Tận dụng 9 điều này để có một bản khảo sát tuyệt vời
Thấu hiểu người dùng là chìa khóa cho mọi thành công, nhưng bạn sẽ chẳng biết gì về họ nếu như không có thông tin. Một cách để làm điều này là đặt các câu hỏi khảo sát phù hợp vào đúng thời điểm.
Một dòng suy nghĩ hiện lên trong đầu ngay vừa khi mình cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3: “Cuộc đời của mày từ nay trở đi sẽ không bao giờ còn được như trước nữa”. Vì đại học chính là khoảng thời gian đánh dấu cho những bước đầu tiên trong hành trình trở thành người lớn mà. Mình hay đùa với bọn bạn là đi học chỉ học cộng trừ nhân chia nhưng đi làm cứ như tích phân đạo hàm vậy. Thật thế, có biết bao điều mà trường học chẳng dạy.
Thực tế thì luôn phũ phàng, nhưng thà biết để mà chuẩn bị thì còn hơn là không biết. Cùng nhau, chúng mình sẽ tìm hiểu từng chút một. Và chủ đề đầu tiên mình muốn đưa ra bàn luận đó là làm khảo sát. Mình chọn đề tài này với 2 lí do: (1) bạn sẽ cần nó khi làm khảo sát cho nghiên cứu khoa học, viết tiểu luận khi còn đi học và cần có insights cũng như data cho công việc sau này. (2) mình thấy chủ đề này chưa được thảo luận nhiều trên các trang thông tin ở Việt Nam so với một vài kĩ năng khác như thuyết trình, giành học bổng…
Lưu ý: Vì bài viết chủ yếu phục vụ đối tượng các bạn học sinh sinh viên, nên mình sẽ bỏ qua một số bước như xác định đối tượng khách hàng, xác định mục tiêu của khảo sát… mà những điều này bạn có thể dễ dàng tìm đọc được ở những bài viết khác. Bài này sẽ được viết dưới dạng cách tạo những câu hỏi hay đan xen vào đó là những tâm lý của người trả lời khi làm khảo sát. Bắt đầu nào!!!
1. Đảm bảo tất cả người tham gia đều hiểu nội dung câu hỏi như nhau.
Đây là điều cơ bản nhưng khó để đạt được. Vì mỗi người lớn lên trong một môi trường không giống nhau, tiêu thụ những thứ khác nhau thì chắc chắn góc nhìn sẽ chút nhiều khác biệt. Ví dụ: Hãy kể về một lần bạn phản bội người yêu mình. Mỗi cặp đôi sẽ có một định nghĩa riêng về “phản bội”. Một số người xem nói dối là phản bội, người khác thì xem cắm sừng mới là phản bội...Hãy đảm bảo câu hỏi của mình càng rõ ràng trong từ ngữ và chi tiết nhất có thể nhé.
2. Một câu hỏi tốt khi mà tất cả người tham gia đều sẵn lòng trả lời.
Ví dụ: Bạn có kì thị người đồng tính không? Nếu bạn phải khảo sát về một chủ đề nhạy cảm thì có rất nhiều người khá là không sẵn lòng để trả lời. Vì có thể anh ta kì thị đồng tính thật, nhưng vì mong đợi của xã hội ( social desirability) anh ấy sẽ cảm giác như mình đang có suy nghĩ không đúng với kì vọng của mọi người. =>Hãy giữ cho câu hỏi của mình trung lập, không mang tính đánh giá. Ngoài ra, hãy cho họ biết thông tin cá nhân của bạn luôn được giữ an toàn hoặc ẩn danh.
3. Một câu hỏi tốt khi mà tất cả người tham gia đều trả lời thành thật.
Ví dụ: Bạn có sở hữu một thẻ thư viện không? Tuy đây là một câu hỏi rõ ràng và cũng không quá riêng tư, nhưng nhiều người tham gia lại trả lời có, trong khi thật sự thì không. Vì sự tự thể hiện bản thân (self-presentation) làm chúng ta không muốn bị người ta đánh giá tiêu cực về mình là người kém cỏi, ít hiểu biết cả. => Chuyển thành: Một số người thì mượn sách ở thư viện, một số người thì đọc online hoặc mua sách giấy, bạn có sở hữu một thẻ thư viện không?
4. Một câu hỏi tốt khi mà tất cả người tham gia đều có thể trả lời được.
Ví dụ: Bạn dành trung bình bao nhiêu tiền cho thực phẩm mỗi tháng?Người tham gia có thể sẽ không chắc chắn về câu trả lời. Họ sẽ chỉ đưa ra một con số ước chừng, chưa kể câu trả lời có thể bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng mỏ neo ( anchoring effect ) nếu như họ mới đi chợ về hoặc bởi trải nghiệm có sẵn ( availibility heuristic ) nếu như họ nghe tin dạo gần đây thực phẩm bị ô nhiễm nhiều. Điều này có thể khiến họ nghĩ mình dành cũng kha khá nhiều thời gian cho việc đi chợ, hoặc vì mình toàn mua đồ sạch, dẫn đến việc họ nghĩ mình chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm trong khi thực tế có thể không phải vậy.
5. Đừng hỏi nhiều ý trong cùng một câu hỏi.
Ví dụ: Bạn có ủng hộ chính phủ đánh thuế nhiều hơn vào người giàu và quan tâm nhiều hơn đến người nghèo không? Có thể bạn đều đồng ý cả hai vế, nhưng không đồng nghĩa với việc người khác cũng nghĩ giống bạn. Tốt hơn thì nên tách thành hai câu hỏi, và cũng đừng để nội dung câu hỏi bị lặp lại nhé. Không ai thích trả lời hai câu giống nhau đâu.
6. Hãy cẩn thận trong việc sắp xếp các câu hỏi.
Một thí nghiệm bởi Tourangeau và cộng sự của mình so sánh 3 nhóm khác nhau về ngân sách cho quốc phòng. Nhóm đầu tiên nhận được một loạt câu hỏi về mối đe dọa quân sự của liên bang Xô Viết ngay trước câu hỏi về ngân sách quốc phòng. Nhóm thứ hai nhận được một loại câu hỏi về sự cần thiết trong việc kiểm soát vũ khí trước câu hỏi về ngân sách quốc phòng còn nhóm cuối cùng thì nhận những câu hỏi không liên quan. Bất kể nhóm đầu tiêu trả lời thế nào, họ đều đồng ý tăng ngân sách cho quốc phòng cao hơn hẳn hai nhóm còn lại. Ở hai nhóm kia, trong số những người trả lời rằng họ không xem sự đe dọa của liên bang Xô Viết là đáng sợ, nhưng họ muốn tăng ngân sách lên. Như vậy, ý kiến của họ về ngân sách quốc phòng sẽ phụ thuộc vào cách họ trả lời những câu hỏi phía trước như thế nào.
Đây gọi là hiệu ứng bối cảnh ( context effect ), ngoài ra hãy chú ý đến người anh em của nó là hiệu ứng tương phản ( contrast effect ) nữa nhé. Đừng sắp xếp bừa bãi câu hỏi nhé.
7. Hình thức quan trọng không kém nội dung.
Trong một nghiên cứu vào năm 2002, người ta muốn kiểm tra xem phông nền của trang web có ảnh hưởng đến quyết định mua xe hơi không. Kết quả cho thấy phông nền màu xanh làm người ta tập trung nhiều hơn vào giá cả, trong khi phông nền đỏ khiến họ quan tâm hơn vào độ an toàn. Hay trong một thí nghiệm của hai nhà tâm lý học Samuel Juni và Julie Gross đã yêu cầu 102 sinh viên đại học đọc một bài báo châm biếm từ tờ The New York Times với 2 hai font Arial ( không chân) và Times New Roman ( có chân). Kết quả là sinh viên đánh giá bài báo dùng font Times New Roman có tính chất hài hước, đả kích và có sắc thái châm biếm mạnh mẽ hơn.
Trong tâm lý học gọi đây là mồi tiềm thức ( priming). Hãy để ý điều này nhé, một bản khảo sát về sự kiện không vui nhưng sử dụng toàn màu hồng thì không ổn chút nào đâu nhé.
8. Thời gian và trí lực thì có hạn.
Một khảo sát chỉ nên kéo dài trung bình từ 5-10 phút và hãy sử dụng những câu hỏi đóng dưới dạng trắc nghiệm vì ai cũng muốn nhanh và không quá đau đầu để suy nghĩ mà. Nếu như cần những câu hỏi mở, hãy để nó ở đầu trang ( và nên có tầm 2 câu thôi nhé ). Để những thông tin về nhân khẩu học như tuổi tác, giới tính… xuống cuối cùng. Hiệu ứng này gọi là decision fatigue - nghĩ càng nhiều càng mệt càng ngu là có thật đấy. Bắt người làm khảo sát làm nhiều quá họ nản, cẩn thận kẻo thoát ra giữa chừng đấy.
9. Đừng quên tặng quà.
Cung cấp cho người làm khảo sát những món quà như tài liệu học tập, quà lưu niệm… trước hoặc sau khi họ hoàn thành. Điều này dựa trên một hiện tượng mà nhà tâm lý học Robert B.Cialdini gọi là nguyên tắc đáp trả ( reciprocity ) - khi một ai làm điều gì đó cho bạn, bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải đền đáp lại ơn huệ ấy
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp đỡ được cho các bạn. Nếu bài viết có ích cho bạn, có thể nó cũng có ích đối với người khác, sharing is caring as always ^^
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất