhưng chúng ta không thể tránh được do sự sắp xếp của số phận hoặc hoàn cảnh áp lực ngặt nghèo. 
Đó là những người trẻ phát bệnh tâm thần phân liệt. Trong tuần thực tập lâm sàng ngắn ngủi, tôi đã có dịp được gặp những người trẻ đang tràn trề nhựa sống, bỗng một ngày vào viện vì có những ảo giác, ảo tưởng nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. 
Ban đầu khi viết bài này, quan điểm của tôi cho rằng người mắc chứng tâm thần phân liệt đáng thương hơn cả. Nhưng sau khi gửi bài cho một anh bác sĩ mới xong chương trình cao học về Tâm thần, anh đưa ra góc nhìn khác. Thực ra không biết ai khổ hơn ai. Những bệnh nhân anh sau khi điều trị vẫn có cuộc sống bình thường, tự trang trải được. Nhưng tôi vẫn kể câu chuyện này ra, vì kiếm kết quả tiếng Việt ít có những mẩu chuyện như vầy so với trầm cảm, nên chia sẻ với mọi người vậy. 
Tâm thần phân liệt. Nguồn ảnh: Helpguide.org

Ban đầu khi vào khoa Tâm thần, tôi nghĩ mình sẽ được nghe đủ tấn bi kịch cuộc đời của trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, những thứ đẩy đưa người ta vào đường cùng và tâm bệnh nó phải chiến đấu. Nhưng tôi không được đi Bệnh viện Tâm thần như hai lớp kia, mà chỉ đi 175 nên tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt khá nhiều. 
Lần thực tập ở bệnh viện 175 khá dễ thở vì nơi đây gần nhà tôi. Đứng ở ngoài nhìn vào, Bệnh viện Quân y 175 chẳng khác gì một khách sạn hạng sang thực thụ. Này là một dãy nhà lớn 5 tầng cứng chắc, đá lát sáng trưng. Chỗ kia là nền đá nâu vàng khoác lên dòng chữ của Khoa. 
Khoa chúng tôi thực tập là A6, khoa dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần. Để kiếm được khoa vô cùng khó khăn vì phải rẽ rất nhiều đường mới biết được. Gọi là khoa A6 chứ không phải Tâm thần, tôi nghĩ là để tránh kỳ thị. Như bệnh nhân HIV thì trong viện sẽ ghi chẩn đoán là B20, hoặc cuốn sổ khám bệnh của họ chỉ có đề tên, không đề gì cả.  Để bước vào gặp được bệnh nhân, chúng tôi phải gọi cho thầy cô trường mình trước, xong báo bác trưởng khoa mới được phép vào. Và khi muốn chạy ra ngoài để mua món gì đó, hay lấy đồ uống ship vào rất khó khăn, căn tin phải chạy tầm km tính cả những lúc lạc đường vã mồ hôi mới có thể quay lại. Mà không có ai đứng sẵn nghe mở cổng là xác định chôn chân chờ thôi. 
Chào đón chúng tôi vào khoa là một người đàn ông trung niên, mặt tròn, hói trán. Ông mặc một chiếc áo đã cũ ngả cháo lòng, đầy những vết dơ và bận chiếc quần đùi sọc đen. Ông không niềm nở chào chúng tôi, mà chỉ đưa ngón tay thẳng lên trời, xong lại rút xuống, nói cái gì về Trời đất. Có từ nghe được, có nhiều từ nghe cứ líu lại giống như dồn ứ lại hai bên má và họng. Trời dần nắng rực, và ông cứ đứng đó, mắt nhìn thẳng vào đám sinh viên chúng tôi, tiếp tục chỉ thẳng tay lên trời nói liên hồi. Một số đứa bắt đầu thấy e sợ nên phân tán ngồi tụm ba tụm bảy ở hàng ghế đá. Ông vẫn đứng một mình, chỉ tay tiếp lên trời nói liên lục địa. Bởi vậy trải nghiệm lần đầu gặp bệnh nhân tâm thần trái ngược hoàn toàn với những gì tôi đã nghĩ. Vì cứ đinh ninh rằng những ca nặng nhất, ca điên sẽ được chuyển vào Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương II (hay còn gọi là Nhà thương điên Biên Hoà), còn lại sẽ là những bệnh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu này nọ. Và giờ đây là một bể học mênh mông không biết từ đâu đến.
Đi lâm sàng tâm thần khác hẳn hoàn toàn với đi lâm sàng ở các khoa khác. Bệnh nhân mình có vấn đề, vào viện, gặp bệnh nhân khai thác bệnh sử, không rành thì hỏi thêm người nhà, khám, đối chiếu lại hồ sơ bệnh án, xong không rõ thì ngày hôm sau quay lại hỏi. Thường là “bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt” tức bệnh nhân hiểu rõ mình đang ở đâu, mình đang làm gì, khó chịu ra sao, cảm thấy dữ dội đến mức nào, ăn ngủ bình thường không. Và trước đó cũng có bác sĩ hướng dẫn, nếu không chịu khám xong học lại lý thuyết cũng ra. Nhưng ở đây, nó khác. Ngay cả việc tiếp xúc bệnh nhân được hay không cũng là một câu hỏi rồi. Bác sĩ có lẽ đã đi khám bệnh và cho thuốc khác với thời điểm chúng tôi vào khám. Mà kỳ thực, đã bị ám ảnh với ông bệnh nhân đầu tiên thì tâm trạng ai sao mà muốn đi khám nổi.
Nếu ở ngoài bệnh viện Quân Y 175 đẹp đẽ sáng ngời bao nhiêu, bên trong khoa này là một vùng trời khác. Đứng cách nhà vệ sinh ba bốn phòng bệnh đã cảm nhận mùi khai kèm mùi mồ hôi bốc lên. Trời thì hay muốn mưa, kèm theo mùi này nữa lại càng khiến bầu không khí thêm mùi nồng nặc và khó chịu. Trong phòng bệnh ban ngày không bật đèn, muỗi bay vo ve nhiều không kể xiết. Các anh nằm trong phòng phải liên tục dùng muỗi vợt cả chục trăm con, nghe lách tách liên tục như tiếng pháo nổ. Tường bốc mùi ẩm ướt rêu phong cũ kỹ, lại còn nóng nực, tối tăm. Chỉ vài chiếc quạt trần và quạt máy gắn góc tường chạy chầm chậm, trong thời tiết này còn đỡ, còn những lúc trời ẩm ương không biết người bệnh thế nào.
Hoá ra người đàn ông đó chỉ là một ca bệnh tâm thần phân liệt rất nặng (anh bác sĩ nói - nhưng người đọc bài tôi đã cắt nghĩa rằng chẩn đoán này có thể sai, nhầm với sa sút trí tuệ) phải điều trị lâu dài. Còn khi rảo bước xung quanh cũng gặp những người nhỏ tuổi hơn, vốn đang phục vụ quân ngũ xong bắt đầu phát bệnh nên được chuyển về đây. Họ mặc áo thun quần đùi xanh lá, mang đôi dép nâu quen thuộc của người ở đơn vị. Họ chia nhau thành từng nhóm làm những công việc lao động khác nhau. Tốp quét sân, tốp nhổ cỏ. Xa xa ở hàng ghế đá có một nhóm bắt đầu vẽ và tô màu. Đây được gọi là hoạt động trị liệu cho những bệnh nhân có diễn tiến tốt. Một người bạn ở tổ đi cùng tiếp xúc với một người mặc áo xanh, thấy anh này cũng có vẻ thân thiện. Mà dù gì cũng được phân công làm bệnh án trình, việc cũng đến tay thôi.
Chúng tôi chọn người thanh niên đang ngồi vẽ con gà con khá đẹp.

Cậu 20 tuổi, đang là lính Hải quân năm đầu ở Cam Ranh. Trước mặt chúng tôi, C. (gọi tắt là vậy) thể hiện gương mặt không vui, cũng không buồn. Sắc mặt thẳng băng, trơ, C. bắt đầu kể về bệnh tình của mình. Trước mặt C. là 3, 4 người tụ vào để nghe về bệnh, để hỏi. Tôi không biết điều này có khiến C. cảm thấy khó chịu và hơi choáng không, thực ra chắc cậu cũng quen cảnh này và hiểu chúng tôi cần học. C. kể rằng khi còn là sinh viên sư phạm năm nhất ở Sài Gòn, trong đầu em bắt đầu vang lên tiếng nói của chính mình yêu cầu bản thân xin gặp ba mẹ hỏi tiếp việc học đại học. Cũng có đi Hoà Hảo khám, được cho uống thuốc. Khi không còn nghe tiếng nói ấy vang trong đầu thì tự ngưng thuốc và nhập ngũ luôn. Đợt kế tiếp, tiếng nói ấy lại tiếp tục vang trong đầu lúc em đang ngồi trong phòng học bài một mình, bảo rằng phải học tốt hơn. Rõ là nhờ đó C. có động lực học hành hơn hẳn, (và cái đám nhốn nháo làm bệnh án chúng tôi thầm ước phải chi bị như vậy, nhưng thực ra có tiếng nói cũng chả làm ăn được gì cả). Rồi tiếng nói ấy cứ xuất hiện nhiều hơn bình thường, càng dữ dội âm vang với nỗi sợ bị đưa ra đảo, kéo theo những đợt khó ngủ khiến em vào trạm y tế khám, nhập viện ở dưới rồi lên đây luôn. 
Lúc gặp C., chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu, khai thác những yếu tố khiến người trẻ tuổi này có chùn bước hay không. Nhưng chẳng thấy gì. C. sống trong gia đình lao động, gia đình hoà thuận yêu thương em, em cũng hoà đồng với tất cả mọi người từ trường học đến quân ngũ, học hành giỏi giang. Thậm chí cậu còn có bạn gái và cả hai đều yêu đương suôn sẻ. Tìm đủ mọi cách, hỏi về sở thích, về môi trường quân đội, chúng tôi chẳng tìm ra điều gì bất thường. C. chỉ có một nỗi sợ lớn là sẽ phải ra đảo, và mỗi khi sự sợ hãi xuất hiện, những tiếng nói ấy lại vang lên. Trước khi nhập viện, ngoài bị tiếng nói trong đầu và mất ngủ, C. dần tách biệt với mọi người hơn, nhưng em không có hành vi làm hại mình, hại người khác. Và đây được gọi là triệu chứng âm tính trong tâm thần phân liệt, gợi ý dấu hiệu nặng. C. có một điểm đáng lưu ý khác: hoá ra cô em đã phát bệnh lúc 30 tuổi. Và giờ đến lượt cậu. Người thanh niên khao khát được trở về đóng góp cho quân ngũ, bệnh cũng không nói bạn gái biết, giờ xuất viện xong không biết cậu sẽ thế nào. Nếu đã mắc bệnh thế này, tôi nghĩ rằng cậu không thể hoàn thành trọng trách của một người lính, cũng khó có thể hành nghề nhà giáo sau này được. Phải tìm cách kiếm con đường đi khác. Chỉ vì đây là căn bệnh có yếu tố di truyền, và đó là thứ nằm ngoài tầm với. Tôi cảm thấy C. đang phải đánh nhau và đối thoại dần dần với những nhân dạng của bản thân.
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt. Chia làm hai nhóm triệu chứng: dương tính và âm tính. Dương tính gồm Delusions (ảo giác), Hallucinations (hoang tưởng), disorganized speech (lời nói vô tổ chức). Triệu chứng âm gồm flattened affect (gương mặt trơ không biểu lộ khí sắc), reduced speech (giảm vận ngôn), lack of initiative (thiếu sự chủ động). Nguồn ảnh: verywellmind.com
Vì phải làm bệnh án để trình và nộp, nên trong một tuần nhóm bốn người đã mất hai ngày để hỏi cho ra bệnh, cũng như nghĩ hướng chẩn đoán và đọc DSM-5 đối chứng. Sau đó cũng tính hỏi thêm một số người, nhưng lười quá mà cũng sợ. Bài thì quá nhiều chẳng biết lục đâu. Có một bà mặt vuông lúc nào cũng hằm hằm như thể cau có chuyện gì miết, không biết nên đến không. Có một cậu thanh niên mặc thất thần như thể mới trả qua vụ hoàn hồn nào đó. Những sắc mặt ấy khiến chúng tôi ngờ vực và cảm thấy khó khăn hơn. Liệu họ có nổi cơn nói chuyện trên mây như một ông bệnh nhân nổi cơn làm Ngộ Không như clip trong lớp anh giảng viên đã chiếu, liệu họ có nhằn nhè chửi bất cần đời như vài người trên xe bus, liệu có tấn công các tấm chiếu mới này? Chỉ đến khi làm bài tập bắt buộc là tổ chức buổi sinh hoạt dưới hình thức trị liệu lấy điểm cộng, anh bác sĩ mới nói thực ra bệnh nhân ở đây rất dễ gần và hợp tác.
Sau khi gặp C. xong, tôi đã rất lo lắng đến mức gọi Min bảo mày đừng bị vậy nha, mọi người khổ lắm. Min kể thực ra ở trong quân đội mới vào một tháng có nhiều đứa bắt đầu phát bệnh đủ thứ hết, trầm cảm có, tâm thần phân liệt có. Trầm cảm thì có thể hiểu lý do, nhưng đáng thương vẫn là tâm thần phân liệt. Bởi vì những người như C. tha thiết đóng góp cho quân ngũ, nhưng lại bị chính tiếng nói trong đầu mình, hay những xui khiến từ nơi xa lạ vô hình nào đó dẫn đến cảnh này.
Người thứ hai tôi gặp là một cậu thanh niên cùng độ tuổi với C. Tôi không nhớ rõ tên cậu, nhưng ấn tượng khiến tôi muốn hỏi là gương mặt. Suốt buổi sinh hoạt hôm thứ tư, cậu ngồi bên cạnh tôi, mặt thất thần, hai mắt trố ra, người run lẩy bẩy như thể mới bước ra một cảnh tượng kinh hoàng. Cậu trả lời tôi bằng giọng lúc gấp gáp, lúc ngắt quãng, hai vai và tay run bần bật. Hai mắt như thể muốn khóc và chưa hết hoàn hồn. Cậu vốn làm công việc văn công ở quân đội tỉnh khác, gia đình và quá trình học hành không ghi nhận gì bất thường. Chỉ là một ngày, có tiếng nói của chính mình xuất hiện vang lên càng lớn mang tính đe doạ khiến cậu vào đây. Tôi phải ngừng cuộc nói chuyện ngay sau đó vì càng hỏi thêm, cậu càng giật mình và run hơn cầy sấy. Một người khác do bạn tôi hỏi cũng có biểu hiện tương tự vậy. Và họ đều muốn về lại quân ngũ. Nhưng thực ra, hỏi bệnh sử một bệnh nhân tâm thần rất khó. Người nào đã gần đến lúc trị liệu thì mọi thứ chả khó khăn nhiều, nhưng ở trường hợp cậu thanh niên lo sợ kia dạng mới khởi phát cơn cách đó vài ngày thì mọi thứ thật khó khăn. Chợt tôi nhớ lại lúc xem “Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu” để viết bài này, có đoạn y tá Mildred tổ chức buổi họp với các bệnh nhân khiến tôi nhớ lại rất nhiều về cách mình hỏi bệnh nhân mình. Với cách Mildred hỏi Harding về việc ghen tuông thái quá với vợ mình, bà ta dùng câu hỏi để dồn ép bệnh nhân trả lời theo ý mình. Với Billy Bibbit, cậu thanh niên này hay nói lắp vì rất sợ (và tôi đoán cậu có biểu hiện của lo âu và ám ảnh), việc hỏi cung chỉ khiến sự sợ hãi càng lớn và xấu đi. Và đó cũng là cách Mildred đưa Billy tự sát vào khúc cuối - bà ta dùng hai điểm yếu của cậu để đẩy vào đường cùng. Mới tự hỏi rằng chỉ khoảng thời gian tiếp xúc ngắn ngủi, làm sao bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán rồi cho thuốc, và theo dõi đến lúc anh này khỏi luôn. 


“Chưa bao giờ tui thấy có cái chuyên khoa nào đòi hỏi đủ mọi kỹ năng xã hội như vậy á ông.”
Cậu bạn học chăm và giỏi nhất tổ của tôi thốt lên vậy với mọi người. Quả thật, tâm thần đòi hỏi sự nhạy cảm hơn bao giờ hết. Và hồi học cách khai thác bệnh sử tâm thần, sinh viên chúng tôi phải thừa nhận cái bệnh án dài thật, hơn cả sớ. Mà hỏi làm sao đúng chỗ cho ra được bệnh, sao cho không bị thiên kiến (bias) với tâm thần phân liệt là cả một quá trình mệt mỏi và khó khăn. Khó như cách chúng tôi cố gắng kiếm được khoa A6 vậy.  Bởi vì lúc đưa ra bảng triệu chứng tâm thần, anh giảng viên có nói chúng tôi kiểu của giáo khoa cũ Việt Nam là cách tiếp cận xa xưa của Pháp chỉ nhắm đúng bệnh này. Muốn học thêm thì phải đọc thêm sách của Mỹ và Singapore anh gửi cho. Bản thân anh cũng mắc phải vấn đề trầm cảm trước đó. Vợ anh sau khi sinh xong bị trầm cảm sau sinh, anh đã cố gắng cứu chữa cho chị, nhưng hoá ra chính anh cũng bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Hai vợ chồng ly hôn. Trong lúc học, anh đưa cho chúng tôi rất nhiều ca bệnh, mà ngộ thay lại là những lời cầu cứu của những bạn sinh viên. Có bạn bị rối loạn nhân cách, có bạn mắc rối loạn lưỡng cực. Thậm chí trên tôi một khoá còn có một người nổi cơn xong tự thiêu. Thế mới hiểu ai trong đời cũng trải qua đợt mắc các bệnh về rối loạn sức khoẻ tinh thần. Và đã lâm đến cảnh này, không ai làm chủ và kiểm soát bản thân mình nổi. Những biện pháp chữa lành, thiền hay cải thiện môi trường sống chỉ có hiệu quả ở vai trò ổn định bệnh và ngăn ngừa tái phát, về lâu dài, nếu tình trạng nặng do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh cần phải can thiệp thuốc. Nhưng trên hết, sự kết nối, nhận thức của những người xung quanh với người bệnh mới là thứ tạo động lực để người bệnh chiến đấu tốt hơn hẳn.

Hôm trước coi Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu, tôi phải ngưng lại nhiều lúc. Một phần vì sợ với cảnh bệnh nhân hoảng loạn với mụ y tá Mildred, có lúc lại muốn khóc khi thấy mụ này kiểm soát, thao túng người khác bằng lời nói và âm thanh của mình. Lướt qua review phim, đa phần người viết đánh giá McMurphy là vị cứu tinh, là người bình thường duy nhất trong thế giới hỗn loạn này. Nhưng thực ra tất cả mọi nhân vật đều mắc rối loạn tâm lý trước đó, và mắc do sang chấn từ việc chăm sóc mà ra. Tôi ấn tượng câu nói của tay bác sĩ đầu tiên tiếp xúc với kẻ nổi loạn này “Cậu có nghĩ mình thực sự có vấn đề không?”. McMurphy là một dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (vì chả ai thay đổi hệ thống một cách bừa bãi và vô tổ chức đến vậy) và Mildred thực ra cũng có những vấn đề tổn thương không kém (Netflix có hẳn một series về bà này luôn). Hai kẻ có vấn đề đấu đầu với nhau, và thao túng người khác theo một kiểu. Một cái nữa là liệu can thiệp của mình khi nào là hợp lý, có những vấn đề tâm lý nào cần cải thiện và tham vấn thêm không? Giống như Taber la choáng ầm lên chỉ vì điếu thuốc cháy ở ống quần, cũng bị đưa đi sốc điện. Việc sử dụng thuốc cần kiểm soát và thông tin thế nào để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng của thuốc gây ra sau này, khiến người ta không kiểm soát nổi bản thân? 
Thề là cái cảnh bả bắt họp lúc nào cũng ám ảnh, hỏi cung trừng phạt vcl :(
Trở lại với người đàn ông ban đầu, lúc đó tôi đã nghĩ đến việc đưa ông ta vào viện. Nhưng với môi trường ở bệnh viện mà tôi chứng kiến, cũng chưa hẳn là điều tốt. Sự một mình có khi còn khiến bệnh nặng hơn. Thực ra vẫn có những lúc bệnh nhân tỉnh, như người đàn ông đầu tiên chúng tôi gặp ở bệnh viện. Chỉ có điều thật khó phân biệt. Mà đến lúc nhận ra thì mọi thứ có khi quá muộn, do cơn sợ hãi lấn át kiểm soát bản thân người nuôi bệnh. Nên trên báo có đăng những chuyện gia đình nghèo không có thuốc chữa cho người nhà bị bệnh đến mức xích họ lại, tôi mới hiểu. Đó là sự bất lực, sợ hãi đến và chi phối cả hai phía rồi.
Khi gặp bệnh nhân, tôi nghĩ lại đến một người bạn cũ của mình. Cậu có hành vi làm hại bản thân như rạch tay, nhịn ăn nhiều ngày, muốn kết thúc cuộc đời rất nhiều lần. Điều này cậu bạn thổ lộ, đến mức sau khi chia tay người bạn gái lâu năm, cô bạn ấy vẫn phải quay lại nhắn để mong cậu đi khám. Và cậu chẳng chịu đi. Gửi họ đi khám thì lại không chịu, mà có dỗ miết cũng chẳng xong. Tôi vẫn sợ một ngày nào đó bạn tôi ra đi mà mình không hay biết. Tôi hiểu hoàn cảnh gia đình cậu - được chăm bẵm quá mức, yếu ớt về tinh thần từ bé khiến cậu có cái nhìn khá tiêu cực về cuộc sống. Giai đoạn đầu cậu còn chịu đấm ăn xôi nhất nhất để người kia quay lại. Gặp cậu, tôi chỉ tự hỏi: ranh giới mong manh giữa việc đi khám nhận thuốc và tự cải thiện nhận thức nó khác nhau đến thế nào? Người ta có phần sợ đi khám và nhận thuốc vì hiểu một phần cảm giác mất tự do. Điều trị tâm lý và cải thiện tư duy cần sự kiên nhẫn khó hơn rất nhiều. Người ta cứ lẩn sâu trong cái hồ nước 3m5 ngụp hoài mà không biết khi nào mới ngóc đầu dậy. 
Những thanh niên trẻ mắc tâm thần phân liệt kia, họ không chỉ chiến đấu với bản thân, mà còn rất nhiều nhân dạng khác của chính mình. Làm sao để thứ âm thanh của bản thân, nhưng không đến từ cuộc đối thoại nội tâm dập tắt? Làm sao để người khác hiểu rằng họ vẫn bình thường, chỉ là khi phát cơn thì mới có hành động ngoài kiểm soát bản thân? Làm sao để người nhà hiểu đúng, rằng người trẻ không vớ vẩn để cùng họ phục hồi. Nếu không điều trị, lơ là thuốc, bệnh càng lúc càng nặng rồi họ cũng sẽ biến thành những người mà xã hội không dám rớ đến “điên điên khùng khùng”. 

Kể thêm về buổi sinh hoạt lấy điểm đó, thực ra nhóm chúng tôi là những người duy nhất tạo sự kết nối với bệnh nhân. Cả đám đã đủ họ chơi cướp cờ, xong ngồi quây vòng tròn kiếm nhạc đàn hát. Xong trong khoa có một bệnh nhân chơi guitar bá cháy cũng vào đàn một vài khúc bolero. Có lẽ do cả đám náo nhiệt quá nên ông rút lui. Ngẫm lại cũng vui, vì ban đầu những người này rất rụt rè, với những nhóm trước họ còn không đến chơi cùng nữa. Liệu có phải trong họ còn nhiều mặc cảm, rằng mình bị bệnh, và cũng biết hoạt động sinh viên làm là bị bắt ép không? Tôi không biết, đã phải rất khó khăn để rủ một ai đó chơi cùng. Mà cũng đúng, với biểu hiện né tránh xã hội thì việc kéo họ vào cũng khó khăn. Nhưng thực ra khi ngồi trong vòng tròn ấy, tôi chợt nghĩ: họ cũng chả khác bao người. Chỉ là do bệnh khiến họ có những biểu hiện bất thường, nhưng ở ngoài họ cũng có nhu cầu không khác ai. 
Sau đợt thực tập Tâm thần đó, vẫn có những bạn sinh viên bảo nhóm sau là “Mày sẽ được chơi với bệnh nhân tâm thần đó”, bằng sự hỉ hả, chế nhạo. Chính những người sinh viên đây nhận thức còn như vậy, vậy đến khi nào mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về những con người này? 

Bạn có thể xem một đoạn clip kể về cách bệnh nhân tâm thần hồi phục và sống chung với căn bệnh của mình để hiểu hơn:
Vĩnh Anh