Trước khi đặt câu hỏi về tâm lý học có phải là một ngành khoa học hay không thì phải hiểu về khoa học.
Bởi vì ta thấy rằng đối tượng nghiên cứu của tâm lý là kinh nghiệm chủ quan. Những thứ khá riêng biệt và cá nhân, hiện nay một số nhà khoa học tự nhiên cũng chưa coi tâm lý học là một ngành khoa học.

Khoa học là gì ?

Mọi con người bình thường ở mọi thời đại đều đã từng quan sát mặt trời mọc và lặn và các chu kỳ khác nhau của mặt trăng. Những người có tư duy hơn thì bắt đầu đặt câu hỏi: "Tại sao? Tại sao khi mặt trăng khi tròn khi khuyết ? Tại sao mặt trời lúc mọc lúc lặn, và nó lặn về đâu ?" Ở đây chúng ta có hai yếu tố của khoa học thời cận đại: việc quan sát tạo thành yếu tố thường nghiệm hay sự kiện, và cố gắng hệ thống để giải thích các sự kiện này tạo thành yếu tố lý thuyết. Khi khoa học phát triển, thì có sự chuyên môn hóa, hay phân công; một số người dành thời gian chủ yếu cho việc quan sát, trong khi một số ít hơn chuyên lo các việc giải thích. - Clark L. Hull (1943)
Nếu nghĩ kỹ lại thì hoạt động của chúng ta chủ yếu dựa vào quan sát và bắt chước lại những quy luật tự nhiên, rồi ứng dụng những quy luật này theo nhiều cấp độ để từ đây xây dựng và tổ chức cuộc sống theo ý muốn, trở nên tiện nghi hơn, cải thiện hơn. Ví dụ: Qua quan sát lâu ngày bạn thấy rằng mặt trăng trên bầu trời lúc tròn, lúc khuyết, và luôn luân phiên thay đổi hình dạng sau một khoảng thời gian nhất định, vì thế để biết được khoảng thời gian cụ thể là bao lâu thì mặt trăng thay đổi hình dạng, cũng như để hiểu được khi nào thì mặt trăng tròn hay khuyết, bạn bắt đầu ghi chép, để những ghi chép trở nên có ý nghĩa, bạn phải tổng hợp, phân loại và đúc kết ra quy luật; chưa dừng lại, để kiểm tra lại tính đúng đắn của quy luật bạn đã đúc kết, thì quy luật đó phải tiên đoán đúng trên thực tế về hình dạng của mặt trăng trong khoảng thời gian cụ thể, sau đó nếu đúng thì phần trăm tiên đoán đúng là bao nhiêu ? Do đó, để đi từ quan sát đến ứng dụng, những kinh nghiệm cũng như thông tin phải được diễn giải, xây dựng ổn định thành một hệ thống lý thuyết.

Một khái niệm nhanh về Duy nghiệm và Duy Lý:

Duy nghiệm: Con người cảm nhận thế giới qua các giác quan, và chỉ trong những trải nghiệm giác quan này mà hình thành nên khái niệm về thế giới bên ngoài. Chính vì thế sự thật mà con người nắm giữ hoàn toàn bị giới hạn bởi những khả năng giác quan của họ. Có thể hiểu như, do cấu tạo sinh học và vật lý của đôi mắt mà chúng ta thấy được ánh sáng trong những bước sóng nhất định, thường thì màu sắc mà ta nhìn thấy hằng ngày là những phản chiếu của ánh sáng thuộc những bước sóng ấy, nhưng với tia hồng ngoại hay UV thì ta lại không thể thấy. Tuy nhiên với những loài động vật khác thì chúng lại có khả năng thấy được các bước sóng khác nằm ngoài vùng khả kiến của con người. Ta không thể nói rằng thế giới mà ta thấy thì thật hơn là thế giới của một chú chó, một chú mèo nhìn thấy. 
Duy lý: Theo nghĩa rộng nhất, đó là quan điểm cho rằng lý tính là nguồn gốc của tri thức hay sự minh giải. Nói cách khác, chủ nghĩa duy lý là một phương pháp hoặc học thuyết mà trong đó tiêu chuẩn về chân lý không có tính giác quan mà có tính trí tuệ và suy diễn logic. Duy lý dựa trên bằng chứng, tư duy. (Nguồn: Wikipedia)
Sau khi hiểu qua được duy nghiệm và duy lý, thì khi đọc câu: "Khoa học là sự kết hợp giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý" ta có thể tiếp tục được mà không bị khựng lại do chẳng hiểu duy nghiệm hay duy lý là gì.
Vậy thì có thể nói khoa học là một công cụ khá mạnh vì nó là một sự kết hợp giữa hai thuyết trên.
Trong quan niệm truyền thống về khoa học, có hai thứ cần chú tâm vào đó là sự quan sátlý thuyết khoa học. Theo như mình hiểu, thì mọi thứ bắt nguồn từ sự quan sát. Nó là cái bắt đầu nhưng không phải là duy nhất, một ngày chúng ta thấy bao nhiêu là thứ, quan sát biết bao nhiêu là hiện tượng, ví dụ như đàn kiến bò, xe cộ qua lại trên đường, cái lá rụng rồi bị gió cuốn đi. Với một sự hỗn tạp như thế thì việc quan sát đơn thuần không mang lại bất cứ ý nghĩa nào, chỉ khi quan sát kết hợp với diễn giải, phân tích, tổng hợp, liên kết... thì chúng ta mới có thể biết về hiện tượng được quan sát một cách gọi là mạch lạc, có hệ thống và có ý nghĩa. Khi những quan sát được hệ thống hóa lại bằng các thao tác tư duy thì được gọi là lý thuyết. Ở đây có hai câu hỏi đặt ra, một là tại sao con người lại hay gán cho những quan sát, cảm nhận của mình một ý nghĩa nào đó ? Thứ hai là người ta dựa vào đâu (cơ sở) để hình thành nên những ý nghĩa cho vạn vật ?
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, chúng ta cần biết được khoa học ra đời để làm gì ? Như đã nói ở trên, thì khoa học là một công cụ. Mỗi một công cụ sẽ phục vụ cho một mục đích nào đó. Vậy thì nhìn vào những gì khoa học đang làm hiện nay, có lẽ bạn cũng biết nó dùng để làm gì. Rút ra quy luật, tiên đoán khả năng, ứng dụng chế tác, sản xuất, kiểm soát bất định, tăng tính ổn định và khiến mọi thứ dễ dàng, thuận tiện, hạnh phúc hơn,... Nếu chỉ ngồi quan sát kiến bò cả ngày rồi lại quay qua ngắm lá rơi cả buổi mà không suy nghĩ, tư duy, hành động thì có lẽ bạn sẽ sống một cuộc sống giống với chú chó Lu hơn là cuộc sống của một người làm việc khoa học
Với câu hỏi thứ hai, cơ sở nào mà người ta dựa vào, để nói rằng một hiện tượng có một ý nghĩa nào đó ? Khoa học dựa vào một giả thiết, đó là tất định luật, hay quan hệ nhân quả. Như Newton phát biểu trong ba định luật về chuyển động của ông (mà mình đã học hồi lớp 10 á), hoặc như trong Phật giáo thì là "gieo Nhân nào gặt Quả đó", cũng giống như việc đói thì ăn, khát thì uống, thấy chó dữ thì sợ. Có thể bạn sẽ thấy cái này hiển nhiên quá, vậy thì khoa học đúng là chân lý rồi, nhưng mà bạn ơi, tại sao bạn đói, tại sao bạn khát, tại sao bạn sợ, khoa học vẫn còn đang đi tìm câu trả lời, bạn có thể thấy người ta dùng quan hệ nhân quả để giải thích mọi thứ, và nếu tìm hiểu tận cùng thì vẫn còn đó những câu trả lời dang dở, những khoảng trống chưa được lấp đầy, như thể tầng sâu vô thức mà bạn gặp được trong giấc mơ nói rằng ý thức bạn thật kém cỏi. Nhưng với sự nghi ngờ không giới hạn và cũng không nên bị giới hạn, thì quan hệ nhân quả là một giả thiết vẫn đang tiếp tục được nghi vấn.
Đó, vậy là mình đã viết ra được một số thứ mình đọc hiểu được về khoa học, nhưng mà đây mới chỉ là quan điểm truyền thống. Bạn biết mà, "phản tư và không ngừng phản tư", thì quan điểm truyền thống trên về khoa học vẫn tiếp tục được xem xét và hiện tại có những phản biện nào, thì mình xin viết tiếp ở phần sau. Còn để biết được tâm lý học có phải là một ngành khoa học hay không thì bạn cần kiên nhẫn xíu hen.
Mời bạn đọc tiếp phần cuối tại đây: