Nguồn ảnh: Unsplash
(Chú thích: người có H để chỉ đối tượng người nhiễm HIV)
Bài viết này hồi lại kỷ niệm năm 4 đi thực tập Nhiễm ở Bệnh viện Nhiệt Đới. Tôi có một tuần ở khoa nhiễm E - nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng thực chất là có vài ba ngày vì dính nghỉ lễ. Bên cạnh việc tiếp nhận những người có H, khoa cũng điều trị những bệnh nhân đến vì viêm màng não, viêm não (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương). Nhưng những người bệnh HIV nằm ở đây là điều đáng chú ý hơn hẳn. Mỗi bệnh nhân là mỗi câu chuyện riêng, với những đau khổ và tuyệt vọng riêng. Những câu chuyện kể dưới đây là góc nhìn và nhìn nhận khác nhau của bản thân qua các khoảng thời gian: trước khi gặp bệnh nhân có H, lần gặp bệnh nhân đầu tiên, lần đi hỏi bệnh làm bệnh án, thái độ của người khi biết mình mắc bệnh. Trong đó sẽ có nói một chút về định kiến của sinh viên khi người có H. Hy vọng bạn đọc sẽ có góc nhìn cởi mở, không phán xét về người ngoài với căn bệnh thế kỷ và người trong cuộc.

Trước khi gặp bệnh nhân HIV

1. Lần đầu tôi biết đến cụm từ “người có H” là nhờ tham gia phong trào của lớp. Năm hai đại học, lớp chọn công trình thanh niên là dự án SEP - Sex Education Project, đối tượng là sinh viên đại học và học sinh cấp ba. Với sinh viên trường thì nội dung xoay quanh việc truyền thông kiến thức về bệnh - lịch sử bệnh, đường lây, các biện pháp tình dục an toàn để phòng ngừa STD (bệnh lây lân qua đường tình dục) và xử trí khi bị dịch tiết (dịch nước ối, máu)  của bệnh nhân B20 (trên bệnh viện đó là mã bệnh cho người nhiễm) bắn phải vào mắt, vết thương hở hay các bộ phận khác. Cuối cùng thầy bên bộ môn Khoa học hành vi sẽ nói về thái độ đúng đắn với những người mắc căn bệnh này. Cụ thể là không nên có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử, nhưng vẫn phải lưu ý những trường hợp đặc biệt cụ thể (như dùng vật dụng sắc nhọn chung với người bệnh, dịch tiết của người bệnh bắn lên người). Đối tượng sinh viên Y đáng quan tâm vì chúng tôi đều từng đi lâm sàng điều dưỡng, lớn hơn thì đi bệnh viện ở các khối Nội Ngoại Sản Nhi Nhiễm. Đối xử với bệnh nhân thì bình thường nhưng tuyệt đối không nên để những sơ sẩy này xảy ra. Bởi vì khi bắt đầu giai đoạn phơi nhiễm là phải uống ARV rồi. Chị bác sĩ bên Nhi mà tôi quen đặt catheter cho một bé nhiễm HIV giai đoạn 4, sơ suất làm sao mà kim đâm sượt vào da lúc tháo găng tay, thế là trải qua trong chuỗi ngày của buồn nôn, đắng miệng và phải uống thuốc ARV thật đúng giờ. Thế mới hiểu bệnh nhân phải chịu đựng đau đớn mệt mỏi gấp bao lần so với người mới phơi nhiễm. 
Gọi là “người có H” là để tránh kỳ thị với người mắc bệnh. Nếu gọi rõ ra là người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS sẽ khiến người bệnh mặc cảm và người xung quanh có thái độ xa lánh kỳ thị. Cũng đúng, vì thời tôi học tiểu học, dân chúng hay dùng từ “si đa” (gốc từ Pháp) để nói về những người này. HIV nguy hiểm vì đây là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải -  người một khi đã bắt đầu nhiễm qua thời gian sẽ bị suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến mọi bộ phận cơ quan đều suy yếu và người gầy sút. Đến giờ vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Thuốc ARV hiện giờ mang mục đích khống chế và ngăn chặn sự nhân lên của virus này, biến HIV/AIDS thành căn bệnh mãn tính, bệnh nhân có thể sống thêm rất nhiều năm, làm nhiều điều ý nghĩa với cuộc đời trước khi qua đời. 
2. Khi được tập huấn về truyền thông HIV, nhiều bạn có cái nhìn sai lệch về đối tượng nhiễm HIV. Do được học rằng ca nhiễm HIV đầu tiên ghi nhận trên những người đồng tính nam, cũng như cách quan hệ tình dục qua đường hậu môn khiến virus đi theo những đường xây xát lây lan nhiều hơn, mà có đứa nói sao khiến em hiểu lầm thành chỉ đối tượng đồng tính nam mới bị nhiễm HIV nhiều hơn thôi. Trong khi ca HIV đầu tiên ghi nhận ở nước mình là đối tượng gái mại dâm. Bởi nếu thông tin truyền tải không đúng về HIV sẽ dẫn đến sai lệch nhận thức về các đối tượng thuộc cộng đồng LGBTQ+, những người đang cố gắng hết sức mình để được gia đình và cộng đồng chấp nhận con người họ. 

Lần gặp bệnh nhân HIV đầu tiên

Buổi trực đầu tiên ở khoa Nhiễm Việt Anh, nhóm trực chúng tôi gặp ngay một thanh niên đang nằm trên băng ca cấp cứu. Cậu 19 tuổi, làm công nhân vào vì đau đầu liên tục, đau như búa bổ uống thuốc giảm đau hoài không hết. Việc nói chuyện với cậu hết sức khó khăn vì em nói tiếng được tiếng không, nhiều từ có cảm giác còn dồn ứ lại trong họng chưa phát ra hết được. Nói được một lúc lại cố gắng thiếp đi. Khám thấy có dấu hiệu gợi ý cho bệnh lý màng não. Trước khi vào đây, cậu cũng đã nằm ở bệnh viện tuyến dưới, xong chuyển tiếp lên 115 rồi mới qua đây, do vượt quá khả năng điều trị và chuyên môn ở những nơi đó. Xong cả đám không dám hỏi nữa, do bệnh nhân mệt mỏi quá rồi. Anh bác sĩ chỉ cả đám về CT scan não của anh này, bảo đây là bệnh cảnh gợi ý lao màng não ở bệnh nhân AIDS. Lúc này đứa nào đứa nấy đều tá hoả, một phần chưa học bài, một phần là vì không chịu đeo găng tay trước khi gặp bệnh nhân. Nhưng sau đó cũng nghĩ không biết nếu kết quả dương tính này là có thật mẹ của em sẽ đón nhận điều đó như thế nào. Cuống cuồng một chút xong trong nhóm có một đứa nhớ ra: mẹ của cậu này nói con mình có quan hệ đồng tính, bà nhớ mang máng như vậy. Thấy thương cho cả hai mẹ con
Cùng ở khoa đó vào tuần sau, một bệnh nhân AIDS mất. Tôi có lướt qua nhìn người đàn ông này. Da đen nhẻm túa mồ hôi nhớp nháp, mặc độc chiếc bỉm, với cái bụng to tướng do chứa quá nhiều dịch. Tôi không dám đến gần, vì thấy người bệnh nhân dơ dáy quá (thiệt sự). Ông chỉ nhìn tôi từ xa, thở hổn hển, bụng có lấy hết hơi để thở. Bác sĩ bảo đến lúc giải áp ở phần bụng dịch bắn lên tung toé. Tự dưng khi nghe tin bệnh nhân qua đời, nhớ lại ánh mắt người này nhìn mình, cảm giác tội lỗi nó đến với tôi. Một phần là do thói sợ dơ mà không dám đến gần, một phần là khi đó mình cũng nhìn ông với thái độ ái ngại dè chừng. Khi gặp cậu thanh niên và ông, trong đầu tôi chỉ xuất hiện câu hỏi: “Người này làm cái gì để rồi mắc bệnh?”. Tôi nghĩ khi hỏi câu này không khéo, vì đây liên quan đến tiền sử xã hội (dùng thuốc, chích hút) và tiền sử tình dục (quan hệ với gái mại dâm, yếu tố đồng tính - thực sự mong các bạn bên cộng đồng LGBTQ+ thông cảm cho mình), bản thân người trả lời cũng sẽ cố né tránh hay trả lời một sự thật khác đi. Làm sao có thể tin tưởng và biết chắc người đối diện mình có thái độ không thành kiến, khi họ chỉ mang một chiếc khẩu trang?

Lần làm bệnh án trình ca nhiễm HIV

- Hôm nay tao sẽ giao mày một trọng trách
- Gì?
- Đi khám và hỏi bệnh bệnh nhân HIV.
Cuộc nói chuyện này mình nghe khi đang đi cùng bạn lên khoa nhiễm E khám bệnh nhân nhiễm HIV mà thầy yêu cầu. Lúc đó cả hai người cười khúc khích, kiểu cảm thấy có phần ghê sợ. Lúc ấy mình thắc mắc chuyện này có gì đáng để cười đâu. Trong khi thứ mình thấp thỏm là làm sao hỏi cho ra bệnh sử cơ mà.
Bệnh nhân tổ đó được giao là người nữ, cỡ tuổi ba mình, vào vì nhức đầu nôn ói liên tục. Cách mấy tháng trước được chẩn đoán rối loạn tiền đình ở bệnh viện tuyến dưới, uống thuốc miết không bớt gì lại còn ói nhiều hơn. Xong quần tới quần lui nằm ở Bệnh viện 115, chuyển qua Phạm Ngọc Thạch làm xét nghiệm 2 test HIV dương tính rồi mới đến được Nhiệt Đới. Tôi bước vào phòng bệnh la lên thật to tên bệnh nhân để đến hỏi. Người phụ nữ da sạm điểm nhiều đồi mồi thấp bé, nằm rúm ró ôm đầu trên giường, người run khẽ vì ớn lạnh. Tôi đang tính gọi bà dậy để hỏi thì một nhóm bệnh nhân ngồi gần đó can ngăn:
- Thôi để yên cho bả ngủ đi
- Tụi em làm phiền bả lắm rồi đó. Từ lúc vô viện bả ngủ không nổi, giờ mới chợp mắt được chút thì tụi em lại đến.
- Chị biết là bọn em cần hỏi bệnh để học lắm chứ. Tụi chị không muốn làm khó gì mấy đứa, nhưng mấy đứa phải nghĩ cho người ta. Một tốp trước đã vô rồi, thêm một tốp lại vô tiếp sao chịu nổi.
Quả lời than phiền và sự cáu gắt của họ không sai. Tưởng tượng một tổ lâm sàng gồm 15 người, trong khi một đợt gồm 4 lớp, mỗi lớp lại 2-3 tổ nữa. Bổ sung nữa là thầy cô bảo khi một nhóm trình bệnh thì các nhóm khác cũng phải có trách nhiệm đến khám theo dõi bệnh nhân, coi như là hỗ trợ nhau. Thầy còn nói tụi em phải chắc chắn tiếp cận và khám bệnh nhân được, nếu không hợp tác là báo anh ngay. Bởi vậy bệnh nhân bỗng chốc hoá thành vàng ngọc, đơn giản do sự hiếu kỳ tò mò của những đứa chưa trải đời bao giờ. Có một điều bất cập là thiếu sự hỏi han từ nhau, nên mỗi tốp vào là khám lại từ đầu khiến những người xung quanh bực tức theo.
Khi biết mọi người còn thiếu về tiền sử xã hội và tình dục, tôi cùng bạn bấm bụng tai này hứng tiếng đuổi của mấy chị, tai kia ráng hứng cho hết những lời con trai lớn trả lời thay mẹ mình. Mỗi lần hỏi anh, tôi lại cố hạ mình xuống bảo rằng anh cứ an tâm trả lời, tôi không phán xét gì cả. Anh cũng nhẹ nhàng trả lời lại. Tội anh ấy, từ nhỏ người cha ruột thi thoảng mới về đến nhà, chỉ nhìn nhau một lúc rồi đi. Xong bệnh nhân lấy người chồng khác, có đứa con xong cũng ly dị, ông này đi không thấy tung tích. Rồi bà quen một người khác, cũng chia tay. Cuối cùng không biết ai là người lây cho bà. Ngày đó cũng là buổi gặp bệnh nhân cuối cùng, vì những ngày sau sinh viên cứ đến để khám và hỏi bệnh thì lại bị đuổi đi.
Khi nghĩ đến cảnh bệnh nhân khác đuổi, tôi cũng không trách họ làm gì. Thương, rất thương là đằng khác.  Vì tình người toả sáng ở những người đang tuyệt vọng, đang vét hết mọi hy vọng để đùm bọc người xa lạ cùng cảnh ngộ kia. Tự trách bản thân về thái độ của mình với họ. Liệu rằng chúng tôi chỉ biết nghĩ cho mình, cho việc sợ bị quở mắng khi trình bệnh, mà biến những người đang có nỗi đau tinh thần thành công cụ để học. Có lẽ cả đám đã quên mất rằng họ cũng là con người, cũng có sự khó chịu mệt mỏi riêng, thậm chí là gấp nhiều lần so với người bình thường. Bởi vì trong vòng mấy ngày, bao nhiêu thông tin về sự riêng tư của mình được phơi bày trước mặt người lạ cả rồi. 
Khi viết bệnh án trên bảng, nhóm trình viết rõ tên bệnh nhân. Sau đó thầy (đúng hơn là anh bác sĩ) la bọn mình, đến giờ vẫn nhớ: “Em có biết đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm không? Tụi em phải hiểu thái độ người ta nhìn bệnh nhân thế nào chứ. Nếu người đó vô tình là hàng xóm hay họ hàng của bất kỳ bạn nào trong nhóm thực tập thì sao? Sau chuyện đó thì bệnh nhân sẽ bị kỳ thị như thế nào. Viết tắt tên là để bệnh nhân không bị kỳ thị đó.”

Tuần đi khoa nhiễm E - kết thúc đợt thực tập Nhiễm

Trong tổ tôi lúc đó có một bạn còn dứt khoát nói với mình rằng không dám đụng bệnh nhân luôn. Chỉ khi đến đợt nhóm tôi được chia ra khám và trình bệnh từng giường, bạn ấy mới dám cùng bạn hỏi bệnh. Bởi học là một chuyện, nghe cũng vậy, lên bệnh viện là chuyện khác. Vì đã nắm khá rõ ràng về nguy cơ có thể nhiễm H mỗi khi sơ hở, nhất là với sinh viên Y nữa, các bạn lại càng sợ hơn khi gặp bệnh nhân. Khi những chuyện trên báo về một số ekip lo cứu bệnh nhân trước mà quên bảo vệ bản thân mình. Nên cách tốt nhất với một số sinh viên, họ chọn né, không đụng đến bệnh nhân từ đầu. Anh giảng viên bộ môn Nhiễm trong một buổi chia sẻ về kinh nghiệm lâm sàng, đã từng nói có nhiều bạn không dám đụng đến cả thanh song ở ban công trước phòng bệnh nhân. 
Trước ngày đi khoa, bố chỉ nói tôi rằng: “Luôn phải đeo khẩu trang vào, lo sợ nhất là bệnh nhân dễ mắc lao kháng thuốc. Không kỳ thị họ, nhưng phải bảo vệ bản thân trước tiên”. Thầy tôi dặn đừng để cặp trên lối đi người bệnh, dù mình không kỳ thị họ, nhưng trên đường đi có những vệt máu khô, nếu sơ sẩy ở da tay là phơi nhiễm luôn rồi.
Lúc đến giường một người đàn ông gầy gò, anh bác sĩ (thầy) cho chúng tôi xem một quyển sổ khám bệnh. Bìa sổ giấy mỏng, như cuốn sổ báo bài cấp 1 cấp 2, không ghi bệnh gì hết. Anh bảo để sổ trống hươ trống hoác ở ngoài là để người khác nhìn vào không có thái độ kỳ thị với bệnh nhân.

“Hôm qua anh còn nghĩ mình sẽ tự tử khi biết tin. Mà nhờ có bạn người yêu động viên, cùng xét nghiệm chung mới vui vẻ được như thế này.”
Đây là bệnh nhân tôi hỏi bệnh. Nhập viện vì khó thở dữ dội kèm theo nhiều rất nhiều triệu chứng khác nhau. Hỏi sao anh lại vào thẳng đây, vì anh bảo có người làm trong ngành Y Dược nên cũng đoán được bệnh chạy vô. Anh nhìn chúng tôi với gương mặt rất tươi và niềm nở, không giấu nổi sự thích thú khi tôi hỏi về hai con chó poodle nuôi ở nhà. Nhưng ngày trước đó, anh đã buông xuôi, muốn tự tử. Xét nghiệm số lượng tế bào CD4 xuống vô cùng thấp. Chỉ đến khi bác sĩ dặn dò uống thuốc đều đặn, bảo rằng số CD4 sẽ dần tăng lên, anh mới tươi tỉnh lại. Bạn trai anh xét nghiệm cũng ra nhiễm H, có điều nhẹ hơn chỉ cần uống thuốc viên. Họ làm cùng ngành trang điểm, động viên nhau. Nhìn họ bóp vai, đưa nhau ly nước, ôm gối gấu Brown và thỏ Connie, tự dưng thấy trời mát mẻ giữa cái không khí ngột ngạt của phòng bệnh.
Một người đàn ông khác do bạn tôi hiểu, lại có hoàn cảnh khá trớ trêu. Ông bảo mình quen gái mại dâm vì chán nản cuộc sống hôn nhân với vợ và hai con, nhưng mở hồ sơ lại là người đồng tính. Không biết vợ con ông sẽ nhận tin tức này như thế nào, và cả người bạn tình ra sao. Nhưng người đau khổ nhất, có thể là người vợ, vì bà là nạn nhân của hai thứ: của cuộc hôn nhân kiểu che lấp, và phơi nhiễm bệnh. Không biết trách ai. Chỉ là qua chuyện này, mình thấy những người thế này cần sự chấp nhận, tôn trọng và hướng dẫn họ bảo vệ sức khoẻ bản thân và tinh thần nhiều hơn những người bình thường khác.

Kết

Thực ra tôi đã có dự định viết bài này vào năm 4, nhưng mọi thứ khi đó chỉ gói gọn ở ký ức làm bệnh án. Chỉ đến giờ, ngẫm lại con đường sắp kết thúc, mới nghĩ đến việc xâu chuỗi lại sự trưởng thành trong quá trình nhận thức. Khi gửi bài này cho một chị bác sĩ quen thân, chị chỉ nhắc tôi rằng: Quan trọng là mình mở lòng thấu hiểu nhưng vẫn phải biết bảo vệ chính mình. Dẫu biết rằng nỗi sợ và định kiến là thứ vốn tồn tại rất lâu, cần phải có thời gian, nhưng nếu đặt sự thấu cảm vào những bệnh nhân này, tôi nghĩ sinh viên ngành tôi nói riêng và người ngoài ngành sẽ có sự cởi mở hơn khi gặp những người này. Bởi vì HIV hiện giờ không còn quá ác nữa, mà mục tiêu bác sĩ hướng đến điều trị là để đây thành căn bệnh mãn tính (vẫn lây lan), và người bệnh vẫn giúp ích vui tươi với đời.
Vĩnh Anh
Ảnh chụp từ ban công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lúc bình mình. Credit: chị bác sĩ Quỳnh Hương, người đã đọc và đóng góp ý kiến cho bài viết này