Tân hoa hậu Việt Nam 2020: từ sự kỳ diệu của những danh từ đến sự phẫn nộ của đám đông khát m@u
Bài này sẽ được bắt đầu bằng một câu truyện cổ tích: “Sợi rơm vàng”, một câu chuyện của anh em nhà Grimm, kể về một người...
Bài này sẽ được bắt đầu bằng một câu truyện cổ tích:
“Sợi rơm vàng”, một câu chuyện của anh em nhà Grimm, kể về một người xay bột nghèo khổ nhưng tính thích gáy to, vui miệng nói với nhà vua rằng con gái ông ta có khả năng đặc biệt là kéo rơm thành vàng. Còi to thì cho vượt, cô gái được lái thẳng đến một căn buồng đầy rơm, sau đó nhà vua tuyên bố: hoặc kéo rơm thành vàng đầy kho, hoặc chết vào sáng ngày hôm sau. Như bao truyện cổ tích khác, cô gái ngồi khóc vì bất lực. Một người tí hon xuất hiện và đề xuất giúp đỡ cô, với điều kiện rằng cô phải trao đổi đồ vật xứng đáng. Người tí hon này giúp cô hoàn thành công việc sau vài lần thử thách. Ở lần thử thách cuối cùng, nhà vua đem cô đến căn buồng to nhất và đề xuất lấy cô làm Hoàng hậu nếu cô có thể kéo rơm thành vàng như những lần trước. Người tí hon lại xuất hiện, nhưng lần này anh ta muốn cô gái trao đứa con đầu lòng cho mình. Cô gái đồng ý với lời đề nghị, chiếc buồng nhanh chóng được chất đầy bởi rơm vàng, và cô trở thành Hoàng hậu.
Sau một năm, cô gái – Hoàng hậu – hạ sinh một đứa trẻ. Người tí hon đến đòi lại thứ thuộc về mình. Anh ta gia hạn trong vòng 3 ngày, nếu cô biết được tên anh ta, đứa con của cô sẽ không bị lấy đi nữa. Cô gái cử sứ giả đi khắp nơi để tìm kiếm tên của người tí hon, và cuối cùng cũng tìm được tên thật của anh ta: Rumpelstiltskin. Tức giận khi bị biết tên, Rumpelstilskin lấy hai tay nắm chân tự xé người ra làm đôi.
Để 1 truyện cổ tích tồn tại được qua nhiều giai đoạn, nhiều thế hệ, nó buộc phải có khả năng phản ánh một vài nguyên tắc của loài người nói chung. Truyện về Rumpelstiltskin cũng không ngoại lệ khi miêu tả một “phép thuật” được mặc định trong mỗi con người: sự kiểm soát vạn vật thông qua những cái tên. Nếu biết tên của một vật, một ý tưởng, một con người, thì ta sẽ có quyền lực lên trên vật/ý tưởng/người đó, bất kể người ấy quyền năng và phép thuật đến mức nào chăng nữa.
Nghe thì có vẻ khó tin, nhưng thật ra triết gia Heidegger đã đề cập đến chuyện này trong “Letter on Humanism” (1947) (tạm dịch: Bức thư về chủ nghĩa nhân văn). Heidegger miêu tả ngôn ngữ giống như “ngôi nhà của hiện hữu” (the house of Being). Về cơ bản, hiện hữu không thể xuất hiện trong đầu óc con người nếu thiếu đi ngôn ngữ. Ngôn ngữ đặt tên cho mọi vật, miêu tả đặc tính của mọi thứ, và cung cấp hiện hữu cho các thực thể (entities). Trước khi có tên để định danh, thực thể có thể xuất hiện, nhưng sự xuất hiện đấy có thể không theo cách mà giới hạn ý nghĩa của cái tên cho phép.
Cái tên tạo nên hiện hữu và lưu giữ hiện hữu với cái tên đó.
Cũng chính vì lẽ đó mà người nổi tiếng thay tên, cũng như thay đổi cách thức sử dụng ngôn ngữ để phù hợp với định hướng thương hiệu cá nhân. Thói quen nói tục chửi bậy là hành vi bình dân, dễ dàng sử dụng và không thể hiện đẳng cấp. Hành vi này chính xác là những gì mà đám đông đang có và đã làm. Vậy, tại sao nói tục chửi bậy lại là vấn đề nếu tất cả mọi người đều thực hiện?
Đám đông cảm thấy gần gũi với việc nói tục chửi bậy, dễ dàng sử dụng hành vi này để gọi tên và dán nhãn đặc tính cho một người mà cái tên/danh hiệu của người ấy còn xa lạ với đám đông. Ta nói về thằng này giang hồ thế nào, con kia mất dạy ra sao trong khi hoàn toàn không có chút thông tin chính xác nào về người ấy. Những ngôn ngữ tục tĩu bình dân khiến người nói thoải mái và cảm thấy bớt xa lạ với đối tượng mình đang nói. Ta nói như thể ta đã biết rõ về đối tượng đấy rồi. Dĩ nhiên, việc mà ai cũng làm khi đặt vào bối cảnh sẽ trở thành cấm kỵ với một số người: cô giáo thì phải như mẹ hiền, lương y thì như từ mẫu, mặt xấu thì phải thông minh... Đám đông nhận ra có một sự vô lý, thậm chí bất bình đẳng khi điều trái khuôn mẫu xuất hiện. Đối tượng có những đặc tính giống mình: nhưng một bên là Tân Hoa hậu Việt Nam, một bên chỉ là phường vô danh tiểu tốt.
Thế mới thấy, thời trang (lớp vỏ bên ngoài) không chỉ là những thứ khoác lên người, hay danh hiệu được trao tặng, nó còn bao hàm câu chuyện liên quan đến sự phát triển của cá nhân đó. Cùng là con người đó, nhưng trước hay sau khi có danh hiệu có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của những người xung quanh đến 180 độ.
Chính vì vậy, hãy cố gắng sống giống như ngày mai hoặc ngay tối nay mình sẽ là Quán quân King of Rap hoặc Hoa hậu Việt Nam 20xx, nhất là khi trong thời đại 4.0 này, bất cứ ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng.
Be yourself – have class.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất