Source: Ekugen - Tumblr
Melbourne|Duc - 15/11/2020
Em vọt dậy, đứng ngúng ngoẩy bên bàn làm việc của tôi như một con cún con quấn chủ :))), nài nỉ:
…anhhh! zậy rốt cuộc cái nước đi thần thánh nó là cái gì zạ!? nói cho em nghe đi mà!!!
Tôi cười khà khà: “…em vừa coi hết cả bộ vừa truyện lẫn phim rồi, mà cũng không biết nữa thì… dẹp mẹ nó đi, xem làm đếch gì… ;>”
Source: Ekugen - Tumblr
Ngẫm cũng lạ, vợ tôi có bao giờ hào hứng với truyện tranh, hay hoạt hình hoạt họa gì đâu cơ chứ. Chắc cũng do lần lockdown toàn thành phố này bởi mấy cái tay tắc trách, báo hại em không mần ăn gì được, nên rảnh quá hoá rồ mà. Thiệt sự, thấy em ở không chán quá, phá rối tôi miết, nên tôi dí cho cái video tập 1 của bộ Hikaru kỳ thủ cờ vây: “đây! xem đi, vừa giải trí vừa luyện tiếng anh.” Em cười khinh bỉ: “hứ, ai mà thèm coi mấy cái đồ con nít này!” Tôi đưa vậy thôi chứ tôi nghĩ bụng đời nào em đụng tới mấy cái thể loại truyện tranh cho thanh thiếu niên đâu. 
Em là bạn học đại học của tôi, nhưng mà cái thời niên thiếu của em và tôi nó khác nhau nhiều lắm. Quê em ở cách quê tôi cả ngàn cây số, cái gì cũng thiếu, chỉ có nghèo khó là có thừa, thì rảnh đâu mà truyện với trò. Nói vậy chứ nghe em kể hồi đó em cũng không bận gì lắm, ngoài chuyện đến trường ra, em còn có việc phụ ba mẹ buôn bán, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa nữa thôi à ^^. Thế nên cũng dễ hiểu tại sao cái thế giới truyện tranh mà 8 9x khắp cả nước ngụp lặn ấy, không có một vết tích gì của em. Chậc! tôi đi xa quá rồi kaka. 
Sau khi dí cái video vào mặt em, tôi nghĩ bẩm chắc cũng như mọi lần thôi, rồi quay lại bàn làm việc. Một lúc sau:
…anhhh! phim gì hay quá chừng, mà em không hiểu được hết, kiếm tiếng việt cho em đi?
Ờ, zậy chớ cái đứa nào mới kiu là không thèm..
Tại anh chứ ai, đã nói không coi rồi mà cứ dí dí..
Haha! hay em đọc truyện trước đi, biết nội dung rồi coi cho nó dễ.
Rồi đó, đây là cách mà Hikaru, Sai, Akira và thế giới cờ vây trở thành những người bạn quen thuộc của em trong những ngày dài chiến đấu với sự dài đày ải tinh thần của lockdown và cách ly tại gia.
Ấy thế mà bằng cách thần kỳ nào đó, em mãi mà không tài nào nhớ được cái tên Hikaru. Em vừa ăn vừa nói: 
...cái thằng Hikura này sao mà ngốc nghếch quá đi.. hà hà.. nó cù lần giống như anh vậy đó..kkk!
Hikaru chị hai ơi! HI.. KA.. RU.. chứ không phải Hi Ku Ra! TI RA MI SU chứ không phải TI RA SI MU… trời đất quỷ thần ơi! - Tôi cười sằng sặc.
Source: mangareaders - Tumblr
Tôi lần đầu biết tới Hikaru vào năm học lớp 7 qua một vài tập truyện cũ, đọc lỏm ở tiệm cho thuê truyện, với tựa đề là “Vua cờ.” Tôi đọc trúng cái đoạn Hikaru đi tìm Sai ở cái đảo quê nhà của Bản nhân phường Shusaku ấy. Cu cậu vừa đánh thắng ván cờ xong, quay lại nhìn Sai nhưng chợt nhớ ra Sai đã tan biến mất rồi. Mặc dù không hiểu gì, nhưng đoạn này vẫn tạo cho tôi một ấn tượng rất rất đặc biệt. Tôi cũng có thắc mắc là tụi này chơi cái giống cờ gì mà lạ zậy ta. Tình cờ làm sao, hơn một năm sau đó NXB Kim Đồng tái bản lại bộ này với tên gọi mới: “Hikaru - Kỳ thủ cờ vây.” Đọc hết tập đầu tiên, tôi vỡ oà sung sướng: “…truyện gì mà hay quá trời hay! phải để dành tiền mua mới được…” Cái tựa đề tập số 2 cũng kích thích đến độ không thể nào quên được: “Là Rồng hay là Hổ.” Moá ơi, đánh cờ mà nó làm như “Bụi đời Chợ Lớn” không bằng!
Thật ra, với riêng tôi, bộ truyện này thật sự đặc biệt bởi vì nhiều lớp ý nghĩa mà nó mang lại. Những gì bộ truyện mang đến cho độc giả nó giống như cái câu cửa miệng của cô giáo dạy văn cấp 2 của tôi vậy: “…mang đậm nét của nghệ thuật ẩn dụ như hình ảnh tảng băng trôi của Hemingway…” So sánh như thế cũng không quá khập khiễng, bởi trong suốt hơn 15 năm từ đó đến nay, đôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, mà mỗi lần tôi lại cảm nhận được thêm nhiều điều khác biệt, mới lạ, mà chỉ có trải nghiệm mới giúp tôi hiểu được sâu hơn những giá trị mà bộ truyện mang lại.
Source: Hikaru no go
Đọc hiểu là một chuyện, bàn luận với người khác lại là một sắc thái khác, đặc biệt là với vợ tôi - người mà gần như đây lần đầu tiên đọc truyện tranh… hiện đại nhựt bổn trong ba mươi mốt năm trời của ẻm. Ây cha! có khi đây cũng là cái thú của việc lấy vợ khác vùng miền cũng nên lol!
…anhh! tại sao Sai lại biến mất? em không muốn Sai biến mất!!!
Mài goshhh! vãi cả linh hồn... anh mà có số điện thoaị tác giả anh điện chửi liền cho em đó... Zậy chứ em nghĩ thử coi, tại sao Sai lại biến mất? mà tại sao ổng lại quay lại thế giới này để làm gì? có phải một linh hồn biến mất khi nó đã đạt được ước nguyện của nó không? tự coi tự trả lời đê…!!!
Sai trở lại để đi tìm “nước đi thần thánh” hả!? mà ổng chưa tìm được mà, chưa chi sao lại biến mất…!?
Ổng tìm được rồi ổng mới đi chớ…
Đâu? ở đâu anh chỉ em coiii…
Em nói thử anh nghe, “nước đi thần thánh” nó là cái gì? là cái gì mà ai cũng đi tìm kiếm vậy?
…thì nó là… là vô địch hả? Sai đánh thắng Bản nhân phường Touya nên vô địch nên biến mất hả?
…ủa chớ hok phải Hikaru đã chỉ ra được cái nước để lật ngược thế cờ cho ông Touya hả, nếu ổng thắng thì sao?
Zậy thì Hikaru mới đạt được “nước đi thần thánh” hả? zậy nên Sai biến mất hả?
...cho em gợi ý nè, có nhớ lúc Hikaru nằm mơ gặp Sai hok? hai người làm gì? rồi Bản nhân phường Kuwabara nói gì? một người có tạo nên được ván cờ hok? tại sao BNP Touya lại giải nghệ, đi khắp thế giới làm gì? tại sao Yanghai lại chỉ zô cái máy tính rồi nói “nước đi thần thánh” nó nẳm ở đây? nghĩ coi..???
...haizz! nhức đầu quá à, thôi anh nói đại đi cho rồi…
Em cứ coi hết đi, rồi xem tập cuối cùng sau khi Hikaru đánh thua Ko Yong Ha rồi nó nói gì về mục đích của việc chơi cờ?
Source: Hikaru no go
Cái tảng băng trôi chẳng phải là một hình ảnh ẩn dụ sao? cái “nước đi thần thánh” theo tôi nó cũng như vậy đấy. Hikaru đã nói rằng cậu chơi cờ là để “kết nối quá khứ và tương lai.” Vậy “nước đi thần thánh” đó phải chăng chính là sự kết nối. Cái hình ảnh Sai trao cho Hikaru chiếc quạt giấy là một hình ảnh vô cùng tuyệt vời để minh hoạ rõ nét cho sự kết nối, sự kế thừa. Chẳng phải mãn nguyện lắm sao khi mà người em, người học trò yêu quý có thể cảm nhận được đam mê, nhiệt huyết, và tài năng của mình. Cái khoảnh khắc mà Hikaru nhận ra hình bóng của Sai trong từng nước đi của cậu, đó chính xác là khoảnh khắc vỡ oà. Tôi thật sự không thể nào kìm nén được xúc động mỗi khi xem lại cái giây phút này. 
Những cảm xúc của Hikaru đối với Sai cũng giống như những trải nghiệm của tôi khi nghĩ về cha mẹ sau một thời gian dài sống xa gia đình. Sự mất kết nối, sự phai nhạt của ký ức trong tâm trí cũng tựa như sự tan biến của Sai vậy. Để rồi nước mắt chợt tuôn trào khi ta chợt nhận ra chính bản thân ta đang mang dáng dấp của cha mẹ, những người từng kề cạnh bên ta từ cái thuở lọt lòng. Cũng cái cách nói chuyện ấy, cách hành xử ấy, cái dáng vẻ ấy…
Source: Ekugen - Tumblr
Trở lại cờ vây, BNP Kuwabara đã nói rằng phải cần hai người chơi để tạo nên một ván cờ, và những ván cờ tuyệt diệu được tác tạo nên bởi sự kết nối của hai cá nhân chơi cờ. Không chỉ có vậy, cái sự kết nối này nó cũng được lan toả rộng khắp bởi chính tình yêu và sự đam mê cùng được chia sẻ. Nói cách khác, khi mà con người ta đã cùng gắn kết với nhau bước đi trên cùng một con đường, đó chính là nơi của những sự kết nối, hoà quyện, và lan toả; để rồi từ đó cái “nước đi thần thánh” được hiện hữu ngay tại đó, vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian.
Nhìn rộng ra, cái con đường đi tìm kiếm “nước đi thần thánh” chính là hành trình chúng ta kết nối với mọi người, mọi thế hệ. Nó chẳng phải là cái vật gì đó hữu hình, hay là cái danh vọng mà chúng ta có thể sở hữu, hay đạt được. Con đường này là vô tận, và.. vô ngã. Thế nên BNP Touya đã cảm nhận được một chút gì đó của sự hạnh phúc đến từ sự kết nối này, cho nên ông đã vứt bỏ mọi vinh quang lại sau lưng, để thực sự bước đi, thực sự kết nối.
Còn hình ảnh cái máy tính của Yanghai thì sao!? phải chăng tác giả Hotta Yumi đã dự đoán được sự phát triển vượt bậc của Alphago, trí tuệ nhân tạo đầu tiên chiến thắng một kỳ thủ chuyên nghiệp trong một ván cờ không chấp quân năm 2015? Có thể lắm, tuy nhiên tôi cho rằng hình ảnh cái máy tính chính là phép ẩn dụ của sự kết nối không giới hạn - the Internet. Phải khẳng định rằng Sai thực sự hiện diện ở thế giới hiện đại, ở Internet, nơi mà Sai và mọi người yêu cờ vây kết nối, vượt qua mọi rào cản biên giới, thời đại, bất chấp thời gian, không gian. Đây rõ ràng là biểu tượng của “nước đi thần thánh." Alphago có mạnh nhất thế giới đi chăng nữa thì nó cũng cần có đối thủ. Có thể là người, có thể là máy, nhưng nó không còn quan trọng, bởi cái cốt yếu vẫn cần sự kết nối.
Nói tóm lại, bộ truyện Hikaru kỳ thủ cờ vây không chỉ là về cờ vây, nó bao hàm cả thế giới và chân lý của cuộc sống này: hãy không ngừng gắn kết! Để làm gì? để học hỏi lẫn nhau, để tiến bộ hơn và hoàn thiện hơn nữa, dù bạn làm gì, dù bạn ở nơi đâu.
Source: Hikaru no go
Yanghai khẳng định một lần nữa ở cuối truyện để khép lại thông điệp nổi bật nhất của bộ truyện: “…kết nối quá khứ và tương lai… chẳng phải đó là lý do chúng ta sống hay sao!?” 
.
.
.
Em! 2 đứa mình cũng có những nước đi thần thánh chứ hả!!!?? [cười lớn]
…!!! [Speechless]