Yêu đương khi không hoặc chưa xác định lâu dài gì khác rất nhiều với khi chính thức trở thành vợ chồng. Bài viết đề cập tới những sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn này, coi như chuẩn bị tâm lý cho những ai đang có ý định kết hôn nhé :D

1. Trách nhiệm

Cặp đôi lúc mới yêu không gặp thì tin nhắn mùi mẫn, gặp thì tíu tít vui vẻ, rủ nhau đi chơi hay lượn phố, bởi ngoài việc học hay đi làm ra, thì hầu như chẳng còn trách nhiệm gì khác. Có chăng thì là cảm giác trách nhiệm muốn làm người kia vui, muốn chu cấp bảo vệ hay chăm sóc cho người ấy. Thậm chí, cái suy nghĩ "sẵn sàng hy sinh vì người yêu" dễ nảy lên trong đầu, dễ nói ra, và cảm giác cũng dễ thực hiện, vì bạn có gì để mất đâu? Mối lo của cặp người yêu khi này chỉ là hôm nay đi chơi ở đâu, ăn gì? Có ngày lễ nào, nên tặng quà gì v...v.. Vì thế, yêu ở giai đoạn này chỉ đơn thuần là yêu, ở hình thái đơn giản nhất của nó.  
Khi kết hôn, ngoài yêu người bạn yêu, bạn còn phải "yêu" lấy cả gia đình người ấy, thậm chí cả bạn thân của người ấy (và ngược lại). Mà "yêu" đi cùng với trách nhiệm, cũng tức là số thời gian rảnh của bạn bây giờ phải chia ra cho ngần ấy người. Số lần được lên phố đi bộ lượn lờ, hay ngồi vỉa hè xỉa ốc bị hạn chế lại. Mối lo của hai người giờ trở nên to hơn, bao gồm tiết kiệm tiền mua nhà, mua xe, sắm sửa đồ đạc trong nhà, lập kế hoạch có tài khoản tiết kiệm riêng phòng đau ốm, kiếm thêm thu nhập. Nếu có con thì mối lo tăng lên gấp bội. Vậy là ngay lập tức, chỉ sau 1 ngày (tức ngày cưới), số trách nhiệm bạn phải gánh, dù bạn là vợ hay chồng, đột nhiên tăng gấp trăm lần. 
Vì vậy, ngoài tình yêu và sự hòa hợp, hãy tính cả tới số lượng và sức nặng của những trách nhiệm bạn chuẩn bị PHẢI gánh vác, xem mình có đủ sức không. Nếu hiện tại không thì mình có đủ quyết tâm và tình yêu với người kia để thúc đẩy bản thân trở nên tốt hơn không? Người kia có cùng hợp tác với mình để chia sẻ trách nhiệm không? Nếu câu trả lời đều là không thì đừng nhắm mắt nhắm mũi vào kết hôn trong cơn say tình để rồi phải đổ bể sau này.

Đọc thêm:

2. Hơn cả yêu
Như nói ở trên, khi yêu, kể cả hai người có đi làm rồi đi chăng nữa, thì mối lo của hai người vẫn còn rất ít, từ đó họ tập trung được vào thứ lớn nhất làm họ cảm thấy hạnh phúc: tình yêu giữa hai người. Họ cũng có cả tá thời gian làm bồi đắp, vun vén, tiếp lửa cho tình yêu ấy bùng cháy ngày càng mãnh liệt hơn. Cả thế giới lúc này dường như chỉ còn hai người họ, và họ cũng chỉ cần lẫn nhau. Ở VN, đa phần các cặp đôi khi ở giai đoạn này vẫn chưa sống chung, tức họ không nhất thiết ở bên cạnh nhau phần lớn thời gian. Mỗi lần gặp mặt, thường họ sẽ cố gắng đem khoe ra những gì tốt đẹp nhất mà họ có: từ ngoại hình tới tính cách. Họ có thể cãi vã, nhưng vì hầu hết mọi suy nghĩ đều hướng về và chỉ hướng về người kia đẹp ra sao, tốt ra sao, đáng yêu ra sao, nên rồi đâu lại vào đấy. Nếu cãi vã không thể giải quyết, phẩy tay phát là đi.
Kết hôn rồi, về cùng một nhà rồi, hình ảnh đẹp tới gần như hoàn hảo về người ấy sẽ bắt đầu có những "vết ố" mà khi chưa ở chung mình chưa bao giờ thấy: bừa bộn, ở bẩn, đối xử với bố mẹ không ra gì, hay đơn giản là chế độ sinh hoạt không điều độ. Thế là cũng chỉ sau 1 ngày (tức ngày cưới), cảm tưởng như thế giới mộng mơ mình vẽ nên khi gật đầu đồng ý sụp đổ cái rầm. Mâu thuẫn nhiều lên, hình ảnh về nhau trong mắt hai người thì xấu đi. Thời gian để vun vén tình yêu không còn nhiều như trước bởi đủ các thứ trách nhiệm lẫn hóa đơn cần phải lo. Kĩ năng xử lý mâu thuẫn gần như không có, vì có bao giờ phải dùng đến? Khi yêu thì cứ im ỉm cho nguôi cơn rồi lại coi như không có gì chứ có bao giờ phải ngồi nghiêm túc nói chuyện đâu? Không nguôi thì nguểnh đít đi mất chứ cần gì phải xử lý? Mà kết hôn thì đâu dễ dàng đi thế, có con rồi thì càng khó hơn. Thế là cảm giác bế tắc, cùng đường kéo tới bởi mình đang phải ở với người không như mình nghĩ và không có lối thoát.
Tình yêu khi kết hôn không còn là tình yêu. Để hôn nhân được tốt đẹp thì thứ tình yêu hai người có khi chưa kết hôn cần phải được "tiến hóa" lên thành nhiều thứ tình cảm khác: yêu, cảm thông, thương, cùng nhiều kĩ năng khác như tôn trọng sự khác biệt, cho nhau sự độc lập cần thiết, hay biết lắng nghe. Tất cả chúng đều là những điều cần được chuẩn bị trước khi kết hôn, nếu không bạn sẽ không còn đủ thời gian hay bình tĩnh để học và áp dụng chúng trong hôn nhân đâu. 

Đọc thêm:

3. Hôn nhân nên có lí trí

Có rất nhiều người khi chưa kết hôn tin rằng "cứ có tình yêu là đủ", hay "yêu đủ nhiều thì điểm xấu đều có thể bỏ qua được hết" . Tôi thấy suy nghĩ đó có thể thông cảm được, nhưng không có nghĩa là nó đúng về lâu dài. 
Yêu nhau rất nhiều KHÔNG có nghĩa là người đó sẽ sẵn sàng thay đổi những thói quen của họ, lối sống của họ để hòa hợp với bạn (và bạn cũng chưa chắc làm được điều đó). Bỏ qua cho nhau những điểm xấu, hay coi như mâu thuẫn chưa từng xảy ra KHÔNG phải là cách để hai người có thể thực sự gắn kết. Hai bạn yêu nhau nhiều tới nỗi có thể nói "Tôi đồng ý" nhanh chóng KHÔNG có nghĩa các bạn đã sẵn sàng cho nó, hay hiểu được nó có nghĩa là gì.  
Suy nghĩ "Nếu mình yêu người ấy đủ nhiều thì sẽ thay đổi được người ấy" đẹp, nhưng non nớt, bởi 1. Một người trưởng thành chỉ có thể thay đổi thực sự khi người ấy muốn thay đổi, tức ý muốn thay đổi phải tới từ người đó chứ không phải do bạn. Và 2. Việc người ấy yêu bạn tới đâu cũng không liên quan tới việc người ấy có thay đổi theo ý bạn muốn hay không. Họ có thể thay đổi, nhưng không theo hướng bạn cần, hay theo mức độ bạn muốn. Thay đổi vì nhau chỉ có một mức độ nhận định, bởi thay đổi quá nhiều thì con người thật sẽ bị bóp méo hoàn toàn. Nếu bạn thấy có quá nhiều sự khác biệt quá lớn giữa hai người, hãy nghĩ kĩ xem bạn hay người ấy có cảm thấy thoải mái hay sẵn sàng hy sinh khi phải thay đổi nhiều tới vậy hay không để sống chung được với người kia. 
Tất cả những điều trên có nghĩa là, bạn nên biết dùng lí trí của mình, RẤT NHIỀU khi tính tới chuyện kết hôn. Tình yêu cũng vậy, nhưng bạn có thể cho phép mình bớt lý trí hơn khi bạn không xác định lâu dài với người kia. Riêng hôn nhân, dù bạn yêu người kia tới mấy, và dù bạn cảm nhận được tình yêu to lớn tương tự từ người kia, bạn thực sự nên dùng lí trí để nghĩ thật kĩ về tất cả những điều bên trên để xem xem: bạn có thể sống cùng người này TỚI SUỐT PHẦN ĐỜI còn lại hay không? Đừng để cơn say tình cuốn vội bạn vào một cuộc hôn nhân, để rồi khi thực tế cuộc sống với bộn bề âu lo vả bạn cho tỉnh, thì lúc đó hoặc là bế tắc, hoặc là phải lỡ một lần đò. 
Chúc các bạn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc :)
Youtube Channel Đàn Ông Học: 
Facebook Group Đàn Ông Học: