Do yêu cầu của lao động, của cuộc sống mà con người thường xuyên tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng xung quanh, qua đó họ nhận thức được các nét cơ bản của sự vật, hiện tượng. Cứ như vậy, nhận thức của con người liên tục được mở rộng. Là một nhánh quan trọng của ngành tâm lý học, tâm lý học nhận thức con người ngày càng được đề cao và nghiên cứu chuyên sâu.

1. Lịch sử tâm lý học nhận thức

Ngay từ thời xa xưa, vấn đề nhận thức và học tập đã được đề cao cùng lúc với sự xuất hiện của loài người. Ở thời Hy Lạp cổ đại, những suy nghĩ về tâm trí con người và các quá trình của nó đã được hình thành.
Năm 387 TCN, Plato gợi ý rằng bộ não là nơi chứa các quá trình tinh thần. Năm 1637, René Descartes khẳng định con người được sinh ra với những ý tưởng bẩm sinh cùng trí tuệ và cơ thể là hai chất riêng biệt. Những lí luận này đã cho thấy tầm quan trọng của nhận thức, từ đó từng bước hình thành nên lý luận nhận thức.
Đến thế kỷ 19, các cuộc tranh luận việc suy nghĩ của con người chỉ mang tính kinh nghiệm (chủ nghĩa kinh nghiệm) hay bao gồm kiến thức bẩm sinh (chủ nghĩa tự nhiên) nổ ra. Tiêu biểu trong cuộc tranh luận là lí lẽ của phe chủ nghĩa kinh nghiệm gồm George Berkeley và John Locke  đối với lý lẽ của phe chủ nghĩa tự nhiên là Immanuel Kant.
Từ giữa đến cuối thế kỷ 19 là thời điểm quan trọng dẫn đến sự phát triển của tâm lý học như một môn khoa học. Hai khám phá mà sau này đóng vai trò cốt yếu trong tâm lý học nhận thức là phát hiện của Paul Broca về vùng não chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất ngôn ngữ và khám phá của Carl Wernicke về một lĩnh vực được cho là chủ yếu để hiểu ngôn ngữ.
Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là vào năm 1879, khi Wilhelm Wundt thành lập phòng Thực nghiệm tâm lý đầu tiên trên thế giới tại tại Đại học Leipzig, ông đã tiến hành nghiên cứu, đo đạc trí nhớ, tư duy của con người. Vì vậy mà những nghiên cứu của ông trong giai đoạn này được coi là những công trình nghiên cứu đầu tiên về tâm lý học nhận thức.
Trong thời gian tiếp theo, những nghiên cứu về tâm lý học tiếp tục nở rộ. Năm 1925, nhà tâm lý học người Đức Wolfgang Köhler đã xuất bản một cuốn sách tên là The Mentality of Apes. Trong đó, ông báo cáo các quan sát cho thấy rằng động vật có thể thể hiện hành vi sâu sắc. Ông bác bỏ chủ nghĩa hành vi để ủng hộ một cách tiếp cận được gọi là tâm lý học Gestalt. Năm 1948, Norbert Wiener xuất bản “Điều khiển học hay Điều khiển và Giao tiếp trong Động vật, Máy móc”, giới thiệu các thuật ngữ như đầu vào và đầu ra. Năm 1948, Tolman nghiên cứu về bản đồ nhận thức – huấn luyện chuột trong mê cung, cho thấy rằng động vật có biểu hiện bên trong của hành vi. 
Một nhân vật tiên phong của tâm lý học nhận thức thời kì này không thể không kể đến Jean Piaget với những nghiên cứu về suy nghĩ, ngôn ngữ và trí thông minh của trẻ em, người lớn thông qua lý thuyết phát triển nhận thức gồm 4 giai đoạn chính của mình.
Sự ra đời của Tâm lý học Nhận thức thường được biết đến nhiều hơn qua cuốn “The Magical Number 7 Plus or Minus 2” của George Miller (1956) .Năm 1960, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức tại Harvard cùng với nhà phát triển nhận thức nổi tiếng, Jerome Bruner.
Việc định danh phân ngành tâm lý học nhận thức thực sự được biết đến nhờ cuốn Cognitive Psychology xuất bản năm 1967 của Ulric Neisser. Ngoài ra, năm 1970, cuốn Tạp chí về tâm lý học nhận thức cũng được ra đời.
Đến những năm 60 của thế kỷ 20, khái niệm nhận thức được sử dụng như một khái niệm chung để chỉ hầu hết các quá trình tâm lý học bao gồm: động cơ, tri giác, tư duy,...

2. Tâm lý học nhận thức là gì?

Có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về tâm lý học nhận thức. 
Theo nghĩa rút gọn của tâm lý học có thể hiểu tâm lý học nhận thức khác với tâm lý  học nói chung, nó phân chia các hiện tượng tâm lý thành tư duy, tình cảm, mong muốn là một phân ngành nghiên cứu quá trình nhận ra và hiểu biết ( ví dụ như: tri giác, tư duy, trí thông minh,..).
Ngoài ra, tâm lý học nhận thức còn được hiểu là quá trình nghiên cứu các lĩnh vực giao thoa của tri giác, học tập và tư duy, nghiên cứu việc con người thu thập, biến đổi, tích lũy và tái hiện tri thức.
Mở rộng phạm vi nghiên cứu của tâm lý học nhận thức, có thể hiểu, nó là ngành khoa học nghiên cứu trí thông minh của con người và quan hệ của nó với việc chú ý và thu thập thông tin như thế nào; việc thông tin đó được lưu giữ trong trí nhớ của bộ não ra sao; việc sử dụng các hiểu biết đó như thế nào? để giải quyết các vấn đề về tư duy và diễn đạt ngôn ngữ, chỉ rõ đối tượng nghiên cứu là trí thông minh, quan hệ giữa trí thông minh với việc tư duy và diễn đạt ngôn ngữ, tất cả đã góp phần chỉ ra bản chất của hoạt động nhận thức.
Từ đó có thể hiểu, tâm lý học nhận thức bao gồm một loạt những lĩnh vực của các quá trình tâm lý, từ cảm giác đến tri giác, thần kinh học, nhận biết các hình mẫu, chú ý, ý thức, học tập, cảm xúc và các quá trình phát triển.
Tựu chung lại, tâm lý học nhận thức là môn khoa học nghiên cứu về quá trình nhận thức và các cấu trúc của nhận thức để tìm ra bản chất quá trình nhận thức của con người.
Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học nhận thức bao gồm: thần kinh học nhận thức, hình tượng, chú ý, tư duy và sự hình thành khái niệm, tri giác, nhận biết các hình mẫu, trí nhớ, sự thể hiện kiến thức, ngôn ngữ, tâm lý học phát triển, trí thông minh của con người, trí thông minh nhân tạo,...

3. Vì sao tâm lý học nhận thức quan trọng

Tâm lý học nhận thức cho phép con người tìm hiểu về cách cơ thể và trí não làm việc cùng nhau. Điều này giúp cho việc đưa ra các quyết định một cách đúng đắn và tránh các tình huống căng thẳng, giúp con người quản lý thời gian, thiết lập được các mục tiêu và sống hiệu quả.
Con người thường xuyên sử dụng kiến thức của tâm lý học nhận thức. Đó là khi trò chuyện cùng bạn bè, tranh luận với đối tác hay dạy dỗ con cái. Việc hiểu được cách thức hoạt động của tâm trí giúp bạn trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc gắn kết các mối quan hệ một cách chặt chẽ và đưa ra những quyết định tốt nhất.
Ngoài ra, tâm lý học nhận thức còn đóng vai trò quan trọng đối với con người trong việc xây dựng các mối quan hệ, cải thiện giao tiếp, xây dựng sự tự tin và phát triển sự nghiệp,..
Những thành tựu và kiến thức của tâm lý học nhận thức còn giúp phát triển y khoa và chữa trị các bệnh về tâm lý, tư tưởng.

4. Phân loại tâm lý học nhận thức.

Có nhiều cách để phân loại tâm lý học nhận thức. Tuy nhiên, ta có thể phân loại tâm lý học nhận thức theo 3 hướng bao gồm: Thực nghiệm, tính toán và thần kinh .
Tâm lý học nhận thức thực nghiệm coi tâm lý học nhận thức là một trong những khoa học tự nhiên và áp dụng các phương pháp thực nghiệm để khảo sát nhận thức của con người. Các phản ứng tâm sinh lý, thời gian phản hồi và theo dõi mắt thường được đo lường trong tâm lý học nhận thức thực nghiệm.
Tâm lý học nhận thức tính toán phát triển các mô hình toán học và tính toán về nhận thức của con người dựa trên các biểu diễn ký hiệu và ký hiệu con, các hệ thống động lực học.
Tâm lý học nhận thức thần kinh sử dụng hình ảnh não (ví dụ: EEG, MEG, PET, SPECT, Hình ảnh quang học) và các phương pháp sinh học thần kinh (ví dụ, bệnh nhân tổn thương) để hiểu cơ sở thần kinh của nhận thức con người.

5. Quan điểm về tâm lý học nhận thức

Nhắc đến tâm lý học nhận thức, chắc chắn không thể không nhắc đến Jean Piaget - một nhà triết học và tâm lý học Thuỵ Sĩ, người đã dành gần như cả đời mình để nghiên cứu những suy nghĩ, ngôn ngữ, trí thông minh của trẻ em và người lớn. Một trong những lý thuyết về tâm lý học nổi tiếng nhất của ông chính là lý thuyết phát triển nhận thức.
Về lý thuyết phát triển nhận thức của mình, Jean Piaget xác định thành 4 giai đoạn chính​​.  Lý thuyết của ông không chỉ tập trung vào việc làm thế nào trẻ em có thể tiếp nhận kiến thức, mà còn tập trung nghiên cứu về bản chất của trí thông minh. 4 giai đoạn phát triển nhận thức gồm:
- Giai đoạn cảm giác vận động : Giai đoạn phát triển đầu tiên kéo dài từ sơ sinh đến khoảng hai tuổi. Ở thời điểm phát triển này, trẻ nhận biết thế giới chủ yếu thông qua các giác quan và vận động cơ thể.
- Giai đoạn tiền thao tác tư duy : Giai đoạn phát triển thứ hai kéo dài từ hai tuổi đến bảy tuổi và được đặc trưng bởi sự phát triển của ngôn ngữ và sự xuất hiện của trò chơi biểu tượng.
- Giai đoạn thao tác cụ thể : Giai đoạn thứ ba của quá trình phát triển nhận thức kéo dài từ 7 tuổi đến xấp xỉ 11 tuổi. Lúc này, tư duy logic đã xuất hiện, nhưng trẻ vẫn gặp khó khăn với tư duy lý thuyết và trừu tượng.
- Giai đoạn thao tác chính thức : Trong giai đoạn thứ tư và giai đoạn cuối của quá trình phát triển nhận thức, kéo dài từ 12 tuổi đến tuổi trưởng thành, trẻ trở nên thành thạo hơn nhiều trong suy nghĩ trừu tượng và suy luận.
Piaget tin rằng đứa trẻ chính là người giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập, chúng giống như một nhà khoa học nhỏ thực hiện những thí nghiệm đơn giản và quan sát, từ đó chúng có thể tìm hiểu về thế giới xung quanh. Khi trẻ em tương tác với thế giới xung quanh, các em liên tục nạp thêm những kiến thức mới, xây dựng từ những nền tảng kiến thức có sẵn và điều ứng với những kiến thức có sẵn để tiếp thu thêm.

6. Ứng dụng tâm lý học nhận thức

Hiện nay, tâm lý học nhận thức là một phần rất quan trọng của tâm lý học, nó được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tâm lý học nhận thức ứng dụng trong y khoa.
Nhờ những thành tựu và kiến thức về tâm lý học nhận thức đã giúp cho đội ngũ y bác sĩ có thể tiếp cận điều trị bệnh tâm thần, chấn thương sọ não và bệnh thoái hóa não. Cũng nhờ tâm lý học nhận thức, chúng ta có thể xác định các cách thức để đo lường khả năng trí tuệ của con người, phát triển các chiến lược mới để chống lại các vấn đề về bộ nhớ và giải mã các hoạt động của bộ não con người.
Không chỉ vậy, với sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học nhận thức, mọi người có thể tìm cách để đối phó và thậm chí vượt qua những khó khăn về tâm lý. Các liệu pháp trị liệu bắt nguồn từ nghiên cứu nhận thức tập trung vào việc giúp mọi người thay đổi các suy nghĩ tiêu cực và thay thế những suy nghĩ đó bằng những suy nghĩ tích cực và thực tế hơn. Nhờ nghiên cứu trong lĩnh vực này bởi các nhà tâm lý học nhận thức, các phương pháp điều trị mới đã được phát triển để giúp điều trị trầm cảm, lo lắng, ám ảnh và rối loạn tâm lý khác .
Tâm lý học nhận thức ứng dụng trong trường học.
Việc nắm bắt tâm lý học sinh giúp các thầy cô truyền tải kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, thầy cô, nhà trường cũng kết hợp với gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách của trẻ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức tâm lý học là cần thiết. Bên cạnh đó, có những chuyên gia được đào tạo bài bản để hoạt động trong lĩnh vực này là các nhà tư vấn tâm lý học đường, công việc này ngày càng được coi trọng vì tính cần thiết của nó. Ở một khía cạnh khác, các nhà giáo dục cũng cần trang bị kiến thức ngành này để định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh, điều này sẽ giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội.
Tâm lý học nhận thức ứng dụng trong marketing.
Hành vi của người tiêu dùng không nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của Tâm lý học. Mọi quyết định của khách hàng ảnh hưởng lớn đến thương hiệu xung quanh, từ hình ảnh đến đường lối và doanh số. Vì vậy, việc hiểu tâm lý và hành vi người tiêu dùng góp phần đưa ra sản phẩm, quảng cáo hay chiến dịch hiệu quả. Những kỹ năng được đào tạo trong tâm lý học như thống kê, đánh giá dữ liệu, đo lường mẫu tâm lý có thể ứng dụng nhiều ở bộ phận marketing như vị trí nghiên cứu thị trường, lên chiến dịch, sáng tạo nội dung và tối ưu hóa quảng cáo trên các nền tảng.
Tâm lý học nhận thức ứng dụng trong tổ chức, doanh nghiệp.
Để thiết lập văn hóa lành mạnh cũng như đảm bảo môi trường thúc đẩy sự cầu tiến của nhân viên, doanh nghiệp cần có chuyên gia thấu hiểu các vấn đề tâm lý nơi công sở. Họ có thể làm trong bộ phận nhân sự hoặc truyền thông đối nội, ở vị trí liên quan đến tập huấn, sức khỏe tinh thần, phúc lợi, thiết kế hoạt động teambuilding, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc…
Như vậy, có thể thấy, tâm lý học nhận thức là một trong những phân ngành vô cùng quan trọng của tâm lý, nó giúp nghiên cứu các quá trình tinh thần như nhận thức, lập kế hoạch hoặc trích xuất các suy luận,... Ứng dụng tâm lý học nhận thức trong mọi lĩnh vực của cuộc sống sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều thành công hơn.
Nguồn: