Bạn từng thấy việc học hành những kiến thức, kỹ năng mới sao quá dễ dàng? Hay đã có lúc ngồi ôm vài cuốn giáo trình và chật vật đối mặt chuyện học hành. Hết kỹ năng cứng lại kỹ năng mềm, rồi đến việc phấn đấu “thưởng thức” một món ngoại ngữ với mong muốn cải thiện bản thân, để được mở rộng cơ hội phát triển.
Lang thang vài góc bài viết thấy người ta viết sao mà hay, sao mà đúng. Bỗng nhiên từ đâu lại hừng hực khí thế, lại vác hết sách bút ra ngấu nghiến, hiệu quả hay không thì không biết, chỉ biết cỡ đâu đó 3 – 4 hôm sau thì lại bỏ. Lại ham ngủ, ham chơi hơn ham học. Cứ tà tà ngày qua ngày, lại đợi một cuốn sách hay một bài viết nào khác để lấy lại khí thế hôm nao.
Có ai ở đây đã từng đọc “Đắc nhân tâm” và ước ao sếp của mình cũng sẽ đọc được nó. Để rồi một ngày đẹp trời, sếp bỗng nhiên đối xử với nhân sự “nhẹ nhàng” hơn. Tôi cũng từng thế, từng có niềm tin vào những điều trong cuốn sách ấy, cho đến khi có cơ hội tìm hiểu về thuật quản trị của Steve Jobs. Hóa ra chẳng có sách nào sai, cũng chẳng có ông Steve nào đúng. Chỉ có tự chúng ta đang áp dụng sai cách những thói quen, hoặc quan điểm, hoặc công thức của nhiều ơi là nhiều “gã khổng lồ” đã và đang thành công vang dội ngoài kia.
Ơ thế còn bài báo: “Shark Hưng nói “Thành công không có công thức” nhưng triệu phú Adam Khoo lại chỉ ra cách bạn có thể sao chép được thành công của người thành đạt”. Như nào???
---

Tôi là đâu, đây là ai?

Chuyện học hành phụ thuộc vào nhiều vấn đề quá. Rồi không biết đặt niềm tin vào đâu, liệu học như nào, tạo thói quen như nào cho đúng? Xong bây giờ tự bản thân trả lời hai câu hỏi: Bạn là ai? Bạn muốn gì? Cá là một loại động vật biết bơi,… ơ lạc đề. Cá là nhiều người sẽ rất mất thời gian để trả lời cho hai câu hỏi này.
Ông A nào đó tư duy thật thông thái, từ năm mười tuổi đã nhìn ra sứ mệnh của bản thân, biết mình sống để làm được những điều lớn lao. Ông B hàng xóm nhìn sang thật ngưỡng mộ, nhưng ông này lại thích tận hưởng cuộc sống êm đềm như vậy, cười vui mỗi ngày. Không biết nhà ông nào ở giữa, nhưng có ông C là hàng xóm của hai ông trên, chật vật trên con đường tìm kiếm bản thân. Nhìn sang ông A, ông B thấy ông nào cũng “sướng”. Thế là lúc thì muốn chạy theo cuộc sống của ông này, lúc lại thấy thôi thà như ông kia sướng hơn. Loay hoay mãi, đến khi xuôi tay nhắm mắt vẫn chẳng trả lời nổi.
Nếu muốn hình thành một thói quen khi thấy nó tốt, phải trả lời được thói quen đấy tốt với mình như thế nào! Tại sao phải học cái này, tại sao phải rèn luyện thói quen kia? Tại sao?
---

Vẫn gìn giữ những thói quen dù biết nó có hại?

Đợt này thức khuya nhiều quá, mặt mũi đầy mụn, cơ thể khó chịu, đầu óc không nhanh nhạy minh mẫn. Từ mai phải ngủ sớm thôi. Hôm qua ra đường, thấy cái đứa kia đứng chém gió với Tây ầm ầm, ngầu dã man. Tự dưng thấy có lỗi với mấy quyển sách tiếng Anh ở nhà, vì lỡ “phủ bụi” chúng. Hứa ngày mai học English 4 đến 5 tiếng.
Đời không như mơ! Cố mãi chẳng ngủ sớm được, thói quen xấu lún sâu quá rồi. Lúc đấy nằm nghĩ ra lý do không ngủ được. Nghĩ lâu quá thì với tay bấm con điện thoại thêm 5 phút, bấm xong thấy 2 giờ đêm. Thấy bạn bè cũng thế, ui hóa ra lắm bạn đồng hành. Thêm một động lực lớn lao để ngày mai tao vẫn thế.
Định nhắc chuyện thuốc lá, rượu chè, mà sợ hội anh chị em “thần cồn”, “cây rượu nhân dân” vào phản ứng, đặc biệt là những “bạn đồng hành” vẫn hay ngồi nhậu với tác giả. Rõ ràng ai nấy cũng nhận thức được tác hại, tại sao vẫn sử dụng?
Thói quen cá nhân hay thói quen cộng đồng (đông đảo bạn đồng hành) nếu đã là xấu thì đều phải điều chỉnh. Điều chỉnh dần dần, điều chỉnh mỗi ngày, điều chỉnh từ tư tưởng, suy nghĩ đến hành động. Chứ nghĩ bỏ mà bỏ được ngay, thì có khi lại càng dễ nản, càng không dễ dàng gì.
Kết quả đến sau một quá trình, không phải một khoảnh khắc – kể cả sức khỏe, học hành, công việc, vân vân và vân vân…
---

Động lực – Phương pháp – Thực hành

Quay lại việc trả lời cho việc xác định bản thân, cụ thể là mong muốn của bản thân. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi bản thân ta trở nên tốt đẹp hơn. Rõ ràng nếu chẳng vấp phải cú ngã nào quá đau trong đời thì thật khó để ta tỉnh ngộ. Không thể để đến khi có hậu quả, ta mới thấy hối hận, tiếc nuối.
Hãy đặt vấn đề thật kỹ càng về động lực của bản thân. Nếu bạn thấy sức khỏe không tốt, tại sao vẫn duy trì thói quen xấu? Bạn muốn tốt nghiệp bằng giỏi để làm gì? Ra trường với cơ hội xin việc tốt hơn. Hay bạn lập mục tiêu cho việc học tiếng Anh là gì? Để có cơ hội sau này đi du học ở một đất nước trời Âu. Nếu bạn không trả lời được cho mục tiêu của mình một cách nghiêm túc, rõ ràng, chắc chắn động lực của bạn chưa đủ lớn.
Khi xác định được mục tiêu và động lực, hãy tập trung tìm kiếm phương pháp để học tập, thay đổi thói quen. Có một vấn đề về phương pháp, đó là có rất nhiều phương pháp.
Search bác Google, bạn sẽ tìm được kha khá phương pháp để học hành, để trở nên tốt hơn. Xong giống như tác động từ biển lớn, ta lạc trôi giữa những phương pháp đó. Đã quá 10 lần trong những ngày đại học, tôi đi hỏi người ta là phải học tiếng Anh như thế nào? Ra trường rồi, các em tôi lại hỏi tôi đúng câu đấy. Hay cái chuyện mà tôi năm lần bảy mươi lượt đi nhắc nhở người khác phải ngủ sớm đi, rồi ai cũng bảo tôi như ông già, 11h lên giường đi ngủ. Rồi cả thằng bạn ở cùng, lao đầu vào game, MXH, Tiktok quá đà, vừa thôi thì đủ giải trí, chứ quá nhiều thì thành vô bổ, nhức hết cả đầu.
Thế là đặt ra câu chuyện về sự kết hợp động lực và phương pháp để nuôi dưỡng tính thực tế bằng việc thực hành. Thật may mắn khi chúng ta có thể chạm ngay vào một phương pháp phù hợp với bản thân. Còn nếu không may, thử hết phương pháp A đến phương pháp Z, chẳng thấy ra sao, có nên cố gắng không. Lúc đấy cũng nản lắm, có thể là do phương pháp không phù hợp, hoặc do động lực chưa đủ, như đã nói ở trên.
---

Thế thì làm thế nào? Thực hành thế nào?

Cố gắng lên! Đừng ngại thực hành. Chỉ có thực hành mới có thực tế, chứ không cũng chỉ là lý thuyết suông, là sáo rỗng mà thôi…
Trước tiên, hãy giữ cho cơ thể thật khỏe mạnh, tâm trí thoải mái và tinh thần tỉnh táo. Điều này giúp cho bạn trở nên dễ tiếp thu trong việc học tập, rèn luyện hơn.
Luôn luôn hiện thực hóa bằng hành động. Đừng dễ dàng bỏ cuộc, ngoài thần chú “Cố gắng lên”, hãy thử thêm 1 dòng chữ “Cố thêm một chút nữa”. Mỗi lần định nghỉ ngơi, hãy cố thêm một chút nữa. Mỗi khi thấy hôm nay học vậy đủ rồi, hãy cố thêm một chút nữa. Nhưng nhớ là đừng cố ngủ muộn thêm chút nữa, đừng cố hút thêm vài điếu thuốc nữa,…
Tập trung cao độ là một kỹ năng thật thần kỳ? Tôi đã từng đang học, mải nhắn tin trò chuyện mà dừng lại rất lâu đến quên mất việc học. Hay cũng có khi đang tập trung mà bỏ dở để chạy đi chơi với một cuộc hẹn đột xuất. Vậy thì…? Chuẩn bị thật cẩn thận và đầy đủ về các dụng cụ, thiết bị học tập và hỗ trợ trước khi ngồi vào không gian học tập. Tránh những thứ khiến ta dễ mất tập trung nhất như điện thoại, thiết bị điện tử không cần thiết,… bỏ nó ra bên ngoài và quên nó đi. Trong quá trình ngồi học hành, có thể bạn sẽ nhớ ra được những đầu công việc khác. Việc này sẽ dễ gây mất tập trung và khiến bạn hào hứng đứng dậy bước ra khỏi không gian học tập ngay lập tức. Tập ghi lại vào sổ để nhắc nhở bản thân làm nó sau nhé!
Kỷ luật và kiên trì thật nhiều nhờ động lực và tin tưởng vào phương pháp của bản thân. Bạn thực hành và không thấy hiệu quả dù đã rất cố gắng, đừng ngại thay đổi phương pháp. Hãy giữ gìn những tinh túy phù hợp nhất của những phương pháp đã thử. Tích lũy lại, tự bạn sẽ trả lời được cho câu hỏi của bản thân: Học thế nào là hiệu quả nhất?
Đừng cố gắng thay đổi & hình thành thói quen học tập quá nhanh nếu điều đó vượt quá khả năng của bạn!
Thế thôi, dễ nhỉ? Có mà dễ =)) tự đi mà động viên bản thân, việc bạn bạn lo, việc tôi tôi lo. Không thì bạn sẽ mãi thua kém như toy thôi... Byeeeee!
Chu Đức Dũng - 15/08/2021