Phần 1 - Dành cho những ai chưa đọc
Đi sâu vào việc sử dụng Excel - một trong những công cụ thiết yếu trong bộ Microsoft Office, tôi thấy có rất nhiều vấn đề mà người ta đang gặp phải. Nó phản ánh cái sự "chưa thành thạo":

Thứ 1: không có phương hướng

hãy thử trả lời 4 câu hỏi dưới đây:
Câu hỏi 1: Bạn có biết trình độ Excel được chia làm mấy cấp không? 
Câu hỏi 2: Bạn đang ở cấp mấy? (nếu có câu trả lời cho câu 1) 
Câu hỏi 3: Nếu chấm theo thang điểm 10 bạn tự cho mình mấy điểm? (nếu không có câu trả lời cho câu 1 và 2)
Câu hỏi 4: Bạn có sẵn sàng giải quyết 1 bài tập mô phỏng vấn đề của công ty trên excel không?
Đại loại khi hỏi mấy câu này đa số tôi nhận được câu trả lời là combo: Im lặng + cười + Em không biết (và sau đó mặt tái dần đi). Có lẽ chưa bao giờ chúng ta nghĩ 1 cách cẩn trọng về vấn đề này. Việc bạn không tự tin trả lời được mấy câu hỏi kia đơn giản là bạn không "biết mình" và "biết người" (người ở đây chỉ Excel).
Biết mình là phải hiểu năng lực mình ra sao, có tự tin với kiến thức mình đang có hay không. Đó là câu hỏi 2-3-4, bạn sẽ trả lời 1 cách dứt khoát và tự tin nếu bạn biết mình đang ở đâu.
Biết người là bạn phải hiểu đối tượng mà bạn đang hướng tới. Nếu VN không có quy chuẩn thì bạn phải tìm hiểu quy chuẩn nước ngoài. Nếu thụ động và chờ đợi từ người khác thì rõ ràng bạn đã yếu thế trong cuộc đua rồi. Giữa 1 người biết và 1 người không biết, chắc chắn bạn sẽ thấy nhà tuyển dụng chấm ai hơn rồi phải không, cho dù người "biết mình - biết người" thực tế khi làm bài test kết quả kém hơn người khác, nhưng việc anh ta định vị bản thân, biết mình yếu ở đâu và thật thà chia sẻ thì sẽ giúp bạn dễ dàng chọn người hơn rất nhiều (so với 1 người không rõ hoặc che giấu về bản thân).
Việc không có phương hướng cũng sẽ khiến bạn chẳng biết cần học gì, học ai, học ở đâu để nâng cao năng lực. Bởi "bụng đói thì gối phải bò". bạn chưa cảm nhận được cơn đói thì bạn sẽ không vận động đâu.

Thứ 2: không coi trọng nó

Cuộc sống có quá nhiều thứ quan trọng phải dành thời gian để làm, trong khi đó tin học văn phòng chỉ là "kỹ năng mềm" - 1 thứ môn phụ - nên sẽ chẳng đáng để tâm.
Hỏi 100 người liệu mấy người trả lời rằng "kỹ năng sử dụng bộ office" quan trọng? Kể cả 100 người làm vị trí kế toán, nhân sự, tài chính, xây dựng, marketing, chuyên viên phân tích dữ liệu - những vị trí mà va chạm nhiều với nó.
Hầu hết các vị trí này đòi hỏi 1 nền tảng kỹ năng tin học văn phòng rất tốt thì bạn mới làm việc tốt được. Nó không khác gì bạn phải có sẵn nền tảng tiếng anh thì mới vào công ty nước ngoài (có sử dụng tiếng anh) để làm việc được. Nhưng đa phần người ta đề cao chuyên môn nhiều hơn là kỹ năng mềm. Điều này đúng. Thực tế cho thấy kinh nghiệm làm việc và kiến thức chuyên môn cực kỳ quan trọng và bạn cần trau dồi nó liên tục. Vậy khi nào nên học kỹ năng mềm kia? Không có lúc nào. Kết cục là bạn yếu kém nó, biết nó ảnh hưởng nhiều tới công việc nhưng không có cách nào thoát ra.
Hãy nghĩ thế này:
- Khi trong trường đại học, bạn kêu ca rằng kiến thức chuyên ngành lý thuyết quá, không thực tế. Thà bỏ học để đi làm, va chạm thực tế còn tốt hơn.
- Khi đi làm, bạn kêu ca rằng: tôi chẳng có thời gian học thêm những kỹ năng mềm - thứ mất rất nhiều thời gian để học. Công việc quá bận, còn gia đình, con cái, rồi đủ thứ chuyện ở công ty nữa.
Vậy đó, sao không đổi ngược lại thế này:
- Khi trong trường đại học, hãy dành nhiều thời gian học kỹ năng mềm. Học cách giải quyết vấn đề lý thuyết qua các mô hình, ví dụ, để từ đó luyện kỹ năng. Kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic, kỹ năng tìm kiếm, kỹ năng báo cáo, tư duy về thẩm mỹ... mấy cái đấy hoàn toàn có thể học được, thậm chí học tốt từ trong trường.
- Khi đi làm, bạn đã có sẵn nền tảng kỹ năng mềm rồi, cái thiếu là kinh nghiệm thực tế. Lúc đó hãy va chạm, hãy vận dụng những gì bạn có để đào xới kinh nghiệm, từ những việc nhỏ nhất.
Tôi hay nói với em thực tập ở công ty tôi: em đang làm part time ở 1 cửa hàng bán giầy phải không? Hãy cố gắng ghi chép lại tất cả những gì em thấy ở đó, rồi tự tổng hợp số liệu bán hàng. Hãy suy nghĩ như mình là quản lý cửa hàng đó. Rồi dùng excel mà báo cáo lại kết quả bán hàng, nói anh biết sản phẩm nào bán chạy, sản phẩm nào bị đổi trả nhiều... đừng chỉ làm công việc bán hàng như 1 người bán hàng bình thường. Chỉ cần 3 tháng thôi em sẽ thấy sự khác biệt.
Nếu không biết nó quan trọng ra sao, hãy mở to mắt ra xem người khác đang dùng nó như thế nào. Hãy thử làm như họ xem việc đó khó khăn hay dễ dàng. Nếu có thể làm 1 việc từ khó trở thành dễ, ấy là lúc kiến thức + kỹ năng = kinh nghiệm đó.
Vậy nên, thành thạo còn mang ý nghĩa là ngoài việc học tốt, nắm vững, điểm cao thì bạn còn cần biết cách vận dụng vào thực tế nữa.
---
Bạn có muốn làm thử 1 bài tập Excel không? 
Hãy thử đóng vai 1 người làm ở phòng nhân sự của 1 công ty, bạn cần viết công thức Excel để tính tuổi nghỉ hưu của những nhân viên trong công ty xem sao nhé. Hãy nhớ là theo luật lao động 2019 thì sẽ có điều chỉnh lộ trình nghỉ hưu đấy nhé.
Link bài tập tải về theo địa chỉ:
Nguồn bài tập: gitiho.com