* Dạo gần đây mình có xem Extracurricular, một series original của Netflix, một “the end of the fuckin world” phiên bản Hàn, một ấn bản in hàng loạt những tội lỗi chẳng của riêng ai hiển phạm trên những người trẻ trong xã hội. Mình xem với một số mảnh vụn cứ vương trong tâm trí, về một số liệu từng đọc “theo báo cáo từ Viện nghiên cứu tội phạm học Hàn Quốc (KIC), mặc dù mại dâm ở quốc gia này là bất hợp pháp, nó thu về xấp xỉ 24 tỉ won vào năm 2019, chiếm tổng 4,1% tổng GDP quốc dân.”, về phòng chat N rúng động với đường dây lên tới 260,000 người, và về chia sẻ của một bạn trên Facebook, nguyên văn là “ước tính có đến khoảng 200.000 người trẻ - 60% trong số này là nữ - đang sống "dạt vòm". Theo số liệu mới nhất của chính phủ, khoảng một nửa trong số 60% trên hiện làm gái mại dâm.” Dù số liệu cuối chưa được kiểm chứng, nhưng đối chiếu với 2 điều trước đó cũng khiến cho mình tin tưởng rằng bộ phim không hề là một vết cắt xa lạ đối với xã hội Hàn.
Bộ phim nói về một Oh Jisoo để kiếm tiền trang trải học phí mà kinh doanh thông qua ứng dụng hẹn hò trả phí, môi giới mại dâm, một Bae Gyuri quá chán ghét cuộc sống giả tạo của bố mẹ giàu có mà nhất quyết tham gia vào những phi vụ đen này, một Seo Minhee cũng chẳng còn bố mẹ, quyết định bỏ nhà ra đi và kiếm tiền bằng cách bán thân cho dịch vụ.
Trong bối cảnh mà các nhân vật đều có lí do “đáng thương” để trở thành một phần của thế giới bóng tối ấy, bộ phim mang đậm nỗ lực về việc tìm kiếm sự tự do ý chí (freedom of will) ở người trẻ. Có thể nhìn thấy rõ từng nhân vật trong hoàn cảnh éo le riêng đều cố gắng để nắm phần kiểm soát cuộc đời mình. Jisoo cần có tiền để sống một cuộc sống bình thường, Minhee cần có tiền để cảm thấy bản thân thuộc về xã hội, có quyền được giao tiếp với xã hội, Gyuri muốn nổi loạn để thoát khỏi sự bí bách ngay trong chính gia đình. Họ đều cố gắng đến gần hơn với quyền lực vật chất để có cảm giác bản thân đang được mở ra với nhiều lựa chọn sống hơn, thay vì bị giam cầm trong chiếc lồng của những chuẩn mực, quy phạm gò bó và chỉ nhìn thấy một tương lai chẳng hề tốt đẹp được bày ra phía trước.
Nhưng đó là lúc ta cần nhìn nhận lại về khái niệm tự do ý chí. Theo quan điểm truyền thống thì ý chí tự do (free will) cho rằng một người có thể kiểm soát được những hành động và quyết định của chính mình, thông qua việc xem xét những nguyên nhân lí trí của vấn đề (mang tính có ý thức). Một ý chỉ chỉ được xem là tự do khi nó được lựa chọn giữa nhiều options khác nhau. Đây là một trong những quan điểm quan trọng của chủ nghĩa cá nhân, nhằm thúc đẩy năng lực nội tại và quá trình vật chất hóa các sản phẩm tư duy.
Tuy nhiên Nietzsche, cùng với kha khá các triết gia khác không đồng ý với điều này. Họ truy nguyên nguồn gốc của hành động và cho rằng chúng ta không thực sự tự do. Luôn có một điều gì đó tới trước và quyết định ý chí hành động. Ví dụ khi ta làm điều A, đó là do vô số các nguyên nhân B, C, D khởi phát từ niềm tin, mong muốn, tính cách,…(có thể ý thức hoặc không ý thức được) làm dẫn đến hành động đó.
Ngày nay, “tự do ý chí” đã và đang là vấn đề vẫn còn khá nhiều tranh cãi và chỉ mang tính chất tham khảo. Duy một việc khiến cho khái niệm này lâu nay vẫn được chấp nhận và truyền tải rộng rãi, đó là bởi tính chất cổ động của nó đối với người thực hiện hành động, để họ cảm nhận rằng sự tự do nằm trong tay họ và họ là chủ thể lớn nhất quyết định hành động đó.
Tuy nhiên, vẫn chính là Nietzsche không hài lòng với điều này. Triết gia người Đức cho rằng "tự do ý chí" đương thời, về cơ bản chỉ đang tạo ra ảo giác cho người tiếp nhận rằng họ có quyền năng cao lớn, họ đã thấu hiểu chính mình và hành động do “ý chí” đó của họ thì sẽ luôn có giá trị. Và điều đó chỉ đơn thuần là cảm giác, thứ sẽ khiến cho hành động càng trở nên thiếu căn cơ, thiếu mất phần phản biện cho những gì bản thân đặt niềm tin vào. Dẫn đến việc ta dễ bị “đánh lừa” bởi những điều bề nổi mà không thực sự ý thức về cái tôi của mình bao hàm trong đó.
Những nhân vật trong Extracurricular đều tin rằng họ có quyền đạt được tự do về ý chí, họ cố gắng đi từ chỗ rất ít lựa chọn (thiếu hụt về vật chất, bị điều khiến và chi phối bởi người khác), đến nơi mà họ cho rằng sẽ có nhiều lựa chọn hơn (đủ đầy về vật chất, và có khả năng độc lập đưa ra quyết định của mình). Nhưng điều đó không giữ họ đi đúng đường, họ xa rời khỏi hành vi đạo đức từng chút từng chút một. Đó là bởi họ đã lao đi mà quên mất sự nhận diện với chính bản thân mình (gồm cả lí trí và cảm xúc, cả ý thức và vô thức, cả mặt sáng và mặt tối).
Oh Jisoo luôn tin rằng bản thân mình là tốt đẹp, cậu ta hành động xấu chỉ bởi vì gia đình không cho cậu ta lựa chọn (đây là lúc quan điểm về tự do ý chí bỏ rơi con người). Cậu ta bị dằn vặt bởi những điều tội lỗi, nhưng sự chối bỏ với nó đã khiến cậu ta tiếp tục sa lầy mà không đong đếm được mức độ khổ sở của mình. Một chi tiết điển hình trong phim trở thành yếu tố mỉa mai rõ nét cho điều này, đó là tờ giấy gắn cạnh bàn học của Jisoo: “Sky – by one step” (Cách một bước tới bầu trời). Tờ giấy xuất hiện xuyên suốt bộ phim, từ một điều rất tươi sáng và đầy tính khả thi với học sinh trung học ưu tú như Oh Jisoo, ngày càng rời xa cậu cho tới khi mọi thứ trở nên không thể vãn hồi.
Bae Gyuri cũng là một trường hợp đại diện cho rất nhiều người trẻ. Sự thù ghét đối với bậc cha mẹ, những người chỉ sống như cỗ máy mà chẳng hề có cảm xúc hay lắng nghe con cái, áp đặt và đẩy cô tới độ căm phẫn tột cùng với cả sự tồn tại của chính mình, Bae Gyuri rất nhiều lần cố tự tử, và dù không thành, cô tìm ra một cách khác để giải tỏa, giải thoát, đó là hợp tác với Jisoo vào phi vụ môi giới mại dâm, cố gắng khẳng định cái tôi của mình bằng việc khiến cho đường dây trở nên lớn hơn nữa. Trong khoảnh khắc cảm thấy quyền lực tự quyết định dần nằm trong tay mình, Bae Gyuri chẳng còn mấy quan tâm về hậu quả, về tổn thương của người khác, về khuôn khổ đạo đức của xã hội.
Nhưng cũng chính trong bộ phim này, hình ảnh của ốc mượn hồn (loài ốc yêu thích mà Jisoo nuôi) đã thể hiện sự nghi hoặc của chính nhân vật với bản thân và con đường đang đi. Có lẽ đúng như Bae Gyuri nhận xét, Jisoo ở một chừng mực nào đó cũng chỉ là một kẻ nhát gan, mãi trốn chạy và sợ hãi thế giới như loài ốc này. Đó là lúc những nỗ lực tìm đến tự do ý chí trong thông điệp bộ phim cũng dần lung lay.
Vậy nếu không phải là tự do ý chí, điều gì sẽ thực sự cổ động ta vượt qua khó khăn và tiến gần hơn với những điều tốt đẹp?
Hãy tiếp tục thử tìm Nietzsche và hỏi về câu trả lời của ông. Theo vị triết gia này, đó chính là ý niệm về vĩnh cửu luân hồi (eternal return). Đây là ý niệm có phần trừu tượng nhưng cũng là mô tuýp được sử dụng rất nhiều trong điện ảnh. Nếu như bạn thấy quen quen với kiểu phim mà nhân vật bị mắc kẹt trong vòng lặp của thời gian, trải nghiệm những sự việc giống nhau liên tiếp lặp đi lặp lại, thì đúng rồi đấy, bạn đang xem một tác phẩm lấy cảm hứng từ ý tưởng này.
Tuy nhiên điều này chẳng liên quan gì đến một giả tưởng niềm tin về đầu thai hay sự hiện diện của không gian hai chiều, Nietzsche nhấn mạnh hơn ở góc độ tư tưởng (như đề cập trong cuốn The Gay Science của mình):
“Làm sao nếu, một buổi sớm mai hay một đêm trăng nào đó, quỷ dữ đánh cắp bạn vào sâu thẳm đơn độc cô đơn nhất, và nói với bạn rằng: 'Cuộc đời ngươi đang sống, và đã sống, ngươi sẽ sống nó thêm một lần nữa và vô kể lần nữa; và sẽ không có gì tươi mới, mà tất cả sự đau đớn và niềm vui và những ý nghĩ và tất cả những điều nhỏ nhặt nhất hay vĩ đại nhất trong cuộc đời ngươi sẽ trở về với ngươi, theo một trình tự giống hệt - kể cả con nhện kia, hay ánh trăng len lỏi giữa những ngọn cây, hay thời khắc này và cả chính bản thân ta. Đồng hồ cát vĩnh cửu của sự tồn tại được lật ngược một lần nữa, và một lần nữa, và đối với nó, ngươi chỉ là một hạt cát!'”
Đó chính là tinh thần của Vĩnh cửu luân hồi mà Nietzsche muốn được đề cập như một câu hỏi, hơn là một sự thật. “Liệu bạn có ổn không nếu tất cả mọi điều của cuộc sống này quay trở lại một lần nữa và vô kể lần nữa?”, hay nói như ngôn ngữ của William Butler Yeats, “liệu ta có đủ mãn nguyện và hài lòng để sống cuộc đời này thêm vô số vòng lặp hay không?”. Nietzsche gợi ý rằng vĩnh cửu luân hồi chỉ có thể được chấp nhận nếu một người sẵn sàng và có khả năng thích nghi tốt với cuộc sống và với chính mình. Để làm được điều đó, họ cần lắng nghe bản thân để lựa chọn những gì họ thực sự tin là giá trị, lựa chọn nơi họ thực sự có thể tìm thấy và tạo ra ý nghĩa của việc sống. Đó là vấn đề của trách nhiệm và đạo đức và biết gánh vác hậu quả: nếu một trong những lựa chọn của họ sẽ được phát lại vô tận, thì họ nên trở thành những người như thế nào?
** Con quỷ trong câu của Nietzsche dường như có sự tương đồng với sự tồn tại của chú tắc kè (thực ra mình cũng không rõ cụ thể đó là loài gì) trong MV Eight của IU (feat&produce SUGA). Mình nghĩ có lẽ đó là lí do loài sinh vật này xuất hiện khá rình rập ở đầu MV, sau đó thì trở thành loài luôn bên cạnh nhân vật nữ (IU), rồi đến một lúc trong khi ngủ, IU bất chợt tỉnh dậy và tìm kiếm chú tắc kè đó như sự tự ý thức về việc sống, qua phép thử của Nietzsche. Đó có thể là khoảnh khắc cô đơn nhất trong cô đơn mà con người phải trải qua như trong câu nói. Thực sự thì việc lựa chọn một loài vừa không quá xa lạ, lại vừa hơi kì dị một chút như chú tắc kè đó, có lẽ cũng có nguyên do sâu xa.
Mình sẽ đi sâu hơn vào lời của SUGA, người mà mình mang nhiều phần chắc hơn về mức độ ảnh hưởng dưới tư tưởng của Nietzsche:
“Nơi đây hòn đảo nhỏ
Hòn đảo nhỏ ta gây dựng cùng nhau
Là mãi mãi tuổi trẻ, thì ‘mãi mãi’ kia cũng chỉ như lâu đài cát
Khoảnh khắc tạm biệt như báo hiệu về thảm hoạ
Bình minh đón chào khao khát
Cùng nhau trải qua vĩnh cửu này
Hứa gặp lại tại nơi đây lần nữa nhé”
Nietzsche có thể dễ dàng tưởng tượng một cá nhân đón nhận câu hỏi của mình bằng sự tuyệt vọng. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu đó là phản ứng chấp nhận, mong chờ như một điều mà ta ao ước? Theo Nietzsche, đó chính là biểu hiện tận cùng của khẳng định cuộc sống: Chúng ta muốn cuộc sống này, muốn được sống trong lòng nó bất chấp tất cả nỗi đau, căm hận, nhàm chán từng xuất hiện sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại theo, vô kể số lần. Đó là thái độ sống lý tưởng mà theo ông, chỉ có được khi ta tập trung đủ sâu vào hiện tại, biết trân trọng ý nghĩa của khoảnh khắc, biết chấp nhận đau đớn là một phần cuộc sống và khát cầu hạnh phúc ở tương lai.
Đoạn lời hát phản ánh rất rõ tinh thần của một vĩnh cửu luân hồi, nơi mà người sáng tác đã thực sự đặt mình vào câu hỏi của Nietzsche, và viết nên câu trả lời cho bản thân. Đó là câu trả lời của SUGA, hay của “8” hay của IU, của mãi mãi tuổi trẻ, của khoảnh khắc đẹp nhất đời người. Quả thực, Eight là một bài hát càng nghe càng thấy buồn, nhưng rồi càng thấy buồn càng thấy tràn đầy hy vọng và khao khát sống.
Vũ trụ với rất nhiều hàm nghĩa như mở ra trong bài hát này. Hình ảnh của máy bay đi vào vùng bão giống như lời chia ly mà SUGA đã viết, hình ảnh lâu đài cát dành rất nhiều công sức tạo dựng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. “Mãi mãi” rất dài nhưng cũng chẳng bền lâu. Nhưng cùng nhau, chúng mình muốn được sống tại nơi đây thêm một lần nữa, rằng đau đớn, khó khăn, mất mát là không thể tránh được, những kí ức buồn đau vẫn sẽ luôn ở đó, nhưng vượt lên trên tất cả, chúng ta trân trọng khoảnh khắc này khi bản thân còn tồn tại, trân trọng “những kí ức từng vô cùng tươi đẹp”, và vì vậy, từ giờ cho tới mãi mãi, ta nguyện sẽ sống sao cho mãn nguyện để đặt được mình trong vĩnh cửu luân hồi, để sống cuộc đời này thêm vô vàn lần nữa.
Mình không phải người quá tôn sùng triết học của Nietzsche, nhưng ít nhất, mình ngưỡng mộ cách mà những nghệ sĩ trẻ ngày nay đã hiểu, đã truyền tải thông điệp ấy, đáp lại thông điệp ấy, một cách đầy cảm hứng và tự do. Và rồi mình cũng nghĩ tới những hoàn cảnh như trong Extracurricular đã vạch trần, những mảng tối phủ bóng xuống không nhỏ bộ phận thế hệ tương lai của xã hội. Chúng ta thường phớt lờ việc đi tìm đáp án từ bên trong, chúng ta khẩn thiết nhờ tới sự giúp đỡ của xã hội, nhưng rồi chúng ta sẽ ở đâu, sẽ là ai khi không có người khác?
Trước hết hãy thử tự cứu lấy chính mình. Vì chúng ta có quyền được sống. Tốt nhất và đẹp nhất và vĩnh cửu. Tự chủ và tự do từ bên trong.
“Dưới vừng dương phủ sắc cam nơi bóng tối chẳng còn tồn tại
Chúng ta cùng nhau nhảy múa
Quên đi cái gọi là lời chia tay được định đoạt
Gặp mình nơi kí ức đã từng đẹp đẽ nhường này nhé
Chúng ta là mãi mãi thanh xuân.”
____________
Tài liệu tham khảo và đọc thêm:
(1) Cherry, K. (2019). The preconscious, conscious, and unconscious minds.
https://www.verywellmind.com/the-conscious-and-unconscious-…
(2) Popova, M. (2018). Hiking with Nietzsche: on becoming who you are.
https://www.brainpickings.org/…/hiking-with-nietzsche-john…/
(3) Quora. (2014). What does Nietzsche say about free will?
https://www.quora.com/What-does-Nietzsche-say-about-free-wi…
(4) Westacott, E. (2020). Nietzsche's idea of eternal recurrence. https://www.thoughtco.com/nietzsches-idea-of-the-eternal-re…
(5) Younkins, E. (1998). Capitalism and morality.
http://www.quebecoislibre.org/younkins21.html