Tâm sự chuyện xin nghỉ & thôi việc
Trải nghiệm nghỉ việc của một người trẻ. Nhiều sự lúng túng song là 1 kỷ niệm đáng nhớ
Là một người trẻ, tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc xin nghỉ và thôi việc. Mặc dù có trải qua vài lần xin nghỉ, bị đuổi việc,... song tôi vẫn khá lúng túng khi không biết ứng xử như thế nào cho phù hợp.
Xin nghỉ việc là chủ đề ít được trao đổi qua các cuộc chuyện trò, tán gẫu. Tôi cũng không được dạy về văn hóa ứng xử khi xin nghỉ từ bố mẹ, nhà trường hay các anh,chị đi trước nên tôi khá bối rối khi cần xin nghỉ.
Công ty tôi làm hiện tại đã gắn bó được khoảng 1 năm, là 1 trong những công ty tôi gắn bó lâu nhất (Công ty tôi gắn bó lâu nhất là khoảng 2 năm, nhưng là công việc part-time).
Xung quanh bạn bè tôi cũng ít người gắn bó được với 1 công ty quá 2 năm, tôi đoán do người trẻ còn khá mông lung trong việc định hướng tương lai, tâm lý muốn thử & trải nghiệm, nóng lòng muốn nắm bắt những cơ hội mới,...
Quay lại câu chuyện cá nhân tôi, là 1 account tại công ty IT, tôi xin nghỉ do thấy:
- Tôi không làm tốt công việc hiện tại (chỉ là cảm nhận cá nhân vì công ty tôi cũng không có thước đo gì để đánh giá hiệu quả nhân viên)
- Tôi không quá hứng thú với ngành và công việc mình đang làm (khi bán được hàng, tôi không quá vui; hoàn thành 1 dự án cũng không có nhiều cảm giác đạt thành tựu)
- Tôi không thích cách quản lý của sếp: công ty không hề có chính sách đãi ngộ nhân viên nào, ngoài những phúc lợi cơ bản như nghỉ phép năm, bảo hiểm xã hôi & y tế. Cách quản lý của sếp, theo cảm nhận là lạnh lùng & hơi công nghiệp (Sếp hiếm khi khen ngợi nhân viên, quan tâm đến cuộc sống cá nhân, thăm hỏi khi đau ốm,...).
- Công ty có những vấn đề lớn nhưng chưa được giải quyết. Được sáp nhập với 1 công ty lớn nhưng thiếu sự chuẩn bị, như 1 đứa trẻ buộc phải trở thành 1 người lớn, muốn làm nhiều dự án hơn nhưng nguồn nhân lực không đủ, muốn làm công nghiệp hóa nhưng quy trình chưa rõ ràng, muốn chuyên nghiệp hơn nhưng liên tục phạm lỗi nhỏ. Là 1 nhân viên, tôi thấy khá bất lực với những vấn đề lớn của công ty đang gặp phải, muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm khi tôi không có tiếng nói và cũng không đủ khả năng để giải quyết.
- Môi trường làm việc xung quanh không còn đủ sự tích cực và vui vẻ như những ngày đầu tôi vào công ty. Covid khiến mọi người WFH nhiều, ít có sự giao tiếp gần gũi; áp lực công việc quá lớn (ít nhân viên nhưng nhiều việc hơn) khiến mọi người thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, dễ cáu gắt; đồng nghiệp thường kể các câu chuyện tiêu cực khi làm việc với khách hàng; đầu năm là thời điểm nhiều nhân sự nghỉ việc nên cũng thường nói xấu công ty/ than vãn về sếp/KH.
Và vì thế, tôi xin nghỉ. Nhưng tôi không biết nên làm như thế nào!??!?
Đầu tiên là việc xin nghỉ: tôi nên nói trực tiếp hay viết email, tôi nên thành thật nói ra lý do xin nghỉ hay chỉ nói chung chung, thời điểm nào thích hợp để nói với sếp, nếu sếp hỏi câu này thì tôi nên trả lời như thế nào,...
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi nghĩ tốt hơn hết nên viết email trình bày sơ lược và xin meeting với quản lý trực tiếp để trao đổi rõ hơn.

Đơn xin nghỉ việc của tôi tới quản lý trực tiếp
Do tôi gửi vào thứ 6 nên cuối tuần nhận được cuộc gọi từ quản lý hỏi mong muốn và hứa sẽ chuyển tôi sang vị trí tôi mong muốn.
Tôi lại tiếp tục dòng suy nghĩ miên man đi hay ở, từ chối như nào cho khéo và không mất lòng. Và đây là email thứ 2 của tôi để chính thức thể hiện ý định dời công ty.

Email thứ 2 để thông báo chính thức thôi việc
Một vấn đề nữa làm tôi khó xử là số lượng ngày phép năm chưa xử dụng của tôi tại công ty. Tôi hiếm khi xin nghỉ nên đến tháng cuối, tôi vẫn còn 9 ngày phép.
Tôi rất muốn sử dụng 9 ngày phép còn lại này nhưng tôi sợ việc nghỉ liên tục sẽ ảnh hưởng đến công việc và có thể khiến sếp không hài lòng.
Nhưng sau khi được nghe tư vấn từ các anh,chị đi trước thì tôi được khuyên là nên nghỉ những ngày cuối vì thường khi nhận được tin nhân viên xin nghỉ, công việc cũng không còn quá nhiều do sếp không giao việc mới & công việc đã được bàn giao dần cho người mới và đó là quyền lợi của tôi đáng được hưởng, chứ không phải sự ban phát từ ai cả.

Email xin nghỉ để "tận dụng" ngày phép còn lại
Trong lòng tôi vẫn có chút áy náy do công ty đang thiếu người mà tôi lại thôi việc và xin nghỉ phép khá dài. Tôi cảm thấy việc mình nghỉ gây thêm áp lực cho những người ở lại khi chưa có người thay thế được tuyển mới.
Ngày cuối cùng của tôi ở công ty diễn ra bình thường như mọi ngày, tôi bận rộn với việc bàn giao và làm nốt những việc còn dang dở, cũng không có sự níu kéo từ sếp để báo tôi ở lại làm thêm phụ công ty (vì nếu sếp nhờ tôi sẽ đồng ý). Khá hụt hẫng và buồn khi phải chia tay công ty và những người đồng nghiệp đã làm chung cả năm trời, đã từng vui, từng buồn với nhau qua nhiều dự án.
Việc thông báo với đồng nghiệp, khách hàng về việc tôi không còn làm ở công ty nữa, cũng thật khó khăn. Tôi không muốn mọi người buồn, nhưng việc không thông báo có thể làm ảnh hưởng đến công việc và gây những phiền phức cho tôi sau này.
Việc thôi việc, tôi nghĩ giống như chia tay tình cũ, bạn sẽ phải bỏ thói quen bạn đã từng quen, bạn phải tìm hiểu lại, yêu lại từ đầu người mới, điều đó vừa có vẻ đáng sợ nhưng cũng đồng thời thú vị vì ẩn chứa những cơ hội mới.
Tôi vào Sài Gòn được 1.5 năm và 2/3 thời gian đó, tôi làm ở công ty và những ấn tượng về người Sài Gòn đều xuất phát từ công ty. Tôi thấy sự ấm áp, thân tình và xởi lởi của người Sài Gòn.
Tôi học được bài học lớn về teamwork rằng cần làm tốt trước nhất công việc của mình và cùng phối hợp chứ không phải dẫm lên chân nhau; tôi học được bài học về cách giao tiếp cần nhẹ nhàng & tinh tế hơn, chứ không phải chỉ ra lỗi sai hay sự thẳng thắn làm tổn thương người khác; tôi học được bài học về cách giải quyết vấn đề, không phải cứ phải lên kế hoạch và làm cho mọi thứ hoàn hảo, đôi khi việc take action ngay và cứ tiến về phía trước cũng không phải là cách tệ; tôi biết chấp nhận sự không hoàn hảo, những điều chưa tốt ở bản thân.
Tôi sẽ nhớ về công ty, như cách tôi nghĩ về người yêu cũ, dù có vui buồn giận hờn gì, tôi coi đó là những kỷ niệm, của một thời đã qua.

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
Nhưng đây là những suy nghĩ của mình về những vấn đề mà bạn nếu ở trên.
1. Vắng mợ chợ vẫn đông, đừng để suy nghĩ là việc mình nghỉ sẽ ảnh hưởng đến công việc. Vì khi mình nghỉ thì thời gian còn lại mình sẽ không phải làm việc cống hiến cho công ty mà là transfer công việc mình đang làm cho người khác, nên việc bạn sử dụng ngày nghỉ của mình không có gì sai cả. Và cũng không có gì phải lăn tăn. Và 1 điều nữa, công ty chỉ ngại việc phải tuyển 1 người khác thay bạn thôi chứ thực ra đều là người đi làm thuê, nếu không phải ở vị trí quản lý thì hầu như chúng ta đều là nhưng thứ có thể dễ dàng thay đổi.
2. Bạn không làm tốt công việc hiện tại. Bạn hãy hỏi thử quản lý của bạn là hiệu quả công việc của bạn như nào, và hỏi mọi người làm cùng về hiệu quả công việc của bạn. Đôi khi bản thân cũng chỉ là tự ti thôi.
3. Bạn không thích cách quản lý của sếp. Theo như trong bài thì công ty bạn mới có sự thay đổi về mặt tổng thể, nên việc sếp bạn chưa quen với cách thức quản lý 1 số lượng nhân viên lớn hơn nhiều khác biệt hơn là bình thường. Với cả là 1 người làm IT mình bảo thật bạn ạ, mình ghét việc hỏi thăm, khen ngợi đối với bản thân mình (mình là dev), và còn ghét hơn nếu sếp quan tâm hỏi han để cuộc sống của mình. Nếu sếp bạn là người đi lên từ developer thì đó cũng là 1 điều hiển nhiên thôi, không có gì lạ cả. Với cả sếp cũng là người cũng có sai lầm, nên việc quản lý cũng cần phải học. Bạn hãy mạnh mẽ góp ý những cái bạn thấy không hợp lý, nhưng không nên góp ý công khai, nên nhắn tin riêng góp ý hoặc trao đổi riêng góp ý. Nhưng nếu sếp không nghe theo thì cũng kệ, vì sếp vẫn là sếp, họ có 1 đặc quyền là ra quyết định và cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định đó.
4. Bạn không hứng thú với việc bạn làm, cái này bạn chả có gì sai cả, không hứng thú thì nghỉ việc là được mà. Việc 1 công ty IT hoàn thành 1 dự án nó còn phải dựa vào việc dự án nó to đến đâu và mọi người trong dự án đó được thưởng hay đi liên hoan thì mọi người còn hào hứng, còn không thì nó như kiểu mình xong bài kiểm tra mình hết nợ ấy =)).
Kết: Cá nhân mình khuyên các bạn không nên làm đâu đó gần 1 năm rồi nghỉ, nên làm lâu lâu hơn tí. Trừ khi bạn thấy ở đó bạn không phát triển được, không đúng với mục tiêu sự nghiệp hoặc đơn giản môi trường toxic quá. Có 1 điểm mà nhiều công ty không hay nói tới nhưng khi đọc CV họ sẽ nhìn vào việc là bạn nhảy việc nhiều quá, họ sẽ nghĩ bạn khó hoà nhập với môi trường làm việc mới nên dẫn tới việc nhảy việc nhiều.
Chị cũng không dám đưa ra lời khuyên gì cho e, nhưng chia sẻ từ trải nghiệm của chị thì nên gắn bó ở 1 công ty ít nhất 6 tháng/1 năm. C từng nghe shark Thái Vân Linh chia sẻ là ít nhất 2 năm rồi mới suy nghĩ đến chuyện đi hay ở. Do việc đi làm gặp khó khăn là bình thường, chỉ là chắc rằng cho bản thân đủ thời gian để hiểu về công việc, công ty và đảm bảo k bỏ vì sợ khó sợ khổ mà bản thân k hợp. Giống như khi tìm bắt đầu 1 mối quan hệ, cần có thời gian để 2 ng hiểu nhau, cùng đi qua các khó khăn và sau đó nhìn lại xem ng đó có thực sự là Người ấy mình đang tìm kiếm k.
Còn nếu bản thân e thấy k hợp thì "chia tay" công ty thôi, đúng hem?
1. Khi mình lần đầu xin nghỉ việc ở công ty gắn bó vs mình tới 3 năm. Mình cũng suy nghĩ trằn trọc lắm. Mình đã hẹn 2 ông sếp ra nói chuyện riêng và nói lý do. 1 anh hiểu và sắp xếp công việc sớm cho mình. 1 anh thì còn giúp mình tìm công việc mới, góp ý về cá nhân mình và chia sẻ kinh nghiệm. Tiếp đó, mình đơn giản là viết mail xin nghỉ và mời team ăn hoa quả vui vẻ. Sau khi rời công ty thứ 2, mình thấy việc nghỉ việc cũng không khó lắm đâu. Như mình vì không muốn bứt rứt do vô trách nhiệm. Cả 2 lần mình xin nghỉ đều là lúc gần hoàn thành dự án. Xong dự án rồi các sếp cũng sẽ dễ tuyển người, đào tạo hơn.
2. Bạn thấy "không làm tốt công việc hiện tại", "không quá hứng thú với ngành và công việc mình đang làm" => có thể bạn đang mất kết nối với sản phẩm mình tạo ra. ko thấy giá trị cống hiến của mình có kết quả gì, không thấy ai đánh giá về sản phẩm, hay không thấy được lợi ích nó đem lại trong thực tế. Cái này 1 phần do lỗi của bạn và 1 phần do cách truyền đạt trong công ty khiến bạn không rõ ràng bức tranh toàn cảnh. Nếu bạn thấy bị burn out thì mấy ngày nghỉ phép kia hoàn toàn xứng đáng cho bạn để cân bằng lại. Nếu bạn chán công việc do tính chất của nó như nhàm chán, làm quá ít, làm quá nhiều, quá khó,... thì bạn nên nghĩ tới việc tìm công việc khác
3. Bạn bảo "không thích cách quản lý của sếp", "hơi công nghiệp" và đoạn sau thì lại nhắc tới chính sách của công ty (có ghi hết trong hợp đồng và thường các công ty cũng đều khá giống nhau) => vấn đề này mình nghĩ là từ phía bạn và đây chỉ là cái cớ. Bạn có vẻ giống mình, luôn muốn kết nối, trao đổi, chia sẻ với mọi người xung quanh, muốn được công nhận. Cái này là bản chất rồi. Cũng tốt mà nhưng đừng lấy đó để vin vào.
4. "Công ty có những vấn đề lớn không được giải quyết" trong khi bản thân vai trò bé nhỏ gần như không thay đổi được gì, chính sách không phù hợp => đây mới là cái cớ phù hợp để out nè
5. WFH chán => giống ik 3. Thực ra giờ sang công ty nào cũng bị ảnh hưởng vì dịch thôi bạn
Phần cuối là góp ý dựa trên những thông tin mình đọc trong bài viết cho bạn
- bạn vẫn khá bị động trong mọi thứ
- bạn dễ bị môi trường tác động, dễ bị tiêu cực => cái này có thể cải thiện được đó
- bạn là người có trách nhiệm, có suy nghĩ vì công ty nhưng suy nghĩ về bản thân lại quá ít. từ việc ngày nghỉ, cho tới lo lắng nếu rời đi công việc có ổn không? đó vốn đã không phải là việc của bạn. cái gì xứng đáng với mình thì mình xứng đáng được hưởng
Comment này có thể hơi nặng lời nên có gì bạn thông cảm nha. Hy vọng nó giúp được gì đó cho bạn (vì mình cũng từng như bạn)
Mình vẫn nghĩ liệu có tips nào để "chia tay" công ty trong hòa bình & vui vẻ không ạ?