Tâm lý học hành vi - Do đâu mà chúng ta hành xử cảm tính?
Những câu hỏi như "Tại sao mình không làm nó như thế này mà lại làm như thế kia?" đã đặt nền móng cho các nhà tâm lý tìm ra học thuyết có tên là tâm lý học hành vi, nơi nghiên cứu và xây dựng các thói quen hành vi của con người.
Sau khi hoàn thành một công việc nào đó, đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chúng ta lại hành động như vậy? Tại sao mình không làm nó như thế này mà lại làm như thế kia? Liệu thay đổi cách hành xử khác có khiến kết quả của công việc ấy thay đổi không? Những câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn như thế đã vô tình đặt nền móng cho các nhà tâm lý tìm ra đáp án cho một học thuyết có tên là tâm lý học hành vi, nơi nghiên cứu và xây dựng các thói quen hành vi của con người.
Tâm lý học hành vi là gì?
Theo tiếng Latinh, tâm lý học hay Psychology bắt nguồn từ “psyche" được cho là tâm hồn, linh hồn và hậu tố “logia" là học thuyết, khoa học. Vì vậy, khi nhắc đến tâm lý học chính là nhắc đến ngành khoa học về tâm hồn mà trong đó, tâm lý học hành vi là một trong những phân ngành quan trọng của nó.
Tâm lý học hành vi (Behavioral psychology) hay chủ nghĩa hành vi là những nghiên cứu về mối liên hệ giữa hành vi và lý trí con người. Theo đó, hành vi có thể được học tập một cách có hệ thống và được quan sát một cách rõ ràng từ bên ngoài, trong khi lý trí lại thuộc về phần bên trong của con người bao gồm cảm xúc, suy nghĩ và tư tưởng. Về cơ bản, người ta chỉ xét đến những hành vi quan sát được, còn những thứ như nhận thức, cảm xúc và tâm trạng, đều khó có thể nắm bắt.
Quan điểm tâm lý học hành vi
Quan điểm tâm lý học hành vi của John Broadus Watson (1878 -1958)
Năm 1913 với bài phân tích của John B. Watson có tên là “Psychology as the Behaviorist Views It.” (Tạm dịch: Tâm lý học qua cái nhìn của nhà hành vi học) đã đặt nền móng cho sự ra đời của thuyết tâm lý học hành vi.
Những cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa hành vi do Watson xây dựng lên được thể hiện qua một số nội dung như:
1. Tâm lý học hành vi tuyên bố không quan tâm đến việc mô tả, giảng giải các trạng thái tâm lý của ý thức mà chỉ quan tâm đến hành vi của tồn tại người, đối tượng của tâm lý học hành vi là hành vi con người. Hành vi được xem là tổ hợp các phản ứng của cơ thể trước các kích thích của môi trường bên ngoài.
2. Theo Watson có 4 loại hành vi: hành vi bên ngoài, hành vi bên trong, hành vi tự động minh nhiên và hành vi tự động mặc nhiên. Theo ông, mọi việc con người làm kể cả suy nghĩ đều thuộc một trong bốn loại hành vi này. Nghiên cứu dùng các phương pháp khoa học khách quan, sử dụng phương pháp ghi chép các sự kiện kiểm soát được về quá trình cơ thể thích nghi với môi trường.
3. Trong tâm lý học hành vi cổ điển, hành vi của động vật và người bị đơn giản hóa thành những cử động cơ thể. Nhờ những cử động đó với tính cách là “một cơ quan biết phản ứng” hay “một hệ thống vật lý” thích nghi với môi trường để đảm bảo sự sống còn. Quan sát cũng như giảng giải hành vi đều phải tuân theo công thức S - R. Trong đó S là kích thích, R là phản ứng. Kích thích có thể là một tình huống tổng quát của môi trường hay một điều kiện bên trong nào đó của sinh vật, phản ứng là bất cứ cái gì mà sinh vật làm và nó bao gồm rất nhiều thứ.
4. Với công thức S - R, Watson đã đặt cho thuyết hành vi mục đích cao cả là điều khiển hành vi động vật và con người. Lấy nguyên tắc "thử - sai" làm nguyên tắc khởi thuỷ điều khiển hành vi. Hành vi chỉ là mối liên hệ trực tiếp “cơ thể - môi trường”; theo đó, tâm lý, ý thức chẳng qua chỉ là những hiện tượng thừa. Tâm lý học với tư cách là khoa học về hành vi có trách nhiệm vứt bỏ toàn bộ các thuật ngữ của tâm lý học cấu trúc và tâm lý học chức năng như ý thức, trạng thái và quá trình ý thức, lý trí và hình ảnh…
Do lấy hành vi làm đối tượng nghiên cứu và dùng phương pháp khoa học tự nhiên, tâm lý học lần đầu tiên của Watson có dáng dấp tâm lý học khách quan và còn một số hạn chế.
Quan điểm tâm lý học hành vi của Burrhus Frederic Skinner (1904 - 1990)
Bên cạnh Watson, B.F.Skinner là đại biểu tiêu biểu của một trong các xu thế của thuyết hành vi cấp tiến. Skinner đổi mới thuyết hành vi cũ của Watson, hình thành thuyết hành vi của mình dựa trên nguyên lý vận hành có điều kiện.
Toàn bộ học thuyết này xoay quanh điểm cốt lõi là điều kiện thao tác. Skinner đã phát hiện ra một yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tạo tác của con người là kích thích củng cố. Những kích thích này thúc đẩy gia tăng tần số thực hiện lại hành vi nào đó trong tương lai. Khi thực hiện hành vi sẽ đưa đến một kết quả nhất định, và chính kết quả này lại quay trở lại tác động khiến hành vi lặp lại.
Nội dung chính của học thuyết này bao gồm một số điểm nổi bật sau:
1. Điều kiện thao tác: Điều kiện thao tác liên quan đến việc áp dụng sự củng cố hoặc trừng phạt sau một hành vi. Nó tập trung vào việc tăng cường hay làm yếu đi các hành vi tự nguyện. Điều kiện thao tác tập trung vào việc sử dụng, củng cố hoặc trừng phạt để làm gia tăng hoặc giảm thiểu một hành vi. Thông qua quá trình này, một mối liên kết được hình thành giữa hành vi và hệ quả của hành vi đó.
2. Hành vi tạo tác: Theo Skinner, cả động vật và người có 3 dạng hành vi: hành vi không điều kiện, hành vi có điều kiện và hành vi tạo tác. Sự khác biệt đầu tiên giữa hành vi có điều kiện với hành vi tạo tác là hành vi có điều kiện xuất hiện nhằm tiếp cận một kích thích củng cố, còn hành vi tạo tác nhằm tạo ra kích thích củng cố.
Theo thuyết hành vi tạo tác, nhiều trả lời của cơ thể không phải do một kích thích không điều kiện nào đó gây ra, mà do tự phóng ra. Phản ứng nảy sinh để trả lời kích thích vô điều kiện và có điều kiện được Skinner gọi là các phản ứng loại S. Các phản ứng do cơ thể tự phóng ra xếp vào loại R và được gọi là hành vi tạo tác.
Hành vi tạo tác là hành vi được hình thành từ một hành vi trước đó của chủ thể, do tác động vào môi trường và được củng cố, đóng vai trò là tác nhân kích thích. Cơ sở sinh học của hành vi tạo tác là phản xạ tạo tác. Một khác biệt nữa giữa hành vi đáp ứng với hành vi tạo tác là hành vi tạo tác tác động đến môi trường bao quanh cơ thể, trong khi hành vi đáp ứng không làm điều đó.
Có thể thấy, về cơ chế sinh học, cả hành vi có điều kiện cổ điển lẫn hành vi tạo tác đều có cơ sở là phản xạ có điều kiện, nhưng chúng khác nhau về tính chủ động của hành vi cơ thể đối với kích thích của môi trường.
Còn về nguyên tắc, cả 2 đều là sơ đồ trực tiếp S - R. Trong sơ đồ hành vi tạo tác, hành vi củng cố có vai trò kích thích trong sơ đồ S đến R. Vì vậy, có thể diễn đạt mối quan hệ này trong công thức S - R - S - R. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng trong phản xạ có điều kiện cổ điển yếu tố nhu cầu của cá nhân không được tính đến. Ngược lại, trong phản xạ tạo tác, yếu tố nhu cầu quyết định việc nảy sinh phản ứng.
3. Về sự củng cố: B.F.Skinner dành trọn niềm tin và sức lực có thể có của mình cho sự củng cố hành vi. Trong mọi trường hợp, kể cả các thực nghiệm trên động vật và con người, trong bộ máy khái niệm của ông, phản ứng tạo tác và củng cố hành vi bao giờ cũng là hai khái niệm chủ yếu. Không có củng cố trực tiếp thì không thể có hành vi tạo tác. Có củng cố là có sự xuất hiện phản ứng. Qua các công trình nghiên cứu, ông khẳng định, xác suất xuất hiện, tần số và cường độ của phản ứng tạo tác hoàn toàn tuỳ thuộc và củng cố và cách củng cố. Skinner cho rằng, có thể phân loại các hình thức củng cố khác nhau thành hai loại: tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, về phương diện chức năng, cả củng cố tích cực và củng cố tiêu cực đều nhằm tăng cường hành vi mong muốn.
Sách về tâm lý học hành vi
Để hiểu rõ hơn về tâm lý học hành vi, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số cuốn sách về đề tài này. Tiêu biểu có thể kể đến:
- Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính của Richard Thaler: Cuốn sách là sản phẩm kết hợp tài tình những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học và kinh tế học. Với tài kể chuyện lão luyện và óc hài hước đáo để Richard Thaler sẽ khai sáng bạn về cách đưa ra những quyết định thông minh hơn trong thế giới ngày một bí hiểm.
- Hiểu hết về tâm lý học của Jo Hemmings: Cuốn sách sẽ dẫn dắt bạn qua hành trình tìm hiểu các học thuyết và trường phái tâm lý, về cách các nhà tâm lý diễn giải hành xử và tâm trí con người. Tại sao chúng ta có những hành vi, suy nghĩ và cảm xúc như vậy, chúng diễn ra và kết thúc như thế nào, chúng ảnh hưởng lâu dài, gián đoạn hay ngắn ngủi đến đời sống của chúng ta ra sao, làm thế nào để chúng ta thoát khỏi những tác động tiêu cực của chúng?
- Phi lý trí: Là một trong những cuốn sách hấp dẫn đầy cảm hứng của Dan Ariely. Nó buộc bạn phải suy nghĩ kỹ hơn về tất cả những hành vi, những sai lầm của mình để sống hợp lý và tốt đẹp hơn.
- Chúng ta quyết định như thế nào của Jonah Lehrer: Cuốn sách sẽ đem đến cho bạn những hiểu biết sâu sắc và cặn kẽ về các hoạt động tế vi bên trong não bộ khi chúng ta đưa ra một quyết định. Bạn sẽ khám phá ra rằng chính cảm xúc – chứ không phải lý trí – mới là nhân tố giúp chúng ta quyết định một cách sáng suốt.
Ngoài ra, cũng còn rất nhiều những cuốn sách bổ ích khác về đề tài tâm lý học hành vi mà bạn cần tham khảo như: Tâm lý học hài hước của tác giả Richard Wiseman; Tâm Lý Học – Nghệ Thuật Giải Mã Hành Vi của tác giả Trần Lộ hay Tâm lý học trong nháy mắt của Nhóm EzPsychology,.....
Khóa học về tâm lý học hành vi
Bên cạnh việc đọc sách để hiểu rõ về tâm lý học hành vi, bạn cũng có thể tham khảo một số khóa học miễn phí về chủ đề này trên các nền tảng sau:
Nền tảng trực tuyến Coursera với các khóa Tâm lí của mức độ mến mộ, Tâm lí học tích cực…
Nền tảng trực tuyến Highbrow với các khóa: Nhập môn nhanh về tâm lí xã hội, Tâm lí thuyết phục,..
Nền tảng trực tuyến edX với các khóa: Khoa học hạnh phúc, Trở thành một con người bền bỉ - Khoa học điều khiển sự căng thẳng,...
Ứng dụng tâm lý học hành vi
Không phải là một trong những lý thuyết khó nhằn, cao siêu, tâm lý học hành vi được ứng dụng rất nhiều trong mọi lĩnh vực từ cuộc sống, tình yêu cho đến chứng khoán hay marketing…
Tâm lý học hành vi trong cuộc sống
Tâm lý học hành vi mang tới nhiều lợi ích cho cuộc sống hiện đại. Thông qua nghiên cứu hành vi, mọi người có thể đánh giá được suy nghĩ, tâm lý của đối phương, từ đó đưa ra những hành động nhanh chóng và đúng đắn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn giải quyết được công việc một cách nhanh hơn nhờ việc phân tích tâm lý trong từng hoàn cảnh, từ đó cuộc sống sẽ diễn ra dễ dàng và trơn tru. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, xã hội đổi mới với những guồng quay mạnh mẽ đòi hỏi mỗi người phải đối mặt với áp lực công việc, gia đình, cộng đồng,... việc nhận biết tâm lý của chính bản thân sẽ giúp mỗi người tránh được những khó khăn, bệnh lý về cảm xúc, suy nghĩ, ưu tiên dành thời gian và có những hành động đúng đắn cho bản thân.
Tâm lý học hành vi trong tình yêu
Một trong những ứng dụng tuyệt vời của tâm lý học hành vi có lẽ phải kể đến khía cạnh tình cảm. Trong tình yêu, việc nắm bắt được tâm lý của đối phương là vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Khi hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của người mình yêu, ta có thể dễ dàng phát triển mối quan hệ ở một tầm cao mới, nơi cả hai đều có những trải nghiệm tuyệt vời và hạnh phúc. Tâm lý học hành vi trong tình yêu cũng giúp chúng ta tránh được những thái độ tiêu cực như cãi vã, chỉ trích, mỉa mai… nhằm giữ gìn mối quan hệ bền chặt.
Tâm lý học hành vi trong chứng khoán
Yếu tố tâm lý học thường được rất ít nhà đầu tư quan tâm và coi trọng, tuy nhiên, trên thực tế, nó lại là một trong những yếu tố đặc biệt giúp cho các nhà đầu tư thành công. Thị trường chứng khoán là nơi được dẫn dắt bởi bộ não con người, chính vì vậy, nghiên cứu được tâm lý của thị trường sẽ giúp người đầu tư đưa ra những nhận định và giá trị cốt lõi để đầu tư một cách đúng đắn. Ngoài ra, việc nắm bắt tâm lý thị trường và các đối thủ cũng giúp cho nhà đầu tư xây dựng được định giá hợp lý, kiểm soát được các yếu tố cảm xúc trong đầu tư và nâng cao được năng lực đầu tư cá nhân.
Tâm lý học hành vi trong marketing
Để thuyết phục được khách hàng, trước hết những người làm về marketing đều phải hiểu họ muốn gì và làm cách nào để hoàn thành mong muốn ấy của họ. Chính vì thế mà tâm lý học đóng góp một phần không nhỏ vào lĩnh vực này. Theo đó, hầu hết mọi lý thuyết về tâm lý học đều có thể áp dụng vào marketing. Nghiên cứu về tâm lý học hành vi của người tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện chiến lược truyền thông và đưa ra những hướng đi đúng đắn. Đặc biệt thông qua các yếu tố: cho đi nhận lại, tính thẩm quyền, sự cam kết, tính yêu thích và sự khan hiếm sẽ phần nào tạo cho doanh nghiệp những kế hoạch chính xác, đem lại kết quả tuyệt vời.
Như vậy, có thể thấy, tâm lý học hành vi là một trong những nhánh vô cùng quan trọng của ngành khoa học nghiên cứu về tâm lý. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nắm bắt được tâm lý học hành vi sẽ giúp bạn hiểu hơn về những người xung quanh và chính bản thân mình, từ đó đưa ra được những hành động đúng đắn và giúp cuộc sống diễn ra dễ dàng hơn.
Nguồn:
Đọc thêm:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất